Trong gió, một nhành mai.
7/11/ 1948 . Mùa đông xứ Huế, trời đất, cỏ cây, nhà cửa …ướt lướt
thướt trong mưa.Và lạnh. Lạnh tím buốt da thịt. Trong ngôi nhà nhỏ của
làng An Cựu Tây quê ngoại, một bé gái vừa mới được sinh ra đời với cái
tên rất đẹp :Tôn Nữ Hoàng Mai.
Sinh ra và lớn lên trong thời đất nước tao loạn, cuộc chiến tranh này
còn chưa kết thúc mà một cuộc chiến tranh mới đã manh nha, nhưng dẫu thế
nào Hoàng Mai vẫn có một tuổi thơ khá êm đềm ở miền đất sông Hương
núi Ngự. Nếp nhà vườn, cuộc sống đơn sơ, thanh bạch tự bao đời dù ông
nội từng làm tới chức quan lãnh binh triều Nguyễn. Người xứ Huế cũng như
xứ sở của mình, luôn có một vẻ riêng, êm đềm, tĩnh lặng, không buồn
quá, nhưng cũng không vui quá , dường như với họ, mọi thứ luôn phải
chừng mực, cái đẹp là sự chừng mực. Hoàng Mai là chị gái đầu trong một
gia đình có tới 10 người con, tuy còn nhỏ nhưng đã phải giúp mẹ đủ mọi
chuyện nấu ăn, quét nhà, giặt giũ, trông em, chăm sóc vườn tược…và rất
nhiều những công việc không tên khác. Sự bận rộn khiến cô sớm chững
chàng, ra dáng một người con gái Huế biết tảo tần, đảm đang lo toan
gánh vác việc gia đình. Nhưng Hoàng Mai vẫn là một cô bé rất ham chơi.
Cô ham thích cùng bạn bè trong xóm chơi đủ các trò ô làng, nhảy dây, u
mọi…Và hơn hết, Hoàng Mai là cô học trò nhỏ rất ham học với tính cách
sống động. Trong lớp, cô hay hỏi, hay mạnh dạn đưa tay phát biểu chứ
không nhút nhát, e dè. Được thầy khen, được thầy cho điểm tốt với cô là
niềm vui lớn lao không gì sánh được . Học cấp I ở trường tiểu học Xuân
Hòa, cấp II ở trường Bồ Đề Thành Nội, rồi mấy năm sau, thoáng chốc trở
thành cô nữ sinh Đồng Khánh với tà áo dài trắng, với chiếc nón bài thơ
ngày ngày duyên dáng thướt tha qua chiếc cầu Tràng Tiền nổi tiếng của
miền đất mẹ Thần Kinh, ngày ấy vẫn còn nguyên mười hai nhịp. Không biết
có anh con trai nào ngày ấy bất chợt nhìn cô mà cảm thấy trái tim mình
lỗi nhịp:
Răng em biết anh nhìn mà em nghiêng nón
Trời mùa thu mây che có nắng mô em…
Nếu hỏi rằng trong cuộc đời mình, thời gian nào cô cảm thấy hạnh phúc
nhất, có lẽ cô Hoàng Mai sẽ không ngần ngại trả lời : Đó là khi cô thi
đậu tú tài rồi ghi danh vào học Đại học Khoa học Huế (1968). Đó
là khi cô được may mắn bước qua cái ngưỡng của sự trầm mặc, kín đáo
và chật chội cố hữu tự hằng trăm năm của một Công Tằng Tôn Nữ ở kinh
thành Huế để đến với chân trời tri thức bao la của thế giới, của nhân
loại. Trí thông minh được phát triển. Niềm hạnh phúc thật lớn lao. Ngày
ngày cô thường đi thật sớm để có chỗ ngồi tốt trong các giảng đường. Cô
học giỏi môn địa chất, thường thầy khen và được điểm A+ môn học này. Cô
say mê các giờ thực hành thực vật, động vật, say mê vẽ hình các động
vật nguyên sinh nhìn qua kính hiển vi…
Đó cũng là khi chàng sinh viên đẹp trai, tài hoa (sau này là người
chồng _thầy giáo Trương Văn Phó ) ở cùng làng, học chung trường, hơn cô
một lớp bắt đầu ngấp nghé . Thư từ, hoa dại và nhẫn cỏ qua lại . Có yêu
nhau đến mức “về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay “chưa ???Chưa, chưa hẳn,
nhưng gia đình cô nói rằng : “Con gái lớn trong nhà, lấy chồng sớm để
mấy đứa em gái cũng được suôn sẻ.”.Vậy là cô lấy chồng khi còn đi
học.Và có bầu cũng khi còn đi học.
Có bầu nhưng vẫn đi học, bạn bè chọc quê, Hoàng Mai vẫn tỉnh như không.
Sinh con mới được một tháng, lại tiếp tục ôm cặp tới giảng đường vì có
thầy ở Sài Gòn về dạy. Cô con gái đầu lòng bé bỏng, Trương Thị Thủy
Tiên, được gửi cho bà nội và người cô trông nom cho đến khi Hoàng Mai
thấy Thủy Tiên khóc nhiều và phát hiện con gái mình bị nhiễm trùng rốn.
Cô quyết định nghỉ học, ở nhà chăm sóc con cho đến khi lành bệnh.Vì lẽ
đó, sự học của cô đã phải dừng lại. Sau này, mấy con cô hay chọc cô :”Mạ
chưa học xong mà mạ đã lấy chồng". Cô không ân hận vì quyết định nghỉ
học ở nhà nuôi con, nhưng cô lấy đó làm kinh nghiệm sau này khi nuôi
dạy con gái, đứa nào cũng phải học hành xong xuôi, có nghề nghiệp ổn
định rồi mới lập gia đình.
Sau đó, mặc dù ngày ngày không được đến với giảng đường đại học, những
tháng ngày hạnh phúc vẫn tràn trề. Người chồng trách nhiệm, mẫu mực,
đầy lòng yêu thương, cô con gái xinh xắn khiến ngôi nhà nhỏ luôn đầy
tiếng cười. Ngày 1 tháng 5 năm 1972, hạnh phúc biết dường nào khi cô
được bổ nhiệm dạy học ở trường trung học Đông Giang_ Đà Nẵng, ngôi
trường chồng cô cũng đang dạy học, bấy giờ thầy Lâm Sĩ Hồng đang làm
hiệu trưởng. Làm cô giáo, làm vợ, làm mẹ, cũng là làm chị của những em
ruột , em chồng đang ở cùng nhà. Cả thầy và cô đều là anh chị cả trong
những gia đình truyền thống rất đông con, và giờ đây, khi đã trưởng
thành, có nghề nghiệp vững vàng, thầy và cô đều phải gánh vác trách
nhiệm thay cha mẹ già nuôi dạy em út học hành. Trách nhiệm lớn lao nhưng
không ai cảm thấy nặng nề, không ai có một lời phiền hà, ta thán. Nét
đẹp của đức hy sinh, sự khiêm nhường thầm lặng, giản đơn như tự nhiên là
thế. Cô dạy học ở trường Đông Giang, mở trường tư thục mẫu giáo Chim
Non ở Sơn Trà, dạy thêm tiếng Anh cho người làm sở Mỹ vào buổi tối, mở
cửa hàng bán sách vở, dụng cụ học sinh …Thầy cũng rất giỏi giang, năng
nổ. Ai là học sinh Đông Giang những năm 70 đều rất yêu mến và kính trọng
thầy .Cuộc sống bận rộn nhưng bình yên, hạnh phúc biết bao! Những chiều
mùa hè, đôi vợ chồng thầy cô giáo trẻ cùng mấy cô con gái nhỏ chở nhau
trên một chiếc Honda ra biển Mỹ Khê. Tắm biển, rồi ngồi bên những bờ
dương liễu nghe sóng hát ru, nhìn những con sóng nhỏ lăn tăn chạy dài
trên cát mịn, rồi những con sóng cuộn tròn lại và lăn ra xa, xa mãi,
xa hơn cả màu tím xa xăm của mấy dải Cù Lao .
…Ngày
ấy, nhìn những con sóng biển hiền hòa, đâu ai có thể nghĩ một ngày,
những con sóng lớn của thế thời sẽ ập đến và cuốn trôi tất cả.
Tháng 2 năm 1975, khi mùa xuân còn chưa kịp đi qua, thành phố Đà Nẵng
bỗng nhiên đông tràn những đoàn người từ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên
…, trường học đóng cửa dành chỗ cho người tản cư. Tháng 3, tin chiến sự
ngày càng dồn dập. Người từ các làng quê Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn…
ào ạt đổ về Những chuyến phà qua sông Hàn ngửa nghiêng chới với, con
đường từ bến phà về bến cảng Tiên Sa nghẽn tắc. Cảnh tượng hỗn loạn và
thống khổ chưa từng thấy. Chạy, chạy, và chạy. Cứ chạy như một bản
năng, cho dù không ai trong họ biết được rằng nơi nao sẽ là chốn yên
bình. Những chiếc xe dù nhà binh hay dân sự cũng không kịp bước chân đào
thoát của con người. Gia sản của một đời người gồng gánh mang theo dần
bị bỏ lại, ngổn ngang bên đường. Chỉ có con người vẫn như dòng nước lũ
cứ cuốn trào về phía trước.
Mà không chỉ Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ… cả nước rùng
rùng lên như trong một cơn bể dâu chưa từng thấy. Rồi hòa bình ập tới,
nhanh đến mức khiến tất cả thảy đều bàng hoàng. Và chẳng ai ngờ tới
những chia xa.Trường học tan tác. Người về quê. Người lên núi.Người ra
biển. Người ở lại thấy ngôi trường buồn như một cái tổ rỗng.
Cái tổ ấm bé nhỏ của thầy Trương Văn Phó và cô Tôn Nữ Hoàng Mai cũng
lâm vào hoàn cảnh tan tác bi thương. Thầy không được tiếp tục đi dạy mà
phải đi học tập cải tạo ở quận, rồi đi lao động ở núi Sơn Trà. Bị sốt
rét, thầy được đưa vào bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Rồi thầy đột ngột qua
đời khi tuổi đời còn rất trẻ. Không nhiều người biết thực hư về cái chết
của thầy Một thầy giáo cùng trường và mấy học trò theo chiếc xe tang
đưa thầy về an nghỉ tận núi Xước Dũ, quận Hương Trà. Ngày ấy, trời Huế
đổ mưa buồn thê lương.
Đá nát vàng phai .Người chết đã đành phần. Người sống không thể không
sống. Ba đứa con thơ, đứa đầu còn chưa tới sáu tuổi, người mẹ ấy đâu có
thể cứ ngồi mà khóc than, ngẫm ngợi về nỗi bất hạnh của mình. Người
thiếu phụ với vành khăn trắng trên đầu khi chưa đầy hai mươi tám tuổi đã
phải tự xốc lại bản thân, tìm cho mình và những đứa con một con đường
sống trong nghịch cảnh. Về lại quê hương, nương tựa vào hai bên nội
ngoại như một điểm tựa về tinh thần là một sự lựa chọn. Giông gió, bão
lũ cuộc đời và đất trời dữ dằn, quái ác thế nào cũng không quật ngã
được, không dẫm nát được, không cướp đi được nghị lực sống của một người
phụ nữ tưởng chừng như rất yếu đuối ,mong manh. Như một cành mai
gầy guộc ,xương xẩu cần mẫn, gom góp, chắt chiu từng giọt nhựa sống qua
những mùa hè đỏ lửa nắng cháy da người ,những mùa đông giá rét dài
đăng đẵng, trên mảnh đất nghèo miền Trung, cô dạy học ,trồng rau, bươn
chải chợ búa ,dựng nhà dựng cửa… , làm đủ mọi việc, âm thầm lặng lẽ nuôi
con.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, gần bốn mươi năm rồi có lẽ, dâu bể thăng
trầm đời người rồi cũng qua đi. Giữa Sài Gòn mùa xuân năm nay, những đứa
học trò nhỏ ngày xưa giờ lại gặp cô trong ngày hội ngộ Đông Giang. Niềm
vui nói sao cho hết, chúng tôi lại nhìn thấy nụ cười tươi tắn trên môi
cô, dù tóc cô đã nhiều sợi bạc , mắt cô đã nhiều dấu chân chim. Ba người
con gái của cô đã trưởng thành, vững vàng nghị lực. Những đứa cháu
ngoại của cô cũng đã đến trường. Ngày Tết, ngày giỗ thầy … chúng tôi _
học trò trường Đông Giang ngày xưa _thường rủ nhau đến nhà cô chơi. Cô
đón chúng tôi thân tình như người mẹ, người chị đón người con, người em
trong gia đình gần gũi, ruột thịt lâu ngày xa cách. Chúng tôi cùng đến
trước bàn thờ thắp hương cho thầy_thực sự chúng tôi rất nhớ thầy _sau
làn hương khói lung linh, bất giác chúng tôi thấy người thầy yêu kính
năm xưa như cũng đang mỉm cười.
* ** * *
Mùa xuân, trên những dặm đường thiên lý từ dải đất miền Trung đất cày
lên sỏi đá cho đến những miệt vườn Nam Bộ màu mỡ phù sa, ở đâu tôi cũng
nhìn thấy những cây mai hoa vàng rực rỡ. Tôi vẫn yêu vẻ đẹp của hoa mai,
đẹp cả sắc lẫn hương, đẹp kiêu sa mà vẫn giản dị, nhẹ nhàng, đằm thắm.
Một đôi khi ngồi một mình trong vườn nhà, ngắm nhìn những nhành mai
lặng thầm, bền bỉ vươn mình trong gió rét, tôi lại nhớ đến cô, lại nhớ
những cô giáo cũ của tôi ở trường Đông Giang, và lại nghĩ đến bao nhiêu
người phụ nữ khác nữa, dù hoàn cảnh mỗi người có thể không giống nhau
nhưng họ đã cùng chung trải qua những gian nan của một thời lịch sử
giông gió khó nhọc oằn oải chuyển mình. Vẻ đẹp của họ chính là sự nhẫn
nhục, hy sinh và can đảm vượt qua những thử thách nghiệt ngã để sống, để
mang vẻ đẹp cho đời . Đó là vẻ đẹp dung dị của những bản lĩnh cứng cỏi
và cốt cách thanh cao. Như nhành mai trong gió rét vậy. Và đôi khi,
trong những nỗi niềm tuyệt vọng riêng tư, nhìn ngắm một nhành mai vừa
hé những nụ vàng ngát hương, lắng nghe bước thời gian chầm chậm đi qua,
biết rằng mùa xuân đang trở về, tôi lại như nghe thấy tiếng ai đang thì
thầm lời một bài hát của Trịnh Công Sơn:
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi ,đừng tuyệt vọng…
Hà Lệ Hà K8
|
Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013
Trong gió, một nhành mai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét