Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

TÌM LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT


Các bạn ơi, có một lần trong một e-mail ngắn thăm hỏi thầy Bang mình có chia sẻ với thầy rằng mình rất bận, bận công việc làm ăn, bận việc nhà. Trong vỏn vẹn có mấy câu phúc đáp thầy chúc mình, thay vì như thường tình người ta chúc nhau mạnh khỏe, hạnh phúc thì thầy: “chúc Anh Đào luôn bận rộn, càng bận rộn càng có nhiều niềm vui”. Mới đầu nghe hơi kỳ cục nhưng ngẫm nghĩ hồi lâu thấy hay hay.

Công việc thường ngày của mình có đôi khi làm không kịp. Rồi lại có những hôm rảnh việc, mình cảm thấy như thiêu thiếu cái gì, buồn buồn, trống vắng. Rảnh việc mình buồn buồn, như vậy bận nhiều việc thì mình vui, mình vui mà mình không biết, có thể thầy nói đúng.
Mình nghĩ rằng trong cuộc sống đôi khi cũng cần có những giây phút tĩnh lặng để mình nhìn lại mình, hồi tưởng lại, có thể thưởng thức thêm một lần nữa cuộc đời của mình, phần đời vừa mới đi qua, cái tuổi học trò. Cái tuổi bao gồm trường lớp bạn bè thầy cô sách vở với bao nhiêu những ước mơ, những ưu tư thao thức kể cả những ngây ngô thơ dại một thời trung học ngày xưa mà bây giờ mình thẩn thờ đi tìm lại. Tìm lại để cùng các bạn góp mặt trên Đặc San Đông Giang Kỷ Niệm 50 năm ngày thành lập.

Nhập học trường Đông Giang, tôi được xếp vào lớp 6G niên khóa 1970-71. Trong các môn học tôi thích nhất Việt văn. Năm lớp Tám tôi học môn này với thầy Trương Văn Thảo. Có lần thầy chia cho nhóm tôi thuyết trình bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến. Tôi được phân công viết bài và một bạn khác nhận phần thuyết trình nhưng đến giờ chót bạn này bị bịnh, các bạn trong nhóm đề nghị tôi thay và để cho chắc ăn các bạn còn nhấn mạnh rằng bài do Anh Đào viết thì Anh Đào đọc dễ hơn, tôi hết đường từ chối.

Lần đầu tiên tôi nói trước đám đông, qua mấy phút đầu bối rối, rất run nhưng tôi tự nhủ hãy cố gắng lên vừa lúc đó tôi thoáng thấy thầy gật đầu mỉm cười. Tôi cảm thấy tự tin hơn và tiếp tục diển đọc. Bài thuyết trình của nhóm tôi được điểm tốt.
“Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẽo teo …….”
Mấy vần thơ tôi đã học, tôi đã thuyết trình, thấm thía cái phong phú của văn chương tiếng Việt, tuổi tuy còn nhỏ nhưng tôi yêu cuộc sống an bình, ước gì cuộc đời mình luôn như là một chiếc thuyền con trong ao thu êm ả.

Nhưng đâu ngờ, gần cuối năm lớp Mười, bổng một hôm Ba tôi bảo: “Mỗi đứa các con phải chuẩn bị một túi xách, chỉ cần bỏ theo vài bộ áo quần và vật dụng cần thiết để có thể sẽ ra đi bất cứ lúc nào”. Thật sự hoang mang, tôi không hiểu vì sao phải đi và sẽ đi đâu. Tuy vậy, thấy Ba tôi lo lắng với cái vẻ nghiêm trọng và gấp gáp, tôi nhặt nhạnh các thứ tôi cần bỏ vào đầy túi. Cầm đến chiếc túi của tôi thấy nặng Ba tôi hỏi con bỏ những gì trong đó mở cho Ba xem. Ba tôi khẻ bảo “ Tội nghiệp con gái của Ba, giờ này mà đem theo hình ảnh với lưu bút làm chi con”. Đối với tôi, không nghĩ như Ba, đây là những vật quý giá nhất của tôi, của một thời trung học, tôi không thể bỏ lại được rồi tôi lựa bỏ ra những thứ khác, lấy quần áo gói kỷ tập lưu bút lại cho yên tâm. Không biết rồi sẽ đi đâu, nhưng dù đi tới đâu tôi cũng muốn mang theo những kỷ niệm của tuổi học trò.

Trên đường chạy dồn ra bến cảng, toàn là người với người, lần đầu tiên tôi thấy thế nào là cảnh hổn loạn của một sự ra đi không tổ chức! Chạy theo Ba Mẹ, vừa chạy vừa khóc, len lỏi trong giòng người hối hả, cắm đầu chạy, chiếc túi xách của tôi rơi mất đâu lúc nào chẳng biết. Khóc to hơn, tôi mếu máo “túi xách con mất rồi” Ba tôi an ủi “không sao, về Ba mua lại cho con cái khác”. Ba tôi đâu có biết rằng dẫu có bao nhiêu tiền Ba tôi cũng không thể nào mua lại được những gì tôi đã mất…

Cơn hoảng loạn đã qua, tình hình dần dần lắng dịu, cả nhà quay quần nhìn lại nhau, ôm nhau mừng mừng tủi tủi, riêng tôi vẫn còn nuối tiếc những gì tôi đã mất. Từ đây tôi cảm thấy thương Ba Mẹ nhiều hơn và bắt đầu biết chia sẻ cùng Ba Mẹ. Tôi hiểu rằng trong thời gian qua chỉ vì muốn cho tôi được yên tâm lo ăn học cho nên chẳng bao giờ Ba Mẹ cho tôi biết một chút gì về tình hình trong nước, chẳng bao giờ Ba Mẹ để cho con cái bắt gặp môt cử chỉ băn khoăn, một tiếng thở dài, một lời than vản để cuối cùng tôi bất ngờ hốt hoảng.

Cũng từ đây, cuộc sống gia đình bắt đầu trải qua nhiều thay đổi. Ba Mẹ tôi dọn nhà qua Đà nẵng, tôi xin vào học trường Phan châu Trinh lớp 11D, thời gian này tôi có gắng lấy lại quân bình tinh thần để tiếp tục học tập giỏi giang cho Ba Mẹ yên lòng. Chẳng mấy chốc Ba Mẹ tôi lại quyết định di chuyển gia đình vào Nam sinh sống. Khi xin rút học bạ chuyển trường, thầy chủ nhiệm khuyên tôi nên ở lại hoàn tất chương trình lớp 12, nhưng không thể được, tôi, chưa làm được gì để giúp Ba Mẹ giữa lúc khó khăn này thì cũng đừng làm trở ngại kế hoạch của Ba Mẹ tôi. Phải giả từ Đà Nẵng, lòng tôi đau như cắt nhưng không còn lối nào hơn: tạm biệt Đà Nẵng, tạm biệt Đông Giang…

Tân hiệp, Rạch Giá miền nam đón nhận gia đình tôi chân ướt chân ráo vừa từ giả miền trung. Buổi ban đầu mới đến còn lạ lẩm chưa quen, lòng hơi buồn nhưng ở đây không xôn xao, náo nhiệt như thành phố cảng, cuộc sống hiền hòa, quen dần thấy dễ chịu.

Cảm nhận được trách nhiệm nặng nề của Ba Mẹ đối với gia đình trải dài từ bấy lâu nay, từ ngoài trung vào tới miền nam, vượt qua bao nhiêu gian khó, tôi ý thức phải sớm trưởng thành để kịp giúp Ba Mẹ một tay. Tôi đã cố gắng và thành quả học tập của tôi quả thật đã không phụ lòng Ba Mẹ. Các Thầy Cô, Bạn bè muốn biết căn bản tôi học từ đâu. Tôi trả lời: 5 năm trường Đông Giang và 1 năm Phan Châu Trinh Đà Nẵng trước khi vào đến đây.

Năm năm Đông Giang là thời gian đầu đời tôi bước vào trung học. Căn bản vững chắc tôi có được hôm nay được vun đắp bởi hằng tâm của bao thầy cô hết lòng với học trò. Sau bốn năm đại học sư phạm Cần Thơ tôi lại có dịp nối gót các thầy cô, đứng trên bục giảng.

Đây chính là lúc tôi ý thức được một cách đầy đủ về công ơn trời biển của ba mẹ, công ơn to lớn của các thầy cô.
Đứng trên bục giảng, lòng cảm thấy bồi hồi xúc động nghĩ đến thế nào là những hy sinh của các thầy cô đã hết lòng vì đám học trò như tôi ngày trước.

Rồi một ngày, ngoài dự tính ,gia đình tôi dọn về Sài gòn để chuẩn bị làm thủ tục xin xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình.

Chiếc thuyền con ngày nào tách bến Sông Hàn xuôi nam, xuống tận miền sông nước Hậu giang, quay trở ra biển cả rồi vượt đại dương đúng nửa vòng trái đất. Trên bước đường tha hương, San Jose thung lũng hoa vàng, chiếc thuyền con cắm sào tại đất Cali.

Đã hơn hai mươi năm xa quê hương đất nước, kỷ niệm tuổi học trò tưởng như đã vùi sâu trong ký ức, bỗng một ngày khi tôi nhận được điện thoại “Thanh Nhạn đây, Anh Đào còn nhớ mình không”. Vô cùng xúc động tôi hét thật to: Nhớ Thanh Nhạn lắm! Bắt đầu từ đây hai chúng tôi thường gọi cho nhau rồi liên lạc thêm được với Ngọc Thọ và gặp được gia đình anh Lý nữa. Chúng tôi có dịp nhắc lại các thầy cô, những người bạn cùng lớp, tôi nhớ hết, nhắc cho nhau nghe bao nhiêu những kỷ niệm một thời cùng học chung dưới mái trường Đông Giang.

Đang buồn ngủ lại gặp chiếu manh, Đặc San Đông Giang 45 năm đến tận tay đúng lúc, chúng tôi chuyền cho nhau xem. Tôi cảm động quá chừng khi được nhìn thấy lại hình ảnh các thầy cô, bạn bè, các hình ảnh sinh họat của trường. Hai đêm liền tôi thức đến 2 giờ sáng để đọc, tôi đã khóc, khóc thật nhiều, khóc vì buồn vui lẫn lộn, khóc để tiễn đưa những thầy cô, bè bạn không còn hiện hữu trên cỏi đời này và khóc vì vui mừng đã tìm lại được những gì thân thương cứ tưởng rằng đã mất.

Đặc San Đông Giang 45 năm em đọc. Đặc San Đông Giang 50 năm em góp bài, nhắc nhớ đến thầy, thầy Trương Văn Thảo thì nay thầy đã hóa ra người thiên cổ! Thầy của em đã ra đi vĩnh viễn nhưng nụ cười của thầy em vẫn còn hình dung được và nụ cười của thầy đã trở thành nguồn động viên trong cuộc sống mỗi khi em cần nổ lực để vượt khó khăn.

Tôi muốn viết lên tâm sự này để gửi lòng biết ơn sâu xa đến tất cả các Thầy Cô của trường trung học Đông Giang đã hết lòng tận tụy dạy dỗ chúng em để chúng em có được vốn liếng bước vào đời.

Tôi gửi lời chào thân thương thăm hỏi đến tất cả gia đình các bạn cùng lớp 6G…9G và 10A2 cũng như đến với tất cả gia đình các bạn Cựu Học sinh Đông Giang Hoàng Hoa Thám đang ở bất cứ phương trời nào, hoàn cảnh ra sao chúng ta vốn đã được gắn liền với nhau qua tên gọi thân thương “ Đông giang”.

Kính chúc tất cả Thầy Cô và Bạn hữu luôn được AN KHANG HẠNH PHÚC

NGUYỄN ANH ĐÀO (6G-9G, 10A2:1970-1975)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét