Sau khi biết được thầy Trần Huiền Ân là tác giả bài thơ, bài học thuộc lòng Chuyến Đi Dài trong sách giáo khoa trước 75, anh Nguyễn Đăng Khoa có thư gửi đến thầy, hôm nay được sự cho phép của anh chúng tôi xin trích đăng lên trang ĐG-HHT để quí Thầy Cô, anh chị CHS chúng ta biết thêm về câu chuyện anh yêu thích bài thơ mà lâu nay đi tìm tác giả và anh cũng muốn xin phép tác giả được chấp bút viết tiếp Chuyến Đi Dài cho trọn chiều dài của nước Việt mến yêu.
Xin chào thầy ạ!
Trước
tiên, xin giới thiệu con là Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1974, Cử nhân
Anh ngữ. Sống và làm việc tại Khánh Hòa. Chỉ đơn giản thích và yêu thơ,
và đặc biệt yêu bài "Chuyến Đi Dài" - mà mới đây, qua sự giúp đỡ của Anh
Tăng Nhường được biết chính thầy là tác giả.
Số là trước đây (năm 2011) trong một chuyến lữ hành cùng gia đình ra thăm Quảng Nam, Đà Nẵng mà như trong bài thơ thầy có viết:
"Guồng xe tưới sông Trà gieo bụi trắng
Ngũ Hành ngắm mặt Hàn Giang phẳng lặng"...
Người
chị vợ của con có đọc bài thơ "Chuyến Đi Dài" cho cả nhà nghe lúc đang
trên tàu. Thoạt nghe qua một lần, bỗng con thấy bài thơ hay quá và... tự
nhiên "buồn" cho bản thân vì... sau 1975, học sinh chúng con không được
học những bài thơ hay như vậy. Những bài như: Nước (?), Tình Mẫu Tử
(?), Giờ Quốc Sử (Đoàn Văn Cừ)..., và "Chuyến Đi Dài" của thầy là những
bài thơ tuyệt hay. Chỉ một lần đọc qua, con thấy mến ngay và sau đó
thuộc nằm lòng đến nay.
Cũng
xin thưa với thầy là không những con, bà xã con, 2 đứa con của con (học
lớp 5 và học lớp 3) cũng thuộc làu làu bài thơ này ngay trên chuyến tàu
ra Đà Nẵng lần đó.
Và
sau chuyến đi ĐN về anh em có thư từ qua lại, nhắc lại bài thơ như
những kỷ niệm trong chuyến đi, và một điều đặc biệt là ai cũng thuộc nằm
lòng. Thế mới biết rằng, các học sinh trước kia (trước 1975) ai cũng
đều đã học qua và thuộc lòng nhiều bài thơ hay lắm mà học sinh như chúng
con đâu nào biết. Ngay cả đến bây giờ, trong những bữa cơm, 2 đứa con
của con cứ mỗi đứa một câu đọc cho đến hết bài "Chuyến Đi Dài" của thầy.
Từng con chữ thầy viết mới hay làm sao. Cách Thầy gieo vần thật nhẹ
nhàng, tự nhiên và hay đến lạ!
Con
xin nói thêm là sau khi đọc bài thơ "Chuyến Đi Dài" của thầy, dẫu chị
con có nhớ nhưng cũng không tường tận như bây giờ (sau khi đọc lại chính
bài của Thầy), con có "truy tìm" tác giả. Tuy nhiên, khi tra cứu, có
rất ít thông tin về bài thơ này. Họa chăng chỉ một vài trang web cá nhân
lưu lại sơ sài hay không đầy đủ bài thơ và vỏn vẹn trích là "sưu tầm".
Chẳng biết tác giả là ai. Bỗng ức lắm!
Theo
anh trai của bà xã con (sinh năm 1965) thì nhớ rằng tác giả bài thơ là
Lê Bình Phương (bài thơ anh con cũng đã học khá lâu rồi và cũng không có
dịp ôn lại). Anh còn nhắc cả bài Nước & Tình Mẫu Tử... hình như
cùng một tác giả???
Truy
tìm thông tin về nhà thơ Lê Bình Phương một thời gian, chẳng cho ra kết
quả nào khả quan, thông tin về chính tác giả cứ xa dần và tưởng chừng
sẽ mù tịt luôn. Nhưng...
Sau
một thời gian nghiên cứu, hỏi thăm và... rất vô tình khi đọc được một
bài viết của chị Linh Phượng - một cựu học sinh trường Đông Giang, Đà
Nẵng - viết về thầy cô giáo nhân ngày 20/11 vừa qua. Đặc biệt trong bài
viết có trích đăng vài câu thơ của "Chuyến Đi Dài" ("Giờ quốc sử"...) .
Từ đó con xin làm quen và gửi vào địa chỉ e-mail của blog của trường đó
và liên hệ được với anh Tăng Nhường. Anh vui vẻ và rất nhiệt tình giúp
con tìm hiểu ngay và... cuộc "truy tìm tác giả bài thơ" diễn ra vô cùng
nhanh chóng & chính xác. Chỉ 2, 3 hôm sau, cuối cùng anh cho biết
chính thầy là tác giả. Thật vui không tả được! Một điều rất ngẫu nhiên
nhưng thầm nghĩ, chắc là một cái "duyên" lạ giữa con và thầy và các anh
chị cựu học sinh Đông Giang. (Sự trùng lặp vui nữa là tuổi thầy cũng
chính bằng tuổi Mẹ vợ con - Đinh Sửu 1937).
Và
cũng chính từ đó, sau cuộc tham quan Đà Nẵng (mùa hè năm 2011) đến
khoảng tháng 8 năm 2012, khi chúng con có dịp nhắc lại bài thơ này, con
âm thầm chấp tiếp bài thơ ra tận xứ Bắc kỳ, cho trọn chiều dài nước
Việt. Đâu biết rằng người bạn thơ của thầy là bác Vũ Dzũng cũng đã làm
từ năm 1960 rồi. Bài thơ bác Vũ Dzũng viết rất hay thầy ạ. Tuy ông "đi
sau", thoải mái hơn trong câu chữ tả mỗi tỉnh thành đi qua - ông có thể
lưu lại đến... hơn một câu, thậm chí 4, 5 câu cho một tỉnh/thành phố,
thay vì chỉ vỏn vẹn một câu như thầy. Nhưng thật tình mà nói, lời thơ,
âm điệu và cả hồn thơ... không được như đoạn trước của thầy. Những con
chữ được thầy khắc họa sao hay đến lạ. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, gần gũi và
thân thương lắm.
"Nửa khuya chuông Thiên Mụ vọng êm đềm
Cả Hương, Ngự la đà theo nhịp trúc"
Hay lắm thầy ạ!
Rồi bỗng dưng bài thơ khựng lại khi con được đọc:
"Cầu Hiền Lương sẽ nối tình Nam Bắc
Xóa nhòa đi dòng phân cách chia ly..."
Xóa nhòa đi dòng phân cách chia ly..."
Theo các trang web các trích đăng lúc đó và có cái kết không trọn vẹn như vậy... Dẫu chị con vẫn nhớ rằng:
"Cầu Hiền Lương...
...sẽ nối tình Nam Bắc
Xóa nhòa đi dòng phân cách thương đau
Từ Nam Quan cho đến mũi Cà Mau
Liền một dải
...và chuyến đi lại tiếp"...
Xóa nhòa đi dòng phân cách thương đau
Từ Nam Quan cho đến mũi Cà Mau
Liền một dải
...và chuyến đi lại tiếp"...
Và
con cứ kiên trì tìm đúng & đầy đủ lời bài thơ này. Tuy nhiên, sự cố
gắng kiên trì vẫn luôn được đền đáp xứng đáng. Và hôm nay được biết
thầy chính là tác giả bài thơ, được đọc lại bài thơ tâm đắc với các câu
chữ của chính tác giả... còn gì hơn nữa. Rất vui thầy ạ.
Xin kính cẩn nghiêng mình thán phục thầy và xin một lần được diện kiến thầy. Chắc là vui lắm.
Chỗ
con ở Nha Trang, Khánh Hòa không xa với thầy lắm. Hy vọng một hôm nào
đó gần nhất, duyên thầy trò sẽ đưa chúng ta đến với nhau, đến với niềm
yêu mến văn thơ... và đến với thầy, tác giả của chính bài thơ mà cả gia
đình con tâm đắc.
Chúc thầy được sức khỏe, bình an.
Kính thư,
Con Nguyễn Đăng Khoa
PS:
- Con có chấp bút, viết tiếp đoạn ra tận Thủ Đô - như một bạn thơ của
thầy đã làm. Phần vì mến mộ thầy, phần vì yêu lời thơ quá hay nhưng bỗng
dưng lại dừng ở "Cầu Hiền Lương" cho nhiều tiếc nuối...
Tuy
nhiên, với kiến thức hạn hẹp của "hậu bối" và tài thơ rất tay ngang,
nếu Thầy không chê, con xin phép gửi cho thầy xem trong thư sau - như
một tấm lòng của một người yêu thơ thầy. Chắc chắn rằng những khái niệm,
nhận định về lịch sử cũng như những điểm tiêu biểu, nổi bật của các
vùng, tỉnh/thành phố đi qua cũng sẽ khác đi nhiều... theo năm tháng. Chỉ
mong làm thầy vui vì... có một người, một đại gia đình, rất yêu thơ của
thầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét