Đã lâu lắm rồi xa thầy xa bạn xa mái trường Đông giang và cuối cùng xa cả quê hương yêu dấu , xa chùm giủ giẻ với sim rừng. Như viên đá cuội trong lòng khe tôi lăn mãi theo giòng đời. Và UTAH tại nơi đây có thể hôm nay viên đá cuội tạm dừng bước giang hồ. Ở đâu, áp lực cuộc sống cũng vẫn luôn đè nặng tâm hồn, vấn đề cơm áo gạo tiền luôn chiếm hữu thời giờ của tôi. Tuy nhiên vốn đã từng trải qua cuộc sống thiên di từ thuở bé cho nên tôi cũng nhanh chóng tìm được sự ổn định tạm hài hòa. Trước lạ sau quen, quen cảnh quen người và quen ngay với một đàn cháu ngoại ríu ra ríu rít suốt ngày, một thế giới quanh ta thu nhỏ lại bên tôi.
Đây cũng là lúc bao nhiêu kỷ niệm xa xưa có dịp sống lại một cách mảnh liệt trong tôi. Tin tức về bạn bè thầy cô lần hồi cũng liên lạc được và cũng là thời điểm tôi được nhắc nhớ trường xưa vừa tròn năm mươi tuổi. Ước mong gặp lại thầy cô bè bạn thôi thúc khôn nguôi nhưng trong hoàn cảnh hiện tại của tôi, kế hoạch nầy chưa có thể thực hiện được. Bạn bè kháo nhau tham gia viết bài cho Đặc san Đông giang năm mươi tuổi. Viết bài ư! nghe sao mà trịnh trọng quá. Giá như được gặp nhau thì khỏi phải nói, ôm choàng lấy nhau mà véo tai, bẹo má , hàn huyên tâm sự đâu cần bài bả, đâu cần viết lách! Bây giờ không gặp được nhau rồi, phải viết thôi. Viết cho các bạn đọc các bạn cười, quý thầy cô ngậm ngùi tìm được chút hơi hướng Đông giang tưởng chừng đã mai một nơi xa xăm đất khách, nguồn an ủi cùng cái dư ảnh xa xưa của ngôi trường đang lớn lên từng ngày nơi gió cát An cư với bao nhiêu bàn tay cọng tác của học trò.
Này nhé, ngày ấy trước mặt tôi, hình ảnh một nữ sinh Đồng khánh tóc xỏa ngang lưng, áo dài tha thướt thắt lưng ong, dáng dấp mảnh mai dịu dàng thanh thoát, giọng Huế ngọt ngào nồng nàn lại vui tính. Đấy, cô Phan thị Ý Nhi, cô giáo dạy pháp văn vừa là giáo sư chủ nhiệm của lớp tôi. Giảng bài giọng nhỏ nhẹ, học sinh lắng mới nghe, chốc chốc cô lại hất ngược mớ tóc về phía sau, điệu đà duyên dáng rất dễ thương. Có một sở thích có lẻ đã thành thói quen của cô là luôn luôn cô ngậm ô mai và lâu lâu bọn chúng tôi lại trố mắt nhìn nhau khi thấy hột ô mai cô phun bay cái vèo. Đã là thói quen của cô rồi cũng trở thành quen mắt của bọn chúng tôi.
Cô vui tính, dễ gần gủi do vậy mấy bạn nữ chúng tôi đánh bạo rủ nhau vào nhà cô. Nơi cô ở là một căn phòng gỗ áp sát vách phòng cuối dảy lớp mới xây đầu ngang của khuông viên trường. Cô có một không gian yên ắn cho riêng cô. Nói chuyện huyên thuyên với học sinh cô mãi cười vui, hẳn là lòng cô đang sung sướng. Bọn chúng tôi, một nhóm nữ sinh lớp 6A, bé xíu, đen nhẻm vì nắng gió An hải được cô thương như môt người chị cả trong gia đình ấm áp. Tôi ngồi quan sát nhận thấy nơi cô một nếp sống giản đơn dung dị không như bọn chúng tôi hình dung cái vẻ hào nhoáng của một người con gái đất thần kinh. Chúng tôi thật sự thương cô, kính mến cô.
Bước chân vào Đông giang thì mình đã nghe nói đến một ông thầy mặc áo lính. Cả bọn gồm Nguyệt, Hồng Hoa, Vinh và Hồng Quang rủ nhau đi xem mặt thầy, Kim Oanh làm ra vẻ sành sỏi “ Thầy mà là lính thì lớp học là bãi chiến trường, học sinh tụi mình thì từ bị thương đến chết ”. Thoáng thấy thầy trong phòng giáo sư, thầy nghiêm nghị thật, đó là thầy Nguyễn Bang, Tổng giám thị. Học với thầy tuy không nhiều giờ nhưng trong cương vị trách nhiệm của thầy, phong cách của thầy đã để lại trong lòng học sinh niềm cảm mến. Học sinh có lỗi , thầy gọi lên văn phòng ôn tồn giảng giải, học sinh nào bị thầy phạt thì đúng là không còn uổng tiếc tí nào.
Mỗi đầu tháng thầy có mặt nơi cửa lớp, gõ cửa xin phép giáo sư đứng lớp, thầy vào phát bảng danh dự. Đối tượng câu chuyện của thầy không riêng là người được khen thưởng mà cả lớp ai cũng thích được nghe những ân cần dặn dò khuyên nhủ của thầy, ai cũng vui như mình được nhận bảng khen, nhưng đối với nội quy kỷ luật học đường thì thầy không khoan nhượng.
Ngoài kia nắng vàng rực rở, nghĩ đến những ngày hè sắp đến, có dịp để ép hoa ép lá, làm thơ, viết lưu bút để tặng nhau mà lòng thấy nôn nao xao xuyến. Bổng đâu trực- nhật-sinh mang thông cáo vào lớp phổ biến. Nội dung thông báo nhắc lại nhiều lần rằng trong giờ ra chơi, tất cả học sinh phải xuống sân, không một ai được ở lại trong lớp hoặc đứng tựa lan can trên lầu. Nghe mà rầu thúi ruột. Nghiêm túc quá, thế là hết ,từ nay không còn cái thú đứng tựa lan can!
Nam sinh họ thích chạy nhảy tung tăng, bóng chuyền bóng rỗ, đâu có giống như nữ sinh tụi mình chỉ thích lãng mạn nên thơ …Đứng tựa lan can trên lầu nhìn xuống sân trong giờ chơi lâu nay là cái thú của tụi mình. Thấy rõ ai chơi với ai, ai tụm năm tụm ba, ai thích ngồi trầm tư một mình, trước mắt, cảnh sinh hoạt luôn trẻ trung nhộn nhịp. Thế lại bị cấm là nghĩa làm sa? Nghĩ rằng tụi mình đâu có còn là trẻ nít nữa mà nhà trường lo cấm cản như vậy. Nhưng, … nếu chịu khó suy nghĩ một chút thì đây chính là trách nhiệm của nhà trường mà bố mẹ mình chắc cũng hoan hô nhiệt liệt. Tất nhiên không bao giờ có ai tự nguyện nhảy xuống sân nhưng còn rủi ro thì biết đâu mà lường. Vô ý bị té xuống sân, chẳng may quẹo tay, quẹo chân, tàn tật suốt đời thì còn chi là đời con gái cưng của cha mẹ đang tràn đầy mộng ước tương lai.
Suy nghĩ như thế nhưng cái thú được nhìn từ lan can vẫn cứ hấp dẫn hơn nhiều. Nhóm của tụi mình mấy đứa cứ rắn mắt thử xem sao thì đột nhiên có mấy bạn hớt hơ hớt hải chạy đến cho hay hai chân cầu thang đã bị chốt chận do thầy Hiệu trưởng và thầy giám thị. Biết chạy trời không khỏi nắng, theo chân các bạn, Nguyệt ngoan ngoản đi trước, Soạn theo sau và cuối cùng là viên đá cuội. Mình nhăm mắt chạy cái ào xuống, cảm nhận có đụng đầu nhưng không đau mà húc nhằm một khối mềm mềm, nghe các bạn chung quanh cười rộ, ngước lên nhìn: ối giời ơi mình đã đâm sầm húc nhằm cái bụng thầy Hiệu trưởng !!! Bẻn lẻn, hai tay bụm mặt sẳn sàng đón nhận nơi thầy một roi.
Xấu hổ một thời gian dài không dám thấy mặt thầy Hiệu trưởng. Một roi thấm thía nhớ đời vì cái tội không tuân kỷ luật nhà trường. Đọc những dòng này, các bạn được một trận cười. Riêng đối với thầy Hiệu trưởng mình nghĩ rằng thầy sẽ nheo mắt bảo: “ tui đâu có nhớ đứa nào, mà làm sao nhớ cho hết ”, rồi kèm với nụ cườì hiền từ thầy hỷ xã: “ nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò ” …
“Thầy Cô của tụi mình đa phần nay tuổi đã cao nhưng tinh thần hãy còn minh mẩn, tâm hồn hãy còn đủ trẻ để tụi mình còn được diểm phúc thỉnh thoảng gọi điện thăm, đọc được Thầy Cô trên Đặc san Đông giang nhiều số nữa ”, lời tâm sự của bạn Ngọc Thọ ở Florida.
Các bạn ơi, chưa hết đâu, mình còn hẹn gặp nhau nhiều lần khác nữa nên hãy còn để dành, còn cất giữ trong sâu kín tâm hồn để lâu lâu còn được chảy nước mắt cùng nhau nghiêng tai nói nhỏ bên nhau về những kỷ niệm thân thương ấy của thầy cô bạn bè và trường xưa lớp cũ.
Nhớ trường nhớ bạn nhớ thầy cô. Thầy Cô ơi, không biết lấy gì đền ơn đáp nghĩa Quý Thầy Cô em xin chỉ biết SỐNG và LÀM VIỆC trong YÊU THƯƠNG như mẫu mực của Quý Thầy Cô.
Utah, một ngày chớm thu
Thanh Nhạn - K8 Đông Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét