Đông Giang - Hoàng Hoa Thám
Cách đây gần 50 năm, năm 1963, Tôi - một cậu bé chân đất vừa học xong lớp nhất, không biết sẽ phải làm gì sau khi học xong bậc Tiểu học. Hỏi Ba, Ba đi vắng. Hỏi Mẹ, Mẹ không biết, bà con lối xóm cũng vậy. May thay, nhờ có anh Nguyễn Hữu Nam, người xã Hòa Long, nhà giáp ranh thôn Tân Lưu, xã Hòa Hải đang học trường Phan Châu Trinh tận tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi nộp hồ sơ thi vào lớp đệ thất trường mới thành lập: ĐÔNG GIANG. Thế là “Tập tểnh người đi tớ cũng đi”, tôi cũng lều chỏng ra TP Đà Nẵng để dự thi và may sao có tên trong danh sách 50 học sinh rất đa dạng ( nam có, nữ có, hơn tôi 5 tuổi có, nhỏ hơn cũng có, người thành phố có, nông thôn có) của khóa I Đông Giang ngày ấy.
Ban đầu chúng tôi học tại trường Phan Châu Trinh, sang học kỳ 2 chuyển về học tại cơ sở ban đầu ở làng An Hòa. Bấy giờ trường chỉ có vỏn vẹn một phòng học với một cột cờ làm bằng cây tre Việt Nam, ngoài ra không có thêm gì nữa cả. Bù lại, trường có một “sân vận động trời cho” là bãi cỏ rộng mênh mông phía trước. Có lẽ vì vậy mà học sinh khóa I đã lập kỳ tích về thể dục thể thao với môn bóng đá ngay trong năm 1964. Còn phía sau là cánh rừng, cánh rừng này thân thiết với chúng tôi biết bao vì nó đã giúp mọi người giải quyết được nhiều sự cố khẩn cấp ngoài ý muốn, đặc biệt là cánh nữ sinh.
Sau hai năm học, trường cũng chỉ có một phòng cho hai lớp thất, lục thay
phiên nhau học và cũng không hề có nhà vệ sinh - điều mà chúng tôi
không thể nào quên. Năm chúng tôi lên đệ ngũ, cơ sở vật chất của trường
cũng chẳng có gì thay đổi, nên phải học nhờ tại trường Tiểu học An Hải.
Đến học kỳ 2 năm đó, chúng tôi mới được về học tại trường mới ĐÔNG GIANG
( nay là trường THPT Hoàng Hoa Thám). Trường tọa lạc trên một bãi cát
vàng rực nắng, rộng bao la nhưng không có một bóng cây, thuộc khối An
Trung, phường An Hải với ba phòng học được xây kiên cố. Lúc ấy, đứng tại
trường vẫn có thể nghe tiếng sóng biển Mỹ Khê rì rào vọng đến và phóng
tầm mắt ra chung quanh cũng có thể “chộ” núi Sơn Trà và danh thắng Ngũ
Hành thấp thoáng phía xa xa.
Là học sinh trường ĐÔNG GIANG nhưng 4 năm học chúng tôi phải học ở 4 địa điểm khác nhau. Có lẽ không có ngôi trường nào trên đất nước này lại đặc biệt đến như thế. Mặc dầu vậy, chính nơi đây các Thầy, Cô đã dạy dỗ, rèn luyện để chúng tôi nên người và biết cách làm NGƯỜI.
Chúng tôi rất quyến luyến ĐÔNG GIANG nhưng lên đệ tam đành phải xa nó để tiếp tục con đường lĩnh hội tri thức (vì trường chỉ có bậc học đệ nhất cấp). Trang bị được một ít kiến thức, hiểu biết để vào đời, năm 1974 tôi may mắn được về làm thầy giáo tại trường ĐÔNG GIANG thân thương - nơi đầy ắp những kỷ niệm thời còn cắp sách đến trường. Ngày về trường với tư cách là “Giáo sư đệ nhị cấp”, tôi cảm thấy vừa vui mừng, nôn nao như sắp được gặp lại cố nhân sau bao ngày xa cách nhưng cũng vừa hồi hộp, lo âu như tâm trạng của một chàng trai trong lần đầu hò hẹn. Ngôi trường lúc này đã hoàn chỉnh, có thêm bậc học đệ nhị cấp và khang trang hơn xưa nhiều. Chốn cũ nhưng người xưa vắng bóng khiến tôi không khỏi ngậm ngùi, trường đã có thêm nhiều thầy cô mới, thầy giáo cũ đã từng trực tiếp dạy tôi chỉ còn lại hai người, đó là thầy Hiệu trưởng kính yêu: Lâm Sĩ Hồng và thầy Lê văn Lương - một thầy giáo có cá tính mạnh mẽ và rất đa tài. Ngoài ra, còn có bác Nguyễn Điểm - bảo vệ trường, mà chúng tôi coi như một người cha. Bác có mặt từ lúc trường đặt viên đá đầu tiên. Sau này khi hết tuổi lao động, bác không còn được làm việc ở trường và hình như cũng không được hưởng một chế độ trợ cấp nào.
Sau năm 1975, một lần nữa tôi phải xa thầy cô và đồng nghiệp Đông giang một thời gian. Và như có mối duyên lành, tôi đã xin và được chấp thuận về dạy lại ở Đông Giang, lúc đó đã được đổi tên là HOÀNG HOA THÁM. Trong hoàn cảnh bấy giờ trường vẫn còn rất nhiều thiếu thốn nhưng điều duy nhất không thiếu ở đây là tình người, tình đồng nghiệp, tình thầy trò….Những năm tháng công tác tại trường, tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ đồng liêu, đồng nghiệp, các bạn khóa sau, học sinh cũ của trường….Trong số này, có những bạn, những em đã trở thành lãnh đạo, đồng nghiệp dạy cùng trường hoặc đang tham gia vào ban chấp hành Hội Cha mẹ học sinh hay Hội Khuyến học của trường….Chính họ đã cùng tôi chung sức dựng xây cho ngôi trường ngày càng thêm đẹp và góp phần khẳng định cho tên tuổi của trường hôm nay.
Có thể nói, ĐÔNG GIANG - HOÀNG HOA THÁM là mái trường đã dạy dỗ tôi khôn lớn, đã tạo điều kiện cho tôi lập nghiệp, trưởng thành và giúp cho nhiều thế hệ học sinh thực hiện ước mơ bay xa, bay cao giữa cuộc đời trong những ngày đã qua, hôm nay và cả mai sau. Nơi đây cũng là nơi tôi kết thúc sự nghiệp trồng người của mình với biết bao day dứt và trăn trở. Tôi rất yêu mến và tự hào về mái trường này bởi nó đã gắn bó với tôi bằng mối ân tình sâu nặng mà dù thời gian có chồng chất thì hình ảnh mái trường tôi yêu không dễ phai mờ.
Chia tay với ngôi trường nhưng tôi vãn luôn tự hỏi: Mình đã làm được gì cho sự trưởng thành và phát triển bền vững của ĐÔNG GIANG - HOÀNG HOA THÁM? Và câu trả lời luôn đến trong suy nghĩ của tôi là: Hình như mình vẫn chưa làm được gì nhiều. Chính vì thế với lòng tri ân, chia sẻ, tôi rất mong muốn được tham gia vào mọi hoạt động khác của nhà trường, cũng như tham gia đóng góp vào các quỹ khuyến học của cựu học sinh, cựu giáo viên để có thể giúp đỡ cho các thế hệ học sinh Hoàng Hoa Thám gặp khó khăn vươn lên trong học tập với tâm nguyện: “Vì một mái trường mến yêu, vì ân tình ĐÔNG GIANG - HOÀNG HOA THÁM”.
Mai Cư K1
Là học sinh trường ĐÔNG GIANG nhưng 4 năm học chúng tôi phải học ở 4 địa điểm khác nhau. Có lẽ không có ngôi trường nào trên đất nước này lại đặc biệt đến như thế. Mặc dầu vậy, chính nơi đây các Thầy, Cô đã dạy dỗ, rèn luyện để chúng tôi nên người và biết cách làm NGƯỜI.
Chúng tôi rất quyến luyến ĐÔNG GIANG nhưng lên đệ tam đành phải xa nó để tiếp tục con đường lĩnh hội tri thức (vì trường chỉ có bậc học đệ nhất cấp). Trang bị được một ít kiến thức, hiểu biết để vào đời, năm 1974 tôi may mắn được về làm thầy giáo tại trường ĐÔNG GIANG thân thương - nơi đầy ắp những kỷ niệm thời còn cắp sách đến trường. Ngày về trường với tư cách là “Giáo sư đệ nhị cấp”, tôi cảm thấy vừa vui mừng, nôn nao như sắp được gặp lại cố nhân sau bao ngày xa cách nhưng cũng vừa hồi hộp, lo âu như tâm trạng của một chàng trai trong lần đầu hò hẹn. Ngôi trường lúc này đã hoàn chỉnh, có thêm bậc học đệ nhị cấp và khang trang hơn xưa nhiều. Chốn cũ nhưng người xưa vắng bóng khiến tôi không khỏi ngậm ngùi, trường đã có thêm nhiều thầy cô mới, thầy giáo cũ đã từng trực tiếp dạy tôi chỉ còn lại hai người, đó là thầy Hiệu trưởng kính yêu: Lâm Sĩ Hồng và thầy Lê văn Lương - một thầy giáo có cá tính mạnh mẽ và rất đa tài. Ngoài ra, còn có bác Nguyễn Điểm - bảo vệ trường, mà chúng tôi coi như một người cha. Bác có mặt từ lúc trường đặt viên đá đầu tiên. Sau này khi hết tuổi lao động, bác không còn được làm việc ở trường và hình như cũng không được hưởng một chế độ trợ cấp nào.
Sau năm 1975, một lần nữa tôi phải xa thầy cô và đồng nghiệp Đông giang một thời gian. Và như có mối duyên lành, tôi đã xin và được chấp thuận về dạy lại ở Đông Giang, lúc đó đã được đổi tên là HOÀNG HOA THÁM. Trong hoàn cảnh bấy giờ trường vẫn còn rất nhiều thiếu thốn nhưng điều duy nhất không thiếu ở đây là tình người, tình đồng nghiệp, tình thầy trò….Những năm tháng công tác tại trường, tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ đồng liêu, đồng nghiệp, các bạn khóa sau, học sinh cũ của trường….Trong số này, có những bạn, những em đã trở thành lãnh đạo, đồng nghiệp dạy cùng trường hoặc đang tham gia vào ban chấp hành Hội Cha mẹ học sinh hay Hội Khuyến học của trường….Chính họ đã cùng tôi chung sức dựng xây cho ngôi trường ngày càng thêm đẹp và góp phần khẳng định cho tên tuổi của trường hôm nay.
Có thể nói, ĐÔNG GIANG - HOÀNG HOA THÁM là mái trường đã dạy dỗ tôi khôn lớn, đã tạo điều kiện cho tôi lập nghiệp, trưởng thành và giúp cho nhiều thế hệ học sinh thực hiện ước mơ bay xa, bay cao giữa cuộc đời trong những ngày đã qua, hôm nay và cả mai sau. Nơi đây cũng là nơi tôi kết thúc sự nghiệp trồng người của mình với biết bao day dứt và trăn trở. Tôi rất yêu mến và tự hào về mái trường này bởi nó đã gắn bó với tôi bằng mối ân tình sâu nặng mà dù thời gian có chồng chất thì hình ảnh mái trường tôi yêu không dễ phai mờ.
Chia tay với ngôi trường nhưng tôi vãn luôn tự hỏi: Mình đã làm được gì cho sự trưởng thành và phát triển bền vững của ĐÔNG GIANG - HOÀNG HOA THÁM? Và câu trả lời luôn đến trong suy nghĩ của tôi là: Hình như mình vẫn chưa làm được gì nhiều. Chính vì thế với lòng tri ân, chia sẻ, tôi rất mong muốn được tham gia vào mọi hoạt động khác của nhà trường, cũng như tham gia đóng góp vào các quỹ khuyến học của cựu học sinh, cựu giáo viên để có thể giúp đỡ cho các thế hệ học sinh Hoàng Hoa Thám gặp khó khăn vươn lên trong học tập với tâm nguyện: “Vì một mái trường mến yêu, vì ân tình ĐÔNG GIANG - HOÀNG HOA THÁM”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét