Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

ĐẶC SAN 50 NĂM - XÓM QUẠT

Đặng Ngữ

Có đôi khi, trong những cơn mệt mỏi rã rời, trí óc thường thích lang thang về miền trẻ con của ngày xưa ấy. Đời rất lạ, khi đã lớn, con người ta lại thường mơ những giấc mơ bất khả, mong được trở lại cái ngày xưa ấy, chỉ để được ăn ngủ vui đùa, chỉ để không phải suy nghĩ về bất cứ thứ gì to tát, thế giới chỉ là những cái ao chuôm, ngày ngày dang nắng và thỉnh thỏang bị đánh đòn…Và đời cũng rất lạ, khi còn trẻ con, cái bọn ngày xưa ấy chỉ mong được nhanh lớn lên, nhanh được tự mình quyết định cuộc đời của mình, được tự mình tiêu tiền của mình và thỉnh thoảng đánh đòn tụi trẻ con khác. Ờ! Cuộc đời vẫn thế, đời chẳng có chi lạ, con chim non luôn mong đến ngày rời tổ đâu biết những con chim trưởng thành mệt mỏi vẫn mong còn cái tổ ngày xưa để trở về.

Xóm. Lúc trước chỉ có mươi nóc nhà, mọi người đều biết rõ khuôn mặt của nhau, rõ nét từng vết sẹo, nốt ruồi của nhau nếu như có thể nói như thế. Nhưng về sau này xóm trở thành nơi quần tụ của những người từ phía bên kia đèo Hải Vân đùm túm , kéo nhau vào định cư nơi vùng An Hải này của Đà Nẵng, Quảng Bình có, Quảng Trị có và Thừa Thiên cũng có. Tui vẫn còn nhớ rất rõ, ông Ngọai bảo rằng, ngoài đó thường hay xảy ra nạn tên bay đạn lạc người chết, chỉ đơn giản thế thôi, chẳng biết vì đâu cuối cùng thì dân cũng chết. Sợ chết nên bỏ làng đưa nhau về đây xúm xít quay quần bên nhau, nương tựa vào nhau để mà sống tạo nên cái xóm nhỏ này.
An Hải lúc trước toàn cát. Một vùng cát trắng mênh mông trải dài từ phía bên này sông ra tận biển. Chỉ có cát, xương rồng , phi lao và những con người sống trên cát.

Xóm. Đầu xóm có một con dốc cao, đỉnh dốc có một ngôi trường cấp 3, trường cấp 3 duy nhất của cả vùng quận 3 trước có tên Đông Giang, cái tên nghe rất hay, gợi nhớ đến vùng đất bên này sông, sau 1975 ngôi trường được đổi tên Hòang Hoa Thám .

Cặp bên hông trường, xuôi xuống dốc có nhà ông Cai (chẳng rõ ông tên gì, chỉ gọi ông Cai thôi vì ổng làm cai trường). Vợ chồng ông Cai sáng nào cũng nấu một thùng khoai lẫn sắn rõ to để bán cho mấy người trong xóm và bọn học sinh. Ổng có một cô con gái tên Thúy. Chị Thúy đẹp và học rất giỏi, nhiều người theo nhưng chị không ưng. Chị yêu một chàng bác sĩ đẹp trai, yêu si mê, yêu mù quáng. Anh bác sĩ lập gia đình. Chị Thúy hóa điên, bỏ đi lang thang. Chị hái hoa dại cài lên tóc, chị nói những câu vô nghĩa không ai hiểu. Chị chẳng phá ai, chỉ lang thang với tụi trẻ con trong xóm. Ông bà Cai buồn lắm, dựng cho chị một căn nhà nhỏ gần đấy để chị sống với mộng tưởng. Điên nhưng chị vẫn đẹp. Bệnh điên càng lúc càng dữ…chị đi về cuối trời....

Mỗi sáng đi làm ngang qua bùng binh Lăng Cha Cả, thấy người ta bán khoai mì là tui lại nhớ đến chị Thúy. Giờ này, hẳn chị vẫn cài hoa dại lên mái tóc, lang thang với người yêu mộng tưởng ở một nơi xa xôi nào đấy.
Xóm. Lưng chừng dốc có nhà bà Bé. Người nặng cân nhất trong xóm lại được gọi tên bà Bé. Cuộc đời đúng rất lạ. Không biết ông chồng tên gì, thấy người lớn gọi chồng bà Bé bằng cái tên ông Bé. Bà Bé buôn gạo ở chợ Tam Giác phía bên kia sông. Thời đói, ai buôn gạo người đó đồng nghĩa với giàu có. Giàu thật chứ không phải giàu chơi, nhà bà Bé có cái ti vi trắng đen rất to, nền nhà tráng xi măng xanh, sạch láng và mát rượi. Trẻ con cả xóm thường tập trung ở đấy (những đêm có chương trình phát ti vi). Những đêm khác, bọn tui thường chia phe chơi năm mười, chơi núp bắn. Trẻ con thời đói thường ăn khoai sắn, mà khoai sắn lại dễ sinh khí; sinh khí thì chịu khó chạy ra ngòai thả cái rồi vào coi tiếp. Có đứa vì mê coi mà thả lung tung, hôi rình không chịu nổi. Bà Bé giận đuổi cả đám, không cho xem nữa. Đêm đó coi như xong om.

Dạo đó, sau 75, không có việc gì làm, cậu Trí (ở nhà tui có lệ gọi dượng rể bằng cậu) mang cái xe đạp cà tang hành nghề xe thồ kiếm cơm. Khách hàng của cậu là bà Bé. Sáng, cậu tui thồ bà Bé qua chợ Tam Giác, chiều thồ bả trở về nhà. Hôm đó, xuống con dốc, cậu tui gầy gò ốm yếu, bà Bé lại đô con, xe đạp đứt phanh, lao dốc. Bà Bé ngã chổng kềnh, cậu tui lăn quay, chắc đau lắm. Cậu Trí thế là bỏ nghề xe thồ. Ổng chuyển sang nghề dán dép nhựa ở chợ An Cư gần nhà. Sau lại thấy ổng muối dưa cải đem bán. Nghề chi ổng cũng làm nhưng không đủ tiền mua gạo cho con. Ổng bỏ lên rừng, làm nghề cưa gỗ. Từ đó đến nay gia đình cậu tui vẫn ở trển, Ban Mê, không về. Nhà bà Bé vẫn còn ở lưng chừng dốc, bà không còn buôn gạo và trẻ con đã không còn tụ tập hàng đêm nơi cái thềm nhà bằng xi măng xanh, láng và mát rượi.

Xóm. Cuối xóm có mấy nóc nhà, trong đó có nhà Ngọai tui với một đàn con cháu. Cạnh nhà Ngọai tui có anh em ông Đồ, ông Đạc. Đối diện nhà Ngọai có nhà ông Chắc, ông Chua. Nghe tên thôi đã thấy nghèo rồi. Mùa hè cả xóm làm nghề quạt giấy, lọai quạt đan bằng nan tre và dán bên ngòai bằng giấy vỏ bao xi măng, không đẹp nhưng quạt rất mát. Mùa đông, cả năm nhà cùng làm đũa tre, lọai đũa vót bằng tay chứ không phải bằng máy, chỉ sử dụng được vài tháng rồi bỏ vì lên mốc. Đến gần Tết âm lịch thì chuyển sang làm đồ la gim, chua ngọt để bán. Mấy cái nghề đó không làm cho con người ta khá lên được nhưng đủ để Ngọai tui đưa được một đàn con cháu qua thời đói. Có lần, cậu tui nhắc lại chuyện xưa với Ngọai, bảo rằng mấy cái nghề đấy vừa cực lại chả được bao nhiêu. Ngọai tui nghiêm khắc nhìn cậu và nói “đừng khinh mấy cái nghề đó, nó nuôi con được như ngày hôm nay đấy”. Cậu tui nghe xong, cúi đầu. Bây giờ, có ai qua bên kia sông, hỏi thăm xóm quạt, ắt hẳn vẫn còn nhiều người nhớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét