Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

ĐẶC SAN 50 NĂM - NHỮNG NGƯỜI HỌC TRÒ THÂN THƯƠNG TRONG TRÁI TIM TÔI.


Là giaó viên dạy môn Toán, không có năng khiếu văn chương, viết câu chữ chưa diễn đạt hết ý nghĩa của điều mình muốn gởi gắm, nhưng lần gặp gỡ nhưng cựu học sinh Đông Giang và riêng những học sinh thân thương lớp 7F sau gần 37 năm dài đăng đẳng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Dần (2010), trong niêm vui vô hạn cùng với những nụ cười hết cỡ, những vòng tay trong tay siết chặt, đầm ấm đầy cảm xúc, nhưng cũng có những đôi mắt rươm rướm đã nói lên được lần gặp gỡ rất lịch sử sau 37 năm xa cách, nên tôi mạnh dạn ghi lại những cảm xúc này.
Quên thể nào được một ngày đầu tháng 10/1973, tôi nhận quyết định vào dạy thực tập ở trường trung học Đông Giang tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, rất bỡ ngỡ với ngôi trường nhỏ bé nằm cạnh biển đầy cát vàng và nắng gió, lạ lẩm với các thầy cô,làm bước chân chàng sinh viên nhỏ bé càng rụt rè. Rồi mọi chuyện cũng qua đi khi tôi được gặp thầy hiệu trưởng Lâm Sĩ Hồng để trình quyết định bổ dụng tạm thời của trường ĐHSP Huế.


-Giáo sư trẻ hí, cố gắng nghe!
Lời động viên chân tình làm tôi vững tâm hơn,tin tưởng vào sự dẫn dắt của thầy trong sự nghiệp cầm phấn của mình.Rồi sau đó tôi được gặp 2 bạn cùng khoá cũng dạy thực tập ở đây,đó là thầy Hồ Kháng (dạy Vật Lý) và cô Trần Thị Nết (dạy Văn),thêm vào đó, các đồng nghiệp đàn anh chỉ bảo chân tình, nên tôi rất vui vẻ phấn chấn hơn trong những giờ lên lớp đầu tiên, dạy các em học sinh của ngôi trường nhỏ bé đầy nắng cát của vùng quê duyên hải miền Trung này.
Thấm thoát đã gần 37 năm, nhưng những hình ảnh đầu tiên trong nghề dạy học luôn luôn hiện lên trong tôi những cảm xúc không thể nào quên. Tôi được phân công dạy Toán lớp 7F và chủ nhiệm lớp này. Lần đầu tiên được gặp học sinh lớp mình chủ nhiệm, tôi mạnh dạn bước vào lớp, hồi hộp nhìn xuống lớp và bước lên bục giảng phía bên trái cửa ra vào mà tim đập thình thịch, thiếu đương văng ra ngoài, thoáng giật mình khi nghe một học sinh nào đó hô “Học sinh nghiêm” và tiếng xô đẩy bàn ghế làm tôi bủn rủn tay chân suýt làm rơi chiếc cặp xách ở tay. Vài tiếng xì xào của học sinh:
-A,thầy chủ nhiệm lớp mình trẻ ghê, không biết ổng dữ hay hiền hí?
-Thầy mình người ở mô hí?
Lấy hết can đảm tôi cười cầu tài và ra dấu cho học sinh ngồi xuống. Với giọng Huế đặc sệt, lí nhí, tôi giới thiệu mình là giáo viên chủ nhiệm mới và dạy môn Toán của lớp,lại có tiếng xì xầm:
-Hoan hô thầy mình người Huế bây ơi! Tao đoán trúng...
Nhìn xuống lớp,không biết sĩ số là bao nhiêu, nhưng tôi thấy đông ghê, nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên; những khuôn mặt ngây thơ nhìn lên tôi lao nhao bình phẩm.
Rồi những ngày bỡ ngỡ ban đầu cũng chóng qua đi, khi tôi thuê một căn phòng nhỏ ở An Cư 1 (cùng ở với thầy Quyền, dạy môn Sử). Rồi học sinh đến nhà chơi càng nhiều, vì tò mò cũng có, vì thầy luôn niềm nở cũng có, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là các em được hướng dẫn trong học tập và vui chơi.Các em được tôi xem như những người bạn. Càng về lâu tình thầy trò càng thắm thiết.
Tôi không bao giờ quên được những buổi chiều ngày nghỉ hay chủ nhật cùng các em học sinh tíu tít bên nhau đi ra biển chơi. Chia cho nhau từng miếng bánh mì, miếng bánh tráng, vài trái cây mà các em mang theo, cùng nhấm nháp và chuyện trò rôm rả. Nếu không nghe cách xưng hô thầy trò thì người đi chơi dạo biển tưởng nhầm là một nhóm học sinh ra biển du ngoạn. Cũng có khi thầy vừa nhận lương,cùng trò góp nhặt thêm mua thức ăn nước uống ra biển căm trại, đùa giỡn với cát vàng, với sóng biển rì rào trong hoàng hôn dịu dàng buông xuống. Trải tấm vải, vài chiếc chiếu cũ mang theo, thầy và trò cùng quây quần bên nhau,chia nhau từng mẫu bánh còn lại râm ran chuyện trò. Bầu trời về khuya bàng bạc ánh trăng hạ tuần, biển xanh vẫn rì rào sóng vỗ, những con sóng bạc đầu vẫn lăn tăn chạy vào bãi cát,thầy và trò chụm đầu vào giữa nằm bầu trời lung linh trong ánh sao đêm. Các trò thì hỏi chuyện thầy đủ thứ, thầy thì ậm ừ cho qua…
Một kỷ niệm mà đến bây giờ khi nhắc lại thầy trò vẫn còn nhớ, là một lần thầy trò cùng du ngoạn núi Ngũ Hành Sơn, đến động Phật nằm, phía sau bệ đá thầy trò cùng giật mình hoảng hốt khi thấy một người nằm gục bên một túi nhỏ ni-lon chứa nước lạnh. Đến gần tôi thấy đó là một người lính thuỷ quân lục chiến của chế độ cũ nằm bất động, bên cạnh còn vỏ một hộp thuốc ngủ thời đó (hình như Optalidon thì phải). Thấy ngực người này còn thở yếu ớt, tôi vội vàng cùng các em nam khiêng xuống chân núi cho các nhân viên quân sự tìm cách cứu chữa (nhưng sau đó tôi đến hỏi thăm thì biết người lính đó đã chết vì đã uống thuốc ngủ quá liều). Xuống đến chân núi, cả thầy trò đều mệt phờ, các em nữ túm tụm bên nhau, mặt ngơ ngác, sợ sệt, tôi trấn an các em, ngồi uống nước giải khát rồi thống nhất... về! Thầy trò lại lội bộ theo bờ biển về nhà.
Rất nhiều kỷ niệm về ngôi trường Đông Giang thân yêu khi tôi vừa đến công tác tại đây vào tháng 10 năm 1973. Đó là lúc nhà trường tổ chức 10 năm ngày thành lập (1963-1973). Lúc đó, thầy Trương Văn Phó cũng là huynh trưởng hướng đạo Thiếu Đoàn Bắc Sơn Đà Nẵng cùng các thầy và một số học sinh làm một cổng trại rất cao ở cổng chính của trường, vật liệu chính là tre, mây và dây ni-lon màu. Là giáo viên trẻ và cũng biết ít nhiều về quy cách làm cổng trại,tôi hăng hái tham gia dù trưa nắng rát bỏng chân tay mặt mày. Gần 3 ngày cật lực của thầy và trò,với hằng trăm cây tre chiếc cổng trại uy nghi to lớn cũng được hoàn thành đúng như dự kiến. Thầy trò cùng nhau leo lên cổng trại để chụp hình lưu niệm. Đêm lửa trại văn nghệ chào mừng 10 năm thành lập trường do thầy cô và học sinh cùng biểu diễn, nhưng không kém phần hấp dẫn. Sân trường lúc đó chỉ toàn cát và cát, cây cối còn thấp nên học sinh ngồi bệt xuống cát để xem, tuy cây nhà lá vườn, nhưng luôn nhận được những tràng pháo tay tán thưởng. Ấn tượng nhất với tôi lúc đó là tiết mục múa “Duyên Quê” do các em học sinh lớp 9 biểu diễn. Nhưng giai điệu du dương của tác phẩm, những bước nhảy uyển chuyển nhịp nhàng của các em học sinh đã đi vào tâm hồn tôi từ dạo ấy.
Thời gian trôi đi thật nhanh, tôi hoàn thành giai đoạn thực tập. Đến cuối tháng 5 năm1974, tôi chuyển ra dạy ở tỉnh Quảng Trị, rồi chuyển về Huế, dạy qua nhiều trường lớp, nhiều cương vị khác nhau, vui có buồn có. Rồi đến thang 8 năm 2002, một biến cố lớn đã đến với tôi: Người vợ yêu quý của tôi đã ra đi trong cơn bạo bệnh! Thương nhớ sầu bi và tuyệt vọng, sau khi chôn cất vợ xong thì tôi bị sốc, huyết áp tăng mạnh đột ngột làm tôi bị đột quỵ. Nhưng nhờ bạn bè là bác sĩ và học sinh cũ cũng là bác sĩ ở bệnh viện Trung Ương Huế tận tình cứu chữa, tôi vượt qua cơn nguy biến, nhưng cơn đột quỵ đã làm nửa thân người bên trái bị yếu hẵn. Thế là từ một người mạnh mẽ cường tráng, tôi trở thành phế nhân, nhiều khi tôi chán nản, tuyệt vọng, không muốn sống nữa, nhưng nhờ bạn bè khuyên nhủ, người thân động viên nên tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bệnh tật khiến tôi phải xa rời bục giảng sớm 3 năm dù tôi từng là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, dù là giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi đạt nhiều thứ hạng trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia.
Tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn có những đồng nghiệp đến thăm và trao đổi chuyên môn, học sinh cũ cũng đến thăm tôi thường xuyên. Những khi nghe sinh viên đi qua nhà, nói trọ trẹ tiếng Quảng Nam, tôi lại nhớ những học sinh miền biển An Hải mà ngày mới ra trường tôi đã từng dạy ở đó. Ngôi trường Đông Giang đầy ắp những kỷ niệm thân thương lại trở về với tôi.
Một buổi tối đầu tháng 4 năm 2010, tôi nhận điện thoại mà người gọi là một cựu học sinh Đông Giang , mừng quá khinghe em xưng tên là Thiệp, học sinh lớp tôi chủ nhiệm cách đây đã 37 năm, tôi lắp bắp hỏi lại:
-Lớp 7F Quang “sẹo” làm lớp trưởng phải không? Thiệp đáp:
-Dạ phải thầy ạ! Lớp tụi em đã biệt tin thầy lâu rồi, từ những ngày sau 1975. Giờ, mừng quá vì tụi em đã tìm được thầy rồi!-Thiệp nói- tụi em sẽ ra Huế thăm thầy một ngày gần nhất.
Thế rồi các em đến Huế thăm tôi vào ngày đầu tháng 4 ,đại diện cựu học sinh Đông Giang là 2 em nữ.Một em tôi nhận diện được nhờ xem trên blog Đông Giang thì chào hỏi trước đó là Lệ Hà, em còn lại tôi không nhớ mặt ít vồn vã hơn. Rồi tôi cũng biết được tên em sau 37 năm trời biền biệt. Đó là Thuỳ, cô học trò mà có lẽ suốt đời này tôi không bao giờ quên em, Thuỳ ạ!
Tôi mời Lệ Hà và Thuỳ ở lại dùng cơm trưa đạm bạc và khi biết Thuỳ ra thăm thầy để tháng 5 ra định cư nước ngoài, nên chúng tôi quyết định đi thăm trường Đông Giang và những học sinh thân thương của tôi. Đón vợ chồng tôi tại ga Đà Nẵng cũng là Thuỳ (và chồng là Hoàng) cùng một số học sinh cũ. Một người mà tôi không bao giờ quên là Quang “sẹo”lớp trưởng 7F.Chúng tôi ôm chầm lấy nhau như những người thân lâu ngày gặp lại. Lại tíu tít bên nhau, lại những nụ cười sung sướng, những ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Những cô cậu học trò ngây thơ của tôi ngày xưa (mà nay đã lên chức ông, chức bà) đưa vợ chồng tôi đến khách sạn Sơn Trà-“tổng hành dinh” của cựu học sinh khoá 10 Đông Giang để nghỉ ngơi và tiện bề đi lại cho tôi thăm lại trường xưa.
37 năm bao vật đổi sao dời, lo toan vất vả trong đời thường, nhưng khi thầy trò gặp lại ngồi với nhau trong quán café của khách sạn thì mọi chuyện chỉ xoay quanh những kỷ niệm ngày xưa thân ái khi còn đi học. Thầy và trò tóc bạc như nhau, ngày ấy thầy trai tráng khoẻ mạnh còn nay là một ông già bệnh tật, tay trái co rút,chân trái đi lệt bệt,nhưng vẫn còn đó một tấm lòng chan chứa tình cảm đối với cô cậu học sinh ngây thơ ngày nào.
Ngồi ghi lại những cảm xúc này, tôi rất cảm kích những tình cảm mà “cô học sinh giận thầy ngay khi gặp lại sau 37 năm xa cách”, Huỳnh Thị Thuỳ đã mang tôi đến với những học sinh thân thương của tôi. Từ số điện thoại bàn mà cô Mai (vợ thầy Phó) đã cho, Huỳnh Thị Thiệp, một thành viên lớp 7F-dã tìm được tôi, những thông tin về thầy Rơi và được cụ thể hoá bằng một chuyến vượt đèo hơn 100 cây số mà Thuỳ và Lệ Hà ra thăm tôi. Rất cám ơn Thuỳ về nghĩa cử cao đẹp mà em đã đem đến cho tôi.
Tôi cũng rất cảm kích tấm lòng của thầy hiệu trưởng Lâm Sĩ Hồng của trường Đông Giang ngày xưa, qua blog Đông Giang biết được địa chỉ của tôi mà gởi tặng tôi đặc san 45 năm thành lập trường Đông Giang, dù thời gian khá lâu mà thầy vẫn còn nhớ một thành viên của hội đồng để gởi tặng. Xin cám ơn thầy,cám ơn những tình cảm sâu sắc mà thầy đã dành cho em.
Cùng một số cựu học sinh,tôi về thăm lại mái trường xưa yêu dấu.Cổng trường cũ kỹ ngày xưa không còn, thay vào đó là chiếc cổng to đồ sộ với tên HOÀNG HOA THÁM. Từ một ngôi trường cấp hai nhỏ bé ngày xưa gồm một dãy lầu 2 tầng 10 lớp đối diện cổng chính và 2 phòng bên phải dãy lầu, sân đầy cát vàng, cây cối thưa thớt, bây giờ là ngôi trường nguy nga đồ sộ với 3 dãy lầu, phòng học rộng rãi thoáng mát, cây xanh ngập bóng sân trường, những chiếc ghế đá sạch sẽ,đúng là một ngôi trường có cơ sở mẫu mực mà bất cứ thầy cô nào cũng mơ ước. Dành tất cả tình cảm thân thương cho chuyến về thăm lại trường Đông Giang lần này, cho những học sinh của tôi ngày ấy, những học sinh lớp 7F mà ngày xưa tôi đã từng dẫn dắt: Quang lớp trưởng, bây giờ là một bác sĩ, cán bộ quản lý của TTYT Quận Sơn Trà, đã trên 50 nhưng tính tình thì rất trẻ dù đã có 2 người con đang du học ở nước ngoài. Chính Quang là lớp trưởng 7F năng nổ năm xưa,thì bây giờ cũng là chất kết dính mọi thành viên của 7F với nhau chan hoà thân ái.
Huỳnh Thị Thuỳ, người đã mang tâm huyết của lớp để đi tìm thầy giáo chủ nhiệm năm xưa, nhưng khi gặp lại thầy giáo cũ thì lại hờn vì thầy không nhận ra mình. Qua hàn huyên tâm sự với cô Diểu (vợ thầy Rơi) cho biểt sau khi đọc cuốn sách mà Thuỳ gởi tặng, cô thầy rất cảm phục em, em xứng đáng là “ngọn hải đăng cho những con tàu tìm đến nhau”. Thầy cảm nhận rằng những đau khổ và mất mát của thầy do số phận nghiệt ngã và sự yếu hèn của mình khi người vợ trước của thầy ra đi về chốn vĩnh hằng, chưa bằng một tí tẹo nghịch cảnh mà em phải hứng chịu. Em chính là một tấm gương sáng cho những ai tuyệt vọng trong cuộc đời này. Thầy tin tưởng rằng em ở hiền gặp lành, qua cơn mưa trời lại sáng, những gì em gặp phải trước kia chỉ tô thắm đẹp cho cuộc sống sau này của em. Thầy biết rằng những khó khăn chồng chất trước kia của em không dễ gì một người mẹ cô đơn vượt qua được, cũng giống như thầy, đôi khi mình sống không phải vì mình mà vì trách nhiệm của người mẹ, vì tương lai của các con sau này mà phải sống. Rồi đây, em sẽ ra nước ngoài để đoàn tụ với 2 cháu lớn ở đất khách quê người, thầy vẫn tin tưởng rằng em phấn đấu tốt hơn nữa để tạo điều kiện đưa 2 cháu nhỏ và Hoàng sớm đoàn tụ, đó là điều mong ước lớn nhất của thầy đối với cô học trò đầy nghị lực, vững vàng trong cuộc sống. Chúc em sớm đạt thành ý nguyện, trong tâm trí thầy luôn nhớ đến em và cầu nguyện những gì tốt đẹp nhất cho em khi ở xứ người.
Cùng là bạn học một lớp nhưng lớn lên nhiều người nhiều hoàn cảnh khác nhau. Huỳnh Thị Thiệp bây giờ là một doanh nhân thành công tại Sàigòn, cùng chồng là Thông (cựu học sinh Đông Giang K8) rất quan tâm đến bạn bè, thầy cô, ủng hộ rất nhiều trong quỹ khuyến học của cựu học sinh Đông Giang. Dù xa xôi cách trở nhưng em luôn luôn quan tâm đến thầy cô giáo cũ. Mong rằng sự nhiệt tình này mãi mãi tồn tại với “cô học sinh hay mắc cỡ” của thầy.

Một học sinh nữ của tôi là Thạnh, “cô học trò tóc xoăn ngày xưa”, bây giờ cũng là người mẹ của 3 con trai đã lớn, tuy gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nụ cười luôn luôn nở trên môi của em với tình cảm chân tình nhất đối với thầy.
Còn rất nhiều những học sinh thơ ngây của tôi như: Mỹ, Cúc, Liên,Trình... bây giờ cũng là những doanh nhân có tiếng. Ngày xưa các học trò nhỏ của tôi rất ngây thơ đi chơi biển cùng thầy và các bạn luôn ríu rít tiếng cười, vô tư nằm chụm đầu với thầy và các bạn tỉ tê chuyện trò, nhưng bây giờ trong cuộc sống gia đình cũng có em lo toan tất bật ngày đêm làm ăn kinh tế, đã làm các em già đi trước tuổi, thầy và cô đã tâm sự nhiều lần với các em là rất thương mến các em, lo lắng đến tương lai con của các em, hãy vị tha các em ạ..! Hãy tạo cho nhau những điều kiện tốt nhất trong cuộc sống, đeo vàng đeo bạc chứ ai lại đeo sầu phải không? Còn đó những ông tướng học trò của tôi ngày xưa bây giờ đã trưởng thành trong cuộc sống, có địa vị trong xã hội như Lư, bác sĩ trưởng khoa cấp cứu hồi sức, Nguyễn Thanh Liêm - trưởng phòng xuất nhập khẩu cao su Đà Nẵng, Nguyễn Văn Quang - bác sĩ TTYT quận Sơn Trà, Lào - giáo viên cấp 3 tại Đà Nẵng, Ngọc Tâm - doanh nhân địa ốc, Lương Thị Mỹ, Ngọc Nga, Cúc, Trình, Thạnh,Thiệp,Thành,.....đều là những doanh nhân thành đạt có tiếng tăm ở quận Sơn Trà… Vàcòn rất nhiều, rất nhiều mà tôi chưa được biết hết. Cảm ơn tất cả các em học sinh lớp 7F, các em xứng đáng là một “thế hệ vàng” của khoá 10 học sinh Đông Giang. Các em hãy vững bước trên con đường mình đã chọn, lúc nào thầy cũng mong chờ và cầu chúc các em thành công trong các lĩnh vực của cuộc sống. Hãy đoàn kết với nhau để giúp đỡ nhau tận tình trong tình cảm bạn bè thân thiết. Hãy đi lên phía trước để đón nhận những thành công mới, tâm hồn thầy luôn luôn hướng về các em.
Chào các em,
”những học sinh thân thương trong trái tim tôi”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét