Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

THƠ TRONG KHÔNG THƠ


1. Ngay từ tấm bé, tôi đã từng nghe kể câu chuyện tiếu lâm ba anh học trò dốt làm thơ – bài thơ con cóc. Đây là bài thơ được Trương Vĩnh Ký sưu tầm, in trong tập Truyện đời xưa xuất bản lần đầu tiên năm 1866. Rồi lớn lên một chút, tôi lại nghe người ta sử dụng thành ngữ “Thơ con cóc” để chê bai, cười cợt những ai làm thơ nhưng thiếu cảm xúc, không có chất hoa mĩ của ngôn từ, hoặc ý nghĩa nông sờ, hoặc sáo rỗng. Tôi nghe mãi nên thành ám ảnh đến nỗi không dám làm thơ dù lắm lúc cảm xúc muốn tràn ra lênh láng, thậm chí đọc thơ của một nhà thơ nào đó không thực sự có được sự rung cảm, tôi gọi bài thơ ấy là thơ con cóc, nhà thơ ấy là thơ con cóc nữa. Và rồi, bài thơ con cóc hiện ra thế chỗ cho bài thơ tôi vưa đọc :

 Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con có nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi.

Cho đến một ngày, được đọc “THƠ, V. V… và V. V…” của Nguyễn Hưng Quốc, tôi mới ngả ngữa ra. Hóa ra, bài thơ con cóc “trần trụi tuyệt đối. Như một cành gai. Không có đến lá, đừng nói gì là hoa. Nó thô tháp. Nó mạnh bạo. Nó sần sùi. Và cũng có thể nói, nó tàn nhẫn nữa. Nó xóa bỏ hết mọi son phấn và loại trừ hết tất cả mọi cảm xúc thừa thãi để bắt người đọc một mình đối diện với sự vô nghĩa của cuộc đời. Không thể có thứ ngôn ngữ nào giản dị hơn thế nữa. Nó có phần giống thứ ngôn ngữ Albert Camus dùng khi viết Người xa lạ : rời, tẻ, lạnh, không chỉ những từ thêu thùa, đẩy đưa mà cả những từ nối, những từ có chức năng diễn giải, phân tích cũng bị tước hết”. Bài thơ là điển hình của cái dở và “chủ đề của bài thơ : nó không phải là bài thơ tả con cóc mà, qua con cóc, bài thơ nói về sự trịnh-trọng-vô-nghĩa”. Theo Nguyễn Hưng Quốc, con cóc như là một hình tượng ẩn dụ để nói về con người. “Trong cuộc đời, chúng ta làm bao nhiêu công việc, đôi khi, một cách cực kì nghiêm cẩn. Chúng ta dắn đo trước khi khởi sự. Đã đành. Chúng ta còn có thói quen tự chiêm ngưỡng mình lúc đang hành động. Chúng ta tự khoác lên chúng ta cơ man những hào quang lấp lánh. Chúng ta lạm dụng tính từ để miêu tả, để tô vẽ việc làm của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta chỉ sống với sự diễn dịch về cuộc đời chứ không phải với chính cuộc đời.”

Từ đó tôi nghĩ rằng, khi tiếp nhận thơ ca nói riêng văn học nghệ thuật nói chung, phải chú tâm đến “cái thẩm mĩ”, giá trị thẩm mĩ của chúng. Không chỉ những phạm trù đơn : cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả là đáng quan tâm mà còn phạm trù cái xấu cũng cần để mắt tới. Bởi văn học nghệ thuật miêu tả cái xấu để hướng con người về phía cái đẹp kia mà. Và cũng từ đó, tôi mới nhận thức cụ thể, tiếp nhận văn học có tính chân dân chủ thực sự. Người tiếp nhận văn học luôn bị định hướng bởi các nhà phê bình văn học, định hướng bởi thời đại; nhưng quan trọng nhất là : người đọc phải có một cái nhìn riêng, cái nhìn từ tọa độ tâm hồn và tư tưởng của chính mình.

2. Nhớ lại những ngày ra công tác ở Nghệ An năm 1997. Vào một buổi sáng, trên đường lên huyện Tương Dương, ngồi trong xe, mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm để quên sự mệt nhọc của đường dài. Anh Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã kể câu chuyện bốn cụ đồ Nghệ uống trà làm thơ. Có bốn cụ đồ Nghệ rất khắng khít với nhau, họ thường cùng nhau thưởng thức trà, mỗi cụ ứng khẩu một câu thơ, tạo thành một bài thơ. Một ngày kia, các cụ quây quần bên khay trà, nhưng bí đề tài. Chợt một cụ thấy con chó nằm dưới gầm phản, bèn đề nghị mỗi cụ làm một câu thơ vịnh “cậu chó”. Bài thơ hoàn thành như sau :   



Chẳng phải voi mà chẳng phải trâu
Đuôi thì ve vẫy miệng gâu gâu
Khi nằm với vợ thì phải đứng
Cả đời không được uống chè Tàu. 

Nghe xong, ai nấy cười ngặt nghẽo, chảy nước mắt nước mũi!... Bài thơ này tôi đã mang về kể làm quà cho nhiều người bạn nghe… Ai cũng khen câu chuyện, đặc biệt là bài thơ gây cười rất thú vị. Và rồi theo thời gian tôi đã quên bén đi câu chuyện và bài thơ. Nhưng rồi một hôm, ngồi cạnh con chó nhỏ của nhà nuôi, vuốt ve nó, tôi bỗng nhớ đến bài thơ. Đúng là bài thơ có mục đích giải trí “mua vui cũng được một vài trống canh”, nhưng cũng có ý nghĩa nhân sinh tích cực. Bởi đằng sau giọng điệu tếu táo cợt cười ấy, vẫn có giọng thương cảm cho con vật nuôi có nghĩa. Nếu hai cầu đầu là tả thì hai câu sau đã bộc lộ cảm xúc của những người làm thơ. Cái kiếp vật sao mà tội nghiệp đến thế. Những cái gọi là hạnh phúc bình thường vẫn không bao giờ được hưởng một cách bình thường, hoặc không bao giờ hưởng được. Con chó ấy luôn sống trong một trạng huống trớ trêu trong đời sống “vợ chồng” hay cả đời chẳng hưởng thụ được một lối sống tinh thần thanh đạm mà thanh tao. Như thế, bài thơ đâu phải để cười một con vật mà cảm thông chia sẻ với số phận con vật. Phải chăng tình cảm đó đã thể hiện cái nhìn nhân đạo của con người trước các hiện tượng sự vật trong cuộc sống, trong thế giới tự nhiên ? Bài thơ cũng khiến tôi nghĩ đến “cậu Vàng” trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao. Rồi thổn thức, ăn năn cùng lão khi lão Hạc lừa bán cậu vàng cũng chính là bán đi tâm hồn của chính mình!

3. Mới đây, trò chuyện với một anh bạn, được anh kể cho tôi nghe một câu chuyện kèm theo một bài thơ. Chuyện cũng có những nhân vật làm thơ như hai truyện trên, nhưng rất khác. Truyện kể rằng có 5 phụ nữ đã cao tuổi, tai cũng đã nghễnh ngãng đang ngồi hóng mát ở công viên. Bỗng một cụ cất tiếng : “Tốt mốc thì ngon tương”, cụ thứ hai nghe tiếng được tiếng mất, chỉ thấy cụ kia mấp máy miệng nên tiếp lời : “Gà già thì lắm xương” và cụ thứ ba… Đến cụ thứ năm thì bài thơ hoàn tất.
Tốt mốc thì ngon tương
Gà già thì lắm xương
Đi chùa phải thắp hương
Vườn rộng lắm ễnh ương
Con nhỏ ai không thương.

Bài thơ có cấu trúc không chặt chẽ, bởi mỗi câu thơ là một sự thực trong suy nghĩ của mỗi cụ già. Cho nên, nêu người đọc đảo vị trí, thay đổi thứ tự của năm câu thơ thì bao giờ cũng có câu một nêu lên một hiện tượng, còn bốn câu còn lại đồng tình với người phát ngôn về hiện tượng đã nêu. Điều này là do các cụ nặng tai, không nghe được lời người phát ngôn trước đó mà chỉ phán đoán về phát ngôn ấy theo tâm trạng và từ sự trải nghiệm của riêng bản thân mình. Dù các câu thơ được lắp ghép rời rạc ngẫu nhiên, nhưng tất cả đều hiệp vần theo lối độc vận rất kết dính và hài hòa, tạo nên sự quyện chặt của ý tình, qua đó thể hiện sự thấu cảm, sẻ chia tình cảm giữa các cụ với nhau. Đọc bài thơ sau khi nghe câu chuyện ta có cảm giác nó hài hước, nhưng sự thực bên trong từng câu thơ chứa đựng một chân lí, một sự thực không ai có thể chối cãi được. Nhưng với bài thơ này, ta có thể nói rằng thơ không chỉ ra đời từ ý thức người tạo tác mà còn ra đời từ tiềm thức hay vô thức nữa. Có được những câu thơ hay đôi khi người sáng tác nhặt ra từ những giấc mơ. Phải chăng đây là siêu thơ hay thơ giấc mơ theo quan niệm của một số nhà thơ phương Tây. Quan niệm như thế nên một nhóm nhà thơ đã tìm đến ngủ trong một phòng với nhau. Khi ngủ phải có một một người thức để ghi những lời nói thơ do những người ngủ trong giấc mơ nói ra hay nói mê cũng thế, rồi sau đó ghép lại thành bài thơ. Không biết đây là giai thoại hay là thật, nhưng dẫu sao tôi vẫn thấy có gì đó gần gũi với bài thơ của các cụ bà đã được người bạn kể cho nghe.
 
---------------------------------------------------------------
Viết đến đây bỗng nhớ lại cái ngày xưa, đâu đó vào những năm tám mươi của thế kỉ XX, khi chấm báo tường của các lớp làm để chào mừng Ngày Hiến chương Nhà giáo ở một trường mình đang giảng dạy, mình đã đọc một bài thơ :
Hôm nay nhà giáo hiến chương
Em ngồi em nghĩ em thương các thầy
Thương nhất là các thầy gầy
Còn các thầy béo sau này em thương...

Đọc bài thơ, các thầy giáo chấm báo của trường cười đến ràn rụa nước mắt... nước mũi... Trong số các thầy cô chấm báo lúc đó có một người không cười, mặt cau lại, không vui. Hỏi ra, thầy cho rằng em này đã bôi nhọ thầy giáo, người làm cái "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý". Không chỉ khó chịu với bài báo, thầy còn đòi gọi em học sinh ấy lên làm kiểm điểm nữa. May sao, khi bàn bạc và biểu quyết, đa số đều cho rằng em học sinh đó chân thật, mộc mạc và không biết bùa phép ngôn ngữ thôi, chứ em chẳng bội tro trát trấu vào mặt ai cả!

Thầy Hoàng Dục

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét