Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

PHAN KHÔI VÀ TIẾNG VIỆT



Nói đến hoạt động báo chí, Phan Khôi là nhà báo tài năng tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây. Trước năm 1945, ông mang danh “Ngự sử văn đàn”.Nói đến dịch thuật, ông đã dịch các tác phẩm kinh điển: Kinh Thánh cho đạo Tin Lành, Chủ nghĩa Macngôn ngữ của Stalin, Tạp văn của Lỗ Tấn…Nói đến thi ca, trong Thi tù tùng thoại, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng có viết: “… mấy bài tứ tuyệt của ông tú Phan Khôi là xuất sắc hơn”. Ấy là nói theo cách làm thơ cũ. Còn nói về thơ mới, khi bài “Tình già” của ông được công bố trên Phụ nữ tân văn ngày 10-3-1932 được xem như cuộc cách mạng về thơ ca. Nói như Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam (1932 – 1941): “… Lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng, ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận”.
Với tư cách là nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong trường phái Nho học. Ở một nhà cựu học như ông, người ta thấy nhiều cái rất mới, nhiều cái mà đến nhiều nhà tân học cũng phải cho là ‘mới quá’ ”.

Trên lĩnh vực học thuật, Phan Khôi đã tranh luận với Trần Trọng Kim về Nho giáo; với Phạm Quỳnh về lý luận Truyện Kiều và mạnh dạn công kích ông Phạm là “học phiệt”; với Lê Dư luận về Quốc học, thẳng thừng đặt câu hỏi: “Nước ta có quốc học không? Cái học của nước ta từ trước có thể gọi là quốc học được không? và khẳng định là “không”; với Tản Đà và Nguyễn Tiến Lãng về vấn đề luân lý, đạo đức của người Việt; với Hải Triều về Duy tâm/ Duy vật; và hầu hết các cuộc tranh luận trên văn đàn nửa đầu thế kỷ XX đều có mặt của Phan Khôi như: Nghệ thuật vị nghệ thuật/ Nghệ thuật vị nhân sinh, Thơ mới/ Thơ cũ, Dâm hay không dâm…”
… và Phan Khôi là nhà nghiên cứu Việt ngữ đầy “trách nhiệm làm cho tiếng nước nhà tiến dần lên đến bậc hoàn mỹ” ”(Phan Khôi, Việt ngữ nghiên cứu, NXB Đà Nẵng, 2003).

Có thể bài báo “Cái dốt của triều Huế” trên Đông Pháp thời báo (số 717, ngày 08-5-1928) được ký bút danh C.D là bài viết đầu tiên của Phan Khôi về lĩnh vực ngôn ngữ (?). Nội dung ở bài viết này, ông chê bai nhóm biên tập Hán Việt từ điển của triều đình Huế lẫn lộn cách dùng chữ. Ông phân tích: “ Từ điển khác với Tự điển. Tự điển mỗi điều (mục từ) chỉ có một chữ, mà từ điển mỗi điều phải từ hai hai chữ sắp lên đến sáu bảy chữ (…) “Từ”nghĩa là lời, “Tự” nghĩa chữ, hiệp nhiều chữ lại thì mới thành lời”Từ điển khác với Tự điển. Tự điển mỗi điều (mục từ) chỉ có một chữ, mà từ điển mỗi điều phải từ hai hai chữ sắp lên đến sáu bảy chữ (…) “Từ”nghĩa là lời, “Tự” nghĩa chữ, hiệp nhiều chữ lại thì mới thành lời” và ông đưa ra những ví dụ rất cụ thể như “thiên mã” thì gọi là từ được, mà “tần mã” hay “dịch mã” thì không gọi là từ được. Trước việc các sách, báo in thường thấy ở miền Nam những năm đầu thế kỷ XX với cách viết “loạn xị”, trên Phụ nữ tân văn số 28 (ngày 7-11-1929), ông đã nêu việc người miền Nam Trung kỳ và Nam kỳ, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam trở vào ‘phát âm không đủ giọng” nên “tiếng của hai miền này thật không có dự một chữ nào sự sáng tạo chữ quốc ngữ”. Bài viết ấy sau khi đăng báo đã lôi cuốn vào cuộc nhiều ý kiến tán thành (dĩ nhiên cũng có ý kiến trái lại) và cổ động việc thống nhất chữ viết ở cả ba miền. Sau đó, cũng ngay trên tờ báo này đã có lời đề nghị của Tòa soạn: “ta nên nhóm toàn quốc đại hội nghị” về vấn đề nên hiệp nhất và chấn chỉnh lại tiếng mẹ đẻ ngay bâygiờ

Sau năm 1945, Phan Khôi tham gia kháng chiến với tư cách là Nhà văn hóa. Rồi đến năm 1948, ông được cử làm việc trong Ban ngôn ngữ văn tự của Hội Văn hóa Việt Nam. Từ đây ông bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu tiếng Việt. Với cái nhìn văn hóa mở rộng, đa chiều, cùng với trí tuệ tinh thông, kiến thức vững vàng và những hiểu biết sâu nhiều ngôn ngữ (tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh và cả chữ Nôm), ông đã phân tích Việt ngữ trong các mối quan hệ giữa các ngôn ngữ khác nhau vẫn tồn tại những cái giống nhau mà ông gọi là “đại đồng”, và đồng thời mỗi ngôn ngữ đều có đặc điểm riêng mà ông gọi là “tiểu dị”. Đặc biệt hơn, trong quá trình nghiên cứu, ông luôn luôn kiểm nghiệm lại những gì mình viết, và tự đính chính những lời mình đã viết hôm trước là không đúng, nhiều lúc tự mình phản biện lý lẽ của chính mình bằng những lời viết thêm về sau …

Ở bài viết này, chúng tôi không nêu ra tất thảy những gì mà Phan Khôi tâm huyết vì sự phát triển của tiếng Việt, chỉ nêu ra những điều mà ông gởi gắm cho những người Việt phải hiểu, nói và viết tiếng Việt cho đúng, hiểu mẹo luật của tiếng Việt để mà biết cách dùng. Ngày nay, không ít các nhà nghiên cứu và giảng dạy môn tiếng Việt vẫn lẫn lộn việc phân loại nguyên âm đơn, đôi, ba (cũng còn gọi là nguyên âm ghép), thế nhưng cách nay hơn nửa thế kỷ, ông đã nêu:“Hai hay ba nguyên âm đi với nhau làm một, gọi là nguyên âm ghép, như ai, âu, eo, êu, oa, oeo, ui, uôi v.v…Đó là những âm do nguyên âm đơn sinh ra để cho đủ dùng trong tiếng nói đó thôi. Công dụng của nó cũng như nguyên âm đơn”. Nói chính xác hơn, trong tiếng Việt không có nguyên âm đôi hay ba, mà do ký tự chữ cái có sẵn còn thiếu mà ta có cách viết thêm để dễ dàng sử dụng (P.T.M nói thêm). Cũng từ bài viết Phân tích vần quốc ngữ, ông đã đúc kết việc phát âm của người Việt mình có những âm cùng chiều trong cấu trúc nguyên và phụ âm, ví dụ: Ng với C (ang–ac, ăng–ăc, âng- âc, iêng–iêc, ong– oc, ông–ôc, oăng–oăc, ung-uc, ưng-ưc, uông-uôc, ương-ươc), Nh với Ch (anh-ach, ênh-êch, inh-ich, oanh-oach, uynh-uych), M và P (am-ap, ăm-ăp, âm-âp, em-ep, im-ip, iêm-iêp, om-op, ôm-ôp, ơm-ơp, ươm-ưp, uôm-uôp, ươm-ươp), N và T (an –at, ăn-ăt, ân-ât, en-et, in-it, iên-iêt, oan-oat, oăn-oăt, uân-uất, uôn-uôt, ươn-ươt).

Nghiên cứu tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác, Phan Khôi luôn luôn thức nhận sự vận động của ngôn ngữ, thấy được quy luật biến hóa theo thời gian và ông nhận định: “ Ngữ ngôn luôn luôn biến hóa, đó là quy luật nhất định (…). Hình thức văn học nó cũng biến hóa như ngữ ngôn. Nếu không biến hóa thì ba mươi năm nay chúng ta không có “thơ mới”, “ thơ bằng văn tản”. Đành rằng chúng ta phải coi trọng hình thức dân tộc, nhưng nói như thế không phải cứ bo bo giữ lấy hình thức dân tộc. Có biến hóa thì hình thức dân tộc lại càng thêm lắm vẻ”. Theo Phan Khôi, ngôn ngữ cũng phải có nguyên tắc của nó, nhưng đồng thời khi “sử dụng nó thì tùy ý người ta, không phải đúng theo nguyên tắc”. Nhân nói đến chuyện phân biệt các âm ch và tr, d và gi, s và x, dấu hỏi và dấu ngã…, Phan Khôi đã so sánh nó theo chữ Nôm để rồi luận giải vì sao các cố đạo mấy trăm năm trước dùng mẫu tự La tinh đặt nên chữ quốc ngữ lại lấy “đê” (d) làm “dê”, lại thêm cho d một gạch ngang đọc là “đê” (trong khi mẫu tự La tinh có sẵn chữ “z” mà trong chữ quốc ngữ thì không thấy (?)). Sở dĩ có hiện tượng trên, theo ông, “d và đ gần nhau lắm, lấy ví dụ, hai âm ấy cũng như anh em chị em ruột với nhau” (ví dụ: cây da/ cây đa, cái dĩa/ cái đĩa, con dao/ con đao, trên dưới/ trên đưới, không dám/ không đám, dặng hắng/ đằng hắng…). Tương quan đến hiện tượng này, ông còn dẫn chứng bằng những ví dụ khác: bua quan/ vua quan, be rượu/ ve rượu, cái bú/ cái vú, chết bằm/ chết vằm, ăn vận/ ăn bận… và cả trời/ giời/ lời/ blời trong “Đức Chúa Trời/ Lời/ Blời” đó sao (?).
Trước năm 1945, nhiều học giả khi biên soạn văn phạm Việt Nam thường quen mạo từ tiếng Pháp “là để phân biệt giống đực/ giống cái, số một (chữ của Phan Khôi, còn hầu hết người ta gọi là “số ít”, theo tôi nên gọi theo ông Phan là đúng nghĩa hơn)/ số nhiều, rồi tưởng những tiếng đứng trên danh từ của tiếng ta cũng như thế”, còn theo ông, hoàn toàn không như thế. Trong bài viết “con, cây, cục, cái”, ông đã chứng minh ở bốn chữ trên trong tiếng Việt là để đặt trên những danh tự chỉ vật theo từng loại ( con, đặt trên danh tự chỉ động vật, là vật có hoạt động, không loại trừ con người; cây, đặt trên danh tự chỉ thực vật, là vật không hoạt động; cục, đặt trên danh tự chỉ khoáng vật, là vật không hoạt động; cái, đặt trên danh tự chỉ vật nào do người ta làm nên, không phải vật tự nhiên như ba loại trên, mà cũng là vật không hoạt động). Đặt vấn đề như trên, ông đã khẳng định con, cái trong tiếng ta không như le, la trong tiếng Pháp để chia ra giống đực/giống cái! Có những trường hợp: cái thuyền, cái tàu, cái dao, cái quay, cái roi … cũng được gọi là con thuyền, con tàu, con dao… vì thuyền thì chạy, dao thì cắt...: đều có vẻ động; cùng là chỗ chứa nước mà hồ, ao, đầm gọi là cái, còn sông và suối thì gọi là con, vì nơi đây nước thường chảy, có vẻ động; tương tự, mặt, mũi, tay, chân … gọi là cái, chỉ có mắt, tim mới gọi là con vì mắt mấp máy, tim thì đập! Và lại có những trường hợp mà có hình dạng giống cây thì cũng gọi là cây như: cây bút, cây phướn, cây nêu…

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không thể viện dẫn hết những phát hiện và lập luận của Phan Khôi về ngữ pháp tiếng Việt mà chỉ dẫn thêm một số ý có tính phát hiện lớn của ông cho nền ngữ học nước nhà. Trước đây, học giả Trần Trọng Kim cho rằng:“loại tự là tiếng đứng trước tiếng danh tự để chỉ định danh tự thuộc loại nào”, ông Phan đã bác lại nhận định ấy và lập luận rằng, nếu gọi là “loại tự” thì vật thể trong thế giới không biết bao nhiêu là loại, và ông mạnh dạn dùng chữ “tiền danh tự” (tức là danh tự đứng trước danh tự). Phan Khôi đồng ý với Trần Trọng Kim sắp ba chữ cái, những, các vào loại mạo tự, nhưng ông còn băn khoăn các chữ mọi, mấy, một, mỗi hình như không có công dụng như trên(!).

Một đóng góp quan trọng của ông Phan cho ngành nghiên cứu tiếng Việt là việc ông phát hiện ra những đặc điểm của tiếng Việt (có so sánh với tiếng Pháp, tiếng Hán). Đó là đặc điểm theo thứ tự thời gian trong cấu trúc câu (ví dụ theo tiếng Pháp thì nói “tôi trở về từ sự đi săn – Je revien de la chasse”, nhưng tiếng ta thì nói “tôi đi săn về”; đó là đặc điểm theo yêu ghét chủ quan (ví dụ chư cách dùng từ “được” và “bị”); đó là đặc điểm chủ từ tổng hợp và v.v… Sau này, GS. Phan Ngọc đã dạy cho sinh viên ngữ văn thế hệ chúng tôi về chuyên đề “ngữ pháp ngữ nghĩa” rất mới mẻ và đầy tính thuyết phục cũng theo phương pháp này cùng với vốn hiểu sâu nhiều ngoại ngữ của thầy Ngọc.Chừng hai mươi năm trở lại đây, trong sách giáo khoa môn ngữ văn mới bắt đầu xuất hiện thêm thuật ngữ “phong cách ngôn ngữ”, thế nhưng cách đây đã hơn nửa thế kỷ, Phan Khôi đã nói lên điều ấy rồi ( “Anh thi sĩ miền Nam muốn làm thơ bất chấp bình trắc thì cứ làm và đưa ra công chúng đi, hễ công chúng hoan nghênh thì chẳng những thơ của anh sống mà hình thức văn học Việt Nam lại thêm một vẻ mới” ).

Nói đến “phương pháp dạy văn pháp tiếng ta”, ông đã nêu phương pháp “cú bản vị” (tức là lấy câu làm căn bản của văn pháp) và “đồ giải” (dùng phấn vẽ thành đồ trên bảng đen để làm cái việc phân tích).

Suốt cả thời làm báo và hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, Phan Khôi rất quý trọng tiếng Việt, quyết tâm bảo vệ ngôn ngữ dân tộc và tự bản thân mình đóng góp cho sự phát triển của tiếng Việt ngày càng hoàn chỉnh hơn (nói theo khẩu hiệu hiện đại: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt). Những công trình nghiên cứu về tiếng Việt cũng như các bài báo liên quan của Phan Khôi thật sự trở thành những tư liệu quý cho những nhà Việt ngữ. Nói như Nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ khi giới thiệu và bình luận về công trình“Việt ngữ nghiên cứu” của Phan Khôi đã đưa ra một lời đề nghị chân thành: “Công trình này cần được vào tủ sách các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay, đặc biệt các sinh viên đại học khoa ngữ văn”.

Phan Thanh Minh K9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét