Ba mươi năm sau họ tình cờ gặp lại nhau trong một buổi họp mặt. Cả hai lặng người khi bắt gặp ánh mắt của nhau. Như những kẻ mộng du, họ tiến về phía nhau, ôm nhau và cùng nhau rơm rớm khóc. Choàng tỉnh, họ ngượng ngùng rời nhau, mỗi người lại về với nhóm bạn riêng trong buổi tiệc ồn ào kia để cùng tay bắt mặt mừng những người đã một thời tạm quên đi tuổi xanh của mình ở một công trường thuỷ lợi...
***
Khẽ “ khà “ nhẹ như một tiếng thở dài, từ tốn đặt ly xuống bàn, hắn tiếp: “ Sau buổi tiệc mình dáo dác tìm, mấy người bạn nói em bỏ về từ rất sớm. Hỏi xin số điện thoại, nhưng gọi hoài không có ai trả lời. Ông biết không, ai đời gần sáu mươi rồi mà vẫn lập cập run khi chờ người bên kia đầu dây bắt máy. Mình cũng đã hỏi địa chỉ nhà, nhưng không dám đến...”. Rồi rót rượu, tay rải nhẹ vào các sợi dây đàn, đưa ly lên miệng cất giọng: “ Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài, sầu trên phím đàn...”(*) Giọng hát của hắn vẫn ngọt ngào, đầy quyến rũ như ngày nào đã từng làm rung động người nghe khi cất lên giữa núi đồi hoang vắng vào những đêm trăng vằng vặc...
...” Tình vương không gian. Mây bay quan san, có hay?” (*). Rồi gục đầu vào cây đàn, xa vắng: “ Mình không bao giờ thôi nhớ...”
Trăng đỏng đảnh hiện dần lên từ mặt biển. Gió mùa thu lành lạnh. Tiếng sóng buồn như bản hoà âm giọng trầm cung thứ. Mây trời lửng thửng ung dung nhẹ nhàng trôi che dần vầng trăng mười bốn.
Hắn ngước nhìn trời: “ Ông có nhớ mái tóc của em tôi không? Nghĩ cũng lạ thật, đến bây giờ không biết tôi yêu em hay là yêu mái tóc của em nữa...” Rồi hắn đưa bàn tay gầy guộc nhè nhẹ vuốt đi vuốt lại mái tóc loà xoà của mình.
“ Thật bất ngờ, hôm kia tôi nhận tín hiệu gọi đến từ số máy của em. Tôi run giọng: Em phải không ?. Nàng thầm thì: Có phải anh đó không?. Rồi cả hai cùng yên lặng. Hình như chúng tôi nghe thấy hơi thở của nhau...” Hắn lại hớp thêm ngụm rượu, giọng khe khẽ: “ Rồi chúng tôi cũng gặp được nhau tại một quán Cà phê vườn ở ngoại thành...”. Tôi nói: “ Ông kể tiếp đi “.
...
Nàng ngồi chờ tôi dưới một tán cây phủ đầy dây tóc tiên, mái tóc vén cao. Chúng tôi rụt rè bắt tay nhau. Hình như cả hai đều nghĩ về cái ôm vội vàng hôm họp mặt. Tôi thấy má nàng hây hây đỏ. Rồi hỏi thăm nhau về gia đình, công việc và vân vân đủ mọi chuyện như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Nàng nói may mắn có được một con gái. Tôi cũng nói thật rằng mình cũng may mắn có một cu con trai. “ Chúng mình làm sui nhé “. Nét thanh xuân thanh thoát của nàng vẫn còn đó. Đôi mắt buồn hơn ngày xưa. Giọng nói ấm áp của nàng vẫn còn làm tôi xúc động.
- Hồi đó sao em được lên làm việc tại Ban chỉ huy công trường? Anh nhớ em là công nhân nghĩa vụ lao động trực tiếp mà?
- Anh nhớ anh Y. không?
- Nhớ chứ, phó ban chỉ huy phụ trách an ninh.
- Anh ta gọi em lên hỏi có muốn lên làm việc ở Ban chỉ huy không. Anh nghĩ xem, hồi đó quá cực khổ, nhiều lần em định trốn nhưng sợ về nhà lại làm khổ gia đình. Cũng muốn có công việc hợp với sức mình nhưng em ngại, không biết tại sao anh ta chọn em, vả lại ở dưới đó còn anh em, bạn bè nên đành phải từ chối. Lần cuối cùng, anh ta nói em có chấp hành sự phân công của cấp trên không, thế là em thành cán bộ thuộc Ban chỉ huy công trường.
Em nhìn tôi cười. Nụ cười đầy vẻ cam chịu, xót xa và buồn tủi.
- Nếu biết vậy, thà gánh đất, gánh đá như người khác thì hôm nay ...
Nàng cúi mặt. Rồi ngước nhìn tôi với đôi mắt hoe đỏ.
- Anh ta gọi em vào phòng. Chiều hôm đó các anh rủ nhau đi chơi hết nên lán trại của Ban chỉ huy không một bóng người. Em chống cự quyết liệt, áo quần tơi tả. Biết không thể làm gì em được, anh ta nhẹ nhàng xin lỗi và nói rằng hãy cho anh ta một đặc ân là được vuốt mái tóc em và hôn lên nó. Quá sợ hãi, em chết đứng để anh ta vuốt và hôn tóc.
Đưa hai bàn tay úp vào mặt, nàng run run: ” Quá kinh khủng, một loại người...” Tôi khẻ thở dài, ai chứ tên Y. kia thì anh em tôi biết rõ.
- Em chạy về lán của mình rồi úp mặt khóc. Điều em nghĩ đến sau khi khóc là phải cắt bỏ mái tóc của mình. Nó đã nhơ nhớp mất rồi. Nó không còn xứng đáng để mình giữ lại. Không còn xứng đáng...
- Đâu phải chỉ mình em phải không?
- Dạ...mấy đứa công nhân nữa, nghe nói mấy chị ở Ban chỉ huy cũng bị...
- Thôi, chuyện cũ rồi em ạ.
- Đối với em đó là chuyện dai dẵng cả một đời. Em không biết gội đầu đến khi nào mới trôi sạch vết bàn tay và cái hôn bẩn thỉu ấy...
Tôi gọi người phục vụ đề nghị thay đĩa nhạc khác. Sao mãi đến tận giờ vẫn còn ra rả em ra nông trường em ra biên giới, đường ra trận mùa này đẹp lắm, vui sao nước mắt lại trào!
Vị ngọt và cay cay của ly chanh rum làm tôi tự nhiên hơn. Tôi run run nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nàng. Em úp bàn tay kia lên tay tôi xoa nhẹ rồi rút cả hai tay về, thong thả đưa lên đầu. Một mái tóc đen tuyền mịn màng xoả xuống. Cả cái quá khứ bềnh bồng ùa về lao xao mênh mang đổ dài trên mái tóc. Nàng đã biến thành chính em của tôi ngày xưa. Thở dài như để trút đi một nỗi khắc khoải nào đó, nàng thì thầm:
- Anh biết vì sao em không cắt đi mái tóc của mình không? Vì anh đó!
Tôi lặng người. Cái quá khứ bềnh bồng kia lại bồng bềnh. Yên lặng. Và thật lạ kỳ đến nỗi tôi không tin vào tai mình, tiếng hát ngân lên từ chiếc loa nào đó trong quán như muốn tràn ngập ướp lấy tôi trong cái không gian bỗng trở thành hư ảo: “ Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài, sầu trên phím đàn...”
...
Chiều hỡi đàn nhớ mong nhau
Tình thương bắc cầu, người đi hướng nào
Tìm trong chiêm bao tóc bay dài gió viễn khơi...
Gió viễn khơi. Đàn nhớ mong nhau. Tìm trong chiêm bao tóc bay. Có vị thần ái tình nào đó nào đó đùa cợt với chúng tôi chăng? Và càng lạ lùng hơn khi cùng một lúc chúng tôi cất tiếng hoà theo giọng hát: Từ đấy đàn nhớ thanh âm, chùng dây vĩ cầm... Ngỡ ngàng, chúng tôi nhìn sâu vào mắt nhau ...
Tôi bật lên mê sảng: “ Tại sao ngày ấy em từ chối tình yêu của anh? ”
- Để rồi mờ mờ sáng ngày hôm sau anh âm thầm vác đàn khoác ba lô rời bỏ công trường, phải không? Và sau khi đi được một đoạn, anh quay lại, cúi xuống nhặt một cái gì đó bỏ vào túi, đứng lên nhìn thật lâu vào phía lán trại, rồi bước đi thật nhanh...
Tôi vừa đánh mất đi điều gì chăng? Không, tôi đã đánh mất điều gì đó từ ngày ấy. Khốn nạn thay cái tuổi trẻ cao ngạo của tôi. Thì ra buổi sáng hôm ấy nàng đã dõi mắt trông theo mình. Viên sỏi tôi cúi nhặt ngày ấy vẫn theo tôi trong suốt cuộc hành trình vật vã bốn mươi năm.
- Ngày ấy em biết có nhiều người âm thầm thương anh, trong số đó em là người thực sự yêu anh. Điều này chắc hẳn là anh biết rõ nhất, phải không?
Nàng nhìn tôi u uẩn, những ngón thon dài vuốt đan vào suối tóc:
- Cái vết nhơ trên mái tóc đã khiến em suy nghĩ rằng em không còn xứng đáng với tình yêu của anh...
Khốn khổ thay cho cái tuổi trẻ tinh tuyền bị vấy bẩn bởi cái bản năng thú tính của kẻ lộng quyền. Hỡi con người, ngươi có biết chăng chỉ vì một hành động du côn của ngươi lại làm thay đổi số mệnh của những con người khác không?
...
Tôi đứng dậy bước về phía sau lưng nàng. Ngập ngừng run run, tôi vuốt nhẹ lên mái tóc mà tôi đã dại khờ đánh mất. Em vói tay ra sau. Tay gặp tay cùng lướt nhẹ nhàng trên miền quá khứ mượt mà. Giọng nàng nhẹ như hơi thở: ” Anh hôn tóc em đi anh .” Và rồi, tôi hôn trán nàng. Dường như tôi đang lơ lửng bay. Bập bềnh. Liêu xiêu. Chập chùng. Chếnh choáng...
Tìm trong tiếng đàn ... mùi hương chưa phai
Ý giao hòa người nhớ chăng?
...
Khẽ nắm tay kéo tôi ngồi xuống, em nhìn sâu vào mắt tôi:
- Cảm ơn anh. Từ rất lâu em mong giờ phút này sẽ đến. Anh đã gột sạch cái vết nhơ trên tóc em... Thôi mình về, bây giờ em có thể cắt đi mái tóc của mình. Để quên hết.
Rồi nàng cười thanh thản: ” Và để chung thuỷ với chồng ”.
- Anh sẽ lại được gặp em chứ?
- Dạ, nếu em chưa cắt tóc, em sẽ đến với anh cùng mái tóc dài. Anh hiểu cho em nhé...Chúc anh bình an.
***
Hắn nhẹ rải một hợp âm. Âm thanh có phần thanh thoát hơn trước. Trăng đã lên cao, thấp thoáng vài cánh cò buồn buồn bay về hướng núi.
- Mai tôi vào lại. Khi nào có dịp tôi và thằng con trai sẽ ra thăm ông. Và thăm nàng. Tôi không bao giờ thôi hết nhớ...
***
Khoảng một tháng sau, hắn bất ngờ xuất hiện với bộ dạng của một tên thất tình chuyên nghiệp truyền kiếp và rủ tôi ra biển. Sau khi chọn được chỗ ngồi dưới một tán cây dừa, tôi hỏi trong khi hắn lôi từ ba lô ra một chai rượu gạo sủi tăm và hai cái ly: ” Nhớ quá lại về à? Tôi đi tìm tí mồi nhấm nháp nhé! ” Hắn xua tay:
- Thôi, không đàn, không mồi. Xem như ăn chay, để tang.
- Cái gì? Để tang ai?
Bảy phần khóc, ba phần nói: ” Nàng mất rồi. Tai nạn xe”. Tôi rót trước cho mình một ly đầy và nốc cạn. Hơi rượu bốc lên làm hai mắt tôi cay xè rơm rớm. ” Cậu kể mình nghe đi”.
***
Tôi lại lao đầu vào việc kiếm sống. Khốn nạn cho những thằng làm thuê. Bò không ra bò, lết không ra lết. Nhưng có điều cuộc sống có phần vui hơn trước với hy vọng một ngày nào đó sẽ nhận được giọng nói của em qua điện thoại. Ngày hôm kia, không chờ được nữa, tôi bấm máy gọi cho em. Sau vài hồi chuông, giọng của một cháu gái nghẹn ngào: ” Mẹ của cháu mất rồi bác N ơi! ” Tôi bàng hoàng. Sau đó tôi có thắc mắc vì đâu con bé biết tên mình. Chắc là tên lưu trong điện thoại của em.
Tôi và con trai vội vàng mua vé bay về. Mắt nàng nhìn tôi đăm đăm qua làn ngói hương nghi ngút. Khuôn mặt kia. Mái tóc ấy. Đôi mắt này. Ngày xưa. Hai cha con cùng cúi lạy. Thôi thì cũng một kiếp phù sinh. Thôi thì cũng một khối tình mang theo. Thôi thì một chút lòng thành. Thôi thì đàn nhớ âm thanh một đời. Thôi thì thôi nhé em tôi.
- Bác cho cháu tên để ghi vào số phúng điếu ạ.
- Không cần đâu cháu ạ.
- Nhưng cháu cần, xin bác vui lòng cho ạ.
- Ừ, cháu ghi tên N.
Lúc hai cha con đang ngồi tại bàn trà nước, một cháu bé có khuôn mặt xinh xắn với mái tóc dài xoả xuống từ vành khăn tang tiền về phía tôi: ” Bác N ơi, cháu có việc muốn nói với Bác”. Cháu tự nhiên nắm tay tôi dắt vào bên trong, tôi hỏi:
- Cháu là con gái của mẹ à ?
- Dạ vâng ạ. Nhưng tiếc quá bác ơi, cháu là con nuôi của mẹ. Mẹ cháu không lấy chồng. Mẹ thường kể cho cháu nghe về bác. Trước khi mất, mẹ có dặn cháu giao lại cho bác vật này, bác về nhà rồi hãy mở ra nhé.
- Cho bác hỏi, trước khi mất mẹ cháu có cắt ngắn mái tóc của mình không?
Bổng con bé oà khóc, nức nở:
- Nhiều lần cháu thấy mẹ cầm kéo định cắt. Rồi lại buông kéo thẩn thờ khóc. Lần cuối cùng cả hai mẹ con cùng ôm nhau khóc. Mẹ nói: ” Thôi mẹ quyết định không cắt nữa, sợ bác ấy buồn. Xem như để dành cho bác”.
Tôi đến linh cữu nhìn nàng lần cuối rồi ra về.
Có ánh mắt trông theo như ánh mắt trông theo của buổi sáng ngày nào tôi âm thầm lủi thủi chạy trốn khỏi công trường. Tôi định dừng lại để nhặt cái gì đó trên đường về, nhưng lại thôi. Tôi đã có được di vật của nàng. Một lọn tóc ông à...
***
- Thằng con ông đâu?
- Tôi bảo nó ở lại giúp con bé. Gia đình không có người thân. Hình như thằng ấy nó có cảm tình với con bé ngay từ phút đầu. Linh cảm tôi mách thế. Và tôi cũng muốn như thế. Nó cũng là đứa con nuôi của tôi, tôi nhặt nó ở cạnh nhà thờ Đức Bà. Quà tặng của Thiên Chúa dành cho kẻ không vợ không chồng ấy mà.
Nâng ly ngang mày, ngước nhìn trời cao, giọng hắn chùng xuống: ” Thôi, thanh thản nhé, em tôi”. Rồi cúi đầu rưới rượu lên mái tóc loà xoà của mình. Hai vai rung lên:. Người đi hướng nào ? Tìm trong chiêm bao Tóc bay dài, gió viễn khơi... Làm sao để anh thôi nhớ em?
Những giọt rượu lăn dài trên má, từng giọt, từng giọt rơi xuống lặng lẽ. Ắt hẳn có những giọt nước mắt trong đó.
***
Câu chuyện hình như cũng chưa muốn dừng lại. Đang khi tôi viết những dòng này thì nhận được tin nhắn của hắn: Ngày...tháng... năm tôi nhờ ông đi hỏi vợ cho con trai ở tôi tại Đà Nẵng mình.
À quên, còn một điều này nữa mà tôi chỉ dám thổ lộ với các anh chị - tuyệt nhiên không dám kể với nó: Ngay buổi tối hôm hắn đi phúng điếu về, tình cờ tôi thấy một vị trông quen quen rao giảng đạo đức của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay trên TV. À, thì ra là ông Y. Chỉ khác đôi má phình ra to hơn ngày xưa và trên sống mũi chễm chệ một cặp kính loa loá trắng.
Vugia K7
* Thơ Đinh Hùng- nhạc Đan Thọ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét