Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

HOÀI NHỚ


1- Sau một đời lao lực gìn giữ cơ ngơi tiên tổ , người cha trăn trối với hai con: “Hai chị em hãy đùm bọc, thương yêu nhau. Các con là ruột thịt của cha mẹ, là ruột thịt của nhau. Và hãy nhớ rằng, đất đai này này chính là xương máu của tiền nhân ”. Người con gái đầu gục đầu tức tưởi khóc.

Chẳng bao lâu, người mẹ thì thào trước khi đi theo chồng: “Ba với mẹ vốn không phải là ruột thịt với nhau, nhưng nhờ thương yêu nhau và cùng thương yêu các con nên đã thành ruột thịt của nhau. Các con chớ ghét bỏ nhau…”. Hai vai người con trai rung lên bần bật.

Rồi người chị lấy chồng - một người đàn ông đến từ phương Bắc. Không hiểu vì nghe lời chồng hay vì quên nghe lời cha mẹ, càng ngày cô ta càng tỏ ra lạnh nhạt với em ruột của mình. Người em lẳng lặng bỏ đi sau khi quỳ gập người trước bàn thờ cha mẹ, trút đến giọt nước mắt cuối cùng. Vì biết rất rõ rằng mình đã mất tất cả.
Dân làng phàn nàn vì tiếng kêu thảng thốt của một loại chim lạ: “ Không hiểu con chim này từ đâu đến mà tiếng kêu sao nghe đứt ruột quá!”

2- Lại nói về người chị. Vợ chồng họ không thành ruột thịt của nhau bởi lẽ người đàn ông kia lấy cô ta không phải vì yêu thương. Và họ cũng chẳng có con cái để thành ruột thịt của nhau. Rồi người chồng tàn nhẫn kia đánh đập buộc cô ta phải từ bỏ chính ngôi nhà, vườn tược, ao sâu của tổ tiên mình để lại.

Người đàn bà thất thểu ra đi, đi mãi mong tìm được đứa em trai thân yêu mà cô đã ngu muội đánh mất.
Dân làng lại phàn nàn vì tiếng kêu ai oán của một loài chim mới: “ Tiếng kêu sao mà nghe đau lòng quá ! ”…

3- Những cánh rừng dương ngút ngàn nồng nàn hương biển nhường cho những dinh thự sang trọng kín bưng, những xóm yên bình với màu mạ non xanh mướt mát làng quê không còn, núi rừng bao đời biến thành đồn trú hoặc công trường khai thác tài nguyên của bọn chủ ngoại bang. Các vị cao niên bản xứ nằm ở gầm cầu không bị quấy rầy bởi tiếng kêu mỏi miệng đau lòng của hai loài chim kia nữa. Họ lại chịu lòng đau bởi những tiếng chửi rủa mắng mỏ cay nghiệt của bọn người xa lạ …

4- Nhưng thực ra, tiếng kêu khắc khoải, u uất của hai loài chim nọ đã hóa thân thành tiếng thở dài và là nỗi hoài nhớ của lớp già bị bỏ rơi. Không biết lớp trẻ bị đày ải ở phương nào. Họ bèn đặt cho loài có trước tên là chim Nam. Loài chim sau gọi là chim Bắc.

5- Để quãng đời còn lại họ cảm thấy mình đã từng có quê hương. Và để được nhỏ giọt nước mắt cuối cùng của những người bản xứ cuối cùng.

Vugia - K7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét