Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

DÂN TRÍ VÀ QUAN TRÍ


(Hồi ký)

Đến tận bây chừ tôi vẫn còn nhớ về người thầy đáng kính và các vị đại huynh đồng môn của mình. Quả là hồng phúc khi tôi được vinh dự làm học trò của ông, trong khi cha mẹ tôi chỉ là nông dân lam lũ sáng xuống ruộng trưa lên bờ, nắng đổ mồ hôi để rồi mưa trôi nước mắt. Và tôi, chỉ là thằng giữ bò thuê.

Đúng ra tôi chỉ là thằng học trò không được nằm trong danh sách. Các vị đại huynh kia mới xứng đáng mang danh học trò. Họ là những quý tử của các vị quan lớn trong vùng. Cái khoảng cách quá lớn giữa thằng học trò giữ bò với đám học trò con nhà danh giá kia qua thời gian lại càng giãn ra chứ không hề được thu hẹp lại. Trong giờ chơi, tôi thầm nghĩ thôi thà làm kiếp giữ bò hơn là làm con bò cho bọn nó cưỡi. Tôi bỏ học. May thay, thầy tôi buộc tụi nó phải quỳ và tặng cho mỗi thằng năm roi bằng chính cái roi chăn bò của tôi – cái roi ấy chưa hề đánh vào con bò nào. Khinh bỉ bỏ ngoài tai lời xin lỗi, tôi tiếp tục ăn mày thầy tôi đạo lý thánh hiền.

Tôi nhớ vào năm 1863 – hình như là năm Quý Hợi? – thầy bảo tôi chuẩn bị đi xa cùng với thầy. Quá bất ngờ và quá vinh dự đối với tôi. Ai ngờ thằng giữ bò như tôi lại được theo thầy đi Pháp. Cái đám đại huynh đồng môn kia kể từ lúc ấy không thèm nhìn mặt thầy, cha mẹ họ đã tìm cho họ một ông thầy khác, dĩ nhiên tôi là kẻ bị họ căm ghét nhất.

Thầy bảo: Thầy mang trò theo không phải để hầu hạ thầy. Do chuyến đi này thầy bận quá nhiều công chuyện nên thầy muốn trò giúp thầy: qua bên đó trò hãy quan sát và cho thầy một kết luận về dân trí và dân khí của họ.
Thời gian của Sứ bộ nước ta ở Pháp không nhiều. Sau khi về nước, thầy hỏi:
- Thế nào, theo nhận định của trò, dân trí và dân khí của người Pháp như thế nào? Trò nên nói ngắn gọn.
- Kính thầy, qua sự đón tiếp, qua cung cách cùng khẩu khí của họ; mặc dù họ là kẻ thù của nước mình nhưng con có cảm nhận rằng trình độ dân trí của họ rất cao. Một khi dân trí cao thì dân khí của họ cũng phải tương ứng như thế ạ.
Thầy ôn tồn: Trò không nên đánh giá vội vàng và phiến diện như thế. Chúng ta mới được tiếp xúc với tầng lớp cầm quyền thôi. Đó chưa phải là thể hiện dân trí, dân khí của một quốc gia.
Tôi nhớ khi thầy nói như vậy thì có người đã nghe thấy hết. Đó là Chánh sứ Phan Thanh Giản.
Tôi thấy khuôn mặt của ngài Chánh sứ càng thêm u buồn. Đôi mắt vốn đã u uất lại càng thêm u uất.
Rồi ngài và thầy tôi nhìn nhau. Cả hai cùng thở dài.
Trong chuyến đi ấy, thầy tôi làm phó sứ. Tên ông là Phạm Phú Thứ.

Trên cái cõi dương gian này, có cái thứ mà con người không sờ mó được nhưng buộc họ phải công nhận rằng nó tồn tại và con người lệ thuộc hoàn toàn vào nó. Đó là thời gian.
Rồi trên cái giòng thời gian ấy, đời tôi trải qua lắm chuyện buồn vui. Chuyện vui thì chẳng tày gang. Còn chuyện buồn thì lại lê thê nằm vắt vẻo dài hai ba thế kỷ. Nhưng thời gian thì lại vận hành về phía trước. Không biết thời gian có làm cho con người tiến hóa thêm hay thoái hóa lại?

Vào năm Mậu Tuất, thằng cháu từ xa về, nói: Bác ơi, cháu định tìm hiểu về dân trí và dân khí của người nước mình. Nhưng cháu nghĩ không cần phải đi sâu tìm hiểu, chỉ cần chịu khó vào các trang mạng xã hội thì có thể rút ra kết luận.
Tôi nói: Cháu tiếp đi.
- Này nhé, đối với chủ quyền quốc gia thì chẳng có vị nào, ông bà nghị nào có chính kiến; giáo dục và y tế thì lại xem nhẹ hơn mấy trò đá banh, mấy trò khoe mẽ. Thế thì dân khí ở đâu? Về mặt xã hội thì nào là mua bằng mua chức, vì đồng tiền mà đập phá đền đài, miếu mộ, phá nát cảnh quan, ăn hết gỗ trên rừng, chia chác hết đất trên cạn, ví thu thuế như vặt lông vịt, rằng bán vé số có thu nhập cao, bán trà đá có lợi nhuận siêu khủng, tăng giá xăng giá điện là phù hợp với nguyện vọng của người dân, nuốt cái phí không trôi thì sáng tạo ra trò nuốt giá và hằng vô hà số những câu phát biểu kiểu hò rì hò tét như vậy thì suy ra dân trí của dân mình quả là có vấn đề.

Tôi im lặng. Chợt nhớ đến tiếng thở dài của vị chánh sứ và của thầy tôi ngày nào. Cúi mặt xuống tôi lí nhí :
- Cháu không nên đánh giá vội vàng và phiến diện như thế. Đó là giai tầng quan lại. Chưa phải là dân khí và dân trí của một quốc gia.
Rồi, tôi chợt nhớ đến các vị sư huynh đồng môn của tôi ngày nào. Chắc con cháu họ hầu hết đều đã trở thành quan lại, ông nghị bà nghị.

Lại chợt đến cái roi chăn bò ngày ấy.

Vugia - K7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét