Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

KÍ ỨC VỀ BẠN







Trích Đặc San ĐG-HHT 35 năm ( 1963-1998)
Tôi là dân Mỹ Khê (Phước Mỹ), còn Quyền quê ở Quế Sơn trôi dạt về chợ Mai, Sơn Trà. Chúng tôi gặp nhau ở ngôi trường Đông Giang. Trường Đông Giang đầu tiên tọa lạc trên bãi cỏ Nại Hiên, mùa mưa ngập nước từ đường cái trút xuống, mùa hè thì cỏ khô như muốn cháy. Sau đó trường dời xuống bãi cát An Trung, An Hải. Gọi là trường cho oai chứ hồi đó khi chúng tôi vào học lớp Đệ Thất( lớp 6) trường chỉ có ba gian nhà tường xây, mái lợp ngói xi măng, không có tường rào, chưa có cổng và văn phòng chỉ là một gian nhà vách ván ghép, lợp tôn.
Thời đó,dân quận III còn nghèo, trẻ em phần lớn thất học từ nhỏ phải theo gia đình đánh cá trên sông biển hay làm nông bên cồn cát đầy phèn cho nên học sinh nào thi đỗ vào trường Đông Giang là một niềm vinh dự rất đáng tự hào.
Nhưng con đường tới trường xa lắc xa lơ, mỗi lần đi và về tính đại khái quanh co khoảng trên chục cây số. Đường có dễ đi đâu ,đôi bàn chân học trò phải băng qua một đồi cát nhấp nhô, có những vũng nước đọng lại do thế đất tự nhiên tạo ra. Rồi lội qua con khe trồng các loại rau, tiếp đến là một đầu rừng đầy bụi gai lưỡi long, gai cầm đường  và um tùm không biết cơ man nào là bụi móc, cọc, sim dai, cỏ cú, cỏ lông chông, gai sầu…Đó là mảnh đất cho những chú chim chiền chiện bay là là hay các chú cuốc giật mình phóng lên. Ngoài ra thỉnh thoảng lại xuất hiện  vài con chồn đen vuột băng  trên đồi cát xa xa, thặm chí có cả những chàng cày hoang, đói meo, ốm teo ngủ quên trong bụi vì lạnh.
Mỗi lần tan học tôi về tới nhà sớm nhất là chạng vạng tối. Mùa hè buổi chiều gặp mưa dông, chúng tôi đua nhau chạy thí xác, gặp bụi dứa có tàn che là nhào đại vô núp, có khi quần áo ướt mem, mực nhòa nước mưa nhòe nhoẹt bao nhiêu trang vở. Nhưng sướng nhất là tắm khe, nước khe mùa hè và thu  vừa trong vừa mát, nhảy xuống quậy tới bùn đến khi đói bụng xót ruột , mò lên vườn nhà ai đó, trộm dưa hồng đánh chén, ăn đến đâu mát đến đó, ăn kềnh  bụng mà không thấy ớn.
Nếu trái đất ¾ là nước thì đất quận III trước đây ¾ là cát. Bước ra khỏi lớp là gặp cát, guốc dép múc vào lớp biết bao nhiêu cát, trực nhật quét  nền sạch rồi, chỉ 5 phút sau sàn lớp phủ đầy” đặc sản” vùng biển. Làm gì có sân chơi cho nên chỗ nào cũng biến thành sân chơi: chơi ngay trên cát, nằm ngồi trên cát, đá banh, chạy nhảy trên cát, xếp hàng vào lớp cũng trên cát nốt. Nhà gởi xe cũng không có. Muốn gởi thì cứ việc dựa vào tường,buổi mai để hiên trước , buổi chiều dắt ra hiên sau, chỉ ưu tiên chiếc”GOOBEN” của thầy Vân thì được gởi trên hành lang hẹp.
Đông Giang của chúng tôi thời ấy tội nghiệp vậy đó! Dăm ba phòng học trơ vơ trên đồi cát hoang vu, chưa có bóng cây cao nên những ngày có gió, đây là mảnh đất tốt để gió tung hoành thoải mái. Nó bốc cát tung lên quật xuống tạo thành đám bụi mù mịt giữa sân, ùa vào lớp học rắc lên trang vở chúng tôi từng lớp mỏng. Mùa đông thì cái lạnh lướt rầm rầm trên mái, chui qua khe cửa len vào giữa lớp học sinh đang cố ngồi xích lại gần nhau. Lớp học vừa lạnh, vừa tối, chúng tôi nghe giảng bài và ghi bài trong bong tối vì tất cả các phòng đều không có điện. Mùa nóng thì như có ai đổ lửa gần đây, cái nóng từ bốn bề hắt lên, ngồi trong lớp nhìn ra sân cứ nheo mắt lại mới thấy những gì ở bên ngoài vì cát và ánh sáng gặp nhau cứ lấp loáng rồi mờ mờ như là ảo ảnh.
Quyền ngồi sau tôi hai dãy bàn.Tôi thì thỉnh thoảng còn đổi chỗ linh tinh, còn Quyền thì không bao giờ, y như thầy giáo đặt đâu ngồi đó. Quyền không đẹp trai nhưng có khuôn mặt vuông  vức, nụ cười tươi  với hàng răng đều. Quyền rất ít nói và học cực kỳ giỏi, môn nào cũng “sơ mi” (đứng nhất). Chữ Quyền đẹp lạ lung, chắc hồi tiểu học là “chuyên gia viết  Luân Hoán”. Trong lớp, tôi là học sinh kém, chưa tháng nào được  đứng vào vị thứ từ 1-20, còn Quyền thì tháng nào cũng có BẢNG DANH DỰ. Nhưng bất ngờ thay, năm đệ lục (lớp 7), thầy Nguyễn Bang vừa là giáo sư Toán,vừa là giám thị đã chấm bài thi của Quyền và tôi ngang điểm nhau (đồng sơmi). Quyền đã  đến chỗ tôi bày tỏ niềm khâm phục trong khi tôi ngượng hơn chi cả. Cũng năm đệ lục đó, tôi lên cơn suyễn kéo dài đến 10 ngày, tưởng không qua khỏi, Mai Lịch(Mai Mộng Tưởng) lên lớp báo động là tôi sắp” đi”. Quyền  tưởng tôi “đi “ thật nên viết sẵn bài văn tế dành cho tôi. Nhưng số tôi còn thọ nên cơn bệnh lai dứt, gặp tôi, Quyền toét miệng đưa bài văn tế. Tôi không ngờ lời văn ai oán thế, càng đọc tôi càng xúc động không chịu nổi và nước mắt rơi trên những dòng văn tế bạn bè viết dành cho tôi.
Sau  cái lần chết hụt ấy, tôi đâm ra có cảm tình với Quyền nhưng không dám chơi  thân. Tôi thì lúc nào cũng quanh quẩn bên Trịnh Dũng,Tăng Nhương, Nguyễn Trí Nghĩ, Nguyễn Đăng Quang,Võ Văn Hóa, Huỳnh Ngọc Tân, Lê Phước Sử, Trần Thanh Bình….Bọn tôi thích thể thao, ưa văn nghệ, khoái tụ họp, đàn đúm, chơi rông rông và là những kẻ không địa chỉ. Lại còn biết thích nhào tối làm quen, nói chuyện tía lia với mấy cô bạn gái cùng lớp. Về mục này thì TD và TN  thường đạt thắng lợi hơn tôi.
Thấy chúng tôi sinh hoạt cũng hay hay nên lớp 9, Quyền làm lễ “ nhập bọn”. Chúng tôi đạp xe đi Hội An, Suối Đá Sơn  Trà, bãi biển Mỹ Khê.Trên bãi biến chúng tôi cũng bày đặt tìm kiếm bong hồng, nhưng chỉ dám ngồi xa ngó tới, đứa nào cũng thách nhau nhưng không đứa nào dám đến gần vì sợ bị hớp hồn. Rồi cũng có những ”khối tình con” ra đời, khối tình ấy cũng mong manh như sợ tơ mành trước gió vì chúng tôi hết ”yêu” người  này tới ”yêu” người khác, đêm về cũng hì hục làm thơ, viết văn và ngày mai cũng “run rẩy” khi ” bạo phổi” trao cho”em” tờ thư dính đầy mồ hôi và cát. Có lúc “em” không thèm nhận. Chúng tôi biến thành Từ Hải chết đứng  giữa trận tiền và chỉ muốn như Tôn Ngộ Không độn thổ để chui ngay xuống cát kẻo cây cỏ sân trường nghiêng ngã những nụ cười.
Mùa hè năm đệ tứ (lớp 9) sắp chia tay nên từng tập lưu bút được  trao cho nhau. Thôi thì viết, rồi lá khô, hoa khô, bướm khô..đầy những trang giấy. Đây cũng là dịp tranh thủ ”dzẽ dzời” bày tỏ tình cảm lâu nay ủ kín. Năm lớp 9 với bao kỉ niệm và chúng tôi nhớ nhất là Đai hội Thể dục Thể thao toàn thành phố Đà Nẵng, Quyền được chọn làm tướng tiên phong đi dầu trong đội ngũ diễu hành của trường Đông giang. Dáng đi oai nghi lưng thắng, đầu ngửng cao, Quyền là niềm tự hào của lớp tôi và toàn trường với những bước đi sải dài theo nhịp quân hành. Có lẽ cũng vì thế mà năm đó trường tôi đạt giải nhất toàn thành phố chăng?



Nguyễn Quyền trong đoàn Diễu hành
Đến năm lớp 10, chúng tôi nam thì học ở Phan Chu Trinh, nữ thì học trường Hồng Đức. May thay mấy đứa chơi  thân với nhau  ở Đông Giang được xếp vào lớp 10B2(ban Toán). Biết phận mình là con nuôi ”con rơi” nên chúng tôi rủ nhau ngồi hai dãy bàn cuối, thầy chủ nhiệm Bùi Đình Nhuận gọi chúng tôi là tổ 4, tổ ngoại ô. Có nhiều kỉ niệm trong những ngày học ở Phan Chu Trinh.Tôi còn nhớ giờ Anh Văn  của thầy Nguyễn Ngọc Kỳ, đến phần luyện đọc thầy gọi tôi dậy phát âm từ” Thank you” tôi buộc miệng phóng ra ngay  tiếng ”bồi”: “Thanh kiều du” thầy Kỳ nhìn tôi chưng hửng còn cả lớp thì cười rầm lên.Chiều hôm đó, Quyền rủ anh em kéo xuống trung tâm dạy tiếng Anh ghi tên thi vào các lớp để học thêm, quyết sẽ rửa sạch cái nhục dốt tiếng Anh. Thú thật chúng tôi không hề phân biệt mình là Đông Giang  hay bạn là Phan Chu Trinh, nhưng dù sao cũng mặc cảm mình là dân ”Bông kia sên” mình là con nhà nghèo nên phải chịu thương, chịu khó nhất là phải giúp nhau ngoi lên. Chẳng mấy chốc, Quyền và vài bạn trong nhóm chúng tôi đã đuổi kịp dân Phan Chu Trinh, tiến lên vị thứ đứng nhì, đứng ba.
Dạy môn Văn lớp tôi là cô Mộng Hoàn, tên cô đẹp, người cô lại trẻ trung, chúng tôi dân ban Toán khô khan  mà rất thích cô, cô thường bắt chúng tôi viết Nhật kí và đưa cô coi, cô bảo đây là cách”dạy”các anh viết văn. Có một bận, cô chọn tổ 4 chúng tôi thuyết trình với đề tài”Chinh Phụ Ngâm Khúc”. Chúng tôi chạy khắp quận III, tìm sách tham khảo bở hơi tai. Nhà ở cách nhau rất xa, thế mà tập trung lại soạn, rồi sửa, thuyết trình thử, canh giờ…Lần đó cô Mộng Hoàn khen tổ 4 nức nở: Bài soạn súc tích, thuyết trình viên lưu loát, trả lời câu hỏi trôi chảy.Thế là “họ” bắt đầu “ngán” dân Đông Giang!.
Năm 1973, kỷ niệm 10 năm thành lập trường Đông Giang, tuy xa trường chỉ mới 1 năm, chúng tôi cũng được gọi là Cựu học sinh. Chúng tôi đang học ở Phan Chu Trinh và Hồng Đức đã kết hợp với nhau ra đời tập san LỐI XƯA- cảm tác từ hai câu ’Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bong tịch dương” của bà Huyện Thanh Quan. Ngày về trường dự lễ, chúng tôi xúc động trào nước mắt, rồi sau đó vui thật là vui trong không khí đông đúc,vui nhộn, mừng mừng, tủi tủi bên thầy cũ, bạn xưa. Điều sung sướng đến với chúng tôi là ngắm trường đã thấy khang trang hơn, bóng cây bắt đầu tỏa rợp và sân chơi,  nhà xe đã được hình thành.

Trại kỷ niệm 10 năm thành lập trường 
Khi học ở Phan Chu Trinh, có một chuyện mà tôi không thể nào quên và có lẽ bạn bè tôi vẫn còn nhớ mãi. Hôm đó là giờ Pháp Văn (Sinh ngũ phụ), thầy chưa đến, bỗng có bóng người chạy ào vào lớp nhốn nháo tiềm kiếm, mặt mày dữ tợn như vừa đánh lộn với ai. Anh ta quay lại nhìn tôi đang đứng nơi cửa sổ, không hiểu sao tôi lại nở một nụ cườ ” vô duyên”, không có”xuất xứ”. Anhđến bên tôi gầm lên: ”Mày cười ông cái gì?” Tôi chưa kịp trả lời, anh xán cho tôi một bạt tai tóa đom đóm (đến bây giờ vẫn còn đọng dư âm).Tôi chưa kịp lấy lại thần hồn, anh ta định bồi tiếp một cái nữa thì may thay, một bóng người cao lớn chạy tới xô anh ta ra. Đó là Lê Kỳ. Kỳ cung nắm tay lại, xuống tấn, thủ thế. Thấy khó nuốt nỗi Kỳ, anh ta lườm tôi rồi biến. Lê Kỳ cũng là học sinh Đông Giang, rất to con và là “chuyên gia” nhảy phà, dù phà đã ra khỏi cầu bến một, hai thước. Lê Kỳ đã biểu lộ tinh thần mã thượng của một “hảo hán”, vì tình đồng môn, sẵn sàng xã thân cứu bạn.
Lên lớp 11, chúng tôi vẫn được giữ y tổ 4. Lúc này, thầy Nguyễn Đình Trọng (nhà thơ Đông Trình) là giáo sư cố vấn lớp tôi. Thời đó sinh viên Huế- Đà Nẵng trong phong trào phản chiến đều biết nhà thơ Đông Trình. Thầy dạy Văn rất hay và không ngần ngại bày quan điểm chính trị của mình qua các cuộc trò chuyện  với chúng tôi. Năm ấy, trong buổi liên hoan tất niên, thầy tổ chức thi văn nghệ và hứa có giải thưởng nên các tổ đều náo nức. Tổ 4 tôi đề ra các tiết mục: Hợp ca: “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của Nguyễn Đức Quang. Đơn ca:” Một mai giã từ vũ khí”.Quyền sáng tác và ngâm bài ”Mùa xuân tuổi 17” và tôi sẽ làm quản trò một trò chơi tập thể. Cả bọn chúng tôi háo hức kéo nhau về chùa Mỹ Khê để tập dượt. Các bạn tổ khác cũng chơi rất trội: Độc tấu Guitar, Piano, thổi kèn Armonica, hát, nhảy nhạc ngoại quốc tiếng Anh, tiếng Pháp…Nhưng thầy Trọng đánh giá các tổ thiên về kỹ thuật biểu diễn, nặng phần phô trương còn tổ 4 tôi được trân trọng trao hai giải thưởng của thầy với  lời khen ngợi: “Có tinh thần đoàn kết và đi vào chiều sâu”.
Năm nay, khối 11 Phan Chu Trinh được chọn đi diễu hành trong Đại hội Thể dục Thể thao toàn thành phố. Vì biết chúng tôi đã từng đi diễu hành cho Đông Giang nên quí thầy Phan Chu Trinh đã gọi chúng tôi lên để “chọn mặt gửi vàng”. Kết quả lại đứng nhất. Có thể coi đây là nhịp cầu thành tích nối liền giữa hai trường.
Niên khóa 1974-1975 chúng tôi lên lớp 12, những ngày cuối cùng của đời học sinh cũng là ngày quê hương “giải phóng”.Từ đó đến nay, chúng tôi mỗi đứa mỗi nơi: Quyền theo gia đình về Quế Sơn, còn tôi trở thành công nhân nhà máy Cao su Đà Nẵng, bẵng đi một thời gian nghe nói Quyền cùng gia đình đi kinh tế mới ở miền Nam. Hai lớp 9A-9B của chúng tôi ngày ấy thỉnh thoảng gặp nhau trên đường phố, giơ tay vẫy chào rồi đi. Những năm gần đây, chúng tôi tổ chức họp lớp vào mồng 4 tết, không thể nào đông đủ, nhưng dẫu sao cũng là thời khắc quí báu để nhìn những đổi thay trên từng khuôn mặt ngày ấy và kỉ niệm về thầy cô, bạn bè, mái trường vẫn làm xao xuyến  những khuôn mặt dạn dày, phong sương. Nhìn thế hệ em út, con cháu mình nay là học sinh Hoàng Hoa Thám, ai cũng tự hào và càng tin yêu vào thầy cô giáo. Nhớ ngôi trường Đông giang thuở khai sinh chơ vơ trên đồi cát mới thấy sức vươn lên của ngôi trường mới xanh tươi một màu hôm nay.
Hồi ức về bạn bè như là chuyến hành hương quay về miền kỉ niệm, mong ước được chạy về ngồi xuống êm ái trên bãi cát vàng còn in dấu chân thời đi học để có thêm niềm tin yêu mai này dong ruỗi giữa cuộc đời trăm phương nghìn hướng.
Hỗ Văn Ninh K6

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét