Hà Thị Lệ Hà K8
Với người yêu văn
chương Việt Nam và thế giới, “Cuốn theo chiều gió ” (Gone with the wind) của
Margarett Mitchell là một tác phẩm quá quen thuộc . Ra đời năm 1936, cuốn tiểu
thuyết đầu tay và duy nhất của nhà văn nữ người Mỹ này nhanh chóng thu hút sự
chú ý và tình cảm của hàng triệu bạn đọc trên thế giới, được dịch ra hàng chục
thứ tiếng, được dựng thành phim, được đưa vào giảng dạy ở hệ thống nhà trường
nước Mỹ với sự say mê và hãnh diện của hàng bao thế hệ học sinh.
Một cuốn sách có độ dài hơn một nghìn trang. Toàn bộ
nội dung của nó được đặt gần như trọn vẹn trong bối cảnh lịch sử của cuộc chiến
tranh Nam _Bắc Hoa kỳ (1861_1865). Sở dĩ gọi là chiến tranh Nam- Bắc vì
đó là cuộc chiến diễn ra giữa hai phe: phe miền Bắc (còn gọi là phe liên bang)
đứng đầu là Tổng thống nước Mỹ Abraham Lincoln, ông ta chủ trương xóa bỏ buôn
bán nô lệ người da đen và phe miền Nam chủ yếu là giới quý tộc, những ông chủ của những đồn điền bông vải
rộng mênh mông ở miền Nam chống lại chủ trương này. Nhân vật chính là Scarlett O'Hara, con gái
chủ đồn điền Tara giàu có. Cô thiếu nữ
này không quá xinh đẹp, nhưng nam giới lại không mấy khi nhận ra điều ấy
vì ngay từ đầu họ đã bị choáng ngợp,
cuốn hút bởi sự thanh lịch duyên dáng của nàng, đặc biệt bởi vòng eo bốn mươi
hai phân rưỡi, vòng eo thanh mảnh nhất xứ Georgia.
Đó là một chiều nắng tháng tư năm 1861, vài ngày trước
khi chiến tranh xảy ra. Scarlett O'Hara mới mười sáu tuổi, yêu kiều trong một cái váy áo mới bằng sa- tanh có
điểm hoa xoè rộng mười một thước , đang ngồi tán gẫu với các bạn trai láng
giềng dưới bóng mát Tara, đồn điền của cha nàng. Cô thiếu nữ đang rất háo hức
vì sắp được tham gia một cuộc dạ vũ mà cô luôn là một tâm điểm. Bất ngờ, cô lại
nghe tin Ashley Wilkes -người mà cô thầm yêu đã lâu - sắp làm lễ
đính hôn với cô em họ là Melanie Hamilton ở Atlanta.
Điều bất ngờ đó khiến Scarlett O'Hara cảm thấy bắt đầu
là một sự choáng váng và sau đó là một nỗi thống khổ không sao dứt ra được. Cô
vẫn nghĩ Ashley Wilkes từ lâu đã yêu mình, chỉ là chưa dám nói ra. Với bản
tính nhiệt cuồng, bướng bỉnh và kiêu kỳ,
Scarlett O'Hara quyết tâm trong buổi tiệc tối ngoài trời sẽ bày tỏ tình yêu với
Ashley Wilkes và nghĩ tới cả chuyện sẽ
rủ chàng cùng trốn đi. Ngược lại
với mong đợi của Scarlett O'Hara, chàng trai trẻ đáng yêu Ashley
Wilkes mặc dù vẫn ân cần tử tế với nàng nhưng vẫn nói rằng mình sẽ cưới
Melanie Hamilton. Rhett Butler, vị khách không mời vô tình chứng kiến tình cảnh
thê thảm của Scarlett O'Hara buông lời trêu chọc khiến cô xấu hổ đến nổi điên lên. Sau đó, lại nghe
vợ sắp cưới của Charles Hamilton nói xấu mình, trong cơn tức giận, Scarlett
O'Hara quyết định kết hôn với Charles Hamilton. Buổi tiệc kết thúc cũng là lúc
tin cuộc chiến tranh Nam Bắc bắt đầu và các chàng trai hăng hái nhập ngũ.
Giận hờn, tự ái
rồi lấy chồng, tất cả quá vội vàng, nhanh chóng khiến Scarlett O'Hara khi còn
chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì Charles Hamilton đã qua đời vì dịch bệnh trong quân ngũ. Trở
thành góa phụ, rồi có con khi mới mười sáu tuổi, chịu mọi sự ràng buộc cấm đoán
nặng nề của lề lối xã hội nhưng Scarlett O'Hara vốn khát sống không chịu nép
mình khuất phục . Vào tháng
5 năm 1862, Scarlett chuyển đến ở với Melanie Hamilton ở thủ đô
Atlanta. Ở đây, Scarlett O'Hara gặp lại Rhett Butler, lúc này đã trở thành một
thuyền trưởng vượt phong tỏa, một thương nhân chuyên buôn lậu và đầu cơ rất
giàu có.
Cuộc chiến tranh Nam - Bắc diễn ra theo chiều hướng
này càng bất lợi cho phe miền Nam. Nhiều cuộc tấn công dữ dội diễn ra. Atlanta
bị bao vây. Melanie sinh con. Hoàn cảnh
khó khăn khiến Scarlett phải cầu cứu Rhett Butler. Trên đường chạy trốn khỏi
Atlanta, Rhett Butler nói yêu Scarlett nhưng nàng từ chối.
Chiến tranh gần kết thúc. Scarlett O'Hara trở về Tara.
Đồn điền Tara giờ đây đổ nát hoang tàn vì không người chăm sóc. Mẹ mất, cha
loạn trí, hai người em gái bệnh nằm liệt giường, người làm bỏ đi gần hết. Chỉ
còn một mình Scarlett O'Hara, cô tiểu thư kiêu kỳ bé nhỏ ngày nào phải chống
chọi với tất cả, cô làm mọi việc quần
quật như một nô lệ để có miếng ăn cho cả
gia đình, kể cả vợ và đứa con mới vừa được sinh ra của Ashley Wilkes .
Thậm chí có lần để bảo vệ Tara, Scarlett O'Hara phải liều lĩnh cầm súng bắn
chết một tên lính Yankee mò đến đồn điền để ăn cắp. Cô sẵn sàng làm mọi
điều kể cả những điều khiến mọi người và
chính bản thân cô khinh ghét, miễn là để những người thân yêu của cô được sống,
miễn là để vực dậy được Tara, vùng đất
đai thân thiết mà trước đây người cha đôn hậu của cô đã đổ mồ hôi để khai phá
và quý yêu như máu thịt của mình .
Chiến tranh kết thúc. Thế nhưng đó lại là lúc Scarlett
O'Hara phải đối mặt với nguy cơ mất trắng Tara vì chính phủ mới tăng tiền đóng
thuế đồn điền gấp nhiều lần và nàng không có tiền nộp thuế. Scarlett O'Hara đến
gặp Rhett và sắp thuyết phục được chàng để mượn tiền thì Rhett Butler phát hiện
nàng nói dối. Trong cơn tuyệt vọng, tình cờ Scarlett O'Hara gặp lại Frank
Kennedy, chồng chưa cưới của Suellen, em gái nàng. Scarlett O'Hara tìm cách
quyến rũ và lấy Frank Kennedy làm chồng để có tiền cứu Tara.
Tara dần hồi sinh. Rhett Butler lại cho Scarlett
O'Hara mượn tiền để mở một xưởng cưa. Lúc này Ashley Wilkes đã được trở
về và nghe lời khuyên của Melanie Hamilton, chàng ở lại Atlanta giúp Scarlett
O'Hara điều hành xưởng cưa.
Scarlett O'Hara có với Frank Kennedy một đứa con gái
mặc dù cô không mấy mong muốn. Có con nhỏ nhưng Scarlett O'Hara vẫn thường
xuyên ra ngoài làm đủ mọi việc để kiếm thật nhiều tiền mặc dù tình hình an ninh
sau chiến tranh không ổn định. Một ngày, nàng bị một tên da trắng nghèo khổ và
một nô lệ da đen vừa mới được giải phóng tấn công và suýt bị hãm hiếp. Frank
Kennedy và Ashley Wilkes và một nhóm người đều là thành viên của đảng 3K
tức giận đi trả thù. Hậu quả là Frank Kennedy bị giết, Ashley Wilkes bị
thương, những người khác có nguy cơ bị
bắt. Rhett Butler đã giúp đỡ họ thoát nạn.Trong khi Frank Kennedy còn chưa được
chôn cất và Scarlett O'Hara còn
đang ân hận vì nghĩ mình là nguyên nhân
cái chết của chồng thì Rhett Butler đã đến quỳ gối dưới chân nàng
và ngỏ lời cầu hôn bởi vì anh vẫn rắp
tâm lấy được cô ngay từ ngày đầu họ gặp nhau và như anh nói: “Scarlett ạ, thực
tình tôi không thể suốt đời cứ rình để bắt cô vào quãng giữa hai đời chồng.”
Mặc dù đã được sống những ngày tháng thoải mái, mặc dù
được Rhett Butler hết sức cưng chìu và mặc dù hai người đã có với nhau một đứa
con gái, Scarlett O'Hara vẫn nghĩ rằng nàng chỉ có thể yêu một mình Ashley Wilkes nên
cả hai cứ giằng dỗi nhau. Scarlett O'Hara thậm chí đã quyết ngủ riêng để tránh
việc mang thai lần nữa. Họ cứ đến được gần nhau rồi lại dần trở nên xa cách
nhau cho đến khi cô con gái bé nhỏ mà Rhett Butler hết lòng yêu thương bị tai
nạn và qua đời khiến Rhett Butler bị một cú sốc tâm lý nặng nề nặng nề và nghĩ
rằng mình sẽ buông bỏ mọi thứ vì không
còn đủ kiên nhẫn để theo đuổi tình yêu với Scarlett O'Hara.
Melanie
Hamilton sinh con lần nữa. Vì thể trạng yếu đuối nên nàng lâm vào tình
trạng nguy kịch.Trong giờ phút hấp hối, Melanie đã gửi gắm chồng mình và con
trai lại cho Scarlett O'Hara và đồng thời cũng khuyên nàng hãy trân trọng tình
yêu của Rhett Butler. Bao nhiêu năm Scarlett O'Hara đã luôn nguyền rủa
Melanie và cầu cho cô ấy chết đi để
riêng mình có được Ashley Wilkes nhưng đến bây giờ Scarlett O'Hara mới
biết được Melanie Hamilton quan trọng với mình đến mức nào. Cũng cho đến
khi có thể có được Ashley Wilkes như
mơ ước, Scarlett O'Hara mới nhận
ra tình yêu của mình với Ashley Wilkes trong bao nhiêu năm nay chỉ là trí
tưởng tượng, sự mơ mộng hay có khi chỉ là lòng kiêu ngạo của một Scarlett
O'Hara thời thiếu nữ. Cũng chỉ cho đến khi bối rối hoang mang vì phải mất tất
cả những người yêu dấu từng có trên đời
Scarlett O'Hara mới có thể hiểu ra rằng trên đời này chỉ có một người hòa hợp
với cô, một người cô có thể yêu thực sự_ người đó chính là Rhett Butler .
Dù có vẻ như
mọi việc đã muộn màng, dù Rhett Butler
bấy lâu vẫn luôn dõi theo, luôn che chở, luôn yêu thương nàng nồng nhiệt giờ đã
trở nên xa cách lạnh lùng, đã ngoảnh mặt quay lưng, Scarlett O'Hara với bản
tính cứng cỏi vẫn tin rằng mình sẽ tìm lại được tình yêu của Rhett Butler. Cô
quyết định ngay ngày mai sẽ trở về Tara vì biết rằng mảnh đất thân thiết, êm
dịu ấy sẽ luôn vỗ về , che chở giúp cô làm lành các vết thương và giúp cô có
thêm sức mạnh tiếp tục cuộc chiến đấu của mình.
…
Với
tinh thần của dòng dõi nàng vốn không bao giờ chịu thua, kể cả khi đối mặt với
thất bại, Scarlett O'Hara vênh cằm lên.
Nàng có thể chiếm lại được Rhett. Nàng biết mình làm được việc đó. Chưa có
người đàn ông nào cưỡng lại được nàng, một khi nàng đã quyết tâm chinh phục.
"Ngày
mai về ấp Tara, mình sẽ suy nghĩ về toàn bộ chuyện này. Lúc đó, mình sẽ đủ sức
chịu đựng. Mai, mình sẽ nghĩ cách chiếm lại Rhett. Sau tất cả , ngày mai là một
ngày mới”
Dĩ nhiên “ Cuốn theo chiều gió ” của Margarett Mitchell là một tác phẩm văn học cực kỳ hấp dẫn . Nhiều
người đọc có thể bị cuốn hút đọc một mạch suốt cả ngàn trang của tiểu
thuyết mà không dứt ra được. Với một câu chuyện khá dài nhưng có kết cấu chặt chẽ, logic, các tình tiết, sự kiện không
có gì quá rắc rối, phức tạp, thậm chí rất dung dị, đời thường _
những ai là người Việt Nam từng sống qua những thập kỉ cuối của thế kỉ
XX đều ít nhiều có thể thấy bóng dáng câu chuyện của chính cuộc đời mình trong
đó_ ngòi bút đầy nữ tính Margarett Mitchell
đã khắc họa một cách tinh tế, sinh
động những nhân vật với những nét tính cách rất điển hình của con người trong
chiến tranh và cả thời hậu chiến. Chiến tranh luôn gây đau thương, bất
hạnh cho con người. Nhưng từ hàng ngàn năm nay, hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh
khác vẫn xảy ra, chúng tồn tại như một dạng thể bất khả tri, một thứ
dịch bệnh khó lòng trốn tránh được. Và nữa, chiến tranh hay không, đó là vấn đề
của các hoàng đế, các tướng lĩnh, các người lãnh đạo, các nhà cầm quyền … Vấn đề
của hàng triệu những con người bình thường chỉ là phải đối mặt với những hệ quả, hệ lụy của chiến tranh như thế nào. Như một cơn
cuồng phong đầy thịnh nộ đi qua một cánh rừng, chiến tranh quét sạch mọi thứ
trên đường đi của nó. Sẽ gãy đổ, gục ngã ngay từ đầu như một cành cây non yếu
ớt, hay để mình mềm mại uốn mình “cuốn
theo chiều gió” như một loại dây mây dẻo dai, hay con người còn có thể có sự
lựa chọn một cách ứng phó nào khác nữa trước những tấn thảm kịch của nhân loài…
Margarett Mitchell qua các nhân vật của mình như Scarlett O'Hara, như Rhett Butler ,như Ashley Wilkes ,
như Melanie Hamilton .. đã để cho hàng triệu người đọc của mình phải có
những ngẫm ngợi sâu sắc về điều đó.
Scarlett O'Hara là nhân vật chính được khắc họa sống
động nhất trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió ”của Margarett Mitchell. Mặc dù được người mẹ
dòng giống quý tộc thanh nhã, dịu dàng
nuôi dạy uốn nắn để trở thành một tiểu thư đúng mực nhưng Scarlett O'Hara bẩm
sinh lại thừa hưởng nét tính cách ngoan
cường, cứng cỏi, thực tế của ông bố _ một di dân từ Ái Nhĩ Lan không một đồng xu dính túi đến nước Mỹ
để khai phá miền đất này từ gần bốn mươi
năm trước. Chính những nét tính cách đó
đã khiến cho Scarlett O'Hara vốn được nuông chiều, rất mực kiêu kỳ đã vượt lên
trên tất cả những khó khăn của thời chiến tranh và cả thời hậu
chiến để tồn tại. Cô chấp nhận đánh đổi cả những phẩm giá của mình như lòng tự
trọng, sự nhân từ , tính ngay thẳng… để có miếng ăn cho cả gia đình, để cứu
Tara, và sau này , để không bao giờ còn bị cái đói nghèo ám ảnh, để luôn được
ngước mặt nhìn đời. Biết uốn mình bởi cái tất yếu, cái mạnh hơn cá nhân mình,
điều đó là tốt hay xấu? Câu trả lời còn tùy ở mỗi người, nhưng với Scarlett
O'Hara, mặc dù không ít lần phải tự dằn vặt, xấu hổ, nguyền rủa chính bản thân
mình: đã giết người chỉ vì người ta đến ăn cắp của mình, đã lừa lọc lấy cho được chồng của em gái để có một
ít tiền, đã vô đạo đức vì nhắm mắt giả
lơ mặc cho tên quản lý đối xử tàn tệ, bóc lột sức lao động của những người tù
…,vẫn phải thẳng thắn mà nói rằng: nếu
phải bắt đầu lại từ đầu, nếu vẫn ở trong hoàn cảnh ấy, thì Scarlett O'Hara cũng
sẽ làm như thế; sẽ phải làm như thế, vì tình yêu với bố, với Ashley Wilkes, với
Tara...Và không chỉ thế, còn bởi sự xui
khiến của một thứ nội lực tiềm tàng âm thầm chảy trong huyết quản, thứ nội lực mà
chính bản thân Scarlett O'Hara cũng không thể nhận biết, đó chính bản năng
sinh tồn mạnh mẽ quyết liệt mà
tạo hóa đã dành riêng để trao tặng cho nàng, cho bố của nàng, cho những
ai luôn sẵn sàng đấu tranh để giành phần chiến thắng trong cuộc đời.
Về điều này thì trong hệ thống nhân vật
“Cuốn theo chiều gió ”, Rhett Butler giống Scarlett O'Hara hơn ai hết. Rhett
Butler yêu Scarlett O'Hara cũng bởi vì nhận biết nét tính cách thẳng thắn,
quyết liệt này của nàng. Hai người là một cặp trời cho rất đẹp đôi và lẽ ra họ
đã có thể rất hạnh phúc ngay cả trong những năm tháng gian khó nhất khi cuộc nội chiến mới bắt đầu. Tiếc rằng Scarlett O'Hara
đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều ấy. Rhett Butler là người có
đầu óc khôn ngoan, mưu trí và thực dụng. Cũng xuất thân quý tộc nhưng Rhett Butler không ngần ngại tự
nhận mình là “kẻ vô lại ”, “ tên ích kỷ
và đểu cáng ’’, dám làm những chuyện xằng bậy mà người ta không dám làm vì sợ
tai tiếng. Chiến tranh xảy ra, Rhett Butler không hồ hởi đăng lính như hầu hết
các bạn trẻ mặc dù trước đó đã từng là
một sĩ quan kinh nghiệm của miền Nam.Trong thời kỳ phong tỏa, Rhett Butler lợi
dụng cơ hội tiến hành các hoạt động buôn
bán đầu cơ lương thực và vũ khí để làm giàu, sau chiến tranh hắn lại kết giao
thân mật với những người Cộng Hòa là phe thắng cuộc , sẵn sàng “liếm gót giày
của kẻ thù ’’tìm kiếm các phi vụ làm ăn để làm giàu hơn nữa. Cả thành phố khinh
ghét và nói xấu sau lưng nhưng chàng cóc cần điều đó . Rhett Butler không tin vào bất cứ thứ chính nghĩa nào, Rhett Butler chỉ tin vào chính bản thân mình: “ Rhett Butler, hắn là chính nghĩa
duy nhất của anh ”. Chính niềm tin
đó, chính sự phỉ nhổ vào mọi thứ hư từ đã giúp Rhett Butler tránh khỏi cái chết
vô nghĩa trong chiến tranh, thoát khỏi cái nghèo đói thê thảm sau chiến tranh
như hàng trăm ngàn những chàng trai ngây thơ non trẻ cùng thời. Là một
kẻ ranh mãnh và luôn biết tận dụng cơ hội , nhưng điều đó không có nghĩa là trong sâu thẳm tâm hồn quý tộc của mình , Rhett
Butler không ẩn chứa, không khao khát
một điều gì tốt đẹp. Phần cuối truyện, Rhett
Butler buông bỏ mọi thứ đã kiếm tìm để ra đi: “Anh chấm dứt với mọi thứ ở
đây. Anh cần thanh bình. Anh muốn coi nếu có một nơi nào đó còn chút gì yêu
kiều và thanh cao cho cuộc sống. Em hiểu anh đang nói gì không?”
Ashley Wilkes là một nhân vật gây nhiều tranh
cãi . Có vẻ như Margarett Mitchell
muốn xây dựng một kiểu nhân vật mà nhân sinh quan hoàn toàn đối lập với Rhett
Butler. Ashley Wilkes là chàng trai trẻ
tài hoa, trong sáng , cao thượng
…, chàng có đủ phẩm cách của một quý tộc khiến bao cô gái xinh đẹp và thông
minh như Scarlett O'Hara phải say mê
và mơ tưởng. Nhưng điểm yếu của Ashley Wilkes là anh ta chỉ có thể tồn tại
trong cái thế giới ấy , thế giới của thi ca , của hội họa và những thứ đẹp đẽ
khác. Còn một khi cái thế giới đẹp đẽ ấy trở nên lộn tùng phèo hết cả thì loại
người như anh ta lại là những kẻ chết đầu tiên. Sau chiến tranh , giữa những đổ
nát hoang tàn , tất cả đều phải làm lại từ đầu .Những đồn điền không còn nô lệ
.Thuế má đều tăng lên .Trong khi một
tiểu thư như Scarlett O'Hara phải
xắn tay để làm việc như một nô lệ để
nuôi sống gia đình , để cứu sống Tara thì Ashley Wilkes chỉ biết buồn rầu , bất
lực đắm chìm trong kỷ niệm. Không phải
Ashley Wilkes không có năng lực làm việc, vấn đề chỉ là vì anh ta mất hết ý chí
phấn đấu nên để cho bản thân mình mỗi lúc mỗi chìm dần đi. Một nhân vật đại
diện cho người dân miền Nam sau chiến tranh trong “Cuốn theo chiều gió “ đã nói
về bệnh trạng của mình: “Cả thể giới
không thể quật ngã được chúng ta, nhưng chính chúng ta lại có thể tự đánh gục mình bằng cách tiếc nuối quá đáng
những gì chúng ta đã mất...’’ Sau chiến tranh , Ashley Wilkes chỉ có thể
tồn tại bằng cách sống nhờ vào tình yêu
thương của hai người phụ nữ là Scarlett O'Hara
và Melanie Hamilton . Khi sức khỏe Melanie Hamilton trở nên
nguy kịch và mạng sống chỉ còn một vài phút giây ngắn ngủi, tình trạng bạc
nhược, bất lực của Ashley Wilkes trong lúc Scarlett O'Hara đang rất cần một sự sẻ chia , nâng đỡ khiến
Scarlett O'Hara chợt nhận ra toàn bộ
con người chàng bấy lâu nay vẫn là thế. Chàng chỉ như một món đồ đẹp mà vì
không có được nên nàng cứ như một đứa trẻ
cứ khao khát mãi , đến khi có được rồi mới nhận ra đó là một thứ hoàn
toàn vô dụng. Tình yêu của bao nhiêu năm tháng
của Scarlett O'Hara với Ashley
Wilkes rốt cuộc đã tan biến đi , chỉ còn lại là một chút sự thương hại và khinh
bỉ.
Một nhân vật có vẻ hơi mờ nhạt trong tiểu thuyết “Cuốn
theo chiều gió” nhưng có lẽ được tác
giả và độc giả dành cho nhiều sự trân quý
là nhân vật Melanie Hamilton . Một nhan sắc bình thường bên cạnh vẻ
yêu kiều , rực rỡ đầy cuốn hút của Scarlett O'Hara .Vẻ đẹp thực sự của Melanie Hamilton chỉ
được nhận ra qua những tháng năm dài rộng , qua những biến cố kinh hoàng , qua
cái nhìn của những con người có trái tim mẫn cảm. Đó là một người phụ nữ bình dị , khiêm nhường ,
hiền dịu nhưng không gì khuất phục nổi
kể cả chiến tranh và cùng với nó là những thứ tệ hại như đói rét , bần
cùng , chết chóc… Khi cuộc chiến tranh kết thúc, khi những kẻ thắng cuộc từ
dưới đáy xã hội bỗng ngoi lên với cuộc sống giàu có xa hoa còn bản thân những người xuất thân là quý tộc như Melanie
Hamilton lại trở nên nghèo khó thì nàng không oán thán mà vẫn lương thiện ,
chăm chỉ làm việc; không ganh tỵ mà vẫn
vui vẻ , đôn hậu , hiếu khách ; không xu thời mà vẫn giữ được
những phẩm chất , những nề nếp tốt đẹp, những giá trị của truyền thống cũ xưa .
Khi một trận cuồng phong đi qua, mọi thứ cỏ cây đều gãy đổ hoặc ngã rạp
xuống , uốn mình theo chiều gió, chỉ riêng những loài cây quý với chất gỗ cứng
cáp , vững vàng mới có thể trụ lại bền bỉ với năm tháng , với đất trời .
Melanie Hamilton chính là loài cây quý ấy . Khi chứng kiến những giờ phút cuối
cùng của Melanie Hamilton , khi sắp phải vĩnh viễn mất đi người bạn bấy lâu gắn
bó , con người cứng cỏi như Scarlett O'Hara
mới nhận ra bấy lâu nay chính Melanie Hamilton bé nhỏ mới là rường cột ,
là sức mạnh , là chỗ dựa cho nàng , cho cả hai gia đình qua bao năm tháng khốn
khó , gian nan.
Scarlett O'Hara, Rhett Butler , Ashley Wilkes ,
như Melanie Hamilton … là những nhân vật trong một tiểu thuyết của nền văn
học Mỹ từ thế kỷ XIX nhưng không hề xa lạ với xã hội , con người Việt Nam thế kỷ XX . Như đã nói ở trên, những ai là
người Việt Nam từng sống qua những thập kỉ cuối của thế kỉ XX đều ít nhiều có
thể thấy bóng dáng câu chuyện của chính
cuộc đời mình trong“Cuốn theo chiều gió”của Margarett Mitchell . Tôi đã được nghe kể nhiều về những câu
chuyện của bạn bè mình những năm tháng trong và sau chiến tranh 1975. Bạn bè
học chung lớp chung trường , năm1975 bỗng chốc như một bầy ong vỡ tổ tan tác
khắp nơi. Mấy mươi năm sau gặp lại được nhau,
mỗi thân phận dường như là một
câu chuyện dài không dứt , đầy u uẩn , đầy khắc khoải . Ai trong họ là Scarlett
O'Hara, là Rhett Butler, là Ashley Wilkes, là Melanie Hamilton …
trên cái nền cảnh tranh tối tranh sáng của một cuộc đổi dời ??? Sự lựa chọn là
tùy ở mỗi người .Và sự lựa chọn nào cũng có cái giá phải trả. Không một ai có
quyền phán xét ai đã làm gì , đã như thế nào . Ở đây, chỉ có thể lắng nghe và
thấu hiểu bằng sự cảm thương.
Nhưng “Cuốn theo chiều gió”của Margarett
Mitchell không chỉ là câu chuyện về tình
yêu , về thân phận con người và những nỗi thống khổ vì chiến tranh. “Cuốn theo chiều gió”của
Margarett Mitchell còn là câu chuyện của
lịch sử được ghi lại bằng một thứ ngôn ngữ văn chương trong sáng , hàm súc và
đầy sức thuyết phục. Chính tổng thống Abraham Lincoln trước khi
chết đã nói : “Người ta có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng không ai từ bỏ
được lịch sử”. Cuộc nội chiến nước Mỹ
kéo dài trong bốn năm (1861_1865) được trả giá bằng cái chết của 620.000
binh sĩ và hàng triệu người bị thương tích, bao nhiêu thành phố hoa lệ bị làm
cho đổ nát , hoang tàn. Lịch sử nước Mỹ
phải ghi lại cuộc chiến tranh này để những mất mát đau thương không lặp lại. Nhưng lịch sử nước Mỹ cũng phải ghi nhận công lao của vị anh hùng
dân tộc Abraham Lincoln và mục tiêu cao
quý của cuộc chiến tranh mà ông đã lãnh
đạo. Cuộc chiến tranh Nam _Bắc nước Mỹ là sự hy sinh cho những nguyên tắc tự do
và bình đẳng của con người . Giải phóng
nô lệ da đen là một phần của nỗ lực ấy. Trong “Cuốn
theo chiều gió”, Margarett Mitchell
nhiều lần để cho những nhân vật của mình
chế giễu Abraham Lincoln ; nhiều lần nói đến
những chết chóc và những thương tật kể cả thể xác và linh hồn ; nhiều lần ta
thán chính sách thuế khóa nặng nề khiến các ông chủ đồn điền lâm vào cùng kiệt;
nhiều lần nói đến sự hợm hĩnh của bọn nhà giàu mới ngoi lên…Nhưng vượt lên trên
tất cả những đau thương mất mát , những nghịch lý của xã hội ,
chiến thắng từ cuộc chiến tranh Nam _Bắc là một chiến thắng làm nên chân
giá trị của nước Mỹ . Chiến thắng ấy cho phép hàng chục triệu người nô lệ da
đen đến từ miền đất Phi Châu (từng được Harriet Beecher Stowe khắc họa trong
trong tác phẩm nổi tiếng“Túp lều của bác Tom”) với những số phận
bi thảm , những cuộc đời thống khổ có được quyền tự do và bình đẳng , và sau đó con cháu của
họ có cơ hội để phấn đấu trở thành những người
kiệt xuất như trường hợp Barak Obama _tổng thống nước Mỹ hiện nay. Người
Mỹ đã phải đổ nhiều máu xương , tổng
thống Abraham Lincoln cũng phải trả giá
bằng chính mạng sống của mình chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến tranh
kết thúc thắng lợi (15/4/1864), nhưng sự hy sinh ấy đã không uổng phí .
Đó là sự hy sinh để sản sinh một nền tự do mới làm nên một nước Mỹ tiến
bộ, văn minh khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Trong “Cuốn theo chiều gió”của Margarett
Mitchell , Tara bị rơi vào tình
cảnh khốn khó nhưng rồi Tara lại hồi
sinh ; Rhett Butler tuyệt vọng bỏ
Scarlett O'Hara mà đi nhưng Scarlett O'Hara vẫn tin rồi Rhett Butler sẽ lại trở về . Kết thúc truyện là hình ảnh
Scarlett O'Hara đang hình dung mình đứng
ở thềm nhà Tara , một ngày mùa thu đầy nắng, với câu nói quen thuộc đầy niềm
tin tiếp thêm sức mạnh cho mình: "Sau
tất cả, ngày mai là một ngày mới" (After all, tomorrow is another day!)
Scarlett
O'Hara có quyền được tin như thế . Bởi chính trong tác phẩm văn học này và
trong thực tế của lịch sử , chỉ sáu năm sau khi nội chiến kết thúc, thủ đô của
miền Nam Atlanta hoang tàn, đổ nát lại hồi sinh, lại tưng bừng , lại đẹp rực rỡ
, hoa lệ như chưa từng có chiến tranh xảy ra.
Lịch sử ghi rằng trưa ngày 9 tháng 4 năm 1865 , tướng Robert E. Lee
của miền Nam và tướng Ulysses
S. Gran của miền
Bắc gặp nhau để ký kết văn bản đầu hàng
kết thúc chiến tranh . Lịch sử cũng ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người
quân tử (The Gentlemen’s Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo
tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang quắc
thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ
anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một
người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam
hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục. Trong cuộc chiến tranh ấy , sau cùng được hay thua thì
cũng vẫn là nước Mỹ và người Mỹ.
Cả
nước Mỹ sau sự kiện tháng 4 năm 1865 đã cùng bắt tay vào một công cuộc tái
thiết hàn gắn những vết thương . Lòng yêu nước , niềm tự hào dân tộc của mỗi
người dân cùng những cố gắng tôn trọng công lý , pháp luật của phe thắng cuộc
đã khiến nước Mỹ trong một thời gian ngắn
làm nên những kỳ tích. Trong thần thoại Ai Cập cổ đại có huyền thoại về
chim Phượng Hoàng là một loài chim đẹp linh thiêng sống tới cả ngàn năm
.Vào cuối vòng đời Phượng Hoàng xây dựng
một cái tổ từ những nhành cây quế và sau đó tự đốt cháy mình . Cả tổ và chim
cùng cháy lên dữ dội và tan thành tro bụi .Và rồi từ đống tro bụi đó một con
Phượng Hoàng mới , đầy sức sống bay lên.
Nước
Mỹ sau chiến tranh chính là con chim
Phượng Hoàng đó.
Tại
nước Mỹ , cách thành phố Atlanta chừng
25 km, có một viện bảo tàng được các du khách thường xuyên thăm viếng mang tên
Gone with the Wind_ nhan đề cuốn tiểu thuyết của Margarett Mitchell . Ở đây
người ta trưng bày những tài liệu, vật dụng liên quan đến cuốn tiểu thuyết và
bộ phim “Cuốn theo chiều gió”. Sự yêu mến, tự hào về viện bảo tàng này cùng tác
phẩm của Margarett Mitchell là sự thể
hiện sinh động một phần tình yêu tổ quốc ngấm ngầm mà sâu xa của người dân nước
Mỹ , cũng là sự nhắc nhở cho họ luôn hướng về việc xây dựng tương lai nhưng
không được quên quá khứ và những bài học đắt giá của lịch sử. Ở Việt Nam , lịch
sử là một môn học khá nhàm chán, và khi cả học sinh lẫn giáo viên đều đã ngoảnh
mặc quay lưng với môn lịch sử , Bộ Giáo
dục lại có dự kiến xóa bỏ môn này để
thay vào đó là tổ hợp môn Công dân với
tổ quốc gồm lịch sử +giáo dục đạo đức công dân + giáo dục an ninh quốc phòng.
Một môn học mà theo giáo sư Phan Huy Lê chỉ ở Việt Nam mới có!!!
Liệu
sự thay đổi này có làm học sinh yêu mến và hiểu biết về lịch sử hơn không?
Nhà thơ nổi tiếng xứ sở Daghestan
Gamzatovich Gamzatov đã nói rằng : "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục
thì tương lai bắn lại anh bằng đại bác". Tình yêu đất nước _con người , sự hiểu biết lịch sử đã khiến
những người dân Hợp Chủng Quốc từ sau sự kiện ngày 9 tháng 4 năm 1865 chung tay hợp sức với nhau
khiến nước Mỹ từ chết chóc, đổ nát ,
điêu tàn vươn lên thành cường quốc số
một thế giới . Đó là sự thật. Đó là bài
học mà Việt Nam cần được thuộc lòng .
Quá khứ cần được gìn giữ . Lịch sử cần được tôn trọng . “Cuốn theo chiều gió” của Margarett
Mitchell đã góp một phần khiến người ta
hiểu biết và quý yêu hơn những giá trị nhân bản của nước Mỹ thông
qua một câu chuyện tình yêu trên nền cảnh cuộc nội chiến đã diễn ra trong lịch sử nước Mỹ từ hơn 150
năm trước( 1861_1865).Tác giả đã viết nên tác phẩm của mình không chỉ bằng tài
năng nghệ thuật , bằng tình yêu , bằng
sự hiểu biết mà còn bằng sự thấu cảm
lịch sử tuyệt vời . Đó cũng là một trong những khiến lý do vì sao từ khi ra đời
đến nay (1936), “Cuốn theo chiều gió”
của Margarett Mitchell luôn được các thế hệ người đọc hâm mộ , say mê và luôn có một vị trí xứng đáng trong kho
tàng văn học của nước Mỹ cũng như thế
giới.
Sài Gòn ,
26/4/2016
Hà Thị Lệ
Hà K8