Truyện ngắn của Phan Trang Hy ( Phan Thanh Bình K5)
Hải bặm môi, trở mình. Mấy hôm nay trở
trời, nằm trên giường nệm, anh vẫn thấy ê ẩm cả người. Vết thương ngày nào, giờ,
tái phát. Nhưng anh gắng gượng. Anh phải cố sức để vẽ cho xong bức tranh về đồng
đội anh ngày nào, về một thời đã ám ảnh anh trong từng hơi thở, trong từng mảng
màu, nét cọ mà anh thao thức.
Anh khó nhọc chống cùi ngồi dậy. Miệng
khô khốc. Anh nuốt nước bọt. Chỉ có sự rát đau ở họng. Anh đưa miệng ngậm chiếc
ống nhựa, hút nước ở ly.
Uống nước xong, anh lại định thần, gắng
hít thở thật mạnh. Tựa lưng vào chiếc gối, anh nhìn bức tranh còn dang dở. Hình
ảnh đồng đội của anh lại hiện về.
Nhớ lại ngày ấy, anh cùng đồng đội xây dựng
đảo. Chiến dịch CQ88 được phát. Nhận lệnh là đi. Chỉ có trái tim vì biển, vì đảo.
Không phải là những câu khẩu hiệu tuyên truyền mà chính là mệnh lệnh của trái
tim, của tình yêu biển đảo đã đưa anh cùng đồng đội đến với Gạc Ma.
Nhìn bức tranh, anh như thấy từng người.
Này là Quân, lính trẻ nhất đơn vị, thích nghe anh nói chuyện về những cô gái ở
làng biển quê Quảng Nam. Này là Nhơn, người lúc nào cũng thích ca bài chòi. Cựa
một tí là ca. Dù chẳng có hơi xuống giọng xề. Thế nhưng, mỗi lần rảnh là ca. Anh
em trong đơn vị thích cái tính xuề xòa của Nhơn nên cũng thích luôn những lời
ca dân dã ấy. Này là anh Phương, chỉ huy, coi anh em như ruột thịt. Còn biết
bao nhiêu người nữa. Họ trong tranh như cười động viên anh vượt qua cơn đau.
Nhìn tranh, anh nhớ lại ngày ấy...
Trời hửng sáng. Biển vẫn trong xanh. Cả
đơn vị đang ra sức xây dựng đảo. Yên bình trên từng lời bông đùa của đồng đội.
Yên bình trên từng con sóng. Hải như nghe được lời của Nhơn ca: “Đảo này là của
chúng ta. Ngàn năm ta giữ nước nhà Việt Nam...”. Tiếng vỗ tay vang lên. Chưa kịp
cười đùa cho thỏa thích, Hải bỗng nghe tiếng loa. Lởn vởn tàu của giặc. Chúng bắt
loa gọi đơn vị anh rời đảo. Nhưng lời của bọn giặc chẳng là cái quái gì. Cả đơn
vị phớt lờ lời của giặc. Anh em được lệnh của anh Phương: “Phải bình tĩnh. Đảo
là của ta, ta quyết giữ. Chúng ta giữ đảo là giữ đất Mẹ Việt Nam. Quyết không rời
đảo!”. Lúc ấy, Hải như thấy tất cả đều có tâm niệm: “Quyết không rời đảo!”. Bọn
giặc tìm cách khủng bố tinh thần của anh em. Rồi bất thần, bọn chúng xả súng về
phía đơn vị anh.
Hải không ngờ tình thế như vậy. Chỉ tiếng
súng nổ. Và đạn bay... Chợt tiếng của Phương vang lên: “Tất cả nắm chặt tay
nhau, kết thành vòng tròn. Quyết tâm bảo vệ đảo, bảo vệ cờ Tổ quốc!”. Đó cũng
là mệnh lệnh của trái tim. Trong làn đạn của giặc, Hải và đồng đội siết tay thật
chặt, kết thành vòng tròn, giữ cờ Tổ quốc. Lá cờ ngạo nghễ giữa biển trời. Giặc
vẫn xả súng. Hải một tay nắm tay Nhơn, một tay nắm tay Quân. Và cứ thế vòng
tròn vẫn vững trước đạn thù. Bỗng, Nhơn á lên một tiếng. Giọng Nhơn đứt quãng.
Máu Nhơn! Nhơn bỏ tay Hải, quỵ xuống: “Anh Hải!... Hãy… trả thù… cho… em!”. Đạn
giặc trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái… Đạn giặc bao vây đồng đội anh. Rồi,
Quân cũng bị trúng đạn. Quân ngã trên người Hải, giọng phều phào: “Anh đưa… em…
về quê… nghe!... Nói… với Mẹ… là em… em… nhớ Mẹ… lắm!... Còn chuyện… mấy đứa…
con gái… làng chài quê anh...,… em xin… nói lời… vĩnh… biệt… với họ… Mẹ!... ”.
Quân hy sinh trên tay anh. Anh chưa kịp nói lời nào thì lại nghe tiếng gào to.
Đó là tiếng Phương. Tiếng của Phương hòa trong tiếng sóng: “Thà hy sinh, chứ
không chịu mất đảo”. Đạn giặc bắn không ngừng. Hải thấy hai tay mình như có ai
chém.
Hai tay của Hải không còn. Trước mắt anh
sừng sững lá cờ Tổ quốc cùng đồng đội. Mắt anh vẽ một khoảng không. Biển. Đảo.
Đồng đội. Cờ Tổ quốc!...
*
* *
Hải được giải đặc biệt về Biển đảo Quê
hương, nhiều phóng viên đã đến tìm hiểu về cuộc đời anh. Bấy lâu nay, có ai biết
đến Hải Trường Sa là ai đâu. Nhưng giờ đã khác. Bút danh Hải Trường Sa khẳng định
với công chúng về tài năng hội họa.
Tôi được Hội Văn học Nghệ thuật thành phố
gửi giấy mời tham dự buổi khai mạc và trao giải thưởng. Vì bận việc đột xuất,
nên tôi đến trễ. Chỉ được xem tranh là chính. May mắn cho tôi là được thưởng thức
một số tranh dự thi đoạt giải cùng với một số tranh khác của những họa sĩ nổi
tiếng trong nước.
Sau khi xem từng bức tranh, tôi giành thời
gian bên bức tranh đạt giải đặc biệt. Trước mắt tôi là bức tranh mang tên “Vòng
ký ức Tháng Ba”. Và điều làm tôi ngạc nhiên là, bên cạnh bức tranh, một người
không còn hai bàn tay. Đó chính là Hải Trường Sa, tác giả bức tranh ấy. Một số
phóng viên đang phỏng vấn anh. Anh chỉ cười. Đứng cạnh Hải, tôi nghe anh trả lời:
- Có gì đâu! Tôi không vẽ là tôi còn nợ
với chính tôi. Tôi chỉ là người lính giữ đảo năm nào, giờ là như thế này đây -
Anh cười và đưa hai cánh tay cụt - Cũng may cho tôi là chất lính một thời trong
tôi giúp tôi vẽ. Còn đời tư tôi, xin các bạn thông cảm, tôi không muốn nói về
mình. Chỉ thế thôi!
Nghe những gì anh trả lời, không hiểu
anh ta khiêm tốn hay kiêu. Nhưng rồi, nhìn nụ cười hiền với tiếng nói đặc sệt
chất giọng Quảng Nam, cùng với ánh mắt sáng tự tin, tôi tin lời anh nói.
Và rồi, người xem tranh cũng bớt dần.
Tôi đến làm quen Hải. Tôi tự giới thiệu về mình, là thầy giáo, nhà văn, thích
xem tranh vẽ. Hải nhìn tôi cười. Và đưa cái cùi chỏ đụng vào bàn tay tôi lắc lắc.
Từ đó trở đi, chúng tôi thành bạn của
nhau. Những khi rảnh, tôi thường đến thăm Hải. Hoặc trao đổi qua facebook. Càng
ngày chúng tôi càng thân nhau. Biết tính Hải không muốn nói về mình, nhưng tôi
cũng hỏi chuyện riêng tư của Hải. Vì thân, mà đã là bạn thân cần gì phải dấu
nhau điều gì, nên rồi Hải cũng tình thật kể cho tôi nghe.
- Cậu biết không, hồi thanh niên, mình
thích vẽ lắm. Nhìn những tranh của Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, rồi đến Đinh Cường,
Bửu Chí, Rừng… là mình mê tít. Mình có một tập ảnh chụp lại các bức tranh mình
thích. Nhìn những bức tranh ấy, nhiều lần, mình tưởng tượng các sắc màu trong
các tranh ấy như muốn nói với mình: “Bạn cứ tin vào khả năng và tình yêu của
chính mình thì mới có thể vẽ những tranh đẹp được”. Mình tin lời sắc màu nói với
mình. Từ đó, ngoài chuyện học, mình lại lao vào việc mày mò, tìm hiểu về hội họa.
Nào là cách tìm chủ đề, tìm bố cục, cách pha màu… Thú thật, mình thích vẽ từ nhỏ,
lại có chút năng khiếu, nên mình vỡ lẽ ra là mình có thể vẽ những gì mình
thích, những gì in đậm dấu ấn trong lòng mình.
Hải nói như trút hết tâm trạng của mình.
Tôi cầm cùi tay Hải, xoa xoa, nói:
- Hèn gì! Phần thưởng cậu nhận xứng đáng
với công sức của cậu.
Hải kẹp ly nước lên uống. Rồi để xuống
bàn. Tôi nhìn căn phòng xinh xắn, đầy những tranh. Có bức đã hoàn thành. Có bức
chưa xong. Bên cạnh giá vẽ nào là những hộp sơn, lọ màu… Đủ cả. Tất cả đều gọn
gàng. Nhìn căn phòng một hồi, Tôi khen:
- Họa sĩ như cậu có khác! Nghiêm túc dữ.
Hải nhìn tôi cười:
- Sao cậu lại nói thế? Tại cái tính mình
giờ nó thế. Quen rồi. Để mọi thứ lộn xộn, ngổn ngang, mình không chịu được.
Cũng tại chất lính một thời tạo cho mình cái tính ấy. Thật ra, khi còn trẻ, trước
khi vào lính mình cũng a-ma-tơ lắm.
- Hồi trẻ, cậu nghệ sĩ lắm thì phải? Kể
cho tôi nghe cậu tập như thế nào mà được như rứa?
Hải cười to, tiếng vang như sóng biển:
- Ừ, thanh niên đa phần là thế mà cậu. Bộ
cậu không có à? Nhưng giờ, như cậu thấy đó, mình phải tự nghiêm túc với chính
mình mà. Cũng nhờ làm lính đó.
Như được dịp kể cho tôi nghe, Hải cho biết
những năm tháng ở quân trường, anh phải tự điều chỉnh ghê lắm. Chớ thằng con
trai nào không có chút máu nghệ sĩ? Cái máu ấy tạo ra những biểu hiện để gọi là
chút tài tử, chút chịu chơi. Hải nói rằng con trai mười tám, đôi mươi có tính
như con chim trống rướn cổ hót phô bày bản lĩnh trước lỗ tai của những chim
mái; như gà trống, rướn cổ gáy, phô diễn khả năng trước sự cương trứng của gà
mái; như công trống xòe sự rực rỡ, phơi sắc màu tình yêu trước ánh mắt của chim
mái. Hải cũng tâm sự, hồi chưa vào lính, anh thường thức khuya, đàn hát như
khoe cho hàng xóm biết tài của mình, hoặc để bọn con gái chú ý. Có lẽ, hầu như
đàn ông trai trẻ đều có một thời như vậy! Nhưng rồi, khi vào lính, dù tính đàn
ông con trai vẫn thế, nhưng sống có quy củ hơn. Ăn có giờ, học có giờ, tập có
giờ. Chệch giờ giấc là bị kỷ luật ngay. Không một hai gì cả. Còn quần áo, mùng
mền, chiếu gối đâu vào đó. Ngay ngắn, sạch sẽ, ngăn nắp. Giường nào cũng như thế,
cũng răm rắp.
- Còn bức tranh được giải vừa rồi, cậu vẽ
khi nào? Do đâu?
- Khi nào à? Mình chỉ nhớ là mình nhớ biển,
nhớ con sóng ở Trường Sa. Không biết làm gì để đỡ nhớ, mình lên mạng tìm những
bài hát về biển đảo, về tháng Ba. Tình cờ mình xem một video về trận Hải chiến ở
Gạc Ma. Xem mà mắt mình rưng rưng. Như có ai bóp tim mình. Như ai đó làm mình
nghẹt thở. Vòng tròn ấy cứ ám ảnh mình từ đó!
- À, ra vậy!
Từ khi đạt giải, mỗi lần Thành phố có
triển lãm tranh về chủ quyền biển đảo, Hải đều được mời gửi bức tranh đạt giải
tham dự. Và lần nào cũng vậy, tôi tìm cách dàn xếp công việc, thời gian để chở
Hải đến phòng triển lãm. Như mọi lần, tôi cùng Hải đứng trước tranh ngắm nghía.
Hải nói như thấy Nhơn, Quân, anh Phương cùng đồng đội hiện về. Còn tôi, lần
này, như thấy trong tranh, trước mắt mình, hiện lên là vòng lửa bất diệt, vòng
của sự sinh tồn của đất nước, vòng của sự sinh sôi, nảy nở lòng yêu nước, vòng
của sự kết đoàn toàn dân tộc. Trước mắt tôi là các chiến sĩ – những chàng trai
nước Việt – nắm tay nhau làm cột mốc. Những gương mặt ánh lên lòng tự hào, sẵn
sàng hy sinh vì biển đảo. Tôi như nghe đủ giọng nói của mọi miền Tổ quốc. Giọng
Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, giọng Khánh Hòa, Quảng Nam… Bắc, Trung, Nam có cả. Tôi
như nghe họ hát. Tiếng hát của họ hòa vào sóng biển vang mãi ngàn năm cho con
cháu Việt Nam biết một thời bi tráng của dân tộc.
Đứng trước bức tranh “Vòng ký ức Tháng
Ba” là mọi người và tôi. Nhìn sâu vào trong tranh, tôi nghe từ tiếng vọng từ bức
tranh: “Thà hy sinh, chứ không chịu mất đảo!”.
Tháng 02/2016
Phan Trang Hy
( Phan Thanh Bình K5)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét