Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

XÂU CHUỔI MỘT NỖI NIỀM

Trích những bài viết của thân hữu trên tập thơ LẶNG LẼ PHÙ SA của tác giả Nguyễn Văn Gia

 

Có lẽ Nguyễn Văn Gia làm thơ vào thời kỳ tuổi anh không còn trẻ nữa.Tôi không thấy thơ mê gái, thơ tán gái, thơ đau khổ vì gái, thơ hậm hực với gái …dường như tuyệt nhiên không có trong tập thơ này.
“Có một thời tôi như kẻ mộng du”
(Giấc mơ sắc màu)
Đó có phải là thời tuổi trẻ của anh ? Tuổi trẻ của anh không đi theo gái mà đi theo những cơn mộng. Anh mơ một cuộc ra đi, một cuộc lên đường (hoặc xuống đường). Anh mơ những con đường huyền ảo đến nỗi nhiều khi anh cũng không còn biết mình là ai.
“Dắt nhau đi rồi mà chẳng biết về đâu
Săm soi mãi con đường không có thực”
(Hành ca cho những kẻ yêu nhau)
Anh đã làm gì trong cơn mộng du đó ?
“Tay phải tôi cầm mâu
Tay trái tôi cầm thuẩn
Tôi hò reo nhìn hai tay mình giao đấu”
(Giấc mơ sắc màu)
Cuộc giao đấu khốc liệt làm anh mù màu. Cơn đau vì bị mù màu ấy dằn vặt để rồi anh nhận ra:
“Một mình sắm nhiều vai
Xúc xắc kia sáu mặt
Đêm nằm cứ dằn vặt
Mình là mình hay ai.”
(Lẫn lộn)
Khi câu hỏi trầm trọng đó nhảy ra đứng giữa đường đi, chàng tuổi trẻ gan dạ mộng du kia lại nghĩ cách “tân trang đời mình” chứ chưa chịu bỏ cuộc.
“Ta muốn ta đổi mới
Bằng cách đi giật lùi”
(Tân trang đời mình)
Đi giật lùi. Lảo đảo. Chông chênh. Chóng mặt. Nhìn lại mình tóc đã pha sương. Mùa xuân tươi ngon đã tàn phai nên đành lân la vào vài nơi chốn từng là đồng hội , đồng thuyền để hỏi han, tìm kiếm … và chứng kiến :
“Người nghe : một anh điếc
Người nói : một gã câm
Nhưng cả hai đều biết
Đang bàn cái – trống – không.”
(Họp)
Cái trống không hỡi ! Vậy thì “đường nào lên thiên thai” ? Hỡi cái – trống – không , hãy chỉ cho kẻ du tử mộng mị kia con đường về quê vậy. Mệt rồi. Chán rồi. Chàng chỉ muốn về quê. Quê đâu, quê đâu ? Đường nào sá nào ? Bốn bề bê-tông hóa tùm lum, đô thị hóa chóng mặt.
“Ruộng vườn xưa biến mất
Bê-tông bê-tông hề bê-tông
Ta Từ Thúc về trần.”
(Quê nhà)
Thì ra chàng trở thành Từ Thức lạc lõng giữa chốn quê nhà.
“Hôm qua ruộng vườn
Bây giờ là phố
Tên xóm tên làng
Mấy ai còn nhớ
Tiếng võng trưa hè
Còn trong truyện kể
Giếng nước sân đình
Còn trong truyện kể
.…………
Tôi gởi lên trời
Nỗi niềm cố lý.”
(Ký ức)
Nỗi niềm cố lý hay nỗi niềm người thơ cũng vậy.
Làm sao mà gởi lên trời ? Trời là ai ? Gởi theo đường nào ? Lại là con đường nữa ! Cái con đường luôn luôn là vấn nạn lớn nhất mà con người khát vọng đi tìm. Rồi anh lại lân la đến chốn thiền môn, có lẽ để tìm con đường giải thoát, nhưng hỡi ơi :
“Lên chùa tìm chút thảnh thơi
Ai dè
Chùa cũng như… đời ngoài kia
Cũng thứ hạng cũng phân chia
Chỗ này vô nhiễm chỗ kia thị trường”
(Lên chùa)
“Đã đọc qua sách thiền
Hít … thở …tâm bình yên
Bước một bước gặp cướp
Lại nổi khùng nỏi điên.”
(Xin lỗi thiền)
Không tu luyện được anh trở về làm thơ. Có lẽ thơ là con-đường-giải-thoát của con người, không riêng cho anh, không riêng cho một người làm thơ nào. THƠ từng cứu rỗi con người. Nhà thơ Phùng Quán đã viết đâu đó : “Có những phút ngã lòng /Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Có người khổ quá ngâm nga một điệu thơ buồn rồi lòng nhẹ tênh. Có người điên làm thơ mà tinh tấn. Có người vô vọng, muốn tự tử đọc bài thơ “Những Trận Chết – (thơ Đynh Trầm Ca)” đã không chết nữa mà tìm được lối đi. Có người trẻ đọc thơ thấy mình lớn hơn. Có người già đọc thơ thấy long trẻ lại. Và làm thơ, theo tôi, có lẽ là con đường êm ái nhiệm mầu hơn tất cả những con đường khác.
Trong bài viết này tôi không có ý bình luận gì về thơ Nguyễn Văn Gia. Tôi chỉ cảm một nỗi niềm.Một nỗi niềm rải rác trong từng bài thơ nho nhỏ của anh. Tôi thử xâu chuổi lại chơi cho vui. Vậy thôi.

 
Đynh Trầm Ca(*)
Vĩnh Điện, 19/7/2015


(*) Tác giả ca khúc  RU CON TÌNH CŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét