Phần lớn người đọc Việt Nam biết đến “Nỗi
buồn chiến tranh” của Bảo Ninh khá muộn màng so với thời điểm ra đời của nó ,
sau nhiều cơn cớ sóng gió phê bình và kiểm duyệt . Xuất bản lần đầu tiên năm
1987 với nhan đề “Thân phận của tình yêu” . Đạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam
sau khi chính thức được phép xuất bản năm 1991 . Được tôn vinh là “cuốn tiểu
thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung
của nhân loại”, “thành tựu lớn nhất của văn học đổi mới”…
Lần đầu cầm trên tay “Nỗi buồn chiến
tranh” của Bảo Ninh năm 2002, tôi đã đọc liền một mạch . Hiếm khi được đọc một
cuốn như thế . Xót thương và cảm động ! Nhiều câu văn , nhiều đoạn văn của “Nỗi
buồn chiến tranh” khiến tôi thực tin người viết , cũng là một người lính , thực
trải những đau đớn , dằn xóc nghiệt ngã tự trái tim mình .
“Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh lập
tức làm tôi nhớ đến “ Mặt trận Miền Tây vẫn yên tĩnh” ( All quiet on the
Western Front) của nhà văn Đức Erich Maria Remarque. Đầu thập niên 1970 , ở
miền Nam Việt Nam , còn là những học sinh cấp 2, chúng tôi đã say mê đọc
Remarque : “Một thời để yêu , một thời để chết” , “Chiến hữu”… , và đặc biệt là
“Mặt trận Miền Tây vẫn yên tĩnh”. Những ngày ấy , chiến tranh hiện diện khắp
mọi ngóc ngách : trên từng bản tin chiến sự hằng ngày của báo chí và truyền
hình , trong từng âm thanh tiếng đại bác đêm đêm ầm ĩ dội về thành phố …Bạn bè
cùng trường , cùng lớp tôi , phần lớn là những đứa trẻ từ các làng quê Điện Bàn
, Đại Lộc , Duy Xuyên … theo gia đình tản cư về Đà Nẵng . Có đứa , anh làm xã
trưởng , nửa đêm bị du kích xông vào nhà chặt đầu. Có đứa , ba làm quận trưởng
, cuối tuần về lại nhà chiếc xe jeep bị đặt mìn nổ tung . Ba tôi cũng là một
người lính , ông điều hành một đại đội xe Hồng thập tự chuyên về tải thương , lúc
còn tạm trú ở trại lính tôi đã nhìn thấy rất nhiều máu đặc quánh rồi khô lại
trên vô số những tấm băng ca màu xanh xám . Tuổi mười hai , mười ba , nghe
những câu chuyện ấy , nhìn những cảnh ấy… chỉ biết buồn ngơ ngẩn mà không thể
hiểu vì sao con người lại tàn ác với nhau, lại nhẫn tâm làm đổ máu nhau như
thế. Sự thể ấy cũng khiến nhiều đứa trong số chúng tôi mau chóng rời bỏ tuổi
trẻ và trở nên già nua rất nhanh, trong có vài năm ngắn ngủi mà trải nghiệm gần
hết cả một cuộc đời hệt như nhân vật Paul Bäumer trong “ Mặt trận Miền Tây vẫn
yên tĩnh” của Erich Maria Remarque.
“ Mặt trận Miền Tây vẫn yên tĩnh” của
Erich Maria Remarque là một tiểu thuyết về đề tài chiến tranh . Tác phẩm lấy
bối cảnh cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất , khi cuộc Đại chiến đã đi được nửa
đường và điểm nóng mặt trận đã chuyển hướng từ phía Đông về phía Tây
(1916_1918) . Nhân vật chính là Paul Bäumer, một người lính Đức 19 tuổi . Mấy
năm trước , anh cùng những người bạn học cùng lớp của mình nghe lời cổ vũ ,
tuyên truyền của giáo sư Kantorek: “ chúng ta có hạnh phúc được sống trong một
thời đại lớn ; vì vậy chúng ta phải hòa mình vào thời đại ấy” , bảy người trong
lớp họ hăng hái vào quân đội để tham gia chiến tranh. Sau một khóa huấn luyện
kéo dài mười tuần , họ được đưa ra mặt trận Miền Tây , nơi đang diễn ra những
cuộc giao tranh ác liệt giữa nước Đức và liên quân Anh _Pháp. Họ từng được giáo
sư Kantorek thuyết phục rằng “tuổi trẻ là gang thép”, những chiến binh Đức là
bất bại , nhưng ra đến mặt trận , trước đạn bom, họ mới thấy sinh mạng con
người bé nhỏ , yếu ớt và thảm hại biết chừng nào .
Mở đầu “ Mặt trận Miền Tây vẫn yên tĩnh”
là hình ảnh mấy chục người lính đại đội 2 , đại đội của Paul Bäumer đang xếp
hàng lĩnh thức ăn trưa . Ngày hôm qua , sau một trận đánh ác liệt với quân Anh
, đạn pháo tới tấp giã trên đầu , đại đội 2 gồm 150 quân của họ chỉ còn lại 80
. Mọi sự xảy ra nhanh đến mức không ai hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra , không
ai hiểu vì sao mình còn sống , cũng không ai kịp nhỏ một giọt nước mắt khóc
thương cho những đồng đội của mình. Trái lại , dường như tất cả bọn họ đều còn
thấy cảm thấy phấn chấn , hả hê vì bữa trưa ngày hôm ấy , khẩu phần dành cho
150 người gồm đậu hầm , xúc xích , bánh mì , thuốc lá …sẽ là của 80 người , một
“khẩu phần kép”. Thật là no nê phủ phê . Ăn uống xong rồi , họ xách những chiếc
thùng gỗ ra cánh đồng cỏ sau lán trú quân , ba cái đâu vào nhau , chễm chệ ngồi
lên rồi chơi bài , hút thuốc , đọc thư… vừa đắm mình trong bầu không khí dễ
chịu đẫm hương hoa đồng nội, vừa khoan khoái trút những thứ mới được tiêu hóa
trong dạ dày , ít ra cũng hai tiếng đồng hồ sau mới chịu đứng dậy .
Cũng trong trận ấy , một người bạn học
_đồng đội của Paul Bäumer là Kemmerich bị thương . Một chân của anh đã bị cưa
và có lẽ anh cũng chẳng còn có thể sống được bao lâu . Nhưng Kemmerich mới mười
chín tuổi , anh không thể hiểu cái sự thể bi đát ấy . Và anh cũng chẳng thể nào
hiểu vì sao anh bạn Müller thân thiết đến thăm mà cứ thèm thuồng lấm lét nhìn
đôi giày của mình . Đôi giày của Müller đã quá cũ nát khi phải hành quân liên
tục, trong khi giày của Kemmerich còn mới mà anh ta chẳng bao giờ còn có thể
cần đến nữa.
Vậy đó , chiến tranh , ngay từ những ngày
đầu , nếu không cướp đi mạng sống của con người thì cũng tước đoạt của họ mọi
thứ cảm xúc , biến những chàng trai đầy mơ mộng trở thành những kẻ thô lỗ , cục
súc và tàn nhẫn . Chỉ có thực tại , thực tại , và thực tại : ăn được thì ăn ,
ngủ được thì ngủ , yêu được thì yêu … Bởi nếu không như vậy , họ chẳng thể nào
có thể sống qua những khủng khiếp , kinh hoàng . Đó là những trận pháo kích dồn
dập trong những chiến hào chật chội , những cái chết thương tâm và đau đớn của
đồng đội …Mới hôm qua đại đội một trăm năm mươi người , hôm nay chỉ còn tám
mươi . Mới cuối hè đại đội một trăm năm mươi người , sang đầu thu nay chỉ còn
ba mươi hai trong hàng ngũ . Lớp lớp những chàng trai non trẻ măng tơ ra chiến
trường và lần lượt gục ngã …Chỉ có thể nhờ vào may mắn mà một ít trong số họ
còn sống sót để lại tiếp tục công việc nổ súng bắn vào con người . Có lần ,
trong một trận tấn công , Paul Bäumer lạc vào chiến hào của đối phương và đã
phải tự tay mình đâm chết một người lính Pháp . Nỗi đau đớn , tiếng rên rỉ kéo
dài suốt đêm của người lính Pháp ấy , bức ảnh người vợ cùng đứa con gái nhỏ của
người lính Pháp_người thợ sửa ống khóa hiền lành ấy đã khiến Paul Bäumer thảng
thốt nhận ra sự thể kẻ anh vừa giết cũng là con người . Anh nói với người ấy ,
bấy giờ đã là một cái xác chết :"Này anh bạn, mình có muốn giết cậu đâu.
Nếu cậu lại nhảy vào cái hố này một lần nữa, mình sẽ không làm thế nữa đâu,
miễn là chính cậu, cậu cũng phải biết điều. Nhưng đầu tiên, đối với mình, cậu
chỉ là một ý nghĩ, một sự tính toán nảy ra trong đầu mình, rồi nó dẫn đến một
quyết định. Chính mình đã đâm vào cái sự tính toán ấy. Bây giờ, lần đầu tiên,
mình nhận ra cậu cũng là một con người như mình. Mình đã nghĩ đến những quả lựu
đạn của cậu, đến cái lưỡi lê và các thứ vũ khí của cậu; nhưng bây giờ, mình
nhìn thấy vợ cậu, cũng như nhìn thấy mặt cậu và những gì giống nhau giữa hai
đứa chúng mình. Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình. Bao giờ chúng ta cũng nhìn ra sự
việc một cách quá muộn. Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng chính
các cậu, các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình, rằng các bà
mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như
nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau? Bạn ơi,
hãy tha thứ cho mình; tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình? Nếu chúng ta
bỏ những vũ khí và bộ quân phục này đi, thì cậu rất có thể là người anh em của
mình, như Kat và Albert vậy. Bạn ơi, cậu hãy lấy hai mươi năm của đời mình và
cậu hãy đứng dậy đi... Đời mình còn gì nữa, cậu cứ việc lấy nốt đi, vì mình
không biết là từ nay mình còn làm những gì nữa".
Paul Bäumer và những đồng đội của anh ,
ngày càng thấy rõ , cuộc chiến tranh mà họ tưới tắm bằng chính máu của mình
không thể đem lại niềm vinh quang cho bản thân họ . Người ta buộc các anh phải
nổ súng bắn vào cuộc sống , phải giết người .Và lý do của sự giết chóc ấy ngay
từ đầu đã thật phi lý. Người ta nói rằng tổ quốc của họ đang bị xúc phạm .
Nhưng những người lính thấy rằng :“ Một quả núi của nước Đức làm sao lại có thể
xúc phạm một quả núi của nước Pháp được. Một con sông, một khu rừng, một cánh
đồng lúa mì, cũng thế thôi.”_ “Một anh thợ khoá và một anh thợ giày người Pháp
sao lại muốn đánh chúng ta. Trước khi đến đây, mình chưa hề gặp một người Pháp
nào, và phần đông người Pháp đối với chúng ta cũng thế .” Họ thấy rõ , không ai
trong số hàng triệu những người lính bình thường , không ai trong số hàng triệu
những người dân bình thường muốn có chiến tranh . Thế nhưng trong cuộc chiến
tranh này, một nửa nhân loại lại trở thành đám thiêu thân lăn xả vào hỏa ngục ,
rốt cuộc đơn giản chỉ bởi vì những hoàng đế và tướng lãnh của đất nước họ đang
sống cần có những chiến công .
Những ngày ấy ở mặt trận , những giống ký
sinh trùng và chuột bọ không biết ở đâu chui ra mà sinh sôi nảy nở nhiều vô kể
. Hàng trăm con rận béo múp trú ngụ trong một bộ quần áo lính rách rưới tả tơi.
Chuột thì to lớn và gớm ghiếc khủng khiếp, người ta gọi chúng là “chuột xác
chết”. Không chỉ gặm bánh mì , chúng còn ăn thịt lũ chó và mèo . Và chắc là vậy
rồi , chúng xơi luôn cả xác người, bất kể người Đức , Anh , Nga hay Pháp…
Mùa hè năm 1918 , tình hình mặt trận Miền
Tây trở nên gay go và đẫm máu hơn bao giờ hết . Hoa Kỳ đã tham chiến . Quân Đức
ngày càng kiệt quệ và tuyệt vọng . Bảy chàng trai cùng một lớp học ra đi ngày
ấy nay chỉ còn lại Kan và Paul Bäumer .
Mùa hè năm 1918 , cuộc sống với cái hình
dáng tả tơi thảm hại của nó càng khiến người ta thèm khát. Hoa mào gà đỏ chói
trên đồng nội Những cây cối trong hoàng hôn. Những ngôi sao và những dòng nước
. Những giấc mơ và giấc ngủ triền miên.
Cũng mùa hè năm 1918 , những tin đồn về
đình chiến , về hòa bình bắt đầu xuất hiện .
Nhưng bất kể những người lính ngoài mặt
trận khắc khoải chờ đợi thế nào , chiến tranh vẫn chưa kết thúc , người vẫn
tiếp tục chết . Kan , người bạn thân thiết cuối cùng , bị một viên đạn lạc ,
chết ngay trên vai Paul Bäumer , khi họ trên đường tới trạm quân y.
Tháng 10 năm 1918 , Paul Bäumer chết. Anh
là người cuối cùng trong nhóm bảy người cùng một lớp học ngày ấy nghe lời giáo
sư Kantorek hăm hở ra chiến trường nằm xuống trong chiến tranh. Ngày hôm ấy là
một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông báo tình hình chiến sự chỉ
ghi một câu “Mặt trận Miền Tây vẫn yên tĩnh”.
“Anh ta ngã xuống, đầu về phía trước, nằm
dài trên đất, như người đang ngủ.
Khi lật anh ta lên, người ta thấy hình như
anh ta không đau đớn lâu thì phải.
Nét mặt anh ta bình thản và như biểu lộ một
vẻ bằng lòng về cái kết cục như vậy.”
***
Cùng với “Giã từ vũ khí ” của nhà văn Mỹ
Ernest Hemingway , “Mặt trận Miền Tây vẫn yên tĩnh” của Erich Maria Remarque
được xem là tiểu thuyết hay nhất về Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tác phẩm
cũng được xem là cuốn sách bán chạy nhất Châu Âu suốt thế kỷ XX.
***
Cũng như “Mặt trận Miền Tây vẫn yên tĩnh”
của Erich Maria Remarque, “Nỗi buồn chiến tranh ” của Bảo Ninh là một tiểu
thuyết về đề tài chiến tranh .Tác phẩm lấy bối cảnh Việt Nam , chủ yếu mười năm
trước và mười năm sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam kết thúc (khoảng
từ 1965 đến 1985). Nhân vật chính tên là Kiên , cũng là một người lính. Mười
bảy tuổi , chàng trai Hà Nội ấy say sưa nghe lời hiệu triệu của thầy hiệu
trưởng :“nước Mỹ sẽ bị hủy diệt ’’_"chính các em sẽ là những thiên thần
trẻ tuổi của cách mạng, các em sẽ cứu nhân loại", cùng bao bạn bè hăm hở
rời trường học để vào chiến trường . Từ đấy ,“ cả thế hệ anh đã lao vào trận
chiến một cách hăng say, một cách hung dữ, đã làm đổ máu mình, đổ máu người.”.
Mười năm Kiên chiến đấu ở chiến trường Bắc Tây nguyên là những năm chiến tranh
khốc liệt nhất . Hàng bao núi xương sông máu ! Đói khổ , đạn bom và chết chóc
vô kể ! Chỉ riêng một trận đánh cuối mùa khô 1969 , toàn bộ tiểu đoàn 27 một
ngàn hai trăm người bị bao vây rồi bị tiêu diệt , chỉ còn sót lại mười người ,
trong đó có Kiên . Những cái tên “Truông Gọi Hồn ”, “Đồi Xáo Thịt ” … lần lượt
ra đời , những oan hồn lính của hai bên , của cả dân thường … lưu lạc , vất
vưởng khắp nơi khiến người còn sống yếu bóng vía phải phát điên. Dạo ấy , các
vạt đất ven triền sông suối uống no nê máu người mà nở rộ những đám hồng ma .
Ban đêm hương hồng ma càng “cô đậm, ngọt, ngào ngạt, thẩm thấu”. vào giấc ngủ
làm thành bao nhiêu là giấc ngủ mơ kỳ lạ gây những ám ảnh khoái lạc mê mẩn”.
Chiến tranh , dù nhân danh vào bất cứ điều
gì , thực chất vẫn là sự chết chóc , là hủy hoại mọi thứ kể cả sắt thép , gạch
đá , nói gì đến sinh mạng con người… Đám trinh sát gai góc , dày dạn như Kiên
nhờ chìm vào đám khói mê dụ đầy ảo ảnh của hồng ma mà quên mọi nông nỗi đói
khát , đạn bom , chết chóc… của cuộc đời người lính. Nhưng khi họ tỉnh thức ,
sự hư hoại , mất mát từng ngày của chất người trong họ khiến họ âm thầm cảm
thấy một nỗi tuyệt vọng thống thiết tràn ngập tâm hồn mình . Chiến tranh , dù
là giết được người hay bị người giết cũng đều khốn khổ khốn nạn như nhau .
Trong cuộc tấn công ở rìa Ban Mê Thuộc năm 1975, khi những khẩu đại liên của
Kiên và đồng đội bắn xối xả vào đám tàn binh của trung đoàn 45 ngụy đang tháo
chạy khỏi vùng đất trống Phước An , hàng ngàn cái bia thịt rú lên rồi rũ rượi
gục ngã_những cuộc tàn sát man rợ ấy tuyệt nhiên không thể đem lại cho họ cảm
giác về một niềm vui sướng, một chút vinh quang nào.
Chương đầu của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến
tranh ” có một chi tiết kinh dị , ghê rợn và đầy ám ảnh . Năm 1974 , giữa tro
tàn của một ngôi làng ở Tây nguyên , Thịnh “con” , người lính cùng tiểu đoàn
với Kiên , săn đuổi và bắn chết một con vượn . Tiểu đoàn đã chuẩn bị nồi niêu
dao thớt cho một buổi liên hoan tưng bừng , nhưng khi cạo sạch được bộ lông con
vật ấy ra họ mới phát hiện đó là thân hình trần truồng một mụ đàn bà nửa xám
xịt nửa trắng hếu , cặp mắt dựng ngược trợn trừng . Cả bọn thất kinh rú lên rồi
ù té chạy . Cái hình ảnh con người quái gỡ thê thảm đang bị con người đem ra
làm thịt ấy rõ ràng là sản phẩm ghê tởm của chiến tranh . Chi tiết ấy rất có
thể là thực , cũng có thể chỉ là một ẩn dụ , nhưng qua chi tiết vật_ người này
, người đọc đều có thể cảm nhận được thông điệp của nhà văn gửi tới mọi người :
chiến tranh chẳng thể là điều gì hay ho, nó là sự sự hủy hoại , sự tước đoạt
tàn ác khủng khiếp nhất với hình hài và phẩm giá của con người .
Nhân vật chính của “Nỗi buồn chiến tranh ”
, Kiên_ chàng trai ngày nào đã tưởng mình là “những thiên thần trẻ tuổi ” hăm
hở lao vào chiến tranh với lý tưởng từ chiến tranh , do chiến tranh sẽ tạo dựng
cả một thế giới mới ,“cứu cả nhân loại”, rốt cuộc cũng phải cay đắng nhận ra sự
thật nghiệt ngã :“Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang
khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới
bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”.
Nhưng điều khủng khiếp nhất đối với Kiên
và đồng đội không phải chỉ là trải qua những thống khổ cùng cực của chiến tranh
mà còn là phải đối mặt với những sự thể tầm thường và thô bạo của hòa bình .
Nếu bi kịch của nhân vật người lính trẻ Paul Bäumer trong “ Mặt trận Miền Tây
vẫn yên tĩnh” là không thể sống sót qua chiến tranh thì bi kịch của Kiên trong
“Nỗi buồn chiến tranh ” lại dường như là qua hòa bình rồi mà vẫn còn sống sót .
Nghịch lý chăng??? Cho đến trận chiến cuối cùng ở cửa ngõ Sài Gòn , cả trung
đội trinh sát mười bốn người chỉ còn mỗi một mình Kiên . Chiều 30 tháng tư năm
1975, khi vẫn còn ngất ngây vì men chiến thắng thần tốc , những người lính như
Kiên đã có cái cảm giác thật khó hiểu , thật lạ lùng : “ hòa bình ập tới phũ
phàng, choáng váng đất trời và xiêu đảo lòng người” . Hòa bình như một thứ cây
“mọc lên từ máu thịt bao anh em mình” nhưng lập tức sau đó không lâu lại khiến
những người còn sống phải chứng kiến bao sự mỉa mai , chua chát vì những cuộc
trở về “Không kèn, không trống, không khúc khải hoàn thì đã đành rồi nhưng đến
một chút đối xử có trước có sau người ta cũng chẳng buồn giành cho bộ đội. Cảnh
chợ chiều nhốn nháo, nháo nhào không khác gì lại một thứ tùy nghi di tản. Đã
thế lại còn kiểm tra lên, kiểm tra xuống, lục lọi săm soi từng cái túi cóc ba
lô tuồng như người ta cho rằng một núi của cải ở miền Nam sau giải phóng bị hư
hao thất thoát, bị xâu xé, tranh đoạt, bị hốt vơ cào xúc cho đến sạch sành sanh
là bởi anh bộ đội chứ không phải bởi bọn người nào khác…’’. Tại các ga tàu miền
Bắc , khi các đoàn tàu dừng bánh ,“ loa phóng thanh oang oang trút vào tai đám
lính đui què mẻ sứt mắt trắng môi thâm này hàng lô xích xông những lời dạy bảo
trớ trêu nhất đời nào chống cầu an, chống đạn bọc lường, chống thói đam mê các
tàn tích của xã hội phồn vinh giả tạo và nào là cần đặc biệt chống tư tưởng
công thần?” Hòa bình nhạt nhòa dần qua năm tháng và rồi sau đó với những người
lính chỉ còn là một thứ ký ức tủi hờn:“Về sau, mỗi khi được nghe người ta kể
hoặc được xem phim, được thấy cảnh ngày 30 tháng Tư ở Sài Gòn trên màn ảnh:
cười reo, cờ hoa, bộ đội, nhân dân, nườm nượp, bừng bừng, hân hoan, hạnh phúc…
tự nhiên trong Kiên cứ nhói lên nỗi buồn pha cả niềm ghen tỵ.”
Nỗi niềm bi thảm của những người lính Việt
Nam thời hậu chiến trong những trang viết của Bảo Ninh là có thực. Bi thảm
không phải chỉ vì những ám ảnh dai dẳng của sự mất mát trong quá khứ mà còn bởi
những thô bạo , tầm thường của hiện tại và cả sự vô định mù mịt của tương lai.
Những tấm khẩu hiệu đã bị vứt đi . Những cái mặt nạ đã rơi xuống. Những phận
người không biết về đâu . Nhiều người trong họ mãi đắm chìm trong quá khứ,
không phải đang sống mà là đang mắc kẹt giữa cuộc đời . Nhiều người trong họ
chán ngán hiện tại, ước phải chi được chết một cách yên ổn như thân phận con
sâu cái kiến trong những ngày chiến tranh. Nhiều người trong họ không tìm thấy
tương lai , lại háo hức muốn trở lại những giây phút hào hùng của cuộc đời
chinh chiến khi binh lửa chiến tranh mấp mé ở hai đầu biên giới (1978_1979).
Tháng 4 năm 1975, Ủy ban Quân quản Thành
phố về đóng cạnh nhà tôi. Đó là dịp tôi được tiếp cận những con người mà mười
mấy năm qua chỉ nghe chứ chưa từng gặp. Họ là những chàng trai xứ Bắc , những
người lính khắc khổ , dày dạn chiến trường nhưng phần lớn còn giữ được nét
thuần phác giản dị đậm chất nông dân . Họ đội mũ cối , đi dép cao su và hình
như ai cũng hút thuốc lào. Chập tối , giờ sinh hoạt , từ ngôi nhà họ ở vang lên
những lời ca hùng tráng : “Vì nhân dân quên mình , vì nhân dân hy sinh…”, “Giải
phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…”, “Đêm nay trên đường hành quân
ra mặt trận …”. Ban ngày họ ra ngoài rụt rè ngỏ ý bán đôi ba thứ : cân đường
cát , phong lương khô , bánh xà phòng …đều là hàng viện trợ của Liên Xô hoặc
Trung Quốc , và cũng tìm mua đôi ba thứ : cái radio , cái casset cũ hay con búp
bê , chiếc khung xe đạp xuất xứ Chợ Lớn … Đứa em nhỏ của tôi bấy giờ mới sáu
tuổi , sau mỗi bữa cơm của mấy chú bộ đội lại xách cái rá chạy qua được mấy chú
bộ đội tử tế gom cho những chỗ cơm thừa . Chỗ cơm ấy , chúng tôi đem rửa lại ,
xả sạch rồi phơi khô , đến bữa đổ thêm nước vào hấp lên là thành cơm ăn được .
Đôi ba tháng sau , Ủy ban Quân quản giải
tán , từ đó tôi không bao giờ gặp lại họ nữa . Những ai đó đã đi về đâu? Những
ánh hào quang ngắn ngủi ban đầu của ngày chiến thắng phút chốc nhạt nhòa rồi
tắt lịm chỉ còn trơ ra tơi tả trần trụi những phận người “mờ mờ nhân ảnh ”. Họ
trở về quê để lại làm anh nông dân tay cấy tay cày . Họ lại đến trường để học
và làm anh cán bộ. Họ ở lại thành phố và nắm những chức vụ trọng yếu trong
chính quyền . Mấy chục năm sau , không biết số phận có làm ai trong họ như Kiên
, trở thành nhà văn , chọn cách viết để giãi bày “để có một cứu cánh, một niềm
cứu rỗi, để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà còn muốn sống” giữa cuộc đời!
***
Nhân vật người lính trẻ Paul Bäumer trong
“ Mặt trận Miền Tây vẫn yên tĩnh” cho đến khi vào chiến trường, thậm chí cho
đến lúc chết, vẫn chưa kịp có một tình yêu. Hai người phụ nữ gắn bó thân thiết
với đời anh là mẹ và chị gái. Hương vị da thịt đàn bà đầu tiên anh nếm trải là
một người con gái Pháp khi anh và những đồng đội của mình chiếm đóng một làng
Pháp hoang tàn. Có đôi chút cảm xúc , nhưng nói cho cùng , đó vẫn chỉ là câu
chuyện đổi chác khi sự thân mật , gần gũi được trả giá bằng những khoanh xúc
xích và những ổ bánh mì từ khẩu phần của lính.
Kiên của “Nỗi buồn chiến tranh ”thì khác.
Hình ảnh mẹ trong anh nhạt nhòa suốt thời thơ ấu . Nhưng mười bảy tuổi , còn là
học sinh trung học , Kiên đã có một tình yêu sâu đậm với người bạn gái tên
Phương . Gần nhà , cùng trường , họ đã lớn lên bên nhau và đã yêu nhau suốt cả
cuộc đời mình , kể cả trong chiến tranh và hậu chiến tranh. Câu chuyện tình yêu
của Kiên và Phương là một tuyến song hành với câu chuyện nỗi buồn chiến tranh
trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết . Khi này khi khác ,thậm chí có khi chủ đề tình
yêu còn có vẻ đậm nét hơn , bi thiết hơn. Có thể vì sự băn khoăn về tính chất
chủ đạo của hai chủ đề , trong lần đầu xuất bản Bảo Ninh đã đặt tên cho tác
phẩm mình là “Thân phận của tình yêu”.
Nói theo sách tử vi , Kiên là loại đàn ông
được sao Đào Hoa chiếu mệnh . Còn nói như Phương , nhân vật nữ chính trong
truyện , Kiên là người đàn ông sinh đúng thời . Còn là một thiếu niên, Kiên đã
có những rung động đầu đời với Hạnh , chị hàng xóm xinh đẹp để sau này “mãi mãi
trong lòng Kiên lưu giữ thầm lặng một tình cảm biết ơn đầy tha thiết và ngậm
ngùi ” . Trên những dặm dài của những nẻo đường chinh chiến sau này , Kiên từng
cảm thấy “một niềm đắm say và một cảm giác gần gũi da diết’’ với Hòa , cô giao
liên người Hải Hậu xinh tươi , người đã làm anh nổi giận đến suýt giết chết vì
đã khiến cả nhóm bị lạc đường . Rồi Hiền , cô thương binh người Nam Định trên
chuyến tàu về Bắc , “suốt đêm, mặc kệ rằng xung quanh lính tráng đùa cợt trêu
chọc, hai người thoải mái ôm xiết lấy nhau mà ngủ, thỏa sức hôn hít nhau, sống
gấp lên với nhau những cây số cuối cùng còn vương lại của tuổi thanh xuân chiến
hào”. Và Lan , người con gái ở Đồi Mơ trong cái vắng lặng của chiều tà với lời
hứa về một sự đợi chờ đã “ làm trái tim anh tan nát đi vì tuyệt vọng và hạnh
phúc”. Cả người đàn bà câm thầm lặng như một bóng ma trên tầng ba ngôi nhà anh
mà anh đã “chiếm đoạt một cách cuồng bạo, khốc liệt, giằng xé, thẳng thừng tàn
phá,..”… Với những người đàn bà ấy , ở Kiên , có cả những cảm xúc khi nồng nàn
say đắm , lúc cay đắng xót thương chứ không đơn thuần là nhục dục . Mặc dù vậy
, mọi thứ tình yêu , mọi cuộc dan díu đều không thể làm Kiên khuây khỏa nỗi nhớ
thương Phương . Như Kiên nói , đời anh có hai mối tình : mối tình thứ nhất
trước chiến tranh , với Phương; mối tình thứ hai sau chiến tranh , cũng là với
một mình Phương !
Cuộc tình của người lính tên Kiên với cô
gái tên Phương , so trong đời thực , có những điều không thực . Nói cách khác ,
mối tình phi thực ấy là một thứ ngoa dụ của tình yêu _ thứ tình yêu dai dẳng
thống thiết mà những gian truân của cuộc sống không thể ngăn trở và ngay đến
cái chết cũng chẳng thể chia lìa. Từ thuở còn là những oắt con , Kiên và Phương
đã cùng thích rủ nhau chơi trò chơi chồng vợ. Lớn lên một chút , hai đứa như
hình với bóng cứ quấn quýt lấy nhau như thể ở cạnh nhau bao nhiêu cũng chẳng
vừa .Tình yêu ấy khiến cho tất cả mọi người quanh phải xốn mắt nhưng với họ
chẳng hề gì.
Rồi một buổi chiều cuối xuân đầu hạ trong
sân trường Chu Văn An , những Kantorex Việt Nam bắt đầu mê sảng kêu gào :“nước
Mỹ sẽ bị hủy diệt ’’ , “chính cái em sẽ là những thiên thần trẻ tuổi của cách
mạng, các em sẽ cứu nhân loại". Đám học trò còn chưa học hết lớp 10 tay
gậy tay gộc , xẻng cuốc …hừng hực , hùng hổ hô vang: “Sát Thát , Sát Thát …”
Cũng buổi chiều tháng tư nồng nàn ấy , hai
đứa trốn thầy trốn bạn đi bơi .“ Những lần ôm xiết ngắn ngủi chếnh choáng trong
làn nước màu lục nhạt. Những sợi rong lập lờ. Tiếng cá quẫy đuôi. Và khuôn mặt
trắng mịn của Phương nhòa trong nước, những chùm bong bóng hơi thở, mái tóc ướt
nặng, bờ vai, đôi chân dài, thân thiết, tuyệt mỹ đến đau nhói trong lòng…” Hai
đứa bơi sóng đôi một lúc một xa bờ . Đó là “khúc sông đời thanh lặng , êm ả
cuối cùng ”của hai đứa , để từ đó “bắt đầu dằng dặc một chặng sông dài rực lửa
”bao nhiêu năm trời chia cắt Kiên và Phương . Một cuộc chiến tranh.
Rồi Kiên vào chiến trường . Có lẽ cũng
chẳng có gì khác biệt với những đôi lứa trong chiến tranh nếu không có cuộc
tiễn đưa định mệnh ấy.
Sau ba tháng luyện quân ở Nhã Nam , tiểu
đoàn 36 tân binh được nhận lệnh lên đường đi B. Còn dôi mấy tiếng đồng hồ để
chờ tàu , Kiên bám ô tô về Hà Nội tìm Phương. Khi trở lại thì tàu đã chuyển
bánh. Cả hai tìm cách lên một chuyến tàu khác đuổi theo . “ Đêm ấy , trên đoàn
tàu ấy, bên bờ tai họa và giữa cảnh rối ren, Kiên và Phương chắc chắn là hai kẻ
quá giang liều chết nhất. Say sưa, mù quáng, phóng túng và cả tin, buông mình
hoàn toàn theo ngẫu hứng, quấn chặt lấy nhau cả hai đều mê mẩn mịt mù trong
mông mị êm đềm ngây dại.”
Chính trong cái đêm mộng mị hoang đàng ấy
, đoàn tàu bị đánh bom. Kiên và Phương lạc nhau. Và khi Kiên tìm thấy Phương
thì Phương đã là một người khác . Nàng bị đám lính cùng toa tàu cưỡng hiếp .
“Rách rưới, hở hang, lấm lem và đọng máu nhưng đồng thời cũng hết sức mềm mại
mịn màng, tròn trĩnh và trắng muốt. Phương nằm nghiêng chừa chỗ cho anh nhưng
dần dần như thể thấy lạnh, nàng co hai đầu gối lên. Cái thế ngủ, thế nằm của
trẻ con, đầu gối sát ngực. Chẳng những vì quá buồn ngủ mà hẳn rằng lúc này,
Phương hoàn toàn chẳng còn thiết gì nữa, tuyệt đối buông thả, tuyệt đối không
còn biết sợ là gì nữa, Kiên nghĩ. Trù trừ một lúc, rồi anh luồn tay dưới gáy
Phương nâng nhẹ người nàng lên sẽ lột cái áo lụa cộc tay rách sã, lộn lần trái
đang sạch lau mặt, lau cổ, lau khắp mình mẩy Phương. Anh lột nốt cả chiếc quần
lụa, chùi vết máu trên đùi cho Phương. Thở dốc run rẩy, anh mặc quần áo của
mình vào cho Phương. Rồi anh mắc võng nằm.”
Khi Kiên tỉnh dậy , anh không thấy Phương
đâu . Anh lang thang đi tìm Phương .Theo lời những người lính thì Phương của
anh đang ở cùng đám lính lái xe . Mãi đến chiều tối , Kiên nhìn thấy Phương ở
một cái đầm , đang thản nhiên , điềm đạm tắm táp như không có gì xảy ra. Đau
đớn thất vọng ngập tràn , Kiên bỏ đi. Anh biết “hai đứa sẽ không gặp được lại
nhau nữa từ nay, bởi anh đã nhất quyết bỏ rơi nàng”.
Họ biền biệt tin nhau cho đến ngày chiến
tranh kết thúc, và Kiên may mắn vẫn còn sống sót để trở về.
Cũng không có gì đặc biệt nếu họ lại gặp
nhau và nối lại mối tình xưa. Bởi hai người họ vẫn ở trong hai căn phòng kề sát
nhau và vẫn dõi tìm nhau.
Nhưng mặc dù yêu nhau thế nào , họ vĩnh
viễn không bao giờ kết thành với nhau được nữa . Tình yêu của Kiên và Phương sẽ
không bao giờ mãn khai , không thể nào sinh nở .Tình yêu ấy bị hủy hoại kể từ
khi Kiên bước chân lên chuyến tàu chiến tranh và từ đó họ ngược chiều nhau.
Cũng như chiến tranh , tình yêu với cô gái
tên Phương đã trở thành vô phương cứu vãn trong cuộc đời người lính tên Kiên.
Cũng như chiến tranh , tình yêu với người con gái ấy đã cuốn Kiên vào vực thẳm
của sự thống khổ . Chiến tranh và tình yêu hoàn toàn đối lập nhau nhưng lại
cùng một thuộc tính là sự cuốn hút bạo tàn. Có vẻ như trong “Nỗi buồn chiến
tranh ” của Bảo Ninh , nhân vật Phương đã trở thành một ẩn dụ , hay nói cách
khác , một hiện thân cho Thân phận của tình yêu rực rỡ mà bi thảm trong chiến
tranh. Kiên và Phương có sự đối lập khá rõ ràng . Nếu như Kiên là người đàn ông
đúng thời , thì Phương lại là đứa con gái lạc thời. Nhan sắc dậy thì của Phương
đã khiến người ta phải xốn xang , phải bứt rứt , kinh hãi . Tình yêu thời tuổi
trẻ của Phương cuồng say , mãnh liệt , chẳng thể tự giấu mình . Cả hai thứ đó
đều chẳng thể vừa mắt cái thời của nàng. Cho nên , cả sắc đẹp lẫn tình yêu của
Phương trong con mắt tinh ý người họa sĩ già , bố của Kiên , đã ngầm ẩn chứa
một thứ tai họa _ thứ tai họa chẳng thể đặng đừng .
Cần phải lưu ý một số tình tiết Bảo Ninh
có thể đã cố ý xây dựng trong tác phẩm của mình . Trên chuyến tàu định mệnh đêm
ấy , trước ngày Kiên vào chiến trường , những kẻ cưỡng hiếp , hủy hoại cuộc đời
Phương lại là những người cùng chiến tuyến với Kiên . Về sau này , khi chiến
tranh chấm dứt , Kiên trở về tìm Phương thì những kẻ vừa ăn nằm vừa nhục mạ ,
phỉ báng Phương khiến Kiên không thể nào tự kìm mình được , khiến trở thành vết
thương sâu hoắm, kinh khủng trong lòng Kiên _ những kẻ đó cũng chính là đồng
đội của Kiên. Người đọc có thể cảm nhận được dụng ý của nhà văn ở cách chọn lựa
chi tiết này: nếu như những kẻ hãm hiếp Phương , phỉ báng , nhục mạ Phương là
những kẻ thù bên kia chiến tuyến của anh , mối tình của Kiên và Phương sau chiến
tranh còn có khả năng được hàn gắn , thậm chí còn mặn nồng , da diết hơn “Hoa
tàn mà lại thêm tươi _trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa ”(Truyện Kiều_Nguyễn
Du). Nhưng nỗi cay đắng ngấm ngầm của Kiên , bi kịch của Kiên là ở chỗ : tình
yêu của Kiên và Phương đã bị hủy hoại bởi chính cuộc chiến tranh và cả những
thứ thuộc về cuộc chiến tranh mà Kiên dự phần vào , đã say mê theo đuổi .Vậy mà
bao nhiêu năm trời theo đuổi chiến tranh , anh đã mê muội không nhận ra được
điều đó .Trong khi đó , sự hủy hoại này đã được Phương dự cảm ngay trong buổi
chiều tháng tư nồng nàn họ trốn trường trốn bạn để được ở bên nhau : “Anh say
mê cuộc chiến tranh đến đứng ngồi không yên. Anh không yêu mẹ, không yêu cha,
không yêu tình yêu của em”và sự thể sẽ không thể là gì khác đi :“Em nhìn thấy
tương lai, – Phương nói – Đấy là sự đổ nát. Sự thiêu hủy.” Chọn cuộc chiến
tranh này , không phải là ai khác, chính là Kiên đã tự chọn sự ngược chiều , sự
hủy hoại tình yêu _cũng là hủy hoại ý nghĩa sự sống của cuộc đời mình: “Chính
là từ đấy, từ lúc bị giằng bật ra khỏi Phương, đời Kiên bắt đầu thực sự đẫm
trong máu, trong thương đau, trong thất bại”.
Khi xây dựng hình tượng nhân vật chính ,
người anh hùng trong chiến tranh, nhà văn đã không hề ngẫu nhiên khi chọn Kiên
_ kẻ lớn lên không cha mẹ , không anh em , không họ hàng , “ trong Kiên rõ ràng
là có mầm bẩm sinh của độc ác, của thói nhẫn tâm, khô rắn, lạnh lùng. Một sự
trống rỗng bất hạnh và tệ mạt. Một lương tri không lành. Có lẽ anh lớn lên chỉ
với nhiều nhất là một phần hai nhân cách”. Con người đó say mê giết chóc , tự
mình hủy hoại tình yêu, rốt cuộc là nửa phần đời còn lại lặng thầm đi thu nhặt
hài cốt đồng đội của mình , lặng thầm tưởng niệm những mảnh linh hồn đã bị hủy
hoại của mình .Trong khi đó người phụ nữ mềm yếu tên Phương “ bất chấp chiến
tranh kinh khủng, bất chấp bạo tàn và ô nhục, bất chấp sự rơm rác của những
định kiến và những giáo điều gò khuôn cuộc sống của con người. Phương của anh
vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn ở ngoài thời gian, vĩnh viên bên ngoài mọi thời
buổi. Vĩnh viễn nàng tuyệt đẹp .”
Từ hình tượng cặp đôi Kiên_Phương, tác
phẩm đã cất lên tiếng nói phản kháng chiến tranh, tụng ca tình yêu sự sống .
***
Không chỉ một mình Phương , hầu như toàn
bộ các nhân vật nữ trong “Nỗi buồn chiến tranh” đều là những con người bất
hạnh. Từ những người phụ nữ một cách nào đó có liên quan đến Kiên như Hạnh
(người hàng xóm), Hòa (cô giao liên người Hải Hậu) , Hiền (cô thương binh người
Nam Định), Lan ( người em gái ở Đồi Mơ ), người con gái một đêm _ em gái của
Vĩnh , cô gái câm trên tầng ba…; đến những người phụ nữ một đời khóc chồng khóc
con như mẹ của Can , mẹ của Lan , mẹ của Vĩnh . Dù là mẹ của liệt sĩ (mẹ của
Lan , mẹ của Vĩnh ) hay mẹ của lính đào ngũ (mẹ của Can ) , dù ở thành thị hay
làng quê thì những người mẹ ấy cũng cùng chung sự đói nghèo thê thảm và sự mất
mát đau đớn không cùng : “Cái xóm nhỏ ven thành phố nhưng mà đói nghèo thảm hại
nổi lên giữa một vùng dở đầm lầy dở bãi rác. Lũ trẻ ốm o rách rưới. Đàn chó bẩn
thỉu chạy rông. Ruồi muỗi chuột bọ, mùi hôi thối kinh hồn và những ngọn gió cực
kỳ tanh tưởi. Dân xóm nửa phần đi ăn mày, nửa phần chuyên nghiệp bới rác nhặt
giấy vụn và chạy đồ ăn cắp. Nhà của gia đình Vĩnh cũng như mọi nhà khác trong
xóm, nhếch nhác, tối tăm, chằng đụp, vá víu, nhớt nhát. Cô bé này khi đó mới
chừng mười lăm tuổi nước mắt lưng tròng, thút thít, sụt sịt dỡ các thứ trong
chiếc ba lô cóc bẹp dúm của Vĩnh ra cho bà mẹ mù lòa rờ rẫm vuốt ve. Một bộ
quần áo lính tàng nát. Chiếc mũ tai bèo. Con dao xếp. Cái bát sắt. Cây sáo trúc
đã nứt toác. Cuốn sổ tay.”
Những người lính như Kiên , như Vĩnh , như
Can …, nếu có thể “cứu được cả nhân loại” , sao trước hết họ không cứu lấy
những người em , những người chị , những người mẹ của chính mình?
Những người em , những người chị , những
người mẹ ấy chính là hình ảnh của nhân dân : đông đảo mà lặng thầm , cam chịu .
Nỗi khổ đau mà cuộc chiến tranh này gây ra cho họ là vô lượng, chỉ hai mươi năm
binh lửa mà “đau thấu tới ngàn năm”.
***
Một nhân vật có vẻ như mờ nhạt lướt qua ở
một vài trang nhưng cũng dự phần thể hiện bức thông điệp nhà văn gửi tới bạn
đọc của mình . Đó là nhân vật người bố của Kiên . Như Phương nói: Kiên không
yêu mẹ_một đảng viên thức thời ; nhưng cũng không yêu cha_một họa sĩ lỗi thời.
Kiên không yêu cha , cũng không hiểu nỗi lòng của cha: “Kiên thấy ông thôi
không đến làm việc ở viện bảo tàng nữa. ông không lọc cọc đạp xe đèo giá vẽ đi
thực cảnh nơi này nơi kia như mọi năm. ông sử dụng tầng áp mái của chung cư để
làm xưởng họa và ông hầu như hoàn toàn giam mình lên trên đó. Ở trên đó ông âm
thầm độc thoại và âm thầm vẽ. Trong khí ẩm. Bụi bặm. Những con dơi loạng choạng
bay như trong hang núi. Kiên nghe người ta xì xào rằng cha anh bị phê phán và
bị đánh đổ, rằng bây giờ ông là nhân vật bất mãn đáng ngờ, một tay khuynh hữu.
ông đang trở thành lẩm cẩm và kỳ quặc’’.
Những bức vẽ của cha Kiên , dù là người
hay vật , toàn là những hình nhân dẹo dặt , héo mòn kéo nhau đi từng đàn với
sắc màu vàng vọt. Trước ngày chết , ông đã đốt toàn bộ báu vật cuộc đời mình
không để lại bức nào . Phải rất nhiều năm tháng sau này , khi đã trải bao nông
nỗi cuộc đời, Kiên_ người con trai của thời đại đó mới “phần nào cảm được nỗi
đau lẫn vị đắng cay trong những lời cuối cùng của cha, mới hiểu được rằng dường
như cha muốn trăn trối lại cho anh điều gì.”
Điều gì cha Kiên đã muốn nói ra , điều gì
cha Kiên đã muốn trăn trối lại??? . Hình ảnh người họa sĩ trong những trang
truyện này thực sự gợi nhắc bi kịch của Người viết Quốc ca_ nhà thơ_ họa sĩ Văn
Cao cùng hàng trăm nghệ sĩ tài hoa nức tiếng một thời : Hữu Loan , Quang Dũng ,
Phùng Quán , Hoàng Cầm …. Bao nhiêu cuộc đời mòn mõi . Bao nhiêu đứa con tinh
thần của người nghệ sĩ bị hủy hoại khi chưa còn kịp chào đời hoặc ngay cả lúc
vừa mới được hoài thai. Những tổn thất không thể định giá . Những năm tháng
nghiệt ngã ấy , trong nỗi thống khổ tuyệt vọng vô bờ , Văn Cao đã âm thầm viết
: “Bây giờ ở đâu cũng có tiếng _Chưa nói lên” (Anh có nghe thấy không?_Văn Cao)
Những năm tháng ấy , những người lính như
Kiên , như Vĩnh , như Can …, rốt cuộc đã đứng về phía nào của cái Đẹp?
***
Có một bài báo đã viết rằng “Nỗi buồn
chiến tranh ”của Bảo Ninh thậm chí còn hay hơn so với “Mặt trận Miền Tây vẫn
yên tĩnh” của Erich Maria Remarque. Sự so sánh đó rõ ràng là chủ quan . Tuy
nhiên , về một góc độ nào đó cũng có thể đồng ý rằng “Mặt trận Miền Tây vẫn yên
tĩnh” của Erich Maria Remarque là tác phẩm viết hay nhất về Chiến tranh thế
giới thứ nhất , trong khi “Nỗi buồn chiến tranh ”của Bảo Ninh có thể được coi
là tác phẩm hay nhất về chiến tranh Việt Nam . Có những giá trị không thể đồng
nhất nhưng điều dễ nhận thấy là với những tác phẩm về đề tài hiện thực , khi
người cầm bút đứng trước nguy cơ phảỉ đối mặt với nhà cầm quyền, với sự kiểm
duyệt thì chân thực luôn là tiêu chí hàng đầu . Vì sự chân thực này , Erich
Maria Remarque đã khiến Adolf Hitler nổi giận và chính quyền Đức Quốc xã tỏ
thái độ thù địch ra mặt : sách của ông bị đốt trong một buổi lễ đốt sách khét
tiếng vào ngày 10 tháng 10 năm 1933, bản thân ông bị tịch thu tài khoản , bị
tước quyền công dân . Năm 1943, em gái ông là Elfried Scholz bị chính quyền Đức
Quốc xã xử trảm vì tội tuyên truyền “lật đổ”. “Nỗi buồn chiến tranh ”của Bảo
Ninh trong hai chục năm qua làm lay động trái tim người đọc bởi nhà văn đã vượt
qua được những thỏa hiệp để đến với một hành trình khó khăn là nói lên sự thật
. Đó là điểm khác biệt _cũng là điều làm nên giá trị của“ Nỗi buồn chiến tranh
” so với hàng loạt các tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam của các tác giả
đương thời.
Tuy nhiên , như một câu thành ngữ Nga đã
nói :“Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự
thật nữa”.
Khi cố gắng tìm tòi để thể hiện “Nỗi buồn
chiến tranh”, ngòi bút Bảo Ninh đã kết hợp rất nhuần nhuyễn các yếu tố tự sự và
nghị luận , trữ tình. Do tính chất “muốn được giãi bày ”của tác phẩm , các yếu
tố nghị luận , trữ tình đôi khi còn đậm nét hơn và vì thế , thủ pháp dòng ý
thức được thường xuyên được sử dụng như một lợi thế . Trong tác phẩm, dòng ý
thức của nhân vật Kiên chiếm một dung lượng khá lớn, đó là những ngẫm ngợi của
anh về nỗi buồn chiến tranh , về thân phận của tình yêu, về thân phận của con
người …Dòng ý thức ấy , khi thì miên man vô tận , lúc thì đứt quãng đột ngột đã
giúp kết nối các sự kiện tưởng chừng rời rạc như không theo một trình tự thời
gian không gian nào . Trong đó, những dòng độc thoại thể hiện ý thức của nhân
vật Kiên về cuộc chiến tranh đã qua : “vì chúng ta đã chiến thắng nên đương
nhiên có nghĩa là chính nghĩa đã thắng”, “chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã
thắng nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng” , “cuộc
chiến tranh thần thánh rốt cuộc đã bù đắp những mất mát anh đã phải chịu bằng
một thứ đời sống như ngày hôm nay”…Sự lặp lại các cụm từ : cuộc chiến tranh
thần thánh , chính nghĩa đã thắng …có vẻ như là cách nhà văn đối phó với mạng
lưới kiểm duyệt vì rõ ràng sự lặp lại có tính chất khẳng định này không logic ,
không nhất quán với những gì nhân vật Kiên đã trải qua , những gì đã diễn ra
trong tác phẩm .Và nếu đúng như thế ,thứ sự thật nguy hiểm nhất ,“sự thật của
các sự thật “rốt cuộc vẫn còn chưa được nói ra.
Bà Aung San Suu Kyi, người phụ nữ năm 2015
đã mở một trang mới trong lịch sử Miến Điện , người phụ nữ đã dành trọn vẹn
tuổi thanh xuân tươi đẹp , hạnh phúc gia đình cho tiến trình dân chủ của đất
nước Miến Điện từng viết : "Chỉ nhà tù thực sự là sợ hãi, và chỉ có tự do
thực sự là tự do ra khỏi sợ hãi. Không có quyền lực nào bị thối nát vì sự sợ
hãi. Sợ bị mất quyền lực làm hư hỏng những người sử dụng nó và sợ tai họa của
quyền lực làm hư hỏng những người trong diện với nó .”
Câu nói đó có nghĩa là , chỉ khi nào hết
sợ hãi , con người người mới thực có tự do. Các nhà văn, hơn ai hết, cần có đủ
dũng cảm để tự do bước ra khỏi sự sợ hãi của mình .
Nhân vật Kiên_cũng là nhà văn Bảo Ninh
trong “Nỗi buồn chiến tranh "có một điều ước : “Giá mà vào giờ phút giải
phóng, tất cả những người lính đều được phục sinh". Điều ước đó không bao
giờ thành hiện thực . Điều có thể trở thành hiện thực mà những người lính ấy
mong muốn đơn giản là một lời nói thật. Bởi với sự thật ấy sẽ giúp không lập
lại những vệt xe đổ của lịch sử , không lặp lại những cuộc chiến tranh vô nghĩa
gây cảnh giết chóc bạo tàn . Chỉ khi ấy , cái chết của những người lính ấy mới
không đến nỗi trở thành uổng phí . Chỉ khi ấy ,với mỗi người dân Việt Nam ,
“Nỗi buồn chiến tranh ” cả trong văn chương lẫn đời thực mới khả dĩ làm nguôi
ngoai và thanh sạch lòng người .
Sài Gòn 9/12/2015
Hà Thị Lệ Hà K8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét