Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015
“ Les Misérables” ở Việt Nam.
PHẦN MỘT: Bienvenu Myriel_Người cầm quyền được mong đợi.
Tôi đọc “Những người khốn khổ’’ (Les Misérables) của Victor Hugo lần đầu khi còn là một cô bé cấp II. Sau này lớn lên làm cô giáo , dạy học ở một làng quê, nơi mà niềm vui lớn nhất của mỗi ngày là thơ thẩn ,loanh quanh trong một cái thư viện nhỏ, tôi có dịp đọc lại nhiều lần tác phẩm này. Và bây giờ cầm lại cuốn sách trên tay , sau bao nhiêu năm tháng, những cảm xúc về sự khốn khổ của con người từ những tháng ngày thơ trẻ ấy , lạ lùng thay , dường như vẫn ùa về tươi mới ,nguyên vẹn.
Tên tuổi của đại văn hào người Pháp Victor Hugo từ lâu không xa lạ gì với hầu hết bạn đọc Việt Nam và thế giới . Ông sinh ngày 26/2/1802 _ mất 22/5/1885 ; không chỉ là nhà văn mà còn là nhà thơ , nhà viết kịch , cũng đồng thời là nhà chính trị , một trí thức dấn thân tiêu biểu của nước Pháp đầy biến động với những cuộc cách mạng ở thế kỉ XIX .
Nói đến Victor Hugo , người đọc sẽ nhớ ngay đến những tác phẩm nổi tiếng của ông như ”Nhà thờ Đức Bà Paris”, “Người cười “, “Chín mươi ba”…,nhưng chính ”Những người khốn khổ “mới thực sự là tác phẩm văn học vĩ đại nhất vinh danh nhà văn người Pháp này.Trong 150 năm qua, “Những người khốn khổ “ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng , được chuyển thể thành hàng chục tác phẩm điện ảnh , nhạc kịch , múa ballet … Sự vĩ đại của tác phẩm trước hết là ở chỗ , nhà văn đã dấn thân vào thế giới cuộc sống của những kẻ khốn khổ , nhục nhằn tận dứới đáy xã hội để nhìn thấy chân giá trị của con người , hơn thế , để nói lên tiếng nói vinh danh phẩm giá con người.
Toàn bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ”xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của một người tù khổ sai tên là Jean Valjean .Chỉ vì cái tội ăn cắp một ổ bánh mì cho những đứa cháu nhỏ đói khát , Jean Valjean phải chịu án tù năm. Vào tù , rồi vượt ngục , lại vào tù, rồi lại vượt ngục , cứ như thế đằng đẵng trong suốt 19 năm. Khi mới vào tù còn là một anh làm vườn lương thiện khóc lóc, run sợ trước các quan tòa nhưng ra tù lại là tên lưu manh gan góc, trơ lì như đá, lòng đầy căm giận với cuộc đời .Tâm hồn Jean Valjean như một hố thẳm đầy bóng tối và tuyệt không một niềm hy vọng .
Thế nhưng cuộc đời Jean Valjean đã hoàn toàn thay đổi bởi cuộc gặp gỡ với vị giám mục nhân từ Bienvenu Myriel .
Không phải ngẫu nhiên mà Victor Hugo đã dành những chương đầu rất tâm huyết , trang trọng trong tiểu thuyết“Những người khốn khổ” để nói về Đức giám mục Myriel.Đó là nhân vật khởi đầu , một nút thắt mở ra mối liên hệ với hàng loạt các nhân vật chính và phụ trong tác phẩm. Không có giám mục Myriel thì cũng không có thị trưởng Madeleine , chẳng thể có những câu chuyện dài về Fantien và Cosette và những tấn bi kịch cuộc đời của những kẻ khốn cùng cũng chẳng thể nào kết thúc.
Đức giám mục Myriel , vốn con nhà quý tộc , thời thanh niên là một chàng công tử bay bướm hào hoa, theo nếp cũ của gia đình mà có vợ rất sớm. Thế rồi Cách mạng ập đến , sự sụp đổ của xã hội cũ , sự sa sút của gia đình , những cảnh tượng bi thảm…Những biến cố dữ dội ấy đã giáng vào trái tim Myriel một ngón đòn thần bí , kinh khủng .Chuyện gì đã xảy ra? Không một ai có thể trả lời .Chỉ biết là sau bao năm lưu vong ở Ý trở về , chàng công tử Myriel tóc xanh ngày trước từng bao lần bồng bột , đắm say , có thể là dữ dội nữa , giờ đã trở thành một vị giám mục tóc bạc rất mực nhân hậu ,chính trực , khoan hòa.
Làm giám mục, Myriel sống một cuộc đời thanh đạm , từ chối mọi xa hoa. Năm 1815 , khi mới về Digne nhậm chức, ông được cấp một dinh thự thật to lớn , lịch sự . Dinh thự ấy lại nằm kế bên một nhà thương bé nhỏ , tồi tàn. Ba hôm sau , Đức giám mục sang thăm nhà thương, sau đó ông mời giám đốc nhà thương đến nhà và nói với ông ấy câu này:
“Này, ông giám đốc, tôi nói điều này: theo tôi thì có lẽ có sự nhầm lẫn gì đây. Các ông đến hăm sáu người, mà xếp vào năm sáu căn buồng con. Còn chúng tôi ở đây có ba người mà chiếm cả một ngôi nhà có thể chứa sáu chục. Đúng là người ta nhầm. Các ông đã chiếm nhà tôi còn tôi thì lại ở nhà các ông. Xin ông trả lại nhà cho tôi. Nhà của các ông là ở bên này đây.”
Ngay hôm sau, hai mươi sáu bệnh nhân nghèo được sang ở dinh giám mục và ông giám mục dọn đến ở bên nhà thương.
Về tiền lương giám mục được mười lăm ngàn Franc mỗi năm , ông chi tiêu như sau :
Bản ghi những khoản chi tiêu trong nhà:
- Cấp cho chủng viện 1.500
- Hội giảng đạo 100
- Cấp cho nhà tu dòng Lazariste de Montdidier 100
- Trường tu sĩ hội truyền giáo nước ngoài ở Paris 200
- Hội đức Thánh Thần 150
- Cơ sở giáo hội ở Đất thánh 100
- Nhà dục anh 300
- Cấp riêng cho nhà dục anh ở Arles 50
- Công cuộc cải thiện nhà lao 400
- Công cuộc ủy lạo và phóng thích tù nhân 500
- Để phóng thích những gia trưởng bị tù vì nợ 1.000
- Phụ cấp các thầy giáo ít lương trong địa phận 2.000
- Cấp cho kho lúa nghĩa thương vùng Hautes-Alpes 100
- Cấp cho các trường con gái nghèo của Hội từ thiện ở Digne,Manosqu, và Sisteron1.500
- Cấp cho kẻ khó 6.000
- Khoản chi tiêu cho riêng mình 1.000
Tổng cộng :15.000 Franc
Với 1000 Franc trích từ số lương bổng 15.000 Franc, cô em gái của ông phải lo liệu việc ăn ở , chi tiêu cho cả 3 người trong cả một năm.Rõ ràng là cô em đã phải giỏi chắt bóp, tằn tiện lắm mới đủ cho họ có mức sống ngang bằng những người dân nghèo trong vùng.
Cuộc sống thanh đạm , từ chối mọi xa hoa ấy khiến một số người không ưa ông và có người đồ rằng ông đạo đức giả .Nhưng không ,nói sao làm vậy , bao nhiêu năm ông vẫn sống như thế .Giảng đạo ở giáo đường , ông kêu gọi :” Hỡi các giáo hữu! Hãy mở lòng nhân! Hãy xem chung quanh các bạn người ta khổ như thế nào”.
Khi khắc họa chân dung Đức giám mục Myriel , Victor Hugo có vẻ muốn tô đậm nét vẽ về một cuộc sống đơn giản , tằn tiện đến mức bần hàn bởi chính cuộc sống ấy có liên quan mật thiết đến lòng thương người .Chỗ đứng của những người như ông là bên cạnh kẻ khó . Có thể nào gần gũi mãi cả ngày lẫn đêm, tất cả mọi nguy khốn, mọi bất hạnh, mọi sự nghèo hèn, mà không dính trên mình một tí gì của cái khốn khổ ? Có thể nào hình dung một người thợ làm việc bên lò than mà tóc không một sợi cháy sém, tay không một móng dính bụi , trán không một giọt mồ hôi? Một ông giám mục nói thương người mà sống thừa thãi, phung phí , xa hoa thì dường như nó phơi bày một sự thật là ông rất ít thương người !
Có một thứ xa hoa có thế nói là duy nhất có mặt trong ngôi nhà của Đức giám mục Myriel mà ông vui lòng chấp nhận, đó là một bộ đồ ăn bằng bạc , một đôi chân đèn bằng bạc , tài sản ông được thừa hưởng từ một bà cô.Những thứ đồ dùng bằng bạc ấy thường được dùng trong những buổi cơm có khách quý để tỏ lòng hiếu khách.Chính những đồ dùng xa hoa này đã khơi gợi lòng tham của tù khổ sai vừa mới hết hạn Jean Vanjean,khiến Jean Vanjean một lần nữa lầm lạc nhưng cũng đồng thời mở ra cơ hội để ánh sáng tình thương của Đức giám mục Myriel soi rọi những khuất tối của con người Jean Vanjean .Bộ chân đèn ấy , trong nghệ thuật văn chương có thể được xem là một biểu tượng đẹp , đầy ý nghĩa của lòng thương.
Thương người ,không chỉ là quan tâm , chia sẻ những khốn khó của con người ; thương người , nên cũng rất tự nhiên , Myriel dễ khoan dung với những lầm lạc của họ .
Đức giám mục Myriel không bao giờ buộc tội ai một cách vội vã mà không tính đến hoàn cảnh xung quanh. Ông nói: “Phải xét xem tội lỗi đã đi tới bằng con đường nào.”Ông nhìn nhận lầm lạc, sa ngã , tội lỗi như một phần thuộc tính của con người :” Càng ít tội lỗi càng tốt, đó là luật của người. Không tội lỗi nào cả, đó là mơ ước của thiên thần. Đã thuộc trái đất này thì thoát sao khỏi tội lỗi. Tội lỗi cũng như luật hấp dẫn,chi phối mọi người” . Nhưng đồng thời ông cũng nói rõ trách nhiệm từ mối tương quan mật thiết giữa xã hội và con người: ”Xã hội không thực hiện được giáo dục không mất tiền là xã hội có lỗi. Nó phải chịu trách nhiệm về tình trạng tăm tối do nó sản sinh. Con người tối tăm mới gây ra tội lỗi. Cho nên kẻ có tội không phải là người đã lầm lỗi mà chính là kẻ đã gây nên tối tăm”.
Đối với đàn bà , con trẻ và dân nghèo là những kẻ chịu nhiều áp bức xã hội nhất, ông càng rất khoan dung , độ lượng. Ông bảo: “Tội lỗi của đàn bà, của con trẻ, của kẻ tôi tớ, của người yếu hèn, của đám nghèo khổ và dốt nát, chính là tội lỗi của những bậc làm chồng, làm cha, làm chú, những kẻ quyền thế, những người giàu có và có học thức”.
Lòng thương người của Đức giám mục Myriel vốn có điểm xuất phát từ một trái tim mà tuổi thanh xuân rất nồng nhiệt với con người , với cuộc đời .Trái tim ấy đã được nung nấu bởi nhiệt độ của những biến cố sầu thảm kinh hoàng ,được tôi luyện bền bỉ cùng với năm tháng thời gian mà càng trở nên sáng trong , vững chắc .Từ trái tim này đã tuôn ra ánh sáng đức độ khiến người ta yêu mến ông .Chỗ nào ông có mặt cũng vui như hội. Ông đi qua ở đâu là đem theo đó một cái gì ấm áp và sáng sủa. Trẻ con, người già dắt nhau ra tận cửa đón ông giám mục cũng như đón ánh mặt trời. Thứ ánh sáng ấy đã hơn một lần soi tỏ tâm hồn đen tối như hố thẳm của tên tù khổ sai Jean Vanjean , chiếu vào đó một thứ ánh sáng huyền nhiệm khiến một sự biến cải kì diệu đã xảy ra trong sâu thẳm một con người : Tù khổ sai Jean Vanjean trở thành thị trưởng Madeleine. Và trong những lúc tối tăm , khó khăn nhất của những cuộc đào thoát sau này , ánh sáng của đôi chân đèn bằng bạc , món quà của Đức giám mục Myriel ,cũng là ánh sáng tình thương từ trái tim của Đức giám mục Myriel đã luôn soi rọi tâm hồn , luôn làm sáng tỏ con đường sẽ đi khiến Jean Vanjean trở thành con người chính trực đường hoàng vững bước , rời xa những lầm lạc, mê muội mà quá khứ cuộc đời đã xô đẩy anh vào.Đó là một thứ ánh sáng đem lại sự sống cho con người và luôn có sức lan tỏa .
Lòng thương người trong sáng, mênh mông của Đức giám mục Myriel được văn hào nước Pháp Victor Hugo khắc họa trong những chương đầu tác phẩm thật đậm nét và ấn tượng. Đó là phẩm chất cao quý , sáng giá nhất của những bậc tu hành học theo các Đấng Chúa , Phật _nhưng phải chăng , đó phải chăng cũng là phẩm chất cần thiết nhất, đáng được mong đợi nhất của những kẻ được cầm quyền trong cõi người. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà tên đệm của Đức giám mục Myriel lại là “Bienvenu “_cũng có nghĩa là “Người được mong đợi”.Victor Hugo qua hình tượng Đức giám mục Bienvenu_Myriel đã gửi vào đó khát vọng muôn thuở của nhân dân về một hình mẫu lý tưởng của những người cầm quyền.
Ngày hôm nay , 1/9/2015, khi tôi đang viết những dòng chữ
này đây về nhân vật Đức giám mục Bienvenu_Myriel trong”Những người khốn khổ “ của Victor Hugo, cũng là lúc báo chí trong và ngoài nước đăng tin hai người tù nổi tiếng , hai anh em Đoàn Văn Vươn_Đoàn Văn Quý được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9/2015.Hai người này đã bị kết tội “Giết người” khi nổ súng vào đoàn cưỡng chế của huyện Tiên Lãng khi lực lượng chính quyền tiến hành cưỡng chế đầm vườn của nhà ông Vươn. Đã ba năm ngồi tù kể từ thời điểm xảy ra vụ án tháng giêng 2012 ! Và được tha trước thời hạn nhờ “cải tạo tốt “ hay nhờ tiếng nói mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông?Điều ấy không phải là khúc mắc quan trọng ! Khúc mắc quan trọng cho đến bây giờ mọi người vẫn còn suy nghĩ đó là vì sao vì sao ta có một nhà nước pháp quyền suốt mấy chục năm mà lại để xảy ra vụ án này?Và có lẽ , nhiều người cũng đã nghĩ:vụ án này lẽ ra đã không xảy ra , những người nông dân lương thiện như anh em nhà Đoàn Văn Vươn lẽ ra đã không phải ngồi tù và gia đình , cha mẹ , vợ con họ đã không phải gánh chịu những hệ lụy thê thảm nếu chúng ta có một nhà cầm quyền như ta mong đợi _một nhà cầm quyền gồm những người biết coi lương tâm chính là pháp luật của con người .Hai nhận thức được đúc kết từ những nhận thức của Đức giám mục Bienvenu_Myriel trong những chương đầu của “Những người khốn khổ” lại được vang lên khẩn thiết như tiếng nói của lương tri và phẩm giá con người: “Phải xét xem tội lỗi đã đi tới bằng con đường nào” và : “Tội lỗi của đàn bà, của con trẻ, của kẻ tôi tớ, của người yếu hèn, của đám nghèo khổ và dốt nát, chính là tội lỗi của những bậc làm chồng, làm cha, làm chú, những kẻ quyền thế, những người giàu có và có học thức”.Trở lại với vụ án của hai anh em Đoàn Văn Vươn,một người có lương tri bình thường cũng có thể thấy ngay chuyện một người đã trải những gian nan đi mở đất thì sống chết với mảnh đất mình khai phá là chuyện đương nhiên. Không thể coi đó là tội !Và nếu có tội , thì đó chính là tội lỗi của những kẻ cầm quyền , ở đây , đã trở thành kẻ cường quyền dựa vào bạo lực ức hiếp người cô thế. Vụ án đẫm máu đồng Nọc Nạn hơn tám mươi năm về trước chẳng phải là một bài học nhãn tiền sao, vì sao còn lặp laị???Điều đáng nói hơn là sự phản kháng của anh em Đoàn Văn Vươn được xem là phát súng mở đầu , nhưng nỗi khốn cùng của họ không phải là trường hợp cá biệt .
2/9 năm nay , mừng vì những anh em Đoàn Văn Vươn , Đoàn Văn Quý … trở về trước hạn tù .Những người nông dân chất phác , trung hậu ấy laị có dịp chân bám bùn tay mở đất tìm tới một tương lai.Có thể họ chưa cần lắm những cây bút tài năng khắc họa chân dung những người đi mở đất một thời, nhưng cần lắm cho họ , “Les Misérables’’ ở Việt Nam , những người cầm quyền có thể sánh bước với Đức giám mục Bienvenu Myriel dưới ánh sáng của tình thương .Và bởi lẽ đó ,từ hình tượng nhân vật Đức giám mục Bienvenu Myriel_người được mong đợi_ được Victor Hugo khắc họa gần hai trăm năm trước , cảm xúc người đọc của hôm nay vẫn dào dạt , mới mẻ , tươi nguyên hướng về những người khốn khổ , vươn lên với khát vọng công bằng , nhân ái muôn thuở của nhân loài.
Sài Gòn , 1/9/2015.
Hà Thị Lệ Hà K8
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét