Thuở bé , tôi là đứa trẻ mê đọc sách. Mê đến nỗi , có lần ngồi nấu cơm ,
mải mê đọc sách , lửa bén vào ống quần , cháy lúc nào không biết. Năm
ấy tôi mười lăm tuổi.
Mười lăm tuổi, đọc
nhiều sách nhưng không phải sách nào đọc cũng hiểu .Càng không thể hiểu
hết tầng tầng lớp lớp ngữ nghĩa có thể có ngay trên từng trang giấy
mỏng manh. Kì thực, có những cuốn sách cần phải được cảm hiểu bằng
những trải nghiệm của cả một cuộc đời.
“ Anh em nhà Karamazov” của Dostoievski là một cuốn sách như thế.
*****
Dostoievski (1821_1881) viết “Anh em nhà Karamazov” trong khoảng thời
gian từ 1878 đến1880 , là tác phẩm cuối cùng mà cũng là tác phẩm vĩ đại
nhất trong cả cuộc đời 40 năm lao động nghệ thuật của đại văn hào người
Nga này .Ở đây kết tinh tất cả tài năng của một ngòi bút tinh xảo bậc
thầy , hội tụ tất cả những ý tưởng nhân văn mà Dostoievski giãi bày được
một phần trong những tác phẩm nổi tiếng trước đó của ông như “Lũ người
quỷ ám” , “Tội ác và trừng phạt”... Herman Hexxo, nhà văn Đức thời nay
viết: "Một con người đơn độc mà viết nổi "Anh em nhà Karamazov" thì đó
là phép màu".
“ Anh
em nhà Karamazov”là câu chuyện của cuộc đời được nhà văn hư cấu ít
nhiều nhưng những tình tiết cốt lõi của truyện có nguồn gốc từ ít nhất
từ hai câu chuyện có thật mà Dostoievski được nghe kể lại trong thời kì
ông đang lao động khổ sai tại Omsk, thuộc tây nam miền Xibia .Một người
bạn tù của ông bị kết án hai mươi năm tù khổ sai vì tội giết cha. Sự
thật , kẻ sát nhân lại là đứa em trai muốn được một mình thừa kế hết
gia tài của bố. Mười hai năm sau , vì không chịu nổi những sự giày vò ân
hận triền miên, người em ra tự thú và tự nguyện xin được đi đày .
Một chuyện thứ hai nữa Dostoievski được nghe kể khi ở Tobonsk. Có hai
anh em trai , người em âm thầm say mê cô vợ chưa cưới rất xinh đẹp của
người anh. Người anh vốn ăn chơi hoang đàng lại hay xích mích với bố.
Thế rồi một ngày ông bố mất tích và mấy ngày sau người ta thấy xác ông
bố trong hầm nhà .Người anh bị buộc tội và kết án tù khổ sai.Người em
kết hôn với cô vợ chưa cưới của người anh . Bảy năm nữa trôi qua, mặc
dù thành đạt trong cuộc sống nhưng người em luôn bị chứng u uất giày vò
.Anh thú nhận với vợ ,đến cả nơi người anh trai đang chịu án tù khổ sai
để ăn năn tội lỗi . Và một ngày , trong lễ sinh nhật của mình , anh
nói trước mặt mọi người : “ Tôi mới là kẻ giết cha” khiến người ta tưởng
anh bị điên. Cuối cùng , anh ta đến nhà tù xin được chịu án thay anh
trai của mình.
Từ những câu
chuyện đời thực đầy thống khổ , bi ai , bằng những trải nghiệm của một
cuộc đời cũng lắm khi cay cực, sóng gió , Dostoievski đã viết nên trường
thiên tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”. “Anh em nhà Karamazov” trước
hết là câu chuyện về sự tan rã của một gia đình .Một ông bố có hai bà
vợ với ba người con trai chính thức , một người con trai khác là kết quả
của một sự cưỡng hiếp với một người đàn bà gần như điên dại .Họ sống
với nhau trong một ngôi nhà nhưng trong lòng luôn đầy sự hằn học , căm
giận lẫn nhau_ ngoại trừ người con trai thứ vốn rất từ tâm , nhân hậu
Aliosa. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn trong gia đình là khi cả ông bố
Fedor Pavlovich và người con trai trưởng Mitia Karamazov cùng say như
điếu đổ người đàn bà đẹp Grusenka và cùng muốn được một mình chiếm giữ
Grusenka cũng như phần gia tài mẹ Mitia để lại .Uất ức , giận dữ ,giữa
chốn đông người , Mitia Karamazov nhiều lần lớn tiếng đòi giết cha. Và
khi ông bố Fedor Pavlovich chết đi một cách đột ngột , bí ẩn , mọi sự
nghi ngờ đều đổ dồn vào Mitia Karamazov. Không là kẻ sát nhân , nhưng
Mitia chấp nhận nỗi khổ đau bị buộc tội để giải thoát mình khỏi nỗi đau
đớn vì anh cho rằng mình quả là đã phạm tội khi có ý nghĩ muốn giết
cha . Mitia chịu án lưu đày khổ sai. Smerdyakov , người con trai của bà
mẹ điên , kẻ giết cha thực sự , tự tử. Ivan Karamazov , đứa con trí
thức,thành đạt ,kẻ vạch đường cho vụ giết người trở thành kẻ mất trí.
Cuối cùng của thiên truyện, cả gia đình Karamazov tan tác ,chỉ còn một
mình Aliosa chuyên tâm , cần mẫn làm người thầy dạy học với hy vọng có
thể dạy cho thế hệ sau này biết cách yêu thương để tạo ra một thế giới
tốt đẹp hơn.
*****
Trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov” , Dostoievski đã dày công xây
dựng một hệ thống nhân vật hết sức đông đảo bao gồm đủ loại mọi giai
tầng trong xã hội với những chân dung tính cách độc đáo , sinh động.
Năm thành viên trong gia đình Karamazov , mỗi thành viên đều có vai
trò quan trọng trong sự phát triển của câu chuyện và góp phần thể hiện ý
tưởng ,thông điệp cần truyền tải của tác phẩm.
Thành viên chính thứ nhất là Fedor Pavlovich, ông bố trong gia đình
Karamazov. Vào đời là kẻ bần cùng tay trắng , nhưng nhờ sự ranh mãnh và
liều lĩnh, bằng đủ mánh khóe để tiến thân , chẳng bao lâu hắn trở thành
giàu có và vẫn không ngừng bủn xỉn ,lắt léo , xảo quyệt để ngày càng
giàu có hơn . Ông ta đã hai đời vợ và có ba con trai: con cả là Mitia là
con người vợ thứ nhất , hai đứa còn lại Ivan và Aliosa , là con người
vợ thứ hai. Hai người vợ lần lượt qua đời , để lại ba đứa con mà Fedor
không hề ngó ngàng gì đến .Khi người vợ đầu chết, hắn tức khắc lập lên
trong nhà cả một hậu cung và tha hồ ăn chơi nhậu nhẹt bừa phứa. Ngay cả
khi cưới người vợ thứ hai về , bất chấp sự có mặt của vợ, nhà y vẫn là
cái ổ truy hoan cho các ả mèo mả gà đồng kéo đến chơi bời thả cửa.
Một kẻ trác táng , trụy lạc như Fedor Pavlovich không thể không có bên
mình rất nhiều phụ nữ , nhưng ngoại trừ đám gái làng chơi hám tiền, cả
đời Fedor Pavlovich chẳng thể có nổi một người phụ nữ cho riêng mình.
Người vợ đầu tiên xinh đẹp , thông minh bỏ nhà đi vì khinh bỉ và ghê
tởm chồng .Người vợ thứ hai nhu mì , hiền lành thường xuyên bị chồng
đe nạt đến khiếp nhược rồi mắc bệnh thần kinh đến chết. Còn nàng
Grusenka _người đàn bà đẹp_ mặc dù chỉ là một gái bao nhưng dẫu cho
Fedor Pavlovich có sẵn sàng chịu mở hầu bao bỏ ra hàng đống rúp cho
“con gà con của tôi”, “ thiên thần bé nhỏ của tôi”…cũng không thể nào có
được một chỗ đứng bé mọn kề bên linh hồn thanh sạch của nàng.
Một phụ nữ khác có liên quan đến Fedor Pavlovich là Lizaveta, cô gái mồ
côi điên dại tội nghiệp từ thuở bé đã sống lang thang trên đường phố
bằng lòng thương hại của người đời. Sự bỉ ổi của Fedor Pavlovich lên
tới tột độ là khi hắn cưỡng hiếp Lizaveta sau những lời thách thức khả
ố của đám đàn ông trong một đêm say. Hậu quả là cô gái mang thai , cũng
cứ lang thang hoài trên đường phố . Rồi một đêm , bụng mang dạ chửa ,
cô trèo qua tường rào nhà Fedor, sinh hạ một đứa con rồi trút hơi thở
cuối cùng ngay ở đó. Đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn được người làm nhà Fedor
nuôi dưỡng , lớn lên thành đầy tớ nấu bếp nhà Fedor. Là đầy tớ thứ hai
mà cũng là đứa con thứ tư_ đứa con vô thừa nhận của Fedor Pavlovich
Karamazov , đó là Xmerdiakov_
Fedor
Pavlovich là kẻ xấu xa ,vô đạo đức. Mặc dù thế , lại là một cá tính
không hề nhạt nhẽo .Hắn ham sống và có bản năng sinh tồn mạnh mẽ .Hắn
được cuộc sống bĩ cực , trần ai dưới đáy xã hội tôi luyện .Hắn luôn đi
guốc trong bụng mọi người và bao giờ cũng biết cách để đi trước người ta
một bước . Hắn tinh quái , ranh mãnh nhưng luôn biết hài hước , giễu
cợt một ách có duyên . Để chứng minh không có Chúa , không có thiên
đường lẫn địa ngục , hắn đưa ra luận chứng : "Ta cứ nghĩ, khi ta chết
không thể nào quỷ lại không dùng móc câu lôi ta đi. Nhưng ta lại nghĩ:
Móc ư? Chúng đào đâu ra móc. Làm bằng gì? Sắt ư? Thế thì rèn móc ở đâu? Ở
địa ngục có xưởng rèn chắc?". Với cái lý luận đơn giản thô thiển đó ,
Fedor Pavlovich luôn cho rằng hắn có thể làm tất cả mọi điều mà không sợ
báo ứng. Hắn cho vay nặng lãi ,cướp đất của người nghèo , hắn tranh
đoạt gia tài , tranh đoạt tình yêu với cả con trai.Sự bỉ ổi tột cùng của
Fedor Pavlovich là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hằn học , căm giận
, cả những bi kịch chết người trong gia đình Karamazov sau này.
Fedor Pavlovich kẻ kỳ quặc , quái gỡ nhưng theo Dostoievski , chẳng
những nhân vật này của ông không phải là kẻ cá biệt, mà trái lại, nhiều
khi kẻ đó mang trong mình cái cốt lõi của toàn thể, có khi còn của
tất cả những người cùng thời. Chính thời thế đã sản sinh ra những con
người mà nhân cách kì quặc , quái gỡ như Fedor Pavlovich. Một hiện
trạng xã hội đang băng hoại khiến nền móng đạo lý vững chắc từ bao đời
tan rã ,theo đó cũng khiến các mối quan hệ gia đình vốn thanh sạch
bị chà đạp . Chính Macxim Gorki , nhà văn Nga vĩ đại cũng viết rằng
trong những năm 70-80 của xã hội Nga thế kỉ XIX, thời kỳ mâu thuẫn xã
hội trở nên gay gắt, nhân dân thì khổ đau vô lượng còn kẻ cầm quyền thì
tìm mọi cách áp bức bằng cường bạo. Đó là thời kì "tất cả những gì mang
tính thú vật đều được chính phủ cổ vũ", "tất cả những gì có tính người
đều bị truy bức". Một chiêm nghiệm của Dostoievski qua hình tượng nhân
vật Fedor Pavlovich Karamazov trong tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” là
: Khi thời thế chuyển mình , khi các trật tự xã hội bị đảo lộn,
khi những giá trị văn hóa cao quý trầm tích từ hàng ngàn năm bị coi
thường , bị giẫm đạp; còn kẻ bần cùng lưu manh dưới đáy xã hội có cơ
hội tìm mọi cách để ngoi lên đứng trên đầu thiên hạ, đừng ngạc nhiên
tại sao những Fedor Pavlovich lại cứ xuất hiện ngang nhiên ,phè phỡn ,
nhởn nhơ ở khắp mọi nơi trong cõi người như thế.
Điều cần nói thêm là một kẻ bại hoại về đạo đức như Fedor Pavlovich
có thể rất giàu có nhưng không thể làm một ông bố tốt trong gia
đình.Và dù rằng bởi sự tinh quái , ranh mãnh , lắt léo có thể leo lên ở
nhiều địa vị ,những con người như Fedor Pavlovich , những ông bố của
gia đình và mở rộng ra là những bề trên của xã hội , những kẻ bề trên
ấy , vẫn không thể tránh một tất yếu là sẽ bị chính những thứ quái
đản do chính chúng sinh ra căm giận và hủy diệt. Câu chuyện Fedor
Pavlovich Karamazov bị giết chết bởi chính Ivan và Xmerdiakov _ những
đứa con do hắn sinh ra_ có thể nói là một câu chuyện có tính chất biểu
tượng kín đáo nhưng cũng khá rõ ràng mang tính cảnh báo với những kẻ
cầm quyền.
Bốn thành viên
chính còn lại trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov” chính là anh em
nhà Karamazov.Điều đặc sắc thú vị là bốn người anh em cùng một cha này
lại là bốn bức chân dung tính cách hoàn toàn khác biệt, anh em ruột
nhưng không ai giống ai. Bốn nhân vật ấy đứng cạnh nhau trong một tác
phẩm văn học tạo thành bộ tứ bình bất hủ mà chất liệu chính là một thứ
ngôn từ đẹp sắc sảo , khó quên.
1/, Mitia Karamazov: là con trai cả của Fedor Karamazov. Mitia thừa
hưởng nhiều nét tính cách cao quý của người mẹ , vốn là một tiểu thư
con nhà đài các ,thanh nhã, tinh tế .Mặc dù vậy , dòng máu đầy dục vọng
bản năng của họ nhà Karamazov vẫn ngày đêm sôi sục trong con người
Mitia.Về điểm này , Mitia có vẻ giống bố hơn cả trong cả bốn người con
.Mitia định cưới cô giáo Ekaterina nhưng rồi lại đơn phương hủy hôn ước
với Ekaterina để chạy theo mối tình say mê, đắm đuối với người đàn bà
đẹp Grusenka và vướng vào mối quan hệ tay ba rất quái gỡ ngay với
chính người bố của mình . Bản tính lãng tử , tâm hồn quằn quại những
đam mê khiến anh ta có vô số những hành động bốc đồng gây hại cho bản
thân .Khi Fedor Karamazov bị giết , Mitia Karamazov trở thành nghi can
số một .Thậm chí trong ngày tòa xử án, đám phụ nữ ở đây dù rất yêu mến
anh , họ cầu nguyện cho anh được trắng án nhưng thực sự trong thâm tâm
họ vẫn nghĩ anh là người có tội.
Mitia Karamazov vô can trong vụ án giết cha. Mặc dù vậy , sau bao nhiêu
biến cố dữ dội, sau một giấc mơ dài ,Mitia nhận ra chỉ có thể tìm thấy
sự bình an thật sự cho mình bằng sự ăn năn ,sám hối thực lòng .Anh
không giết cha , nhưng quả thực từng có ý nghĩ giết cha và bao nhiêu
hành động sai lầm khác khi chạy theo tiếng gọi của dục vọng .Anh muốn
cứu chuộc lỗi lầm của mình bằng nỗi đau đớn thống khổ trong chốn lao
tù.
Dẫu thế nào, Mitia Karamazov vẫn là một chàng trai tốt tính ,đáng
yêu .Ngay cả Ekaterina dù bị Mitia bỏ rơi , trong lòng cô gái tử tế đó
dẫu đầy ghen tuông và căm giận vẫn không thôi yêu và đau đớn vì người
yêu cũ của mình.Người em trai Aliosa , dù trước bao nhiêu chứng cứ ,
ngay cả khi tòa đã kết án , vẫn giữ niềm tin anh mình nhất định không
phải là kẻ đốn mạt có thể cướp của giết người . Mitia Karamazov có sai
lầm , có vấp ngã… nhưng nhất định không phải là kẻ xấu, kẻ ác .Hình
tượng Mitia Karamazov trong tác phẩm của Dostoievski là hiện thân của
con người bản năng, luôn bị thôi thúc, cuốn hút về một phía của dục
vọng. Bản chất con người vốn hàm chứa dục vọng.Dục vọng cũng không hẳn
là xấu. Con người đó có thể đúng hay sai là tùy ở sự chọn lựa phương
hướng, mục đích của cuộc đời mình , tùy ở khả năng xem xét xem những dục
vọng ấy có thể lôi cuốn mình đến với những bờ bến nào để có một đường
đi và điểm dừng đúng lúc .Nói cho cùng , với mỗi con người chúng ta, dục
vọng luôn là cần thiết cho một cuộc đời tốt, mặc dù rằng nó rất dễ dẫn
tới những ích kỉ , sai lầm.
2/
Ivan Karamazov: là con của người vợ thứ hai. Cũng như anh trai mình ,
ngay từ thuở nhỏ , Ivan đã bị bố bỏ quên.Người mẹ trẻ hiền lành hay đau
ốm lên cơn động kinh mà chết. Anh may mắn được một ông già cao quý và
tử tế đem về nuôi dưỡng , dạy dỗ , cho ăn học đàng hoàng. Con nhà
Karamazov nhưng Ivan không giống bố. Anh đàng hoàng, đạo mạo, ,có khả
năng trí tuệ phi thường , xuất chúng khiến ông bố Fedor dù ngang
chướng đến điều khi gặp lại cũng phải dè chừng mà tỏ ra lịch sự, tử tế
hơn. Khi Ivan trưởng thành và trở về sống lại ở ngôi nhà của bố ruột, có
vẻ như anh sẽ là người trung gian hòa giải cho những bất đồng, xung đột
ngày càng căng thẳng giữa ông bố và người anh cả. Nhưng không , anh ta
thản nhiên lạnh lùng khoanh tay nhìn cảnh mà anh ta cho là “rắn nuốt
rắn’’.Đầu óc duy lý khiến Ivan không tin viễn cảnh về một thế giới tốt
đẹp hài hòa ,có sự công bằng , nơi “con nai có thể nằm ngủ bên cạnh con
sư tử”. Duy lý nên anh không thể “ chấp nhận rằng thế giới này là do
Chúa tạo ra”. Trong cuộc nói chuyện giữa Ivan và người em trai Aliosa,
Ivan kể lại câu chuyện xảy ra trong thời kì chiến tranh ,một viên tướng
xua đàn chó dữ xé xác những đứa con thơ ngay trước mắt người mẹ , kể
xong câu chuyện ấy ,anh chất vấn chàng thầy tu Aliosa thành tín sùng
đạo : “ lúc ấy, nếu thực sự có Chúa , thì Chúa đang ở đâu???” Và “Nếu
thật sự có một thượng đế toàn năng mà chấp nhận để việc ấy
diễn ra thì tôi cũng phủ nhận thượng đế đó. ”Về sự vô thần đến
trở nên vô đạo đức, Ivan rõ ràng rất giống bố.
Ivan Karamazov căm thù ông bố đã đối xử tệ bạc , bức tử người
mẹ hiền lành tội nghiệp của mình.Nhưng khác người anh Mitia luôn miệng
đòi giết cha giữa chốn đông người , Ivan không hề hé răng nửa lời .Đầu
óc duy lý của Ivan lạnh lùng suy niệm: “ Tội ác chẳng những phải được
cho phép , mà thậm chí được thừa nhận là lối thoát khôn ngoan nhất của
người vô thần để thoát ra khỏi tình thế khó khăn”.Ivan Karamazov không
trực tiếp nhúng tay vào tội ác , nhưng những lời nói của Ivan lại dường
như hàm ý chỉ dẫn cho kẻ thủ ác , và ngay cả khi biết hầu như chắc
chắn rằng nay mai này tội ác sẽ xảy ra , Ivan cũng không hề có ý ngăn
chận , ngược lại , còn gần như ra một mật lệnh , một thỏa thuận ngầm với
Xmerdiakov. Xmerdiakov mặc dù luôn bị Ivan coi là một thằng ngốc nhưng
trong buổi gặp mặt cuối cùng với Ivan sau khi án mạng xảy ra đã có câu
nói chí mạng trúng ngay vào tim đen , huỵch toẹt về bản chất của gã trai
này khiến hắn phải hoảng hốt: “ Cậu quá thông minh. Cậu thích tiền, tôi
biết điều đó, cậu thích cả danh vọng nữa, bởi vì cậu rất kiêu hãnh, cậu
rất thích sự duyên dáng của đàn bà, và thích nhất là sống phong lưu yên
ổn, không phải lệ thuộc ai, đó là những cái cậu thích nhất. Cậu không
muốn làm hỏng cuộc đời cậu mãi mãi, thú nhận điều đó ở toà thì xấu hổ
quá. Cậu cũng như Fedor Pavlovich, trong số các con, cậu giống ông nhất,
cùng tâm hồn với ông”. Nếu mọi tình tiết của vụ án được làm sáng tỏ ,
trước tòa án lương tâm và tòa án con người , Ivan Karamazov sẽ phải là
người chịu trách nhiệm đầu tiênvà phần lớn về cái chết của ông bố Fedor.
Là người có học thức , có hiểu biết ,là đứa con được tin cậy trong gia
đình, lẽ ra anh có thể làm giảm nhẹ mọi sự căng thẳng , bất hòa và
ngăn chận tội ác , thế nhưng một đầu óc duy lý , sự ích kỉ lạnh lùng khi
nghĩ đến những món lợi của bản thân đã khiến anh trở nên độc ác , tàn
nhẫn và trở thành thủ phạm chính trong vụ án giết cha.Ý thức về tội ác
ghê tởm này khiến anh trở nên suy sụp tinh thần và phát bệnh .Căn
bệnh khiến anh ta ngày đêm bị dày vò , day dứt triền miên trong đau
khổ , ân hận.Đây là điều anh không hề nghĩ tới: có một tòa án vô hình
vẫn thường nhật tồn tại là tòa án của lương tâm. Mà xem ra hình phạt
của tòa án lương tâm còn đáng sợ hơn cả hình phạt tù đày của tòa án con
người. Cách hành xử của Ivan có thể sẽ làm người đọc nhớ lại cách hành
xử của Raskolnikov trong “Tội ác và trừng phạt”cũng của tác giả
Dostoievski : Raskonikov phát ốm, khụy ngã ,, rơi vào khủng
hoảng trầm trọng bởi mặc cảm tội lỗi sau khi giết người,mặc dù trước
đó chàng sinh viên nghèo đầy những suy tư về lẽ công bằng kia cũng
từng đoan chắc rằng giết mụ già cầm đồ và cho vay nặng lãi kia là một
việc làm “được cho phép”.
Trong phạm vi nhỏ hẹp một gia đình hay mở rộng ra toàn xã hội, người
trí thức bao giờ cũng nên làm nhiệm vụ người khai sáng, dẫn đường.
Nhiệm vụ này đòi hỏi người trí thức phải hướng về lợi ích chung của
gia đình ,của cộng đồng với trí tuệ sáng suốt , với cái tâm trong sạch
và hướng thiện. Được như vậy , gia đình và xã hội sẽ trở nên ngày càng
an vui , hạnh phúc , thịnh vượng . Còn trái lại , nếu kẻ trí thức
lợi dụng năng lực trí tuệ và địa vị xã hội của mình để hướng đến những
mục đích vị kỉ, tìm cách trục lợi cho bản thân; hoặc có khi đơn giản
hơn : đành lòng im hơi lặng tiếng, mắt nhắm tai ngơ cho cái xấu , cái
ác hoành hành để giữ lấy sự yên ổn riêng mình, điều đó rất đáng sợ và
suy cho cùng , đó cũng chính là cách thực hiện hành vi tội ác . Dù
rất cách biệt về không gian và thời gian , qua câu chuyện của chàng
Ivan trong gia đình Karamazov của nước Nga nửa cuối thế kỉ XIX, người
đọc vẫn dễ dàng có sự liên tưởng và suy ngẫm về hiện trạng xã hội :
Khi cái xấu ,cái ác ngày càng lan tràn và không ngừng leo thang , khi
mỗi đường quê ngõ phố đầy rẫy những kẻ lưu manh, những tên trộm cướp ,
giết người … ,khi người dân lành bé cổ thấp miệng đói khổ lầm than ,
tiếng kêu thương oán thán vang động, vàng úa cả đất trời… , kẻ có tội ,
kẻ phải gánh trách nhiệm đầu tiên và phần lớn phải thuộc về _xưa gọi
là kẻ sĩ , nay gọi là người trí thức_vì họ đã không làm tròn nhiệm vụ
dẫn đường, khai sáng , đã không lắng nghe và cất lên tiếng nói của lẽ
phải , của công lý, công bằng như lẽ ra họ cần phải thế. Họ đã bỏ
quên sứ mệnh rất đỗi thiêng liêng của họ khi đến với cuộc đời ! Sự
liên tưởng và suy ngẫm tự nhiên này cũng dễ làm chúng ta liên tưởng và
suy ngẫm đến một câu nói rất nổi tiếng của hoàng đế nước Pháp Napoleon :
“Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của
những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”
3/ Aliosa Karamazov :là người con thứ ba trong gia đình Karamazov,
người em trai cùng mẹ với Ivan Karamazov.Cũng xa nhà từ bé , được nuôi
dạy bởi một người tử tế , ngoài hai mươi tuổi mới về lại ngôi nhà của họ
Karamazov . Aliosa có một thiên khiếu đặc biệt là luôn khiến người ta
phải yêu mến . Anh hiền hòa , trung hậu. Ở anh có cái gì lên tiếng
nhắn nhủ rằng anh không muốn phán xét người khác, không muốn phán xử gì
ai .Về nhà bố năm hai mươi tuổi, anh lẳng lặng lánh đi khi thấy những
cảnh không thể chịu nổi, nhưng không hề tỏ vẻ khinh bỉ , khó chịu.Ông
bố mới đầu có thái độ nghi ngại và cau có , tuy vậy chẳng bao lâu
lại rất hay ôm hôn anh, những giọt nước mắt của lão nhỏ xuống rõ ràng
yêu con thành thật và sâu đậm, dù một kẻ như lão cố nhiên chưa từng yêu
ai . Một người quen của Aliosa , sau khi quan sát rất kĩ về anh , đã
thốt lên một câu nổi tiếng : “Đây có lẽ là người duy nhất trên thế gian
mà nếu bỗng nhiên bị bỏ mặc một mình, không có chút tiền nong nào trong
một thành phố lạ một triệu dân thì anh ta cũng không khốn đốn, không
chết đói chết rét, bởi vì tức khắc sẽ có người cho ăn và thu xếp cho, mà
nếu không ai thu xếp cho thì anh ta cũng sẽ tự thu xếp được ngay, chẳng
phải gắng gỏi gì hết và cũng không một chút quỵ luỵ, còn người giúp anh
ta không hề cảm thấy đó là gánh nặng, trái lại có lẽ còn coi đó là niềm
thích thú".
Ở Aliosa , nếu phải tìm kiếm một điểm tương đồng với những người anh em
trong gia đình thì cũng có thể nói , con người anh cũng có dục vọng .
Thế nhưng ở Aliosa , thứ dục vọng sôi sục trong dòng máu của những đứa
con nhà Karamazov đã được chuyển hóa thành khát vọng, đó là khát vọng
được kết nối với thế giới để ban phát tình yêu và sự cảm thông. Đức cha
Zossima là người thầy dạy học cũng là người có ảnh hưởng quan trọng
nhất với tính cách Aliosa , ông dạy Aliosa cách suy nghĩ và hành
động từ vị trí cao nhất của giới tu sĩ trong nhà thờ.Ông yêu Aliosa như
con. Vì vậy , về phương diện tinh thần , ông là người thầy và cũng
chính là người cha đích thực của Karamazov Aliosa.
Khi án mạng xảy ra, với quan niệm rằng mọi con người đều phải chịu
một phần trách nhiệm về tội lỗi của bạn hữu, của người anh em của mình ,
Aliosa không chỉ đơn thuần cảm thấy có trách nhiệm vì tội lỗi của những
người anh em; anh còn chủ động ràng buộc bản thân mình vào các vấn đề
của họ bởi vì anh tin rằng những vấn đề của họ cũng là vấn đề của bản
thân anh. Có thể tình yêu thương và sự cảm thông vô hạn của anh vẫn
không ngăn được việc người anh cả Mitia phải vào tù và chịu án khổ sai ,
không chữa được cho người anh thứ Ivan khỏi chứng bệnh tâm thần, cũng
không ngăn được việc đứa em vô thừa nhận Smerdiakov thắt cổ tự tử. Nhưng
anh không thất bại , dẫu sao , anh đã đem đến cho gia đình Karamazov
một thứ ánh sáng mới của tình yêu thương , của sự cảm thông để mỗi
người thân của anh trong bất hạnh đều cảm thấy được an ủi , được sẻ
chia để vợi đi những niềm thống khổ. Thế giới này cần lắm thứ ánh sáng
đó trong mỗi trái tim , trong mỗi ngôi nhà , trên những xóm làng , phố
xá …để xua tan đi bóng tối của sự đố kị , ghen ghét , thù hằn.. Một ông
bố như Fedor Karamazov thực ra cũng từng có những giây phút được làm
một người cha đúng nghĩa , ấy là khi ông bố ôm đứa con trai và nhỏ nước
mắt , lần đầu tiên biết cảm động vì thấy , mặc dù ngay cả bản thân cũng
thấy mình đáng bị khinh bỉ, ghét bỏ đến thế nào , đứa con ấy vẫn một
mực tử tế , hiếu thuận . Chỉ tình yêu thương chân thành của người con
như Aliosa mới có sức mạnh cảm hóa với người cha xấu xa , tội lỗi như
Fedor. Đó là điều mà một kẻ nhiều học thức ,đầy trí tuệ như người anh
trai Ivan đã không làm được.
Đức
Cha Zossima , sau tấn thảm kịch của nhà Karamazov , đã nhận ra sứ mệnh
thiêng liêng mà Đấng Christ giao cho Aliosa khi đến với thế giới đầy
cuồng nộ này .Mặc dù luôn yêu mến và muốn có Aliosa bên cạnh mình , ông
đoan chắc rằng vị trí thích hợp của Aliosa Karamazov không phải là sau
cánh cửa nhà thờ mà là đến với mọi con người giữa cuộc đời. Aliosa nhân
hậu và chính trực sẽ là một vị thiên sứ rao giảng vẻ đẹp của tình
yêu_hòa bình qua vai trò một người thầy giáo. Aliosa , theo lời khuyên
của Đức Cha Zossima , đã trở thành một người thầy giáo tốt chăm chỉ ,
cần mẫn dạy học cho những đứa trẻ với ý thức về thiên chức cao quý của
người thầy. Với một lối diễn đạt rõ ràng là nhiều ưu ái, trân trọng với
nhân vật người thầy giáo Aliosa , Dostoievski không chỉ đề cao giá
trị của tình yêu mà còn gửi đặt niềm tin vào việc có thể xây dựng một
thế giới mới bằng con đường giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà trong
“Anh em nhà Karamazov ” , Dostoievski dành hẳn một chương tưởng như
không ăn nhập gì đến diễn biến của câu chuyện để nói về cậu bé Kolia
Kraxotkin và những đứa học trò của Aliosa .Ở những đứa trẻ này dường như
Dostoievsky tập hợp tất cả những suy nghĩ nhiều năm của ông về trẻ em:
thông minh ,tự hào, công bằng, chân tình, dũng cảm … Qua hình tượng
người thầy mẫu mực Aliosa , nhà văn bộc lộ niềm tin rằng : Bằng một
nền tảng giáo dục tốt bởi những người thầy không chỉ có trí tuệ mà cả
lòng nhân hậu và sự chính trực, thế hệ sau sẽ sửa chữa được những sai
lầm của thế hệ trước , cứu chuộc những tội lỗi của thế hệ trước để xây
dựng một thế giới mới , sống một cuộc đời mới tốt đẹp và xứng đáng hơn.
4/ Xmerdiakov Karamazov: là con trai thứ tư của Fedor Karamazov với
người đàn bà điên, mặc dù ông bố Fedor Karamazov chưa từng thừa nhận
điều ấy bao giờ. Xmerdiakov được vợ chồng người giúp việc Marfa
Ignachievna và Grigori Vaxilievich nuôi dạy trong bếp nhà Fedor từ khi
còn là đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn.Suốt một thời thơ bé , nó thường lánh
riêng một mình, ẩn trong xó tối nhìn đời. Nó lại có sở thích bệnh hoạn
là bắt mèo treo cổ cho đến chết, rồi làm lễ chôn cất hẳn hoi. Nó
choàng tấm khăn trải giường lên người làm áo thụng thầy tu, vừa hát vừa
đưa đi đưa lại cái gì đó trên xác con mèo . Đầu óc tăm tối và khờ khạo ,
nhưng đôi khi lại ranh mãnh và tinh quái không khác gì ông bố ruột
Fedor. Năm mười hai tuổi , ông bố nuôi bắt đầu dạy nó sự tích Kinh
Thánh. Chỉ trong buổi học thứ hai hay thứ ba, thằng bé bỗng nhếch mép
cười mỉa mai.
- Mày cười cái gì? - Grigori hỏi, hầm hè nhìn nó qua cặp kính.
-
Không ạ. Chúa Trời tạo ra thế giới trong ngày đầu, còn mặt trời, mặt
trăng và sao thì đến ngày thứ tư mới tạo ra. Vậy ngày đầu tiên lấy đâu
ra ánh sáng?
Sự cao ngạo và giễu
cợt trong ánh mắt của thằng bé khiến ông bố nuôi không nén nổi. "Ánh
sáng ở đây ra này!" - lão quát lên và cho nó cái tát trời giáng. Tháng
bé chịu đựng, không thốt lên lấy một lời nhưng lại chúi vào xó nhà mấy
ngày. Chẳng hiểu sao sau đó một tuần, nó bỗng phát bệnh động kinh lần
đầu tiên trong đời, và chứng bệnh ấy suốt đời không buông tha nó.
Xmerdiakov suốt đời căm ghét dữ dội ông bố ruột, không chút tình cảm
với ông bố nuôi , trái lại , hắn lại hết lòng yêu mến và ngưỡng mộ
người anh trai Ivan Karamazov. Xmerdiakov rất thích được nói
chuyện với Ivan , , mỗi lời nói của Ivan đều được răm rắp tuân theo .
Ivan đã gieo vào tâm thức mù mờ , tăm tối của Xmerdiakov ý nghĩ “
không có Chúa Trời thì cũng không có đức hạnh gì cả , mà khi ấy hoàn
toàn không cần đến đức hạnh” , và rằng : “mọi việc đều được phép làm” .
Để làm vui lòng Ivan mà cũng để thỏa mãn những ham muốn của riêng mình ,
Xmerdiakov ngấm ngầm sắp đặt một âm mưu ( với Xmerdiakov, Fedor
Karamazov không phải là bố vì có khi nào ông thừa nhận nó đâu). Hắn lập
lờ nói với Ivan âm mưu của hắn sẽ tiến hành: làm thế nào mà hắn biết
những ám hiệu để Fedor mở cửa, , cách nào hắn sẽ bị động kinh dưới
tầng hầm, cách nào hắn biết ông bố nuôi sẽ uống ruợu và say như
chết…Thay vì ngăn chận tội ác , Ivan Karamazov lại để mọi chuyện xảy
ra.Có điều là khi mọi việc xảy ra , Ivan lại không đủ can đảm để đối
diện với một sự thực rằng anh ta cũng là một kẻ giết người. Bản thân
anh ta lúc ấy cũng hoang mang ,run sợ không biết chuyện gì đang xảy ra.
Trong ba cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Ivan và Xmerdiakov sau án mạng,
Ivan cố phủ nhận những hiệp ước , thỏa thuận ngầm trước đó giữa hai
người và và tỏ ra rất giận dữ , kinh tởm , lại ra vẻ như không hề hay
biết , không hề dính dáng với tội ác tày trời của Xmerdiakov .Từng yêu
kính và ngưỡng mộ Ivan như Chúa Trời , giờ lại bị chính Chúa Trời Ivan
phủ nhận, khinh miệt ,chà đạp … ,Xmerdiakov trong những giờ phút cuối
mới tỉnh ngộ nhận ra có một Chúa Trời khác đang chứng kiến hết thảy mọi
điều .
Xmerdiakov là một hình tượng nhân vật văn học hết sức độc đáo
.Trong tác phẩm “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà ” , Victor Hugo cũng có
nhân vật Quasimodo chột , khoèo , gù dị hình dị tướng ,thế nhưng tâm
hồn hoang dã , có khi độc ác của Quasimodo lại may mắn được tình yêu
của nàng Esmeradla trong sáng , thánh thiện khiến cho tỉnh thức .
Xmerdiakov không có được may mắn đó. Xmerdiakov cần lắm ánh sáng
của một Đức Tin nhưng Ivan Karamazov lại là một thứ sùng tín dẫn đến
những sai lầm , bi kịch chết người .Ba chương truyện miêu tả tỉ mỉ ba
cuộc gặp gỡ nói chuyện giữa hai anh em nhà Karamazov: Ivan và
Xmerdiakov, càng lúc càng hiện rõ sự tuyệt vọng vì sự đổ vỡ niềm
tin của Xmerdiakov. Không chỉ là sự tỉnh thức của lương tâm sau tội ác
mà còn là sự tuyệt vọng vì đổ vỡ niềm tin với một con người đã trót đặt
hết niềm tin , đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Xmerdiakov.
Mấy ngày sau , Xmerdiakov tự vẫn . Trên bàn một mảnh giấy: "Tôi tự ý
chấm dứt đời tôi. Đừng buộc tội ai cả".Lúc ấy , Xmerdiakov 24 tuổi.
Xmerdiakov là một kẻ ác .Tuy nhiên , cũng lại là một hình tượng nhân
vật để chúng ta phải xót thương và ngẫm ngợi . Sự thực, trong mỗi
con người , trong mỗi bản thể đều tồn tại cái ác. Không phải ngẫu nhiên
Lão Tử cho rằng : “Nhân chi sơ tính bổn ác ”trái với quan niệm của
Khổng Tử: “ Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Cái ác tồn tại , dĩ nhiên ban
đầu, trước hết mới chỉ ở dạng bản năng , tiềm thức. Một đứa trẻ sơ
sinh bị vứt bỏ giữa một bầy chó sói, nếu không chết lớn lên nó cũng sẽ
cắn xé người như chó sói .Để khống chế cái ác , điều cần thiết là giáo
dục của gia đình và xã hội , mà chủ yếu và quan trọng là giáo dục của
gia đình ngay khi còn thơ trẻ. Đứa trẻ Xmerdiakov lớn lên trong tầng hầm
tăm tối nhà Karamazov , từng ngày nhìn thấy nếp sống bại hoại suy đồi
của Fedor, cái ác như rễ cây bò lan ra, đâm sâu thêm chằng chịt trong
tâm thức mù tối ngày càng đen kịt , không tìm thấy lối ra. Anh cần một
gia đình tốt để được dạy về yêu thương và được chỉ dẫn hướng về ánh
sáng , về điều thiện nhưng lại không có được điều đó. Bi kịch của
Xmerdiakov là bi kịch của một con người sinh ra là người nhưng lại
không được giáo dục để làm người .
Bốn anh em trai nhà Karamazov , như đã nói ở trên , là bốn chân dung
tính cách độc đáo của nhà văn thiên tài nước Nga Dostoievski. Bốn anh
em với bốn khuôn mặt khác biệt, tương phản nhưng vẫn có nét tương đồng
,tương quan. Dostoievski trong “Anh em nhà Karamazov” đã có phát hiện
mới khi nhận diện con người với nhiều lớp bản ngã ,tính cách sâu
thẳm , kì lạ, phức tạp. Hermann Hesse khi viết “Đôi bạn chân tình ’’
đã xây dựng hai hình tượng nhân vật : Narziss _thầy tu và Goldmund
_nghệ sĩ như một cặp song trùng : Tri giác và Trực giác , hai mặt đối
lập mà hiển nhiên tồn tại trong mỗi con người . Là hai , nhưng chỉ là
một .Một mà cũng là hai trong sự gắn bó mật thiết với nhau. Sau này,
trong “Câu chuyện dòng sông” cũng của Hermann Hesse , ba đoạn đời của
Tất Đạt khi thì làm sa môn , khi thì làm doanh nhân, lúc lại làm
chàng lãng tử ứng với Tâm linh _ Dục lạc _ Trí tuệ , là ba phác
họa chân dung tính cách phổ biến của con người trong cuộc đời . Trong
“Anh em nhà Karamazov , ”các chân dung tính cách này lại được
Dostoievski nhìn nhận và khắc họa sắc sảo qua hình tượng anh em nhà
Karamazov : Mitia _ Ivan _Aliosa . Sáng tạo của Dostoievski là đã thêm
vào đó bức chân dung thứ tư qua hình tượng người em út Xmerdiakov với
phần bản năng , tiềm thức đen tối ,bí ẩn Bốn tính cách khác nhau của
bốn con người nhưng cũng có khi cùng tồn tại trong chính một con người.
Ai trong chúng ta không có khi muốn được sống một cách bốc đồng, lãng
tử như người anh cả Mitia ; không khát khao có sự thông minh ,trí tuệ
như Ivan ; không hướng về sự nhân ái , khoan hòa như Aliosa; và thêm
điều này nữa , không có khi mà linh hồn tăm tối độc ác đòi sự hủy diệt
như đứa con vô thừa nhận Xmerdiakov. Bốn người anh em Karamazov là
một, Karamazov là nhất thể.
“ Anh em nhà Karamazov ” của Dostoievski được bạn đọc say mê từ hàng
trăm năm nay trên toàn thế giới. Nhiều người đọc nó nhiều lần và giới
phê bình cũng tốn khá nhiều giấy mực để đánh giá, bình luận.Riêng nhan
đề “Anh em nhà Karamazov” , có người cho rằng chỉ cần viết “Anh em
Karamazov” là đủ nghĩa, thêm một chữ “nhà ”e rằng thừa!
Ý kiến trên có thể là không sai , nhưng nếu đọc kĩ “ Anh em nhà
Karamazov ”, đặc biệt chương cuối cùng: “Đám tang Iliusa. Diễn từ bên
tảng đá”, hẳn người đọc không thể không nhận ra ý tưởng khá rõ ràng của
Dostoievski khi dụng thêm một chữ “ nhà ”trong nhan đề tác phẩm.
Dostoievski vốn coi trọng gia đình và giáo dục nhân cách con người
thông qua tình yêu thương , sự lương thiện , trong sạch của mái ấm gia
đình. Theo diễn biến của các sự kiện trong tác phẩm , người đọc cũng dễ
dàng nhận thấy , những thành viên trong gia đình Karamazov lẽ ra đã
không phạm vào tội ác , không biến câu chuyện của gia đình mình , bản
thân mình thành một tấn thảm kịch nếu họ có được một ông bố tốt , một
nơi chốn bình yên gọi là nhà trong những năm tháng tuổi thơ của mình
.Họ bị ông bố lãng quên , vứt bỏ ngay từ tấm bé, phải sống bằng lòng
thương của những người xa lạ. Giữa họ không có cái gọi là tình yêu
thương , sự gắn kết của những người sống chung trong một mái ấm gia
đình. .Ở chương cuối cùng , những lời nhắn nhủ của Dostoievski về mái
ấm gia đình càng trở nên khẩn thiết:“ Các bạn nên biết rằng không có gì
cao hơn; mạnh mẽ hơn, trong lành hơn và có ích hơn cho cuộc đời bằng một
kỷ niệm tốt đẹp, đặc biệt là một kỷ niệm thời thơ ấu sống dưới mái nhà
mẹ cha. Người ta nói nhiều với các bạn về sự giáo dục của các bạn nhưng
một ký niệm tuyệt đẹp, thiêng liêng giữ được từ thuở bé có lẽ là sự giáo
dục tốt nhất. Nếu thu thập được nhiều kỷ niệm như thế đem vào đời thì
con người sẽ được cứu vớt suốt đời. Cho dù chỉ còn một kỷ niệm đẹp ở
trong tim chúng ta thì cũng sẽ có ngày nó cứu vớt chúng ta.” Xin lập
lại ý này : Chỉ cần có được những kỉ niệm đẹp từ thời thơ bé dưới một
mái nhà với cha mẹ , con người sẽ được cứu vớt suốt đời , thậm chí cho
dù chỉ có một kỉ niệm đẹp trong tim thì cũng có ngày nó cứu vớt chúng
ta. Trong trái tim của Mitia , của Ivan , của Xmerdiakov đã không có
được kỉ niệm nào như thế về gia đình , trong lòng họ chỉ chất chứa những
hằn học ,ghét bỏ , căm thù lẫn nhau và dần trở nên lầm lạc vì mất
phương hướng . Gia đình Karamazov tan rã, những thành viên trong gia
đình Karamazov phải chịu số phận bi thảm,thậm chí có người vì sự toan
tính , vì lòng tham mà bán cả linh hồn cho quỷ dữ như Ivan và
Xmerdiakov, đó là hệ lụy tất yếu về việc những đứa con sinh ra mà không
được lớn lên , không được nuôi dạy ở một nơi đáng được gọi là nhà, đúng
nghĩa là nhà.
Hạnh
phúc thay những ai có một nơi để về, đó là nhà. Hạnh phúc thay
những ai có những người để yêu thương, đó là gia đình. Ngược lại ,
đó sẽ chỉ là sự bất hạnh. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới ngày nay
đã luôn coi gia đình là điều quan trọng nhất. Gia đình tốt sẽ là nền
tảng của một xã hội tốt .Với câu chuyện của anh em nhà Karamazov ,
Dostoievski đã gửi một thông điệp đầy tính nhân văn đến với mọi người:
Hãy luôn yêu thương con trẻ ,hãy để chúng được sống trong bầu không khí
gia đình êm ấm , trong sạch và lương thiện; hãy giáo dục con trẻ từ
trong gia đình, từ khi chúng còn là trẻ nhỏ .Đó luôn là phương cách
giáo dục cần thiết , đơn giản và có hiệu quả lâu bền nhất.
*****
Cuối cùng , một câu chuyện nhỏ khá thú vị trong “Anh em nhà Karamazov
“muốn chia sẻ với các bạn.Chuyện được kể qua lời của nhân vật
Grusenka_người đàn bà đẹp trong tác phẩm_câu chuyện được chính
Dostoievski dùng để đặt tên cho cả một chương truyện của mình:
Nhánh hành
Ngày xưa có một người đàn bà cực kỳ độc ác. Mụ chết đi không để lại một
đức tính tốt nào cả. Quỷ bắt mụ ném xuống hồ lửa. Vị thần hộ mệnh của
mụ nghĩ mãi: phải nhớ ra một đức tính tốt của mụ để trình với Chúa Trời:
mụ đã nhổ một nhánh hành trong vườn ra đem cho một phụ nữ hành khất.
Chúa Trời phán truyền: hãy lấy chính nhánh hành ấy đưa cho mụ ở dưới hồ,
bảo mụ bám lấy nếu ngươi kéo được mụ lên thì mụ được lên thiên đàng,
nếu nhánh hành đứt thì mụ cứ ở đấy. Thần chạy đến chìa cho mụ nhánh
hành: này, mụ kia, nắm lấy - thần nói. Và thần thận trọng kéo mụ lên và
đã gần kéo hẳn được mụ lên bờ, nhưng những kẻ tội lỗi khác ở dưới hồ
thấy mụ được kéo lên liền bám cả lấy mụ đề cùng được thoát nạn. Mụ đàn
bà này độc ác vô cùng, mụ dùng chân đạp họ: "Thần kéo ta lên, chứ không
kéo các người, nhánh hành của ta chứ không phải của các người". Mụ vừa
nói câu đó thì nhánh hành đứt liền. Mụ rơi tõm xuống hồ và bị lửa thiêu
đến tận bây giờ !!!
Tôi thì
muốn câu chuyện dừng lại ở chỗ mụ đàn bà độc ác nhờ bám nhánh hành mà
được kéo lên bờ thôi , không thích đoạn kết. Còn bạn nghĩ thế nào ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét