Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Nước Mỹ Có Thể Mất Bất Cứ Lúc Nào - Phiếm luận của Nguyễn Tường Thụy



Thay câu chuyện thư giãn cuối tuần nầy, chúng tôi xin giới thiệu bài phiếm luận của Nguyễn Tường Thụy: Nước Mỹ Có Thể Mất Bất Cứ Lúc Nào





Hôm đến thăm tòa soạn báo Người Việt ở California, một chị trong Ban biên tập hỏi mình: “Cảm tưởng của anh từ khi sang Mỹ?”, mình trả lời luôn:
-Tôi có cảm giác như nước Mỹ mất bất cứ lúc nào.
Mọi người hoảng sợ và chờ mình giải thích. Không phải mình rủa cho thằng đế quốc này nó chết đi mà nói có cơ sở hẳn hoi nhé.

Nguy cơ của nước Mỹ bắt đầu ngay từ khâu tuyên truyền. Ai đời một quốc gia to tổ bố mà chỉ nhõn cái tên: Mỹ. Ít ra, phải có chữ mỹ miều nào đó đi kèm như “Nhân Dân” trong quốc hiệu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, “Dân chủ” trong Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên hoặc “Xã hội chủ nghĩa” trong Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chứ.

Không có những chữ ấy đã đành, còn không có cả mục tiêu, kiểu như hướng tới “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” nữa. Sợ à? Thì cứ hô lên, thiên hạ không tin thì cũng có vài thằng tin. Vài thằng còn hơn không. Cứ nói đại, còn dân không giàu, nước không mạnh, cũng chẳng có độc lập, không có tự do hạnh phúc thì đã chết ai. Hình như Mỹ chẳng thuộc câu: “điều gì không đúng, nói mãi rồi người ta cũng tin”

Ở các đường phố Mỹ, người ta không biết trương lên các biểu ngữ như “Nước Mỹ muôn năm”, “đảng (đảng gì nhỉ, hi hi) quang vinh muôn năm” hay “Tổng thống Washington sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Cờ Mỹ chỉ treo ở công sở, cấm có mang phơi bày ra giữa các dải phân cách trên đường giao thông để nhắc nhở đây là nước Mỹ bao giờ.

Thời gian mình ở Mỹ, cả 3 buổi sáng, chiều, tối, không làm việc thì giao tiếp nên thường xuyên long nhong trên đường. Mặc dù trước khi sang đây mình ra sức hình dung nhưng không tránh khỏi những điều lạ, nó chẳng giống như môi trường quen thuộc mình đã sống. Vì thế, mình càng lo cho nước Mỹ.

Đất nước gì mà ngay cả thủ đô cũng chẳng trông thấy mống cảnh sát nào, cứ như là một vùng đất hoang không có ai quản lý vậy. Lúc anh lái xe chở mình từ sân bay về chỗ ở, chỉ thấy xe hơi là xe hơi. Dân cứ thế lái, chẳng có ai chỉ đường, phân luồng hay giám sát giao thông. Mình căng mắt ra nhìn vào lề đường với hy vọng túm được chú cảnh sát nào đó đang núp lùm. Nhưng hỡi ôi, cây thì nhiều nhưng toàn là cây thưa lá, thì núp ở đâu. Nhưng mãi rồi cũng thấy có một chỗ khuất. Mình nhắc anh lái xe:
-Chầm chậm thôi anh, coi chừng lùm cây, chú ý cảnh sát…
Anh quay sang mình 1 giây như không hiểu gì rồi lại chăm chú vào tay lái.

Mãi rồi quen. Đúng là ở Mỹ, họ không cho cảnh sát đứng đường thật. Mà không cho đứng đường thì làm gì có thu nhập thêm.  Không có thu nhập thêm thì làm sao khuyến khích được sự tận tụy của nhân viên cộng lực. Cảnh sát sẽ sinh ra trễ nải với công việc thì bảo vệ chế độ làm sao. Lẽ ra phải có chính sách kích thích họ sao cho ngày nghỉ  cũng tranh nhau đi làm nhiệm vụ, lăm le trực thay đồng nghiệp khi đồng nghiệp mới chỉ nhức đầu, sổ mũi. Chiến sĩ không có thu nhập thêm thì lấy chi cống nạp, sếp tiêu bằng cái gì ngoài lương, chỉ đạo cấp dưới phá án làm sao mà sáng suốt được. Ở Việt Nam, ấy chết, nói nhầm, ở nước khác á, điều một cảnh sát ra đứng đường sếp thu ít ra cũng dăm nghìn đô. Tiêu hết, sếp lại “luân chuyển cán bộ”, thu thêm. Mới biết Mỹ to xác nên ngờ nghệch, làm sao nghĩ ra được những cái mẹo ấy.

Cảnh sát đã vậy còn tình hình dân phòng cũng không khá hơn. Vào các khu thương mại và ở cả những chỗ hàng quán quây ra vỉa hè nữa, chẳng thấy dân phòng vung vẩy dùi cui đuổi chợ. Mà lực lượng này cần gì phải trả lương vì nó tự trang trải được. Nó đói thì bắt trứng lộn, trái cây mà ăn, khát thì bắt cô ca, pep si mà uống, no rồi thì chia nhau mang về cho vợ tuồn sang chợ khác. Hôm nào dân sợ quá, không dám bày hàng ra, không thu được gì thì cũng giải quyết được khâu oai, tăng cường nỗi sợ hãi từ dân đối với chính phủ. Không nuôi dưỡng lực lượng này, nếu có biến xảy ra thì huy động sao đây. Cái đám lúc nhúc ấy, nếu sử dụng vào việc dẹp biểu tình, giải tán đám đông, cưỡng chế đất cũng được việc đáo để chứ.

Mình nhập cảnh vào Mỹ cũng chẳng ai thèm để ý. Ít ra, mình cũng từ nước cộng sản sang nước đế quốc. Cộng sản với đế quốc là kẻ thù của nhau, một mất một còn. Mặc dù kiểm tra an ninh rất kỹ, không phát hiện ra vũ khí, vật dụng kim loại nhưng làm sao biết đầu óc mình đang nghĩ gì. Lẽ ra, ngay từ sân bay, họ phải cho người theo dõi xem thằng cha Việt cộng ấy hành tung ra sao, ẩn náu ở đâu, móc nối cấu kết với thế lực thù địch nào chứ.

Hai ngày đầu tiên, mình được bố trí ở một nhà ngoại thành. Chủ nhà giành cho mình một phòng riêng, đầy đủ tiện nghi. Mỗi lần ra khỏi phòng, mình chỉ khư khư tấm hộ chiếu như lá bùa hộ mệnh, lại còn kẹp sẵn hai tờ 20 đô la vào nữa, phòng khi công an hay tổ trưởng dân phố đến hỏi thì nhanh nhảu trình ngay để gây thiện cảm.

Chiều tối, mọi người đến chơi đông lắm. Nhưng mình miệng vẫn nói chuyện còn lòng dạ thì không yên. Nhớ hôm nhà mình tụ tập đông người, nhờ có “tai mắt của nhân dân” mà bọn chúng biết Thúy Nga đang ở đây nên mới mai phục đánh cho mẹ con Nga một trận khi mới ra khỏi nhà mình chừng dăm phút. Nghĩ thế, thỉnh thoảng mình ra ngoài nhìn quanh xem có thấy hàng xóm rình rập gì không. Khách đến chơi, ô tô để đầy phía trước tức là rất bất thường sao lại không có người rình cơ chứ. Phát hiện thấy một phần tử người nước ngoài, lại thuộc quốc gia cộng sản đang ẩn náu ở đây mà trình báo, nếu không được thưởng thì cũng tăng thêm uy tín với chính quyền. Nơi mình sống, nhà nào có người làm cán bộ chính quyền, công an, hay dân phòng thì tự hào và yên tâm lắm, khối người nhờ vả. Nếu không có thì tìm cách quen thân. Nhà mình không thân được ai nên đành chịu.

Cuối cùng, mình lén chốt chặt cửa lại nhưng thỉnh thoảng vẫn đánh mắt ra phía ngoài, chỉ sợ công an đến kiểm tra đột xuất. Nghĩ lại hôm 25/9/2013 công an phá cửa nhà mình xông vào bắt Phương Uyên rồi bắt luôn cả 9 người khác mà kinh hãi đến tận bây giờ. Nhỡ ra công an Mỹ lấy lý do kiểm tra hộ khẩu, xông vào bắt mình nện cho một trận rồi tống lên máy bay áp giải về Việt Nam thì hỏng hết việc, chưa ra trận mà đã thành tù binh.

Khách đã về hết, chỉ còn mình với chủ nhà. Lúc này đã 10 giờ nhưng không thấy anh có vẻ gì lo đến việc khai báo lưu trú. Định nhắc, lại sợ anh cho mình là nhà quê. Đành gợi ý khéo bằng cách tỏ ra rằng mình có thể là đối tượng cảnh sát quan tâm để anh đừng quên việc trình báo, mình bảo:
-Ngày xưa tôi có 5 năm ở chiến trường…
Có vẻ như anh chẳng để ý gì, mình tỏ ra nguy hiểm hơn:
-Tôi ra trận, đánh nhau hăng lắm, cũng được mấy danh hiệu dũng sĩ.
Nhưng anh chỉ bảo:
-Từ chiều đến giờ, mải nói chuyện, anh chưa ăn, tôi làm cái gì cho anh ăn nhé.

Mãi rồi mình cũng biết, ở đây không có qui định khai báo tạm trú lưu trú gì ráo trọi. Tóm lại, hộ chiếu của mình chỉ phải chìa ra mấy lần khi xuất, nhập cảnh, ngoài ra chẳng ma nào thèm hỏi đến. Quản lý lỏng lẻo thế này, làm sao tránh khỏi thế lực thù địch trà trộn vào dân phá hoại cơ chứ.

Tuy vậy cái dở nhất của nước Mỹ là làm cho dân nhờn. Quốc hội gì mà ai ra vào tùy thích, sao tránh khỏi mất thiêng. Lại còn rồng rắn mang theo mỗi người cốc cà phê hay nước uống vào Quốc hội nữa chứ. Đi cũng uống, ngồi cũng uống, mỏi tay thì để cả lên bàn toàn tài liệu, chẳng ra cái vẻ uy nghiêm của cơ quan quyền lực cao nhất nước gì cả. Không có hàng rào cảnh sát gườm gườm, đầy sát khí mỗi khi thấy ai có vẻ dân thường mon men đến gần. Mình ra vào nhà Quốc Hội mấy lần, chỉ họ thấy kiếm tra xem những thứ mang theo có gì có thể gây ra nguy hiểm thôi chứ hoàn toàn không kiểm tra giấy tờ xem là ai, quan hay dân thường, có ai là đối tượng theo dõi không, chủ quan đến thế là cùng.

Hôm đầu, mình cứ nem nép đi theo mấy cháu, thấy chúng nó vào đâu, mình mới dám vào. Sau quen dần, mình xông khắp nơi, vào cả phòng tổng thống cầu nguyện, đứng ở nơi tổng thống tuyên thệ nhậm chức chụp ảnh, chụp chán rồi nằm khèo lên đi văng hóng cái không khí thoáng đãng, chẳng thấy ai thèm nhắc nhở

Buổi điều trần ở quốc hội, khi một ông nghị phát biểu, mình thấy bà Sanchez đứng nép sang một bên vui vẻ chờ đến lượt mình. Nghe nói bà có nhiều người giúp việc, thế mà không có đứa nào chạy đi bê ghế xun xoe đặt vào mông bà. Nếu ở ngoài trời chắc cũng chẳng đứa nào chịu cầm ô che. Hình như đám giúp việc chẳng hãi bà tí nào, chẳng sợ bà đuổi việc hay sao ấy.

À, còn ở Hollywood, dân chúng nặn cả tượng tổng thống đương nhiệm bằng sáp mới táo tợn chứ. Obama đứng, cười nhăn nhở, chìa tay ra cho ai muốn bắt thì bắt. Nhạo báng lãnh tụ đến thế là cùng, hỏi sao dân không nhờn. Mình bắt tay chụp hình xong, xoa đầu gã một cái để thử phản ứng nhưng không thấy cảnh sát nào chạy đến xốc nách dong đi.

Tóm lại, ở Mỹ, hệ thống chuyên chính vô sản, à quên, chuyên chính… tư sản tê liệt, không thấy hoạt động, quan và dân đều như nhau, thậm chí quan còn khổ hơn. Đó là điểm yếu chết người của Mỹ. Nếu không biết làm cho dân sợ thì sao tránh khỏi chuyện biểu tình không theo định hướng, rồi cứ đà này, dần dần dân chúng nó lật nhào chế độ lúc nào không biết ấy chứ.

Nguyễn Tường Thụy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét