Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

CHỈ CÒN TRONG NỖI NHỚ


Chị Phan Thị Hoa Xuân chia sẻ bài viết đã được gởi đăng vào đặc san "Thoáng hương xưa" 
(Kỷ niệm 10 năm hội ngộ trường Nữ trung học Hồng Đức Đà Nẵng)

CHỈ CÒN TRONG NỖI NHỚ
(Kính về thầy cô giáo cũ)

Thật là không phải khi nhắc đến tuổi học trò mà bỏ qua đi khoảng thời gian mình mài mòn ghế nhà trường ở những năm học trung học phổ thông. Tôi lại nặng nợ với trường xưa rồi.
Vâng! Bạn ơi, mỗi khi nhìn một cảnh sinh hoạt về trường lớp, lòng tôi lại dâng lên bao niềm cảm xúc về kỉ niệm tuổi học trò mà dấu ấn ở những năm học cấp ba mãi là dấu ấn in đậm trong tâm khảm tôi. Nơi đó chứa biết bao tình thầy trò, bè bạn….
Tôi quên sao được những ngày chúng tôi rời Đông Giang để bước vào một ngôi trường mới, ngôi trường nằm hướng tây của dòng Sông Hàn thơ mộng với tên gọi Nữ Trung Học Hồng Đức thân yêu. Những ngày đầu thật có nhiều bỡ ngỡ. Rồi tuổi học trò chóng quen, chóng thân và chúng tôi đã trải qua 3 năm học: lớp 10, 11, 12 có biết bao tình cảm bạn bè, có biết bao kỉ niệm buồn vui mà trong ngăn bạn bè ở tuổi thơ ai cũng đầy ắp, kể không bao giờ cạn. Tôi chỉ xin mang cảm xúc của mình đến với thầy cô giáo kính yêu… 
Mãi đến bây giờ, hình bóng của thầy cô vẫn luôn đọng trong tôi bao hình ảnh đẹp, mỗi thầy cô như gợi nhắc về những kỉ niệm khó quên. Mỗi thầy cô là một người cha, người mẹ dìu dắt, nâng cánh ước mơ giúp tôi có thể đủ kiến thức để trưởng thành, cho tôi bước vào đời một cách vững chải, đủ sức chống chọi với đời. Làm sao tôi quên được những ngày đèn sách …
Người dìu dắt trường chúng tôi là một vị nữ giáo sư tuổi đời cao và có nhiều kinh nghiệm không ai khác hơn là cô Hiệu trưởng Nguyễn Khoa Diệu Liễu. Cô là người Huế, mỗi khi phát biểu trước học sinh toàn trường, giọng cô vang lên trầm ấm đầy sức thuyết phục làm cả trường chúng tôi đều yên lặng lắng nghe. Cô thường hay đến trường với chiếc xe con quen thuộc. Chỉ một khoảng ngắn từ khi bước xuống xe đến văn phòng tôi đã thấy ở cô toát lên cốt cách của một nhà sư phạm mẫu mực. Nhớ lúc đó hằng tháng trường có tổ chức phát bảng danh dự cho học sinh, tôi thật sung sướng biết bao khi được cô đọc tên lên nhận và chính tay cô trao tặng giấy khen cùng lời động viên khích lệ. Những lần như thế tôi thấy rất tự hào và lòng thầm nhủ mình sẽ gắng học cho đạt những kết quả cao hơn… Chữ kí ngày xưa của cô vẫn còn đây mà cô thì đi mãi không về.


Ngày ấy, dưới sự tổ chức, quản lý đầy năng lực của cô hiệu trưởng, trường tôi đã có nhiều thầy cô giáo thật nhiệt tình và kinh nghiệm. Nhớ ngày bước chân vào lớp 10, lớp tôi đã được thầy Nguyễn Đình Hiệp chủ nhiệm. Thầy là một người rất bình dân, thầy thường đến trường bằng chiếc xe đạp. Ở mỗi tiết dạy, thầy thường tổ chức cho học sinh làm toán chạy. Đây là một hoạt động hấp dẫn đối với tôi và tôi hứng thú nhất là dạng toán lập bảng xét dấu nên tôi thường hưởng được điểm mười chín, mười chín rưỡi của thầy. Chính vì tính tình thầy Hiệp bình dân, chất phác, đó là đặc trưng của con người xứ Quảng nên học trò ai cũng mến thầy. Sau ngày độc lập nghe đâu có một dạo thầy vẫn tất bật với kế sinh nhai qua nghề chở khách vẫn bằng chiếc xe đạp năm xưa. Quả cuộc sống của thầy vẫn còn nhiều vất vả. Tôi rất xót xa cho hoàn cảnh của thầy! 
Tôi vẫn nhớ thầy Nguyễn Văn Minh dạy toán lớp tôi năm ấy, thầy có đặc điểm nổi bật là mái tóc xoăn. Thầy Minh giỏi quá! Thầy giảng bài lúc nào cũng không cần nhìn vào sách vở. Một tay thầy chắp sau lưng còn tay kia thầy lia đều nét phấn trên bảng và kiến thức cứ trải đầy trước bao cặp mắt thán phục của chúng tôi. Những lúc có bài khó thầy đã giảng giải một cách khoa học giúp chúng tôi rất dễ hiểu. 
Ngoài việc dạy toán thật tốt của thầy Hiệp, thầy Minh, lớp tôi còn được thầy Trần Hữu Nho phụ trách, thầy Nho người Huế, dáng người nhỏ nhắn, trên khuôn mặt thầy lúc nào cũng có đôi kính cận. Khi giảng bài thầy hay nhấn giọng từng từ. Tôi nhớ hoài câu quen thuộc toát ra từ đôi môi xinh xắn của thầy “ x luôn luôn dương”. Sau lời nói ấy là động tác dùng tay nhấc kính. Tôi rất thích thú với chi tiết này và ngày càng say mê trong giờ học của thầy. Ngày nay, thầy ở Sài Gòn. Được xem hình các bạn lớp tôi đi thăm thầy vào dịp 20-11 năm 2012, nhìn thấy tóc thầy bạc trắng, tôi cảm thấy thương thầy vô kể và chạnh lòng nhớ về những năm tháng được thầy dạy dỗ. Giờ xa xôi quá, tôi thầm hứa có dịp sẽ tìm đến thăm thầy.
Tôi không quên được hình ảnh thầy Nguyễn Tâm Tháp chủ nhiệm lớp tôi năm tôi học lớp11. Thầy dạy môn lý-hóa. Thầy giảng bài với giọng Huế trầm, chắc, đưa chúng tôi vào khám phá những kiến thức mới lạ, hấp dẫn. Trên khuôn mặt thầy, đặc biệt có một nốt ruồi lớn ở trán, đây là điểm dễ nhận dạng về thầy. Thầy rất gần gũi với học sinh. Khi nói chuyện với trò, thầy hay xưng hô với chúng tôi “mấy đứa mi”, “bọn bay” nghe rất thân tình như người cha nói với mấy đứa con nhỏ. Sau ngày độc lập một thời gian lâu, tình cờ tôi gặp lại thầy ở một quán bán phụ tùng xe đạp. Thầy trò nhận ra nhau, thầy làm người bán hàng còn tôi làm kẻ đi mua. Sau khi tính tiền,thầy thêm tôi mấy ốc vít và nói: “Mi là học sinh cũ nên thầy thêm cho đó!”. Ôi, tình cảm này làm sao tôi nói hết, không phải vì những ốc vít thầy thêm cho mà ở một góc độ nào đó đã thể hiện tình cảm của những người từng chung một mái trường, của người thầy kính yêu gặp lại học sinh cũ của mình sau bao năm biến đổi của thời cuộc. Tôi làm sao quên được một người thầy tình cảm như thế. 
Còn một người thầy dạy lý-hóa chúng tôi rất trẻ. Mãi đến bây giờ tóc thầy vẫn xanh đó là hình ảnh thầy Lê Đình Toàn. Khi giảng bài thầy rất điềm tĩnh như giọng Huế của thầy, với nụ cười mỉm trên môi thầy luôn tạo không khí thoải mái cho học sinh dễ tiếp thu bài.

Nói về thầy cô chủ nhiệm của mình, tôi sẽ không bao giờ quên được cô Trần Thanh Xuân, cô giáo chủ nhiệm cũng là người dạy môn vạn vật năm chúng tôi học lớp 12A3. Đây là năm cuối cùng đầy biến cố. Nhắc đến cô ngày ấy, tôi nghĩ ngay đến một dáng người thanh mảnh, khoác lên mình những chiếc áo dài trông thật thướt tha. Cô thường lên lớp với đôi kính râm nên học sinh khó phát hiện ánh mắt khi cô nhìn, lúc làm bài kiểm tra học sinh rất nghiêm túc vì ai cũng nghĩ rằng mắt cô đang hướng về mình. Cô Xuân lúc đó được học trò gọi là “ cô giáo khó tính” vì cô vào lớp hay la rầy học sinh. Và một điều làm cho bạn nào cũng nhớ đến cô là hình ảnh cô bước vào lớp, đảo mắt nhìn quanh lớp một vòng. Sau đó cô đứng nghiêm trước lớp và nói một cách dõng dạc “Cám ơn các em!” rồi cô đưa tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Giờ khắc ấy trông nghiêm trọng làm sao! Cả đến những bạn có tiếng là hoang nghịch nhất lớp cũng như nín thở. Nhìn bên ngoài là như thế nhưng bên trong cô lại là người rất nhiều tình cảm. Cô hay tâm sự với học sinh về những người thân trong gia đình mình, hay nhắc nhở lớp mọi hoạt động thi đua với các lớp khác trong trường.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi nối nghiệp thầy cô làm nghề dạy học, tôi lại được gặp cô về dạy ở Đại Lộc quê mình. Thầy trò cùng ôn lại kỉ niệm dưới mái trường Nữ Trung học. Ngày nay, tuy tuổi đời chồng chất nhưng cô vẫn giữ nguyên tính cách ngày xưa. Vẫn nghiêm nghị và cũng vẫn hàn huyên tâm sự cùng học sinh, gần gũi như những ngày còn là một cô giáo chủ nhiệm lớp. Trong hai lần họp mặt đầu xuân toàn trường vừa qua, tuy cô có những lí do không tham dự được nhưng vẫn nhắc nhở chúng tôi tham gia đông đủ mà lại còn bảo chúng tôi diễn những tiết mục văn nghệ cho cô xem trước để cô góp ý như những ngày chúng tôi còn được cô dìu dắt. Cô thật chu đáo với những lời đóng góp, động viên rất chân tình. Hỏi như thế làm sao tôi quên cô cho được?

Thật là thiếu sót nếu không kể đến thầy Tôn Thất Dứ dạy môn công dân. Chất giọng thầy khi giảng bài nghe hơi khô nhưng kiến thức về pháp luật từ cái giọng khô ấy lại thấm vào chúng tôi một cách sâu sắc và chúng tôi rất thích học môn thầy. Riêng tôi đã có lần được làm “sơ mi” môn của thầy trong lần thi lục cá nguyệt.
Tôi lại nhớ đến thầy Đào Văn Dương dạy môn triết học. Thầy có giọng giảng bài rất thuyết phục ở các môn luận lí, tâm lí, đạo đức mà chúng tôi được học. Thầy đã thu hút hoàn toàn sự chú ý của học sinh. Tôi nhớ mãi chi tiết nầy “ Một người không thể vừa đứng trong cửa sổ lại vừa đi ngoài đường” đó là nguyên lý “Không thể vừa A, lại vừa phi A”. Lúc đó tôi đùa với nhỏ bạn ngồi bên cạnh “ Vậy mà em muốn mình vừa đứng trong cửa sổ lại vừa được đi ở ngoài đường thầy ơi!” Bạn tôi đã nói “Mi tham lam quá!”...Tiết học của thầy đã cung cấp cho tôi thật nhiều triết lí ở đời, giúp chúng tôi nắm được nhiều cơ sở để đánh giá bản chất con người rất phong phú… Còn nhớ có lần các bạn hoang nghịch trong giờ chơi đã lấy chiếc guốc của tôi để trên đầu góc bảng, gặp giờ vào lớp chưa kịp lấy xuống còn tôi thì vô tình không để ý. Khi vào tiết học, thầy vội vã bước vào lớp và bắt đầu giảng bài. Lúc giảng, vô tình thầy gõ tay vào bảng thật mạnh, bất ngờ làm chiếc guốc rơi xuống. Cả lớp bật cười còn tôi thì vừa ngượng, vừa điếng hồn vì sợ thầy truy tìm chủ nhân chiếc guốc. Thật quái ác cho cô bạn nào đùa bỡn. Không ngờ thầy Dương vẫn bình thản, thầy chỉ biểu lộ một chút ngạc nhiên với “ hiện tượng lạ” nhưng chắc có lẽ trong lòng thầy cũng ngao ngán cho sự tinh nghịch của lứa tuổi học trò. Rõ là “ Nhất quỷ nhì ma…”
Trong môn học ngoại ngữ tôi nhớ mãi hình ảnh thầy Phan Văn Chỉnh dạy sinh ngữ một lớp tôi (môn Anh Văn). Thầy giống như người nước ngoài, có khuôn mặt quắc thước với bộ râu quai nón thật đẹp, da dẻ thầy trắng hồng mà mỗi khi nhìn bọn nữ tôi đứa nào cũng thích nước da mình được đẹp như thầy. Đặc biệt là giọng thầy khi dạy phát âm vang trầm, ấm áp làm sao! Sau ngày giải phóng thầy thường dạy ở hội Việt Mỹ và tôi được nhìn thấy thầy ở những tiết dạy trên đài truyền hình Đà Nẵng. Có lần duy nhất tôi được gặp mặt thầy ở đường Hùng Vương gần ngã tư giáp Phan Châu Trinh. Thầy có hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình và gởi lời thăm những bạn bè cùng lớp. Lần đó là lần đầu cũng là lần cuối cho đến ngày thầy mất tôi chưa được gặp lại thầy.
Và một người thầy mà tôi luôn nhớ mãi đó là thầy Hoàng Đình Hiếu. Tôi được duyên học thầy ở cả hai trường Trung học Đông Giang và Nữ trung học Hồng Đức với bộ môn văn học; nào cổ văn, nào kim văn với đầy bao kiến thức. Thầy dạy tôi từ lúc tôi tập tễnh học làm thơ, học cách cảm thụ một tác phẩm văn học. Cái chất thơ văn với giọng Quảng Bình trầm ấm của thầy đã truyền lại cho học sinh chúng tôi tình yêu thích tiếng mẹ đẻ,yêu nền văn học nước nhà nên càng cố gắng tiếp thu bài một cách trọn vẹn. Cũng như môn công dân, tôi đã từng có lần chiếm được vị trí cao nhất ở đợt thi môn văn cuối học kì ... Đã tròn bốn mươi năm rồi mà hình ảnh thầy trên bục giảng vẫn còn đọng trong tâm khảm tôi. Lúc thầy giảng bài trông thầy rất linh hoạt, với động tác bàn tay chúm lại rồi nâng lên cao theo nhịp giảng như hỏa châu đang vươn lên bầu trời cao rộng rồi bất ngờ thầy xoay úp bàn tay như hỏa châu đã tàn rơi. Thầy đọc thơ rất hay! Mỗi lần học thầy, tôi say sưa nghe đọc, nghe giảng và nhất là những bài thơ hay như “Hai sắc hoa Ti-gôn”, “Bài thơ thứ nhất”… đã một thời làm dậy sóng tình yêu nam nữ như bất tận ấy, nó đọng mãi trong lòng tôi để rồi tôi càng yêu văn, yêu thơ và cũng thích ngâm thơ từ dạo đó. Thầy đã hun đúc tâm hồn văn học cho chúng tôi bằng sự nhiệt huyết của thầy. Ngoài việc dạy học thầy còn nghiên cứu sử học. Hiện nay thầy là tác giả của tập Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và một số tác phẩm khác như Sông Gianh, Đàng trong.... Chúng tôi vẫn ước ao có được một chút trí tuệ văn học, lịch sử như thầy.
Còn biết bao nhiêu thầy cô khác như cô Nguyễn Thị Tuyết Anh (dạy vạn vật), cô Tằng Tôn Nữ Mỹ Hà (dạy Pháp văn), cô Trần Thị Gia Định (dạy Pháp văn), thầy Hoàng Ngân Hà (dạy Anh văn), cô Trần Thị Ngọc Thanh, thầy Khôi (dạy triết), cô Lê Khắc Ngọc Khuê, thầy Đỗ Nguyên, thầy Lê Quang Cảnh (dạy sử địa)…Và nhiều thầy cô khác nữa làm sao tôi nhớ hết. Ai trả tôi về với kỉ niệm ngày xưa cho tôi được bên thầy, bên bạn? Tất cả đã đi vào dĩ vãng. Thầy cô giờ đây mỗi người mỗi ngả. Còn bạn tôi, một số đã theo gia đình rời xa tổ quốc. Một số bạn vẫn ở lại Đà Nẵng thân yêu và một số bạn trở lại quê xưa vui với ruộng vườn. Còn tôi trở lại quê nhà, tiếp bước thầy cô làm nghề dạy học. Tôi đã chọn lọc những cái hay của người đi trước để chuyển tải kiến thức một cách tốt nhất đến với các em. Mỗi khi nhớ đến thầy cô tôi càng thấy yêu quý nghề hơn. 
Năm tháng rồi cũng trôi qua, tôi cũng đã xa rời bục giảng với nhiều luyến tiếc nhưng tôi chắc một điều rằng học sinh tôi sẽ mãi nhớ đến tôi như tôi đã từng nhớ đến thầy cô giáo của mình. Thỉnh thoảng có dịp về ngang lại trường xưa Nữ Trung học, lòng tôi buồn không ít vì ngôi trường thân yêu ấy bây giờ không còn nữa. Mảnh đất năm xưa còn đây mà bộ mặt ngôi trường đã thay đổi hoàn toàn, đã biến thành một ngôi trường khác với tên gọi Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng. Mỗi lần nghĩ về trường xưa, khi nghe một bài thơ, một bài hát về kỉ niệm tuổi học trò lòng tôi lại thẫn thờ nuối tiếc. Tôi mong ước được về ngồi học lại dưới mái trường thân yêu để được nghe lại tiếng thầy cô giảng bài vang vang trong lớp học … dù chỉ một lần. Tôi nhớ hàng cây cổ thụ ven đường đón bước chân của những nàng nữ sinh áo trắng đến trường, nhớ con đường Thống Nhất ngày xưa đầy kỉ niệm. Nơi đó có một chàng thi sĩ làm thơ ca ngợi tình yêu tuổi học trò…Tất cả, tất cả bây giờ không còn nữa. Thầy cô, bè bạn chừ đã biền biệt phương nào, biết bao giờ được trở lại giây phút ngày xưa ấy. Tìm đâu ra những dấu vết thân thương!!!

Phan Thị Hoa Xuân K6 (Tháng 1/ 2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét