Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

NGOẠI



    Ngoại tôi con gái chân quê, cha mẹ nghèo, anh em đông, năm sáu tuổi đã ra đồng hái rau bắt ốc. Một ngày, ông ngoại tôi, cậu ấm nhà giàu, cưỡi ngựa đi qua, thấy bà giặt áo bên cầu, quần xắn cao quá gối, bắp chân trắng như bông bưởi, má đỏ hây hây, bèn đem lòng yêu rồi xin cưới bà tôi, ấy là vào năm một ngàn chín trăm … xa lắc.
  
    Bốn người con lần lượt ra đời, vừa lỉnh nhỉnh hơn củ khoai thì ông ngoại tôi mất. Một cái nhọt ban đầu chỉ như cái đầu đinh, sau dần to ra như cái bát vỡ chứa đầy máu mủ. Bấy giờ chưa có thuốc kháng sinh, bà tôi dù hết lòng chạy chữa bằng các thứ lá giã rồi đắp, hết lòng bồi bổ bằng cháo cá trê vàng hầm đâụ xanh, bằng cá giếc nấu rau răm… mà ông tôi cũng không qua được. Điều lạ lùng là đứa cháu đích tôn sau này của ông không hiểu vì sao khi sinh ra có một cái bớt đen to tướng vĩnh viễn trên da thịt ngay chỗ ngày trước ông bị nhọt. Vậy là bà góa chồng lúc mới ngoài ba mươi, đôi má vẫn đỏ hây hây , bắp chân vẫn trắng như bông bưởi. Nhưng ngoại tôi không lấy chồng nữa. Có lẽ bà cũng cùng nếp nghĩ thuần phác của những người đàn bà quê Việt bấy giờ, bà ở vậy thờ chồng nuôi con. Từ một lưng vốn nho nhỏ , bà sắm một gánh hàng ngày ngày ra chợ, hết Vĩnh Linh rồi Đồng Hới, Đông Hà… bà nuôi bốn người con nhỏ qua những năm tháng gieo neo và đầy chiến sự.
  
     Người con trai lớn, thông minh, lanh lợi nhất nhà, mới mười sáu tuổi đầu đã say sưa lao vào hoạt động cách mạng, đi biền biệt không về. Năm 1954, cậu nhờ người nhắn mẹ gánh em ra vĩ tuyến mười bảy. Mẹ con , anh em gặp nhau một lần ngắn ngủi, rồi thôi. Sau này cậu ở luôn ngoài Bắc, lấy vợ, có hai con, nghe đâu cũng lắm nỗi đoạn trường chìm nổi vì lấy mợ tôi là con gái nhà địa chủ. Cậu hy sinh ở chiến trường B năm 1967. Người con trai thứ hai lận đận đủ thứ quân dịch, tù đày, rồi vào lính , lập gia đình sinh sống ở Quy Nhơn. Người con gái thứ ba(mẹ tôi) lấy chồng ở Huế. Người con gái út tuổi dần theo chồng đi xa. Còn lại một mình ngoại tôi trong ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Mỹ Chánh, vẫn một gánh hàng ngày ngày ra chợ. Mẹ tôi mỗi lần sanh nở lại về ngoại cho đến khi đứa nhỏ ăn được cơm mớm của bà. Ba tôi từng đi học tận bên Mỹ, thấy bà nhổ nước trầu, quẹt miệng rồi nhai cơm cá mớm như kiểu chim mẹ mớm mồi cho con, cho là mất vệ sinh bèn nói khéo để mẹ con bồng bế nhau về. Thế là hàng tuần, bà đón xe từ Mỹ Chánh vào tận Huế để thăm cháu thăm con. Hồi đó tôi còn nhỏ xíu, mới năm sáu tuổi đầu , nhưng tôi còn nhớ rõ ràng hình ảnh ngoại tôi mỗi lần bà đến thăm. Người tầm thước, nước da dù dầu dãi mưa nắng vẫn đỏ hồng, mái tóc đã ngả màu muối tiêu trong cái khăn trùm bằng nỉ màu bả trầu, bà hay mặc cái áo bà ba nâu bạc, cái quần đen, bên ngoài là cái áo dài màu rêu to đùng, cũ kỹ…Bà xuống xích lô bước vào nhà, chúng tôi ba bốn đứa lúc thúc chạy theo níu áo, níu giỏ. Chưa kịp ngồi xuống ghế phẩy phẩy cái nón cho mát, bà đã hỉ hả hun hít thằng cu Ti , cu Bê, con bé Lệ Hà nhõng nhẽo của bà. Sau đó thế nào cũng nghe tiếng mẹ tôi :”Trời ơi , mạ đem những thứ này vào làm gì?” Thì ra, ngoài nồi giò heo chặt khúc kho nghệ vàng hườm hoặc nồi cá lúi kho tiêu.. lại còn không biết bao nhiêu chanh non, ổi già … bà vặt sạch trong vườn đem vào cho cháu. Trong khi mẹ càm ràm ,ca cẩm, nhăn nhó thì bà cứ cười hỉ hả :”Kệ , đem cho tụi hắn ăn, để thèm tội nghiệp, con…”
 


     Làm sao tôi có thể quên được cái không khí sực nức mùi trầu và tiếng cười hỉ hả của ngoại tôi suốt mấy hôm bà ở lại. Bà không buồn bã bao giờ dù mẹ tôi rầy bà luôn, cũng không bao giờ bà chịu ngồi yên một chỗ như những người già khác. Bà dọn dẹp, nấu nướng, nói chuyện đủ thứ: chuyện về cái làng quê, chuyện mấy đứa cháu nội, cháu ngoại…dù mẹ tôi không chú ý gì hết và chúng tôi chẳng biết gì mà nghe. Và rồi hễ ngoài ngõ có tiếng rao chè đậu xanh, bánh lọc, bánh bò… là y như rằng bà lại kêu vào cho mấy đứa cháu ăn thỏa thích, sau đó lật đật mở cái gói nhỏ bọc mấy lần ni lông giành được trả tiền. Có bữa trời mưa lành lạnh bà nấu kẹo đậu phụng cho chúng tôi ăn. Cả bốn đứa cháu nằm đắp mền tới tận cổ giương mắt nhìn nồi đường non sôi lúc thúc. Đường chưa kịp tới cả bốn đứa đã há mồm ra như mấy chú chim con chờ bà quấn từng đũa đường vừa mới kéo tơ nhúng vào tô nước lạnh đút vào miệng từng đứa. Nhồm nhoàm, hể hả, bê bết cho đến lúc no nê.
  
     Những năm sau này, đạn bom chiến tranh phá nát ngôi nhà bên dòng sông Mỹ Chánh, bà vào ở tận Quy Nhơn với người con trai thứ. Không làm lụng ra tiền nữa nhưng lúc nào bà cũng dành dụm để thỉnh thoảng có quà cho cháu. Khi thì quần áo, khi thì bánh kẹo. Toàn những thứ mà bà gọi là “ nhất đẳng Quy Nhơn”. Chúng tôi dù rất yêu bà nhưng có lẽ cũng chỉ là những đứa trẻ vô tình. Chẳng đứa nào buồn vì lâu lắm ngoại không về chơi. Mẹ tôi thỉnh thoảng lại nhắc bà và nói:con Lệ Hà giống bà như đúc, từ cái dáng đi cho đến cái kiểu cười. Tôi lấy làm tự hào về điều ấy lắm, mặc dù mấy ông anh tôi có lẽ vì thế mà ghen tức , bèn nói xấu tôi là cười gì mà híp cả mắt lại và ghép đôi tôi với một thằng nhỏ hàng xóm mà tôi không chơi với bao giờ và ghét không thể tưởng được.!!!
 
     Về sau, dì Út của tôi lận đận chuyện chồng con, ngoại tôi không ở với người con trai giàu có mà lẳng nhẳng theo dì nuôi hết đứa cháu này sang đứa cháu khác. Tuổi bà ngày càng nhiều mà gia cảnh dì ngày càng khó khăn, cậu và mẹ tôi sau nhiều lần hội ý đã buộc ngoại về ở hẳn nhà cậu. Bà lấy làm khổ sở về việc ấy lắm. Có lẽ không gì làm bà khổ sở bằng việc phải ăn trắng mặc trơn, không phải làm lụng gì khi đứa con gái út vất vả chạy vạy làm ăn, lũ con không người trông nom săn sóc. Bà rên rẩm kêu ca y như người ta cầm tù, hành hạ bà đến nổi mấy người con của cậu, tuy không phải là xấu tính xấu nết gì cũng đâm ra chán bà và càng ghét bỏ người cô không lấy gì làm may mắn.

      Bao nhiêu năm đã trôi qua, ngoại tôi thực đã già, chúng tôi mỗi ngày lớn lên mãi lo ăn học, nhiều năm không gặp ngoại. Mấy đứa em sau này của tôi, không được bà bồng ẳm, bú mớm vẫn vùn vụt lớn lên. Căn nhà rộng trở nên chật chội nhưng không sao có được cái ấm cúng như hồi ngoại vẫn về thăm. Thỉnh thoảng tôi lại ngồi thu lu trong góc nhà nhớ ngoại. Ôi, đúng là tôi vẫn thèm được dụi đầu vào cái ngực áo sực nức mùi trầu, thèm được nghe tiếng cái túi bọc mấy lần ni lông gài kim băng kêu sột soạt trong túi áo trong của ngoại, thèm được nghe tiếng ngoại cười hỉ hỉ hả hả kêu gánh chè ngoài ngõ. Đúng là tôi có thèm như thế . Và với niềm tự hào nhỏ nhoi rằng tôi giống ngoại nhất nhà.
  
     Năm hai mươi bốn tuổi tôi lấy chồng. Ngoại già, lại ở xa nên không dự đám cưới cô cháu cưng của ngoại. Gần tháng sau vợ chồng tôi vào Sài Gòn , ghé xuống Biên Hòa thăm ngoại. Ngoại tôi đã ngoài tám mươi, mặc một bộ nâu sòng, tóc cạo trọc, đầu trùm một cái khăn vải thô.” Ngoại đi tu rồi con à, tu tại gia thôi’’. Tôi ứa nước mắt:” Suốt một đời ngoại chân chất hiền lành như thế, việc gì ngoại phải đi tu’’_“Ngoại đi tu là để phúc cho con cháu với để cái tâm được tịnh”. Rồi ngoại lại cười hỉ hả:” Ngồi đây, ngồi đây ăn xôi chè ngoại mới cúng rằm rồi ngoại ra bưng hủ tíu cho ăn”. Hai tô hủ tíu bò viên đầy ắp, nóng hổi nước súp hành ớt ngon lành tôi ăn không nghe ngon như ngày xưa, khi ngoại vừa nấu kẹo vừa nhúng đường non vào tô nước lạnh đút chúng tôi ăn. “Ngoại ơi, ngoại “ mấy tuổi” rồi ?”_” Tám ba tuổi rồi con à”._” Con trông ngoại còn khỏe quá” ._” Ừ, ngoại còn khỏe, mỗi bữa ăn ba chén cơm đầy. Con ăn đi, ăn xong vô tắm cho mát, chút ngoại xay bột đúc bánh xèo con ăn”_.” Thôi ngoại ơi, chút nữa tụi con về rồi, chị chồng con chờ”. Ngoại lắp bắp móm mém, răng gấp rứa con. Tôi lại dụi đầu vào ngực ngoại, lại nghe mùi trầu sực nức, lại nghe cái gói ni lông cọ vào lớp vải áo trong kêu sột soạt.” Nì, cầm mấy chục đi đường uống nước mía nghe con”_.” Thôi ngoại ơi, ngoại già rồi, giữ lấy mà tiêu”_” Ngoại có tiêu gì đâu con. Tiền liệt sĩ của cậu T, ngoại để dành lại hết đây này. Để rồi gửi cho con con L”.(L là tên dì Út của tôi).
  
     Hỡi ơi, ngoại tôi đã đi tu mà còn nặng lòng trần với người con gái út truân chuyên.

     Đó là lần tôi gặp ngoại sau cùng. Qua năm sau thì ngoại mất! 

    Hà Thị Lệ Hà K8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét