Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

ỐNG ĐỒNG RỖNG


    Mấy hôm nay dư luận xôn xao về tư liệu lịch sử của NXB Giáo Dục, theo GS Trần Lâm Biền, chi tiết Mã Viện dùng hạ kế bắt quân sỹ cởi quần giao chiến trong cuốn sách “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh" của NXB Giáo dục rất thô thiển.
     Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu lại bài TRỐNG ĐỒNG RỖNG của Vugia K7:


MỘT

Gã vừa hổn hển chạy vừa chửi thề. Phía trước có hơn mười tên oằn lưng vác trên vai các hòm chứa đầy của cải. Vừa run rẫy cạo râu, cắt tóc bằng con dao nạm vàng, gã vừa hốt hoảng lấm lét nhìn về phía sau, rồi lại chăm chú nhìn xuống đường xem có vật gì rơi ra từ các hòm kia không. Nhảy vội vào bụi rậm ven đường, lát sau gã bước ra xúng xính trong bộ y phục đàn bà. Chắc hẳn bọn chúng vừa ăn cướp ở đâu đó và đang bị truy đuổi.
- Mẹ nó, đã chở về biết bao nhiêu chuyến rồi không đủ sao mà giờ này còn tham!
Các tên đi trước hằn học lẩm bẩm.

HIABA-TRUNG 

Tranh vẽ Hai Bà Trưng "phất cờ nương tử" của họa sĩ Vi Vi trên bìa báo Thiếu Nhi số 121 phát hành tại Sài Gòn ngày 15.2.1974. Tư liệu L.M.Q


Về sau, trên đường gã nọ tháo chạy, một loại cỏ lạ có lá đen và cứng mọc dọc theo hai bên đường; người này gọi là tô mao thảo, người kia gọi là tô tu thảo, tên gọi chung là cỏ Tô Định. Loại cỏ này cực độc, không ai dám cho trâu bò đến gần.
Mãi đến khi một vị nữ tướng có việc quân đi ngang qua, loại cỏ này héo dần rồi tuyệt chủng.
***
- Tên thái thú họ Tô đã bỏ chạy về nước trước khi ta tiến đánh. Hơn sáu mươi lăm thành ở Lĩnh Nam đã được lấy lại. Nhân danh dân Lạc Việt, ta tuyên bố đất nước độc lập. Công lao này thuộc về nhân dân, không phải riêng của Lạc hầu, Lạc tướng nào. Mọi người hãy cùng nhau giữ nước.
Uy nghi trong chiến bào rực đỏ, Trưng Nữ Vương dõng dạc vung tay tuyên bố. Tiếng hô vang “ Độc lập! độc lập! “ từ các nữ tướng, nữ binh, quân sĩ rồi đến dân chúng hòa với tiếng trống đồng sấm động được hồn đất nước từ các núi rừng sông biển đáp vọng lại vang rền như muốn ôm trọn vào lòng những đứa con cùng chung đồng bào đã làm cho kẻ thù tham tàn kinh sợ.
***
- Thánh Thiên tướng quân, ta giao cho ngươi lo việc phụng dân. Nhân dân là cha mẹ. Ta cho ngươi được quyền chém trước tâu sau các trường hợp quan lại nhũng nhiễu, hà hiếp, bóc lột, xem thường tính mạng mạng dân, biến của công thành của tư.
Lê Chân tướng quân, ta giao cho ngươi lo việc phát triển quốc gia. Các nữ tướng, quan lại nào lợi dụng chức tước để mưu cầu lợi ích riêng, đặt vận mệnh quốc gia dưới cái lợi trước mắt mà làm tay sai cho giặc phương bắc thì cứ chém đầu. Mời người có thực tài và đạo đức thực sự để cùng giữ nước và làm cho dân no ấm.
Quý Lan tướng quân, ta giao ngươi cùng phối hợp, hỗ trợ và góp ý với hai vị trên để công việc có kết quả.
Tất cả mọi việc mà chúng ta làm đều phải lấy lợi ích của nhân dân và đất nước làm nền tảng.
Bọn giặc sẽ mãi mãi không để ta yên. Hãy cảnh giác và luôn chuẩn bị.
***
Tướng quân Lê Chân rất lấy làm hài lòng với ba người đàn ông này. Họ nói họ từ Luy Lâu tìm đến vì ngưỡng mộ Hai Bà và mong góp một phần mình vào công cuộc chấn hưng đất nước. Phần lớn trong hơn bảy mươi tướng lĩnh của triều đình ít có vị nào sánh kịp tài năng của họ.
Người lớn tuổi nhất trong ba người khoảng năm muơi lăm tuổi. Ông ta xưng là Chu Khả, có phong thái của một kẻ sĩ, sự hiểu biết và thông minh toát ra từ cặp mắt sáng ngời thường nhìn chăm chú vào mặt người đối diện.
Người thứ hai xưng là Văn Khánh. Ông ta khoảng ngoài năm mươi, dáng vẻ con nhà võ toát ra từ cung cách ăn nói và đi đứng khiến người ta phải e dè. Là người của sự điềm tĩnh, tự tin, quyết đoán và tham vọng.
Người thứ ba dường như đi theo hầu hai người kia, nhưng võ công của anh ta qua lần tỉ thí với các vệ binh khiến tướng quân Lê Chân phải tấm tắc khen ngợi. Anh tên là Dương Trì.
Cả ba được nữ tướng Lê Chân đưa đến ra mắt Hai Bà. Sau khi ân cần thăm hỏi, Nữ vương phán:
- Đất nước đang cần người có tài đức. Mỗi người hãy vì tiền đồ dân tộc mà cống hiến theo công sức mình. Làm tướng vì sự tồn vong của đất nước mà chết trên lưng voi, áo bào bọc thây. Làm quan vì lợi ích nhân dân mà hy sinh chính bản thân mình. Bè phái và tham lam ấy là họa lớn của dân tộc.
Các ngươi hãy cùng tướng quân Lê Chân ngày đêm suy nghĩ các kế sách để cùng chị em ta phụng sự đất nước.
Cả ba cung kính cúi chào rồi lui ra.
Tư lự, Chu Khả thốt lên : “Hiếm thấy! Hiếm thấy!”
Văn Khánh cố dấu đi vẻ hùng dũng vốn có, lẩm bẩm: “Làm tướng vì sự tồn vong của đất nước mà chết trên lưng voi, áo bào bọc thây. Khí khái! Khí khái! Uy dũng! Uy dũng! Ta sẽ ghi nhớ câu nói này.”
Còn Dương Trì, tim anh ta vẫn còn loạn nhịp kể từ khi ngước nhìn dung nhan Hai Bà.
***
Sau thời gian tìm hiểu địa hình, địa thế và cuộc sống nhân dân ở đất Mê Linh, Chu Khả cùng Văn Khánh dâng lên nữ tướng Lê Chân các kế sách về phòng thủ, cách thức phụng dân của mình. Lê Chân càng ngày càng quí trọng và xem cả ba như người thân thích. Họ cũng thường được Nữ Vương vời đến để cùng bàn việc chính sự.
***
Vài tháng sau, có người mật tấu với tướng quân Lê Chân về lối sống trụy lạc bí mật của Văn Khánh. Rằng ông ta thường ép để quan hệ bất chính với các nữ binh dưới quyền. Rằng ông ta thường dùng vàng bạc để phỉnh phờ các cô gái quê. Rằng trong tư thất của ông ta bao giờ cũng có bóng dáng đàn bà. Tướng quân Lê Chân cho rằng đó là những đơm đặt thói thường của những kẻ bất tài ganh tị.
Một hôm bà cho triệu Văn Khánh đến để bàn việc đắp thành chống quân xâm lược. Tin  cho hay nhà Hán đã chuẩn bị và sắp cử tướng tài sang đánh phá. Biết Văn Khánh thích uống rượu khi đàm đạo, bà sai người sắp sẳn một mâm rượu thịt để cùng đối ẩm.
Giữa tiệc rượu, đang chăm chú nghe Văn Khánh tâu trình, tướng quân Lê Chân chợt giật mình đỏ mặt khi bắt gặp cái nhìn hau háu của ông ta đang sổ sàng nhìn vào người bà với cái nhìn của một con sói động đực. Bất ngờ ông ta đứng lên và ôm trọn lấy bà. Bủn rủn, bà định hét lên nhưng kịp dừng lại.
Những lời đơm đặt kia là thật, bà thoáng nghĩ như vậy và để mặc hắn vồ vập. Một lát sau, bất ngờ bà điểm ngay huyệt đan điền làm hắn lảo đảo và khụy xuống. Bà thét lớn và các nữ vệ binh ập vào. “Trói gô tên này lại, buộc vào đòn và khiêng hắn theo ta !”. Các nữ binh răm rắp tuân theo lệnh lạnh lùng của bà.
- Đừng khóc nữa, trên đời này vẫn còn có chuyện khiến nữ tướng của ta phải khóc nấc lên như vậy à?
Sau khi được Trưng Nữ Vương dịu dàng nâng dậy, Lê Chân tấm tức thuật lại cho Hai Bà sự việc đã xảy ra. Theo chân các nữ tướng, Hai Bà tiến ra phía ngoài. Thoáng thấy bóng các Bà, Văn Khánh thất thần la to: “Xin Nữ Vương và tướng quân tha tội ! Xin Nữ Vương và tướng quân tha tội !”.
- Hừ! Tên khốn kiếp kia, nói với ngươi thật uổng lời của ta. Tài năng và công lao của ngươi dù bằng Trời đi nữa mà xem thường luật Vua, phép nước, dẫm đạp lên luân thường, đạo lý của cha ông thì tội không thể tha.
Giọng nghiêm khắc của Nữ Vương làm Văn Khánh run lên bần bật. Ngưng lại như để suy nghĩ, Bà lạnh lùng phán: “Cung hình! Ngay lập tức!”. “Cầu xin Nữ Vương tha tội, xin tha tội…”. Văn Khánh thống thiết gầm lên.
Chu Khả bước ra quỳ mọp dưới chân Bà tâu: “Muôn tâu Nữ vương, người này quả thật là một nhân tài, cầu xin Nữ vương cho anh ta cơ hội đoái công chuộc tội. Nếu bệ hạ xử như vậy thần e rằng…”. Bà cắt ngang: “E rằng không còn người phụng sự đất nước à? Ngươi nghĩ rằng con cháu Lạc Việt này đã hết người tài rồi chăng?”
Chu Khả vội vàng thoái lui rồi ôm mặt đi về phía Dương Trì đang run rẩy đứng nhìn từ xa.
***
Sau vài ngày tịnh dưỡng ở một cái lán được dựng vội ở bìa rừng, họ đi tìm người đàn ông đã thực hiện lệnh cung hình nhằm xin giúp tìm lại phần thân thể ít ỏi của Văn Khánh. Người đàn ông dẫn họ đi về hướng núi, tay trỏ chỉ về phía trước, khoanh một vòng rồi nói: “Tôi đã vứt nó ở đây “. Cả ba chăm chú cật lực tìm kiếm nhưng không thấy dấu vết gì. “Chắc chó rừng tha rồi “. Người đàn ông thương cảm, bỏ đi.
Như chợt nhớ ra điều gì, người đàn ông quay lại chăm chú nhìn vào một bụi cây. Cả ba người kia mừng rỡ chạy đến và cùng nhìn theo hướng nhìn của ông ta. “Có gì à ?“. “Không, cái bụi cây này lạ lắm. Xưa nay loại này tôi chưa hề thấy. Hôm vứt cái ấy ở đây  không thấy nó mà, chắc là mới mọc…“.
Bụi cây lạ này cao đến thắt lưng người. Lá thưa và dài, từ gân chính của đầu lá kéo dài ra rồi tạo nên một ống rỗng tròn dài chưa đến một gang tay, trên đầu ống có một cái nắp, nhìn vào phía trong thấy có vài ba con ruồi đã chết.
Sau này người ta đặt tên cho loại cây mới này là cây nắp ấm, còn gọi là cây nắp bình, cây ăn ruồi. (Các địa phương ở Quảng Nam như Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ v.v… người dân đặt tên thực tế hơn:  cây c... ông Bộ ).
***
Bóng ba lữ khách đổ dài chập chờn trên đường vắng hướng về đất Giao Châu. Cúi đầu lầm lũi bước trong yên lặng, cả ba đều muốn nói lên một câu nào đó để chứng tỏ họ đang cùng đồng hành với nhau. Bất ngờ Văn Khánh thu tay đấm ngực và gầm lên như một con cọp cái bị thương: “Hãy chờ ta, Trưng Trắc ơi là Trưng Trắc! Lê Chân ơi là Lê Chân!”.
- Thưa, làm thế nào để giữ kín chuyện này? Dương Trì lên tiếng.
- Câm ngay! Bất ngờ Văn Khánh vung gươm. Sau cái nhìn ngơ ngác ngạc nhiên đến tội nghiệp, Dương Trì gục xuống, miệng ú ớ muốn nói điều gì đó nhưng không còn kịp.
- Chỉ có cách này thôi. Nhìn thẳng vào mắt Chu Khả, Văn Khánh nói tiếp: “Thưa tiên sinh, vạn bất đắc dĩ, mong tiên sinh thông cảm. Người sống biết nói những gì cần nói, giữ  kín những gì cần giữ  mới là người sống".
***
HAI

Mã Viện được lệnh xuất quân. Tiếng rên xiết từ Trường Sa, Hợp Phố, Giao Châu vọng đến đất Mê Linh. Máu nhuộm đỏ vó ngựa. Máu nhuộm đỏ giáo gươm. Máu nhuộm đỏ mắt bọn quân binh. Hắn cho binh lính hà hiếp, vơ vét hết lương thực, tài sản của dân bản xứ.
Để mặc nạn đói cùng dịch bệnh hoành hành, hắn xích từng xâu thanh niên trai tráng buộc họ phải đóng xe, đóng thuyền, khai phá đường để tiến đánh Lĩnh Nam.
Ba tháng kể từ khi giao chiến, các tướng dưới quyền hắn bị các nữ tướng của Trưng Vương chống cự quyết liệt. Thấy binh tướng có phần rúng động, Mã Viện liền khẩn cấp triệu tập các tướng hội họp nhằm tìm phương kế.
- Ta chẳng lạ gì con người và đất nước này. Khó lòng khuất phục họ bằng giáo gươm, ta nghĩ rằng nếu không có phương sách nào tiêu diệt được họ trước khi mùa hè đến, buộc lòng ta phải lui quân về.
Trầm ngâm như nhớ lại điều gì, nén tiếng thở dài, y tiếp:
- Nay ta rút ruột gan nói cùng các ngươi rằng: Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn mới là đáng trọng, chứ sao lại vội chịu thua, chết dưới tay bọn đàn bà thì có hay gì?
Liếc nhìn các tướng như để họ nhẩm thuộc câu nói cao minh khí khái của mình, y tiếp:
- Sau khi bàn bạc với Thái tiên sinh, tất cả các tướng phải thực hiện các nghiêm lệnh sau: Một, bắt tất cả trai tráng, già trẻ của các thành mà ta chiếm được cho tập trung lại, mỗi khi giao chiến phải lùa họ đi trước. Hai, cử người đem vàng bạc châu báu để mua chuộc bọn quan lại tham lam để họ làm tay sai, không được tiếc tiền, bởi lẽ số tiền ta bỏ ra sẽ lại được thu về. Ba, điều này là đòn quyết định, ta sẽ có khẩu lệnh khi cần thiết, lúc nhận được lệnh, các ngươi tuyệt đối phải thi hành.
Các ngươi thông báo rộng rãi cho binh lính rằng: Ai bắt sống được chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị và Lê Chân sẽ được làm Thái thú đất này. Cho các ngươi lui.
Sau khi các tướng đi hết, Mã Viện quay sang vị quân sư: “Thái tiên sinh, hãy vì con cháu đại Hán sau này mà thay chữ bại thành chữ  thắng trong bản tấu trình về các trận Lãng Bạc, Tây Vu, Hồ Nam, Hợp phố…  ”.
***
Bọn phó tướng của Mã Viện là Lưu Long và Đoàn Chí lệnh cho binh sĩ dưới quyền thẳng tay chém giết, cướp bóc rồi đốt sạch nơi mình đi qua. Bọn chúng tiến quân tấn công vào những nơi phòng thủ trọng yếu và công phá các thành trì một cách hiệu quả  tựa hồ như các nơi ấy chúng đã từng đi qua và các thành ấy được xây nên từ bàn tay của chúng.
Tiến đến Cấm Khê thì bọn chúng buộc phải hạ lệnh thu quân vì gặp sự chống cự mãnh liệt. Mỗi lần thoáng thấy bóng các nữ binh xông trận cùng Hai Bà ngồi trên thớt voi hùng dũng thúc quân trong tiếng trống đồng uy linh thì bọn giặc Hán lại cuống cuồng bỏ chạy.
- Hừ! Đã gần ba năm trời, hao binh tổn tướng mà không làm gì nỗi những người đàn bà ở cái đất nước nhỏ hẹp này ư? Thái tiên sinh, không thủ đoạn thì không thành anh hùng. Sao ta căm thù tiếng trống đồng Lạc Việt đến thế! Truyền mật lệnh!
***
Đích thân Mã Viện thúc trống lệnh. Hàng đi đầu là các cụ già, trai tráng trần truồng bị quân Hán cũng trần truồng dùng giáo gươm thúc tới. Phía sau đám người ấy là các cung thủ với các mũi tên tẩm độc. Bầy voi chiến của các nữ binh thấy cảnh tượng kỳ dị hiện ra trước mắt liền hiền lành đứng lại. Các nữ binh e thẹn, lại thấy trong đám người phía trước có người thân của mình nên đành đứng chôn chân chờ lệnh, rồi nhốn nháo lui quân.
Các thớt voi bị trúng tên lồng lộn quay đầu chạy. Nữ tướng Lê Chân và Thánh Thiên vội chạy đến thớt voi của Hai Bà. Hai Bà đều đã tử nạn. Lệnh cho các nữ tướng khác đưa voi cùng Hai Bà về hướng bờ sông, Lê Chân và Thánh Thiên dùng gươm tự sát.
Không tìm thấy xác Hai Bà, Mã Viện bèn cắt đầu hai nữ tướng cho người mang về triều báo công.

BA

- Thái tiên sinh, ta đã cho binh lính tịch thu tất cả trống đồng, vũ khí và các loại vật dụng bằng đồng của dân Lạc Việt. Các loại có giá trị cao thì mang về nước, còn tất thảy cho nung chảy để làm trụ đồng để trấn yểm các long mạch, làm mốc biên giới và để ta tạ tội với tổ tiên vì nguyên do gì thì ngươi đã biết.
Các lò luyện đồng mọc lên khắp nơi. Ai sở hữu bất cứ vật dụng nào bằng đồng, thậm chí bằng đồng pha đều bị tù tội, kể cả vật dụng thờ cúng. Các trống đồng bị đập phá không thương tiếc. Mã Viện xoa tay mãn nguyện nhìn khói đen từ các lò nung bốc lên làm xám xịt âm u cả một vùng.
Bất giác hắn giật mình và đau nhói ở hạ đan điền. Từ trong các cột khói đen nghịt có những cánh chim vút bay lên, cùng lượn quanh ba vòng trên bầu trời rộng rồi khoan thai vỗ cánh bay vào các đám mây. Thái quân sư thốt lên: “Chim Hồng, chim Lạc!“ rồi đưa mắt nhìn Mã Viện với cái nhìn kinh tởm.
Tối hôm đó, Thái quân sư lặng lẽ uống thuốc độc quyên sinh.
***
Các trụ đồng đúc ra đều bị rỗ và nham nhở. Một điều kỳ lạ nữa là hết thảy đều bị rỗng ruột. Mã Viện lắc đầu ngao ngán. Chọn một trụ cho là được nhất, hắn sai người đem chôn trên mãnh đất nơi phát nguồn cây nắp ấm và cho khắc lên thân trụ sáu chữ vàng lộng ngôn ngạo mạn “Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt“; và sau đó, như để vơi đi nỗi niềm bực tức u uất, hắn tập trung tâm trí vào ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai và các loại thuốc quý.
Về sau, người dân tỏ thái độ khinh bỉ bằng cách mỗi lần đi ngang qua đều ném đất đá vào đến nỗi cái trụ kia bị lấp kín. Cho đến ngày mồng sáu tháng hai năm sau, một cơn mưa dông bất ngờ ập đến, sau tiếng sét vang rền, người ta không còn thấy dấu vết của nó nữa.
Số phận của các ống đồng rỗng khác không rõ như thế nào, nhưng mãi đến một nghìn bốn trăm sau người ta lại thấy nó xuất hiện ở Vạn Kiếp. Nhờ nó mà một vị thái tử con nhà nòi tên là Thoát Hoan mới giữ được tính mạng khi chui vào để theo đường Lạng Sơn chạy về nước.
***
Tuần vừa rồi có việc phải vào khu phố cổ, giờ rảnh rỗi chẳng biết làm gì, tôi tò mò bước vào một ngôi chùa, nghe đồn rằng chùa này linh thiêng lắm. Khói nhang nghi ngút đến ngộp thở. Thấy tôi chăm chú, cô hướng dẫn viên nhiệt tình hỏi : “ Chú biết vị này là ai không ? “.  Tôi đáp : “ Hình như ông này là ông Bộ, tự là Văn Khánh”. Cô ta cười thật duyên dáng và giọng nói có phần ngưỡng mộ : “Chú nhầm với ai rồi, đức ngài này là Phục Ba tướng quân, tự là Văn Uyên, một danh tướng đó chú à.”. Tôi thốt lên với chính mình “ Rỗng thật rồi sao?!”, đoạn bước ra.
Lóa mắt. Không phải ánh mặt trời buổi chiều mà bởi các lồng đèn lạ màu vàng xanh tím đỏ. Rỗng ruột!.
……
Vugia K7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét