Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014
Quốc Hội & Sức Khỏe Tâm Thần
Xin giới thiệu đến Quí thầy cô, anh chị status trên facebook của nhà báo Huy Đức ( Truong Huy San): Quốc Hội & Sức Khỏe Tâm Thần
Rất chia sẻ với Đoàn đại biểu quốc hội Sài Gòn, đặc biệt là với đại biểu Trần Du Lịch, người thường phải xuất hiện trước công chúng bên cạnh "đồng nghiệp" Hoàng Hữu Phước. Nhưng, các vị đã đi quá xa khi đòi ứng cử viên đại biểu quốc hội phải có giấy kiểm tra sức khỏe tâm thần.
Đang nắm trong tay cái thế nhận quyền lực từ cử tri các vị đã mắc một sai lầm khi định trao quyền định đoạt sinh mệnh chính trị của mình cho các cơ quan hành chính.
Trao quyền lực vào tay những kẻ tâm thần là cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân tâm thần nào cũng có thể cho các bác sĩ những triệu chứng rõ ràng, đặc biệt là tâm thần ở dạng vĩ cuồng. Cho nên, để tránh đưa vào các cơ quan quyền lực những kẻ mắc bệnh tâm thần, cách tốt nhất là phải có những thiết chế để dân lựa chọn.
Nếu như Hà Nội là một nền cộng hòa đại nghị như Chế độ tự xưng, chắc chắn năm 1988, các đại biểu sẽ đưa lý lịch sức khỏe của ông Đỗ Mười ra. Chính phủ sẽ khó rơi vào tay một người đã từng lang thang, gặm lá, leo cây. Và, đổi mới của Việt Nam sẽ không ở trong tình trạng trớ trêu: Quyền lãnh đạo giai đoạn phát triển kinh tế nhiều thành phần bị đặt trong tay một kẻ đã từng hai lần cầm búa lệnh, tiêu diệt các thành phần kinh tế.
Trong Quốc hội khóa XIII hiện có 4 người là đại biểu tự ứng cử (trong số 22 ứng cử viên tự ứng cử được đưa vào danh sách). Họ là "những bông hoa trong vườn Bác". Tuy có rất ít người tự ứng cử nhưng hầu hết vẫn bị các quy trình chính trị loại ra ngoài. Đảng đang kiểm soát từ tổ dân phố, bệnh viện tâm thần cho đến Mặt trận - nơi hiệp thương đưa người ứng cử vào danhsách. Không được Đảng hậu thuẫn mà tự ra ứng cử thì rất dễ đi theo Lê Quốc Quân và Lê Công Định.
Nếu cơ quan dân cử không bao gồm nghị gật, từ chính sách cho đến nhân sự, chính phủ sẽ bớt sai lầm. Nếu muốn các ông nghị không chỉ gật ở Ba Đình bọn họ phải được dân sàng lọc qua lá phiếu.
Trong bài Một đảng và Hiến pháp (đăng trên FB tháng 9-2011) tôi có đề nghị phân biệt hai loại ứng cử viên: Tự ứng cử và do một đảng chính trị giới thiệu. Người đã được một đảng chính trị giới thiệu thì đương nhiên được đưa vào danh sách bầu (sàng lọc trong nội bộ thế nào là tùy Đảng). Người độc lập tự ứng cử thì chỉ cần thu thập đủ chữ ký của một tỉ lệ cử tri thích ứng - ví dụ: 1% cử tri ở đơn vị người đó ra ứng cử. Khi đã hội đủ điều kiện này, các định chế do đảng kiểm soát như Mặt trận, tổ dân phố, báo Đảng... đều không có quyền can thiệp.
Trong quá trình tranh cử, các bên sẽ xuất hiện trước cử tri. Tiến sĩ Trần Du Lịch, luật sư Trương Trọng Nghĩa sẽ tranh luận "tay bo" với thạc sĩ Hoàng Hữu Phước. Không cần giám định, chỉ cần cho in những bài viết trong blog của nhau ra, cử tri ắt biết tình trạng sức khỏe tâm thần của từng đại biểu. Chính trị là một khoa học, mỗi nhánh quyền lực đều vận hành theo những nguyên tắc khác nhau, đưa ra sáng kiến mới không phải lúc nào cũng đúng.
Hồi cuối tháng 9-2014, báo chí ca ngợi sáng kiến thi tuyển Giám đốc sở Thông tin - Truyền thông của Bí thư Quảng Ninh. Nỗ lực của Tướng Phạm Minh Chính khi chuyển sang làm chính trị là rất đáng hoan nghênh. Trong vòng thăm dò mới nhất nghe có tên ông trong danh sách quy hoạch BCT khóa sau. Sáng kiến này không hiểu đã đóng góp bao nhiêu phần trăm cho thành tích kể trên. Tuy nhiên, nếu hiểu chức năng của hệ thống chính trị địa phương, tôi tin tướng Chính sẽ không làm như thế.
Giám đốc sở là một viên chức chính trị, được Chủ tịch tỉnh bổ nhiệm và hội đồng nhân dân phê chuẩn. Thay vì tổ chức một hội đồng thi, ông Chính chỉ cần sử dụng hội đồng nhân dân sát hạch người mà chủ tịch ủy ban lựa chọn. Thay vì tự tay làm hết, ông nên lãnh đạo hội đồng nhân dân, yêu cầu vị giám đốc sở được bổ nhiệm đó điều trần trước ban văn hóa - xã hội.
Buổi điều trần được truyền hình trực tiếp, các đại biểu sẽ chất vấn về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của ứng cử viên; các bác sĩ ở bệnh viện tâm thần, bồ nhí, cho đến những người đưa hối lộ... sẽ lần lượt gửi hồ sơ tới hội đồng nhân dân. Nếu không giải trình được thì hội đồng sẽ không phê chuẩn.
Tôi không nghĩ, yêu cầu giám định sức khỏe của các đại biểu Sài Gòn là chỉ vì hiềm khích cá nhân; có lẽ các vị ấy đang nghĩ tới cơ quan quyền lực của dân với tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, mọi cỗ máy vận hành đều có nguyên tắc của nó. Thay vì kiến nghị tạo thêm công cụ cho Chế độ hiện hành, các vị nên đòi trao đủ quyền lực cho lá phiếu của dân.
Tôi chỉ lưu ý, coi chừng cây gậy của quý vị đập phải lưng mình, nếu giữ cơ chế bầu cử hiện nay và bổ sung thủ tục các vị vừa đề nghị, khóa sau, nếu Thành ủy không giới thiệu mà quý vị vẫn ứng cử thì người nhận được tờ chứng nhận sức khỏe tâm thần có khi không phải Hoàng Hữu Phước mà lại là quý vị.
Huy Đức
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét