Cô giáo Nguyễn
Thị Bích Hạnh, thạc
sĩ, giảng viên môn văn đã được
nhận vào giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh
Khiêm theo diện 'thu hút nhân tài' của tỉnh Quảng Nam, sau nầy bị Sở Giáo
dục tỉnh Quảng Nam quyết định buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet
Được biết cô Bích Hạnh trong một số tiết dạy,
cô đã đề cập với các em học sinh một số bài viết trên các trang
mạng hải ngoại như talawas và tienve.org với mục tiêu 'hướng dẫn các
em biết cách tự học, tự đọc, tự tìm tòi phân tích thông tin'.
Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu Status của Phan Thanh Minh K9: Nghĩ về cô giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet (Viết nhân ngày Nhà giáo Việt Nam):
Hồi ấy, cơ quan nơi tôi làm việc và trường THPT chuyên Nguyễn Bĩnh Khiêm (Quảng Nam) ở gần lắm. Tôi có quen biết một số giáo viên ở đây, có vài người thân thiết, nhưng tôi hoàn toàn không biết cô giáo Hạnh. Rồi biến cố cô giáo bị đuổi dạy quá tàn nhẫn, tôi mới biết cô giáo Hạnh. Các quán cà phê vĩa hè bàn tán rất xôn xao, lại có vài người phán mà tôi đã được nghe là “đáng đời” (?)
Cơ quan có quyền đuổi dạy là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam. Dĩ nhiên quyết định không nói là “đuổi” (tôi muốn dừng từ “đuổi” vì nó quá tàn nhẫn, vì nó quyết định số phận của một con người và ảnh hưởng không ít đến tình cảm của số đông học trò) mà ghi là “ cho thôi việc vì vi phạm kỷ luật” và ghi rõ nội dung đuổi là vì cô giáo Hạnh "đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục".
Có vài lần tôi trò chuyện với một số giáo viên cũng dạy môn ngữ văn ở Tam Kỳ -Quảng Nam, một số rất thờ ơ, số ít khác có chia sẻ, thông cảm… nhưng đều vô vọng. Thú thực, tôi là kẻ “ngoại đạo” (không phải là giáo viên), nhưng chí ít tôi cũng biết nội dung chương trình môn ngữ văn ở bậc THPT, vì lúc ấy con tôi đang học ở cấp này. Việc cô giáo trẻ, biết nhiều thông tin trên các phương tiên thông tin, rồi đem sự hiểu biết ấy nói lại với học trò của mình thì có gì gọi là vi phạm kỷ luật (?). Thời ấy, chưa có trang xã hội facebook nhưng các trang Web chia sẻ thông tin liên quan đến bộ môn ngữ văn rất phong phú, học trò trường chuyên cần khai thác theo tôi cũng là điều rất đáng quý, quý hơn là biết chọn lọc để thêm kiến thức, nhận thức. Điều đó là tâm niệm của cô giáo Hạnh, vì thực tế không ít học trò chui vào quán net để chát chít, chơi bời, không ít khai thác từ những trang đen, không phù hợp với tâm lý, sinh lý của các em.
Liên quan đến môn văn, hồi tôi học lớp 12 (năm học 1977 – 1978), phần giới thiệu và trích dẫn một số bài thơ trong tập thơ Nhật Ký Trong Tù của Hồ Chí Minh lại gán ghép cho đó là dòng văn học cách mạng ở giai đoạn 1930 – 1945. Đành rằng, cụ Hồ viết từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943, nhưng sau cuộc kháng chiến chống Pháp, tác giả mới giới thiệu, sau đó Viện Văn học tổ chức dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, rồi từ năm 1960 mới được phổ biến thì hà cớ chi xếp nó ở giai đoạn 1930 – 1945? Một điều chắc chắn rằng, thời trước năm 1945 và cả trước 1954, không ai biết tác phẩm ấy, ngoại trừ tác giả. Vì rằng, tác phẩm văn học lớn phải có đủ điều kiện công bố cho độc giả biết! Nói lại điều này để chúng ta thấy, nội dung các bài các bài văn ở sách giáo khoa dùng trong trường học phổ thông chưa thật ổn, chưa khoa học.
Cô giáo dạy môn ngữ văn, ngoài việc giảng theo đúng nội dung trong sách, có nhiều chuyện cần trao đổi với học trò của mình lại bị cấp có thẩm quyền “quy tội” là “vi phạm quan điểm nội dung giáo”. Chẳng lẽ, là thầy giáo không được quyền bày tỏ tâm tư, tình cảm riêng tư và cả nhận thức với học trò của mình hay sao?, mà đám học sinh ấy là tinh tú của tỉnh Quảng Nam, các em học trường chuyên. Nghe đâu hồi ấy, có một học sinh về nói chuyện lại với bố là cán bộ mà dẫn đến sự cố tàn nhẫn với một cô giáo.
Thân phận và số phận cô giáo Hạnh đến giờ này, tôi hoàn toàn không biết gì cả. Chỉ mong sao cô giáo được hạnh phúc, yêu đời. Và chẳng biết một học sinh là nguyên nhân đưa đẩy cô giáo ra khỏi bục giảng, giờ này em đang nghĩ gì với thân phận của ngời thầy?
Cô giáo Hạnh mà tôi viết trên đây là Thạc sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Bích Hạnh, quê ở Nghệ An, theo đạo Công giáo, có bố từng bị “cải tạo” đến 20 năm. Cô được Sở GD ĐT Quảng Nam ký hợp đồng làm giáo viên trại trường THPT chuyên tỉnh nhà theo diện “chiêu hiền, đãi sĩ” của tỉnh Quảng Nam.Thời điểm cô giáo bị đuổi là ngày 01/6/2009, lúc ấy cô vừa 28 tuổi, sau hai năm đứng trên bục giảng.
Phan Thanh Minh K9
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét