Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

LIỆU CƠM GẮP MẮM




Đi tìm gốc gác câu tục ngữ: “Liệu cơm gắp mắm”
(Bài viết tiếp theo “Mặn mà mắm cái…”. Người viết bài không đưa ra lời kết luận mà chia sẻ với các bạn)

Phan Thanh Minh K9

Để trả lời câu hỏi có hay không sản phẩm văn học dân gian địa phương, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn đưa ra các yếu tố riêng để minh chứng sự đóng góp của văn nghệ dân gian xứ Quảng (Quảng Nam và Đà Nẵng) trong gia sản chung của dân tộc. Đó là: 1. Về thể thơ (giới hạn thơ lục bát, khi đến Quảng Nam không còn nhiều nguyên thể sáu/tám ); 2.Về phương ngữ, 3.Về các chủ đề có liên quan mật thiết với nhau và gắn chặt với các hình thức diễn xướng (xem Văn nghệ dân gian Quảng Nam miền biển, Sở VH-TT, 2001). Ngoài các yếu tố trên, khi bắt gặp câu nói dân gian mà không có địa danh cụ thể thì khó xác định nó xuất xứ từ đâu, nhất là các câu tục ngữ. Ví như câu "cá không ăn muối, cá ươn" đã trở thành thành ngữ chung cho dân tộc, được giảng nghĩa rằng cá muốn khỏi bị ươn thì phải ướp muối; và nghĩa bóng là bài học về luân lý: "con cãi cha mẹ, trăm đường con hư”. Trên thực tế, chỉ các loại cá biển ướp muối mới để dành được thời gian lâu và trở thành mắm. Ở đồng bằng Bắc Bộ, người ta cũng biết làm mắm từ cá đồng, bảo quản thời gian chừng nửa tháng, nhưng trước đó cá phải được nấu chín. Và như chúng ta đã biết, mắm làm từ cá biển là cách thức của người Việt học ở người Chăm trong quá trình hai dân tộc sống hòa mục với nhau (trước năm 1975, vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ vẫn chưa có công nghệ làm mắm từ cá biển). Do vậy, phải chăng không gian ra đời câu thành ngữ "cá không ăn muối, cá ươn" chỉ có thể xuất xứ từ Hà Tĩnh trở vào miền Nam? Còn câu tục ngữ "liệu cơm gắp mắm" được giảng theo nghĩa "tùy theo tình hình khả năng thực mà làm, sử dụng hay xử lý công việc nào đó cho đúng mức và thích hợp với hoàn cảnh cụ thể”. Ví như "xem chừng cơm trên bát hoặc trên mâm còn bao nhiêu mà gắp thêm mắm cho vừa đủ, chớ để dư thừa". Mắm ở câu tục ngữ này không thể là mắm nước, mắm ruốc. Vì lẽ các loại mắm này không thể gắp được, mà phải dùng động tác múc. Mắm để gắp được chỉ có duy nhất là mắm có xác, tức là loại mắm cái thông dụng ở xứ Quảng Nam. Tôi đã từng ăn mắm cá đồng ở miền Bắc cũng không thấy ai gắp mà chỉ có múc; cũng như vậy, tất cả các loại măm: ruốc, tôm, nước mắm… không phải là đống tác “gắp” (tức là dung đũa đế thực kiện điều kiện nói trên). Trong bối cảnh thực của vật chất và động tác hiển hiện ra, câu tục ngữ "liệu cơm gắp mắm" có thể xuất xứ tại Quảng Nam, rất mong được trao đổi với bạn đọc về nghi vấn này.
Thử liên hệ đến một câu chuyện riêng: trước khi cưới vợ, cha tôi thường nhắc “liệu cơm gắp mắm" để khuyên nhủ việc lo toan, sửa soạn lễ sao thích hợp với điều kiện nhà nghèo của mình mà vẫn chu đáo với khách được mời. Quả thật, biết "liệu" sẽ giúp ta bớt đi sự hụt hẫng trong mọi việc. Vậy nên,
ngoài mục đích tầm nguyên để xác quyết gốc gác của câu tục ngữ, hẳn mỗi chúng ta trước hết đã “thấm” phần nào cái ý nghĩa phổ quát mà gần gũi của kinh nghiệm dân gian “liệu cơm gắp mắm” ấy rồi…

.
PHAN THANH MINH K9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét