Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

VỀ AN BIÊN.


     Định là sẽ đi sớm, nhưng lần lữa việc này việc khác, mãi đến hôm nay 28 tháng 9 2014, Đông Giang Sài Gòn mới thực hiện được ý nguyện về An Biên của mình.

     Sáu giờ sáng,  chiếc Inova bảy chỗ ngồi đưa chúng tôi thẳng tiến về Rạch Giá.

     Cặp đôi hoàn hảo Thông _Thiệp (khóa 9 và khóa 10 ĐG ) vốn chu đáo đã chuẩn bị đầy đủ buổi sáng gồm café và bánh mì .Trên xe, chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Lần nào cũng vậy, hễ gặp nhau là bà tám đủ thứ trên đời. Ai cũng nhớ cũng vào tháng 9 này năm ngoái khăn gói rộn ràng về với Đông Giang .

      Xe ra khỏi thành phố về phía Long An, vào cao tốc Trung Lương rồi bon bon trên những dặm đường qua Tiền Giang,  Vĩnh Long, Đồng Tháp …Qua những phố  xá, những khu công nghiệp, cảnh sắc những làng quê sông nước dần hiện ra vừa quen thuộc vừa có nét đặc thù. Những đồng ruộng mênh mông tít tắp, những miệt vườn cây trái sum suê, những con sông đục ngầu phù sa …Và những căn nhà lá dựng bên sông.  Mảnh đất phương Nam màu mỡ vậy mà nhiều  người con của phương Nam cho đến bây giờ  lại vẫn cứ sống cuộc đời hoang sơ  không khác gì  cha ông của họ thời đi mở đất.  Bất chợt nghĩ về những em bé miền Tây đến trường phải đi qua những cây cầu khỉ lắc lẻo gập ghềnh,  những em gái miền Tây mười tám  xinh tươi bỗng như những con phù du bé nhỏ  vây quanh  những quầng sáng ở chốn phù hoa .

    Đến Rạch Giá đã gần 12 giờ trưa. Gặp chị Phụng, vợ anh Đình tại quán cơm Sáu Minh.
Người phụ nữ ấy  chân chất hiền hành ấy, dẫu vất vả cực nhọc trăm bề vẫn còn đôi nét đẹp của một thời con gái. Sau bữa cơm trưa có món canh rong biển tươi thật lạ miệng, chị đưa chúng tôi về nhà của anh chị ở xã Nam Yên, huyện An Biên  bằng chiếc xuồng nhựa composite , người phương Nam gọi là chiếc vỏ lãi. Ở một xứ sở mà kinh rạch sông ngòi chằng chịt, chiếc vỏ lãi  dài gần 6mét   rộng khoảng  0,75 mét này tiện dụng  chẳng khác gì chiếc xe máy trên bờ. Mưa, nên phải mặc áo mưa. Từng người bước xuống, máy nổ,  xuồng chòng chành đôi chút rồi nhẹ nhàng,  uyển chuyển lướt trên sông như một con rắn. Từng nhiều lần ra Cù Lao Chàm trên xuồng cao tốc nhưng  vẫn không khỏi chút ngại ngùng  vì không có áo phao bảo hộ. Chị Phụng cười thật hiền và nói sông cạn lắm, hổng có sao đâu. Nước gần đến nỗi đưa tay ra là với được. Mưa tạt vào mặt. Gió thổi ào ào trên sông. Hai bên bờ dừa nước, tràm, mắm xanh um nghiêng mình theo gió. Thỉnh thoảng thấy một cái chài cá  vãi trên sông óng ánh ánh sáng mặt trời. Thực sự cảm thấy rất thú vị! Mấy chị em Thúy Liễu, Thiệp  …tranh thủ tạo dáng trước ống kính của phó nhòm Đức Thông. Hồng Quang chắc vừa lạnh vừa sợ nên bó gối ngồi co ro. Tiếc là chuyến đi không có “cô nàng sự cố’’Lưu Bích Ngọc. Càng tiếc hơn vì chị Lệ Chi đã đến tận nơi mà vì bệnh đột xuất phải ngồi lại trên bờ!


       Xuồng xuôi theo sông, sông đổ dần ra biển. Trước mắt chúng tôi là một vùng trời biển thăm thẳm mênh mang. Bầu trời màu lam nhạt. Nước biển  không xanh mà lờ đờ màu phù sa . Không có bờ cát vàng cát trắng mà chỉ toàn bãi  bùn xám xịt, rễ mắm đâm bám vào bùn mà vượt lên, hết lớp này đến lớp khác. Người ta nói cây mắm là cây tiên phong lấn biển. Mắm mọc được rồi, mắm chết đi rồi mới đến lượt đước, tràm …giữ đất cho người. Hòn Tre đã trông thấy thật gần. Xuồng tắt máy, mấy anh thanh niên ngồi nhậu gần đó giúp chúng tôi leo lên cái sàn  y như cái giàn giáo dựng bằng thân cây tràm, đi trên cái sàn ấy qua mấy căn nữa mới tới nhà của anh Đình. Nhà ở đây là nhà lá đơn sơ, còn người thì  ai cũng chung phận nghèo như ai, từ sáng đến chiều đánh bắt tôm cá trên sông trên biển. Có lẽ vì vậy nên chỉ là hàng xóm mà sống thân thiết gần gũi với nhau, nhà nọ cứ chạy qua nhà kia như cùng một nhà .
       

     
        Nhóm bảy người chúng tôi  chỉ có chị Huỳnh Thị Thiệp học cùng lớp với anh Đình. Ban đầu anh còn chưa nhận ra chị. Thời gian gần 40 năm qua rồi còn gì. Nhưng có lẽ anh rất cảm động . . Một bàn tay đã bị teo cơ của anh cứ giật giật. Khuôn mặt khắc khổ của anh  lại thoáng hiện  những nét đẹp của thời trai trẻ sáng bừng. Năm năm kể từ khi bệnh tật ập đến, có lẽ đây là lần đầu tiên anh lại có được nụ cười hạnh phúc hồn nhiên .

       Ngôi nhà ân tình mà thầy trò Đông Giang và những bạn bè khác tặng cho gia đình anh Đình cũng  chỉ là một ngôi nhà đơn sơ trên nền ngôi nhà cũ. Mái lợp bằng tôn, vách và sàn bằng gỗ, có phòng khách, phòng ngủ và nhà bếp khá rộng rãi .  . Anh  Việt Bình khóa 8 có gửi đoàn tặng anh một cái đồng hồ treo tường. Anh Đỗ Xuân Khẩn khóa 6 đại diện cho đoàn gửi anh số tiền hơn 20 triệu đồng còn lại  để mua sắm thêm vật dụng trong nhà. Chừng ấy nhưng có lẽ cũng đủ để  một gia đình gồm cả vợ chồng con cái  cảm thấy ấm áp bên nhau ngay cả khi mùa gió về .
       



        Từ biệt gia đình anh chị, chiếc xuồng rẽ nước dần xa, chúng tôi vẫn thấy anh, với một bàn tay còn lại cứ vẫy vẫy. Và chị, đưa chúng tôi lên bờ, quay mặt trở lại xuồng, đưa tay lén gạt nước mắt.

         Đường về An Biên xa ngái, biết đến bao giờ còn gặp lại ?

Hà Thị Lệ Hà K8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét