Truyện ngắn của Phan Trang Hy (Phan Thanh Bình K5)
Gần đến Trung thu, thằng Quân háo hức chi
lạ. Nghe cô nói năm ni các học sinh lớp 6 phải làm lồng đèn để chơi. Cô khuyên,
đã lên học trung học rồi, nên làm chớ không nên mua. Có thế mới thấy ý nghĩa
của cái Tết Trung thu. Chớ mua dù có đẹp nhưng cũng chẳng có kỷ niệm gì sau
này. Nghe cô nói vậy, thằng Quân chỉ biết thế, chứ nó chưa thấy ý nghĩa, kỷ
niệm gì cả. Nhưng nó nghe lời cô. Nó phải nhờ ba nó hướng dẫn nó làm mới được.
Mấy năm trước, ba mẹ thương nó nên thường
mua lồng đèn bán sẵn. Có khi là lồng đèn xe hơi, con cá, hay thứ gì khác, đều
là lồng đèn bằng nhựa có pin… Có thể, một thời hợp mốt đối với trẻ con. Nhưng
rồi, vài năm trở lại đây, mốt lồng đèn được sản xuất tại Trung Quốc không còn
hợp thời. Xu hướng chọn đồ chơi cho trẻ có khác trước.
Và qua lời cô, nó biết lồng đèn thắp bằng
pin không phải là lồng đèn truyền thống. Và nó cũng từng nghe cô giáo nói có
một số lồng đèn do Trung Quốc làm có chứa độc, nên nó sợ. Nhưng gần đến Trung
thu rồi, lấy chi chơi đây, nên nó lại hỏi và nhờ ba:
- Ba ơi!
Con không thích lồng đèn nhựa của Trung Quốc. Ba đừng mua nghe. Con thích chơi
lồng đèn tự làm. Ba bày con làm nghe.
Nghe Quân
yêu cầu, ba nó chép miệng:
- Tiếc
thật! Ba muốn cùng con làm. Nhưng ba bận quá. Con nhờ nội đi. Nội con bày là
nhất đó.
Quân năn
nỉ ba, nhưng ba vẫn nói bận. Không còn cách nào khác, Quân nói lí nhí:
-
Dạ. Con sẽ nhờ nội bày.
Mấy bữa nay, thằng Quân chưa dám nhờ nội.
Nó đợi chiều, đi học về, nó sẽ nói với nội mới được. Trung thu gần đến rồi mà.
Không nhờ nội thì làm sao có lồng đèn chơi.
Vừa vào nhà, thằng Quân thấy nội đang tưới
nước mấy chậu mai, nó bèn chạy lại bên nội, nói:
-
Nội ơi! Gần Trung thu rồi, nội
bày con làm lồng đèn nghe!
Vừa tưới nước, lão cười nói:
- Cái
thằng, bữa ni bắt nội bày làm lồng đèn, lạ ghê, Mà sao con biết nội làm được?
Nghe
thằng Quân kể lại là ba nó nói thế, lão Thạc thấy vui vui. Lão cười:
-
Cái thằng cha mi! Được, nếu con
thích thì ông cháu ta cùng làm.
Thế là, hôm sau, lão Thạc tìm tre. May mà
quê lão vẫn còn tre. Dù quê có thay đổi, làng như phố, nhưng tập tục, ruộng
vườn vẫn còn. Những lùm tre bên sông vẫn còn. Chiều chiều có những con chim về
đậu. Chiều chiều vẫn khói đồng sau mùa gặt. Vẫn những tiếng cười, tiếng nói mộc
mạc đậm chén mắm cái chấm với rau lang, rau muống luộc. Lão gật gật cái đầu,
mỉm cười một mình. Mắt lão nhìn con đường bê tông trước mặt. Quê lão có cuộc
sống hiện đại hơn. Rồi điện về. Nhà lão có ti vi màn hình phẳng. Thằng con lão
lại bắt cả kỹ thuật số. Nhiều kênh chi lạ. Không những phòng khách có cái ti vi
to đùng, mà phòng ngủ của thằng con lão cũng có. Bọn trẻ bây giờ sướng thật.
Quê mà có tủ lạnh, quê mà có máy giặt, xe hơi…
Vừa đi vừa ngẫm nghĩ, lão thấy sướng cả
bụng. Chợt lão nghe tiếng gọi:
-
Nè, ông Thạc ơi, đi đâu đó? Có
rảnh ghé tôi uống chén nước chơi. Có
chút chè của thằng cháu mới mua.
Thì ra lão Đôn. Là bạn từ thời còn học
trường làng đến giờ. Hơn 50 năm là bạn của nhau. Có chút vui, chút buồn họ đều
chia sẻ cùng nhau. Thấy lão Đôn ra tận cổng đón, lão Thạc nắm tay bạn, nói:
- Được
thôi. Nhưng không ngồi lâu đâu nghe. Tôi phải đi tìm tre làm lồng đèn cho thằng
cháu nội.
- À, ra
rứa. Tưởng chi, chứ tre nhà tôi có. Mình uống nước, nói chuyện chơi chút đã,
rồi tôi đưa tre cho.
- Rứa là
may cho tôi rồi.
Hai lão ngồi uống nước, nói chuyện. Chén
nước chè làm tuổi già vui thêm. Tình quê đậm đà qua chén nước.
Và cái tình quê của hai lão lại rôm rả,
xôm trò qua trò chuyện. Dù cảnh quê có thay đổi, nhưng tình làng xóm vẫn như
ngày nào. Nhiều khi mưa gió, đúc được cái bánh xèo họ cũng đem cho. Có con cá
tràu bắt được, làm mỳ, cũng mời nhau. Nhà có giỗ, cũng đem phần kỉnh hàng xóm.
Nếp quê vẫn như cái thời hai lão còn con nít.
Hai lão
nói không biết bao nhiêu chuyện. Nào là chuyện chuẩn bị tế Thu; nào là chuyện
chuyển cơ cấu cây trồng sao cho hợp với hoàn cảnh khi Hòa Vang có chính sách hỗ
trợ nông dân. Toàn chuyện vui. Mà không vui sao được, khi tuổi già thấy con
cháu yên ấm, thấy làng xóm thương yêu nhau. Tình làng nghĩa xóm như hàng tre cứ
xanh trên bờ sông Túy Loan, như hương lúa ngày mùa, như làng vào hội đình nhân
lễ Kỳ yên, cầu quốc thái dân an… Hai lão cũng bàn chuyện năm đến làng tổ chức
lễ hội. Hai lão đều ước năm đến lễ hội đình làng Túy Loan cũng được nhiều người
tham dự như làng Phong Lệ ở Hòa Châu tổ chức lễ hội Mục đồng vừa rồi.
Rồi,
chuyện cũng vãn. Lão Đôn tìm mấy khúc tre đưa cho lão Thạc. Cầm tre từ tay bạn,
lão Thạc cười nói:
- Cảm ơn
ông nghe!
Tiễn lão
Thạc ra tận cổng, lão Đôn vỗ vai bạn:
-
Thôi, ông về.
Những ngày sau đó, khi hai ông cháu rảnh,
lão hướng dẫn thằng Quân làm lồng đèn. Thực ra, lão làm đủ thứ, nào là chuốt
tre, chặt theo kích cở. Thằng Quân chỉ ngồi bên hỏi đi hỏi lại cánh làm. Nó
cũng cột được vài chỗ. Đặc biệt, khi dán giấy màu trên lồng đèn, thằng Quân nói
với lão:
- Ông bày
con vẽ bản đồ Việt Nam có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nghe ông.
- Được
thôi. Ông sẽ bày.
Rồi lão
hướng dẫn thằng Quân vẽ đường cong hình chữ S. Tiếp đến lão chỉ cách tạo thành
2 quần đảo với những chấm nhỏ xinh xinh. Nhìn cũng được. Rõ ràng trước mắt hai
ông cháu là hình ảnh nước Việt Nam thân yêu với hai quần đảo như châu ngọc trên
biển Đông. Nhìn cây cọ chấm màu trên tay thằng Quân, lão như thấy đó là bàn tay
của lão khi còn bé, học ở trường làng. Ngày xưa, ngày xưa, đối với lão như mới
đây. Lão cũng làm lồng đèn, nhưng giấy dán chỉ là giấy vở, đâu đẹp như bây giờ.
Còn màu thì lấy nào than, nào gạch, nào nghệ, lá cây... giã ra, cho tí nước
vào. Thế là cũng thành hoa, thành chim, gà, cá… được vẽ cho lồng đèn thêm đẹp.
Đến Trung
thu, thằng Quân đem lồng đèn cùng mấy đứa trẻ dạo chơi quanh xóm. Trống múa lân
rộn ràng. Lão Thạc cũng rộn ràng theo nhịp trống. Lòng lão rộn lên lời hát:
“Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ…”.
Quê lão
còn biết bao chuyện còn phải làm. Lão mơ như thằng Cuội già năm nào. Giấc mơ
của lão không là tiếng hát xẩm của con dế mèn. Mà giấc mơ của lão là thấy quê
thay đổi. Càng già, lão càng hiểu sự thay đổi nào cũng phải trải qua những trở
trăn, lột xác. Có trở trăn, lột xác nào được êm ả?
Tiếng
trống vẫn rộn ràng. Trăng trên trời ngời sáng. Trước mắt lão là xóm làng lão,
là ngôi nhà lão, là con cháu lão. Và trên tay thằng Quân là ánh đèn ngôi sao lung
linh. Trên tay bọn trẻ là những ánh sáng nhảy múa theo nhịp trống múa lân. Lão
thấy hình bóng của lão, hình bóng của lão Đôn, của bạn bè trong làng ngày xưa
hiện về. Tất cả đang rước đèn mừng Trung thu.
Lão thấy
bản đồ Việt Nam có cả Hoàng Sa, Trường Sa trên lồng đèn. Quê lão mừng Trung thu
trong ánh đèn con trẻ. Hòa Vang quê lão rộn ràng trong tiếng trống múa lân.
Đêm
khuya. Trăng sáng dịu hơn. Cả làng yên bình dưới trăng ngà như mọi khi. Trăng Hòa
Vang đêm nay vẫn thế!
Tháng 8 –
2014
Phan
Trang Hy
( Phan Thanh Bình K5)
Xin mời Quý thầy cô nghe đọc truyện CÁNH VẠC BÊN ĐỜI của Phan Trang Hy trong Người Thầy Dạy Búp Bê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét