Vịn vào câu
nói dân gian “Quảng Nam hay cãi...”, lâu nay người ta thường gán ghép người
Quảng Nam có tính hay cãi thật! Rồi nhiều giai thoại, nhiều mẩu chuyện tiếu lâm
tếu táo các kiểu: “cãi ba phải”, “cãi chày cãi cối”, “lý sự cùn”... kể về một
số nhân vật, sự kiện liên quan đến con người Quảng Nam, kể cả liên quan đến
những sự kiện lịch sử và danh nhân đất Quảng. Theo ý riêng, bài vè “Quảng Nam
hay cãi/ Quảng Ngãi hay lo/ Bình Định nằm co/ Thừa Thiên ních hết...” có xuất xứ từ các địa phương như đã kể, và
lai lịch của nó, có thể ra đời trong hoặc sau sự kiện khởi nghĩa Duy Tân năm
1906 (?).
Về đề tài
này, chúng tôi sẽ trình bày cặn kẽ hơn vào dịp khác. Lần này, chúng tôi chỉ nêu
những chính kiến, tranh luận giữa Phan Khôi (người mệnh danh là Ngự sử văn đàn,
“lý sự Phan Khôi” ở nửa đầu thế kỷ trước) với những người đồng hương và cả đồng
chí với ông.
Như chúng ta
đã biết, trước năm 1945, trên văn đàn và báo chí, Phan Khôi đã từng tranh luận với học giả Trần
Trọng Kim về Nho giáo, với Trần Huy Liệu về sử học, với Phạm Quỳnh về lý luận
Truyện Kiều và mạnh dạn công kích ông Phạm là “học phiệt”, với Tản Đà và Nguyễn
Tiến Lãng về vấn đề luân lý- đạo đức của
người Việt, với Hải Triều về Duy tâm/ Duy vật,... và hầu hết các cuộc tranh luận trên văn đàn
nửa đầu thế kỷ XX như: Nghệ thuật vị
nghệ thuật/ Nghệ thuận vị nhân sinh, Thơ mới/ Thơ cũ, Dâm hay không dâm?... Còn
đối với những người Quảng, đáng kể là phải kể đến các cuộc tranh luận “nảy lửa”
về Quốc học với Lê Dư và nhiều vấn đề với nhà báo nổi tiếng khác là Huỳnh Thúc
Kháng.
Tất nhiên,
các cuộc tranh luận nói trên, không phải điều gì Phan Khôi cũng đúng. Nhưng
điều chắc chắn rằng, với sự hiểu biết đạt độ “uyên thâm” nhiều lĩnh vực, biện
hộ rành mạch..., Phan Khôi cùng các học giả khác đã đưa diện mạo văn học, học
thuật nước nhà một thời vang bóng, khiến
công luận khắp cả nước lưu ý. Điều đó đã phần nào minh chứng ông Phan Khôi có
cốt tính “hay cãi” và người ta thường gán cho ông là “lý sự Phan Khôi”.
Chọn đề tài
với những danh nhân đất Quảng, phần nào để chúng ta nhận diện cốt tính của Phan
Khôi: tranh luận để tìm ra lẽ phải, nói những điều cần được nói, khí tính không
vị nể một ai – dù đó là bậc tiền bối, bậc cha chú và cả người thân của mình.
Trước tiên, chúng tôi muốn đề cập đến Phạm Phú Thứ quê ở làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Điện Trung, cùng ở đất Gò Nổi, huyện Điện Bàn ; từng đỗ song nguyên, thi hội và thi hương đều đỗ đầu, 22 tuổi đỗ Tiến sĩ; từng làm quan đến chức Tổng đốc, rồi chức Thượng thư Bộ Hộ; nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, được nhân sỹ xứ Quảng kính trọng. Vốn là người cương trực nên có lần dâng sớ can ngăn vua Tự Đức không nên ăn chơi xa xỉ mà bị cách chức, giam ở nhà lao Thừa Thiên và bị đày truất làm lính trạm.
Trong hoàn cảnh ấy, ông vẫn cam chịu làm bậc “tôi trung” để
sau này trở lại làm Than tri Bộ Hình. Năm 1863, ông được sung vào sứ bộ cùng
với Phan Thanh Giản và Ngụy Khắc Đản sang Pháp thương thuyết xin chuộc lại ba
tỉnh miền Đông Nam kỳ cũng không đem lại kết quả. Song trong thời gian đi dài
ngày sang Pháp và Tây Ban Nha, ông âm thầm ghi chép tỉ mỉ những chuyện “mắt
thấy tai nghe” về khoa học công nghệ phương Tây để viết nên Tây phù thi thảo và Tây hành nhật ký. Đến nay tác phẩm này vẫn còn giá trị với lịch sử
trong nước và thế giới. Thế nhưng, dưới con mắt của ông Phan, Phạm Phú Thứ chưa
biết gì về văn hóa phương Tây khi cụ đi sứ ở Pháp. Trên Sông Hương, số 3 (ngày 15/8/1936),
nhân “nhắc lại và bàn qua một bài thơ của cụ Phạm Phú Thứ” tại bài viết Văn hóa phương Tây dưới mắt một người bẩy
mươi năm trước, ông Phan có ghi lại bài thơ chữ Hán “Đông Tây dị chú”:
“Đông phương nhật dĩ xuất,
Tây
thổ kê vị minh.
Nha
bải tề chương phục;
Quân
tiền tự hữu sinh.
Nhất
bôi trà hậu tửu;
Bán
diệp thựck tiền canh.
Trọng
khách đồng diên tiếp;
Đơn xa tá bạn hành.
Sở do đồ kí dị,
Vở quái bất đồng tình!
Được
Phan Khôi giải nghĩa:
Phương Đông mặt trời đã mọc,
Cõi Tây trười chưa gáy.
Việc quan xong, ai nấy ăn mặc như nhau.
Giữa chiến trường hai người lính tự tình
bầu bạn;
Một chén rượu sau khi uống trà xong;
Nửa đĩa canh trước khi ăn bữa.
Vì trọng khách nên vợ chồng đồng ngồi mà
tiếp;
Đi xe một mình, mượn người đàn bà để đi
cho có đôi;
Hai bên đã noi con đường khác nhau,
Sự không đồn tình với nhau không lấy làm
lạ!
Qua bài viết ấy, ông Phan đã muốn nói lại cho rõ là “hai
cái văn minh khác nhau là về trình độ chứ không phải về tính chất” và ông đã kết luận; “nói người Tây không biết
nhân, nghĩa, lễ, trí, thật là một câu nói cả gan! Nếu người Việt Nam đời nay mà
còn nói như thế thì quả cái nước này vô phúc”.
Rồi sau đó, cũng trên Sông Hương, số
20 (ngày 12/12/1936), trong bài viết: Chữ
Pháp của cụ Phạm Phú Thứ, ông Phan lại tiếp tục chê cụ Phạm thật “đáng
thương hại” khi tiếp xúc với văn minh phương Tây và cả chuyện không dịch nổi những sự vật hiển
nhiên, đành phải diễn âm thành chữ Hán trong tác phẩm Tây phù nhật ký nổi tiếng. Xin được trích đoạn văn sau đây: “Thì
đây,
chúng ta hãy mỉm một nụ cười với người xưa: Cô lê tít la tiếp/ Đề bô tê/ Xi na tư/. “Cô
lê tít ta tiếp tức là Corps législatif mà
ngày nay chúng ta dịch là “Lập pháp Hội nghị”; “Đề bô tê” tức là dé buté , bây giờ thường dịch là “nghị
viên”; và “Xi na tư” tức là Sénateur, “nguyên
lão nghị viên” vậy {....}. Vẫn biết rằng tiếng Việt Nam hồi ấy rất thiếu thốn,
nhưng một cụ Phạm Phú Thứ, một cụ Phan Thanh Giản, một cụ Ngụy Khắc Đản là
những bậc thâm nho, lẽ nào sau khi nghe người ta cắt nghĩa rõ ràng thế nào là député, thế nào là Jardin zoologique d’acclimatation lại không có thể tìm những chữ
Hán mà dịch hay sao. Không chịu khó, vẫn là cái bản tính của người An Nam.”
Mà đâu có phải riêng cụ Phạm Phú Thứ, ngay cả cụ Phan Châu
Trinh, là người đã dìu dắt ông Phan đến với phong trào Duy Tân, cũng là đồng
chí với cụ Trần Quý Cáp là thầy dạy của mình. Bài báo Nhớ ngày 24/3 – Tây Hồ Phan Châu Trinh trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 44 (20.3.1930), ông hết lời ca tụng:
“Phan tiên sanh là người thế nào, có ảnh hưởng cho quốc gia xã hội thế nào,
đáng làm gương cho bạn hậu thế thế nào. Vậy mong hàng năm cứ đến ngày 24-3 này,
nhớ bậc tiên sanh lo việc nòi giống đến bạc đầu mỏi gánh non sông rồi nhắm mắt,
thì ta nên ghi sự nghiệp của tiên sanh mà đừng quên, noi gương sáng của tiên
sanh mà tự miễn”. Nói về sự học, Phan
Khôi rất phục Phan Châu Trinh “không
có học nhiều mà có thức rộng. Phàm người cần phải có học nhưng học lại cần phải
có thức, nếu học mà không có thức thì cũng như không học. Sự học của Phan
mà hơn người là không tại nhiều về đàng học mà tại nhiều về đàng thức. Mỗi lời
nói mỗi việc làm trong đời Phan đều chứng tỏ ra sự đó”. Thế nhưng, nói về Tây
học, ông Phan không hề kiêng dè chê Phan Châu Trỉnh rằng, “Còn về Tây học thì
Phan không có mấy tuy là ở Pháp mười bốn năm mà cũng không hề học chữ Pháp”.
Qua bài viết ấy, chúng ta thấy rằng Phan Khôi quả là người rất thẳng thắng.
Liên tiếp
trên các số 7, 8, 9 tại mục Lịch sử ký sự
trên tuần báo Sông Hương (năm
1936), Phan Khôi đã công bố bài viết:
Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân
trong cuộc biến ở Huế 1916 để phản bác lại ý kiến của Trần Huy Liệu có bài
viết trên báo Tiến Hóa ở Hà Nội năm
trước và của Việt An trên báo Mai số
20 đều cho rằng Trần Cao Vân là “tay chủ động” về cuộc biến động ở Huế năm
1916. Là người đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với Trần Cao Vân, nhất là trong thời
gian cả hai bị giam ở nhà ngục Faifo (Hội An) sau Mậu thân dân biến 1908, đồng
thời ông Phan là người của phong trào Duy Tân
(do bộ ba Phan Châu Trinh – Trần Quý Cáp – Huỳnh Thúc Kháng đề xướng và
hành động) trước đây, cũng như tự bản thân ông đã theo lời Phan Bội Châu (lãnh
tụ tinh thần của Hội Duy Tân, sau này là Việt Nam Quang Phục Hội) thuật lại và
các nhân chứng khác, nên ông Phan khảng khái nói lại: “Không, không phải thế.
Bây giờ vẫn còn có mấy người nhúng tay trong việc ấy đương sống, họ có thể làm
chứng chắc rằng chủ động là Thái Phiên chứ không phải Trần Cao Vân”. Trần Cao
Vân theo cách nhìn của Phan Khôi là:
“nửa là nhà Nho gàn, nửa là thầy bói kiêm thầy pháp, lời khảo ngữ ấy, nếu ai đã
biết Trần, đều cho là đúng./ Cao Vân ở làng Tư Phú, giáp với làng tôi, vả lại
vào lớp trước tôi chẳng bao xa,
cho nên tôi biết y khá rõ./ Con một vị hào phú trong làng, Cao Vân từ
nhỏ đi học chữ Nho vào hạng học trò thông sớm. Trong lúc y trên dưới hai mươi
tuổi, vì một cớ trong gia đình sao đó, không biết, y bỏ nhà ra đi, chừng 15, 17
tuổi thì thấy đồn rùm lên rằng Trần Cao Vân đã trở về và đã “đắc đạo” {....}.
Bắt đầu từ khi trở về, Trần làm mình ra như một trang đạo sĩ. Thường bịt khăn
đen và ngồi yên lặng đến hàng giờ. Y nói với người ta rằng trong lúc y đi lưu
lạc, có ở tại Ngũ Hành Sơn, nửa đêm thần nhân hiện đến cho y một quyển sách.
Trong sách nói về “cái đạo Trung thiên Dịch”, cái đạo mà sau đó Trần lấy làm
căn cứ xướng lên một cái thuyết để dụ người ta theo mình”. Thực hư nội dung sách Trung thiên Dịch là cái gì? Theo Phan Khôi, ấy chỉ là điều “nói
khoát” và những đồ đệ theo Trần Cao Vân chỉ là hạng người: “ngu dốt, họ tôn
thầy họ là ông thánh mà chẳng biết thầy họ muốn nói gì”. Trước hết phải nói
rằng, khi giác ngộ theo phong trào Duy Tân, ông đã thoát ly với tư tưởng cũ,
không tin xằng bậy thói mê tí dị đoan và cực lực phản đối tư tưởng Tống Nho,
nên Phan Khôi không phục Trần Cao Vân, và xem cụ Trần không có tài lược làm
việc lớn. Ông Phan đã gay gắt nhận định: “Xem một điều y đặt tên mình là “Cao
Vân” mà tự “Ứng Long” thì đủ biết. Cái tư tưởng “rồng mây” ở thế kỷ XX này còn
chẳng phải tư tưởng hủ lậu là gì!”. Phân tích kỹ càng về thái độ của cụ Trần
cũng như theo lời thuật lại của Phan Bội Châu, Thái Phiên mới là người “tình
sâu nghĩa nặng” với vua Duy Tân, đồng thời Thái Phiên “lợi dụng” Trần Cao Vân,
vì Trần có nhiều “đồ đảng”. Cho nên, nói về cuộc khởi nghĩa này, ông Phan đã
kết luận: “... địa vị Thái Phiên là ở chánh mà Trần Cao là ở phụ. Trần quả
không phải là tay chủ động trong cuộc ấy./ Cứ như tôi biết thì Trần Cao Vân vào
với Thái Phiên còn ở sau Lê Đình Dương nữa. Vì Lê gặp Thái Phiên từ tháng chín năm trước mà
tháng giêng năm sau Trần mới gặp” . Đọc hết bài ký sự này, chứng tỏ rằng bản
lĩnh thẳng thắng, sòng phẳng của Phan Khôi trước lịch sử và cả những vong linh
của những người con ưu tú của nước Việt nói chung, đất Quảng nói riêng.
Cụ Phó
bảng Phan Trân chỉ có hai người con là Phan Khôi và Phan Thị Diệm. Bà Diệm là
vợ của Lê Dư, hiệu là Sở Cuồng, người cùng quê Điện Bàn và là bạn học với ông
Phan hồi ở quê, chuyên lo nghiên cứu cổ
sử và văn học cổ tại trường Viễn Đông Bác Cổ. Khi Sở Cuồng làm chủ biên bộ tùng
thư lấy tên là Quốc học tùng san cho
rằng, cái học ở nước ta có thể gọi là “quốc học”. Ông Phan không đồng tình cách
nhìn nhận này. Bài viết Luận về quốc học đăng
trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số94 (6.8.1931) và Đông tây, Hà Nội, số 96 (12.8.1931); số 97 (19.8.1931) đã viết to tướng dòng chữ dưới tiêu đề bài viết: “Cái học ở nước ta từ
trước có thể gọi là quốc học được không? – Văn học với quốc học – ông Lê Dư
định biên tập Việt Nam văn học sử hay là Quốc học sử?”, rồi ông lại gay gắt: “Nói đến nước ta. Tôi muốn đặt ra một câu hỏi: Nước
ta có quốc học không? Cái học của nước ta từ trước có thể gọi là quốc học được
không?/ Cho được trả lời câu hỏi ấy, ông Phạm Quỳnh nói không, ông Trịnh Đình Rư
nói không, tôi nói không; ông Lê Dư nói có {….}. Những cái luận điệu đó, tưởng ít nữa ông Lê Dư cũng có thấy qua, song
ông chừa tôi ra, là vì ông
cùng tôi có tình anh em riêng, với tôi,
ông càng không muốn rắc rối hơn với ông Phạm Quỳnh nữa./ Ông Lê Dư có lòng tốt
với tôi như vậy, tôi nỡ lòng nào đi phụ cái lòng ấy của ông? Song tôi nghĩ, cái
chơn lý giữa cõi học nó bắt phải để riêng cái tình anh em trong một nhà. Bởi
vậy, trong việc nầy, tôi phải để mình về hai ông Phạm và Trịnh kia, viết bài
nầy, cùng ông Lê thương xác lại vấn đề ấy”. Theo lời thuật lại của con trai ông
là Phan An Sa, thời gian đầu (cuối tháng 6/1946), ông ra Hà Nội theo lời mời
của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, được trọ tại nhà ông Lê Dư và họ gặp nhau sau bảy năm
thật hả hê chuyện trò; sau cuộc kháng chiến chống Pháp, ông lại về Hà Nội và
người đầu tiên ông tìm đến cũng là ông Lê Dư. Nói như vậy để chúng ta thấy
rằng, tình cảm gia đình anh em của họ rất sâu đậm, họ chia sẻ tình cảnh thân
phận cá nhân và gia đình trước thời cuộc, vận mệnh đất nước,thế nhưng về học
thuật, hai người có cách nhìn khác và họ đã tranh luận thẳng thắng theo quan
niệm và lập luận của riêng. Sau mười năm cuộc tranh luận ấy, người con rể của
Lê Dư là Vũ Ngọc Phan (chồng thi sĩ Hằng Phương) phải lên tiếng bằng bài viết Chung quanh cuộc tranh luận giữa Lê Dư, Phan
Khôi và Nguyễn Trọng Thuật về vấn đề quốc học,
cho rằng bố vợ mình đã sơ xuất việc dùng chữ theo nghĩa mới, nên nhà
phê bình sắc cạnh là Phan Khôi mới lên tiếng “quốc học và văn học là khác
nhau”. Và chính nhà phê bình họ Vũ đã phân xử: “ Phan Khôi đã giải nghĩa hai
chữ “quốc học” theo người Tàu gần đây. Còn Sở Cuồng muốn bắt chước người Nhật
mà lập lấy một nền quốc học Việt Nam”. Sau này trong tác phẩm Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã nhận
định về Lê Dư: “Sở Cuồng là một nhà văn học uyên thâm, có nhiều sáng kiến, có óc tìm
tòi. Nhưng ông là một nhà Hán học thuần túy, nên trong việc biên tập của ông,
người ta thấy thiếu hẳn phương pháp” và với Phan Khôi: “là một trong những nhà văn xuất sắc trong trường phái Nho học. Ở một
nhà cựu học như ông, người ta thấy nhiều cái rất mới, nhiều cái mà đến nhiều
nhà tân học cũng phải cho là “mới quá”.
Huỳnh
Thúc Kháng sau khi đỗ Tiến sĩ không ra làm quan, cùng với Phó bảng Phan Châu Trinh và Tiến sĩ Trần Quý Cáp hợp nên bộ ba lãnh đạo
phong trào Duy Tân mà Phan Khôi là người tham gia tích cực về phong trào ấy. Cụ
Huỳnh và ông Phan đều bị bắt sau cuộc Mậu Thân dân biến (1908) và ban đầu bị
giam ở nhà ngục Faifo (Hội An), sau cụ Huỳnh giải lên tỉnh và đày ra Côn Đảo
suốt 13 năm. Hồi còn ở
nhà ngục Faifo, lúc tiễn biệt, nhiều bạn tù có làm bữa “tiệc rượu” mà món “quà”
chủ yếu là thơ, trong đó có 4 bài thơ tứ tuyệt của Phan Khôi được cụ Huỳnh cho
là xuất sắc hơn cả. Nói điều này để thấy rằng, tuy nhỏ tuổi hơn, là học trò của
bạn mình là Trần Quý Cáp, mới đỗ tú tài Nho học, nhưng cụ Huỳnh rất nể tài năng
và nhân cách ông Phan. Sau khi về đất liền, từng là Nghị viên (1926), rồi thôi
chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ,cụ Huỳnh đứng ra thành lập Công ty
chuyên ngành báo chí và xuất bản, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm báo Tiếng Dân ở Huế (1927) và cộng tác với
vài tờ báo chuyên về học thuật. Suốt 16 năm làm việc ở Tiếng Dân, không năm nào cụ Huỳnh lại không tranh cãi (theo GS
Chương Thâu). Cũng trong gian này, cụ Huỳnh và ông Phan đã có nhiều lần bút
chiến, bắt bẽ nhau trên báo chí, khiến công luận chú ý đến.
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai nhà báo nổi tiếng xứ
Quảng gây tiếng vang, có lẽ từ Bác cái thuyết “nước Pháp giúp nước Nam về
hồi thế kỷ XVIII” của Phan Khôi (ghi
bút danh là C.D) trên Đông Pháp thời báo,
số 720 và 721 (tháng 5/1928) nhằm biện luận về quốc sử với Trần Huy Liệu.
Sau đó, cụ Huỳnh (Mính Viên) viết trên báo Tiếng
Dân (số 82) bài Thời đại quá khứ của dân tộc ta ra thế nào?. Cụ Huỳnh cho rằng,
“nhờ được binh lực nước Pháp” mà Gia Long “làm thành cuộc thống nhất”. Trước
đó, cũng trên Đông Pháp thời báo (số
714), C.D có bài viết “Mấy cái quái
trong sách và báo ta” phản bác lại ý kiến
của Mính Viên. Ông nhắc người viết bài trên tờ Tiếng Dân rằng “bản điều ước ký khi Hoàng
tử Cảnh và Bá Đa Lộc được phái sang Pháp cầu viện, rốt cuộc đã không được phía
Pháp thực hiện. Vì vậy chỉ có việc Bá Đa Lộc mộ được vài mươi người Pháp sang
giúp Gia Long, song đó chẳng qua là người riêng của nước Pháp giúp chứ không
phải chính nước Pháp giúp”. Đáp lại, trên Tiếng Dân số 79 (20-5-1928), Mính Viên viết bài Nói điều lỗi của ta là
sự may cho ta” nhằm nói lại vài điều cho rõ, nhưng cơ bản là tiếp thu ý kiến ông Phan.
Rồi sau đó, trên báo Trung Lập số
6216 (7-8-1930), Phan Khôi viết lời “thương xót cùng Mính Viên”, phê Huỳnh Thúc Kháng nêu ví dụ sai trong bài Viết thơ và làm văn trên báo Tiếng Dân. Không
thấy Huỳnh Thúc Kháng phản bác lại.
Đáng kể hơn là cuộc bút chiến xung quanh Truyện Kiều. Khởi đầu là cuộc bút chiến giữa hai nhà báo Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế vào
năm 1924. Ông Quỳnh đề cao Truyện Kiều là “quốc hồn, quốc hoa, quốc túy”, cụ
Ngô Đức Kế chống lại luận điệu dối trá ấy bằng bài viết “Nền quốc văn và Luận
chính học cùng tà thuyết”. Cụ Nghè Ngô vạch đúng tim đen nên một thời gian dài
Phạm Quỳnh yên lặng. Sáu năm sau, cả nhà báo Phan Khôi trên báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn và nhà báo
Huỳnh Thúc Kháng trên báo Tiếng Dân ở
Huế lên tiếng sự yên lặng của ông Quỳnh. Thế là cuộc tranh luận có tiếng vang
trong khắp nước bởi ba nhà báo tiếng tăm và sắc sảo của các tờ báo lớn trong
nước thời ấy. Trên Phụ nữ tân văn, Sài
Gòn, số 70 (18.9.1930),
Phan Khôi đã có bài viết Về cái ý kiến hội “chấn hưng quốc học” của
ông Phạm Quỳnh đã “cảnh báo học phiệt” với ông Quỳnh. Cùng lúc đó, cụ Huỳnh
có bài viết Chánh học cùng tà thuyết có
phải là vấn đề quan hện chung không? ( Tiếng
Dân số 317, ngày17/9/1930 và Phụ nữ
tân văn số 72 ngày 02/10/1930) nhằm “chiêu tuyết những lời bài báng cho
một chí sĩ mới qua đời” là Ngô Đức Kế - bạn cụ Huỳnh. Sau đó, ông Phan trách cụ
Huỳnh viết bài có nhiều chỗ hơi “thất thiệt”. Để rồi trên báo Trung Lập , cụ Huỳnh liên tiếp có bài
viết Biện chánh lại mấy lời của ông Phan
Khôi (các số 6284, 6285, 6289, 6291). Phải nói rằng, biện minh cho lập luận
của mình, cụ Huỳnh tỏ ra là người cố chấp, bảo thủ và nói như nhà thơ Lưu Trọng
Lư là “tàn nhẫn” với Kiều, còn Phan
Khôi nhiều khi để lộ tính hiếu thắng và
cả ngụy biện. Về cuộc bút chiến này, cuối cùng cụ Huỳnh đã thốt: “Thôi, về vấn
đề nầy, tôi cùng ngài (chỉ Phan Khôi) đều là trạng sư, song có điều này khác
nhau: tôi làm trạng sư cho một chí sĩ đã qua đời và làm trạng sư cho tôi; chẳng
có công gì. Còn ngài, vì khêu mối ra nên cũng làm trạng sư mà làm trạng sư cho
một văn sĩ đương cầm bút viết báo, viết sách. Ngài dầu không công, song hơn tôi
một điều: là được nghe ngâm Kiều êm
ái kia”. Sau này, chúng ta hiểu cả Huỳnh Thúc Kháng và Ngô Đức Kế không phải
ghét bỏ gì Nguyễn Du cũng như Truyện Kiều mà chủ yếu là phản đối sự “tán dương
những điều bất chính” mà Phạm Quỳnh là người chủ trương.
Về chuyện Thơ Mới cũng vậy. Trong lúc, Phan Khôi
đưa ra một lối thơ mới trình giữa làng
thơ cùng với bài thơ Tình Già (Phụ nữ tân văn, số 122, ngày 10/3/1932)
được xem như là cuộc cách mạng về thơ ca, Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận định:
“ lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng. Ông Phan Khôi hăng
hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận”. Thế nhưng, cụ Huỳnh đã mạt
sát, chế diễu và quả quyết nói Thơ
Mới đã đến ngày mạt vận. Về cuộc bút
chiến này, không thể nói ai đã thắng, ai đã bại, nhưng Thơ Mới đã có chỗ đứng vững và hình thành trào lưu mạnh khắp cả
nước từ 1932 đến năm 1941 nhờ những
tác phẩm giàu sức truyền cảm của nhiều thi sĩ tài năng. Liên quan đến chuyện
làm thơ, bằng bút danh Thông Reo trên báo
Trung lập, Sài Gòn, số 6484 (8.7.1931), ông Phan viết bài Quả nhiên người An Nam làm thơ dở mà ưa làm thơ , có ý chê cụ Huỳnh bằng giọng văn hóm hĩnh: “Theo lời ông Phan Khôi nói với tôi thì thơ của cụ Huỳnh Thúc Kháng có nhiều bài hay chớ chẳng không. Nhưng cái hay của cụ ở từ năm 1906 về sau mới có. Còn hồi trước thì thật dở, dở mà lại hay làm, cụ vẫn nhận nhìn như vậy chớ không chối./Nếu vậy, sẵn cụ Huỳnh một bên đó, sao ông X.T.T. không lấy ra làm chứng mà lại lấy ông Cao Bá Quát là đồ cử nhân hàng làm chi?/
Ông Phan nói với tôi rằng chuyện nói đây là chuyện thiệt, nếu cụ Huỳnh có hỏi đến thì ổng chịu trách nhiệm cho”.
Trung lập, Sài Gòn, số 6484 (8.7.1931), ông Phan viết bài Quả nhiên người An Nam làm thơ dở mà ưa làm thơ , có ý chê cụ Huỳnh bằng giọng văn hóm hĩnh: “Theo lời ông Phan Khôi nói với tôi thì thơ của cụ Huỳnh Thúc Kháng có nhiều bài hay chớ chẳng không. Nhưng cái hay của cụ ở từ năm 1906 về sau mới có. Còn hồi trước thì thật dở, dở mà lại hay làm, cụ vẫn nhận nhìn như vậy chớ không chối./Nếu vậy, sẵn cụ Huỳnh một bên đó, sao ông X.T.T. không lấy ra làm chứng mà lại lấy ông Cao Bá Quát là đồ cử nhân hàng làm chi?/
Ông Phan nói với tôi rằng chuyện nói đây là chuyện thiệt, nếu cụ Huỳnh có hỏi đến thì ổng chịu trách nhiệm cho”.
Sau khi nước nhà độc lập, thay mặt
Chính phủ, cụ Hồ Chí Minh và cụ Nguyễn Hải Thần hai lần đích thân mời cụ Huỳnh
nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Vì cảm
kích cụ Hồ nên cụ Huỳnh nhận trọng trách này. Cũng như nhiều trí đương thời
khác, lúc này ở quê nhà, Phan Khôi cực lực phản đối Hiệp định sơ bộ, rồi ông nhận lời mời làm Chủ nhiệm Chi bộ Nam –
Nghĩa của tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng. Rồi chính Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng
ký giấy mời ông Phan ra Hà Nội dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I dưới chính thể nước Việt Nam Dân chủ Cộng
Hòa (8/1946). Ra Hà Nội, ông có ý đến thăm cụ Huỳnh, nhưng ông Lê Dư có nói
rằng, cụ Huỳnh Thúc Kháng có nói lại ông Phan đừng đến thăm, có đến cũng vô
ích, không nói được gì, chỉ tổ bị nghi ngờ. Ở Hà Nội, ông Phan đã thấy cách
hành xử của mấy vị lãnh đạo Quốc Dân Đảng, viết thư gửi các “đồng chí” trong
Chi bộ Nam – Nghĩa nên giải tán Chi bộ, theo Việt Minh mà chống Pháp. Toàn quốc
kháng chiến, cụ Huỳnh thay mặt Chính phủ về miền Trung kêu gọi đồng bào ủng hộ
Chính phủ, đoàn kết chống Pháp, rồi cụ bị bệnh và mất ở Quảng Ngãi (21/4/1947);
ông Phan với tư cách là nhà văn hóa, theo đoàn quân kháng chiến lên Việt Bắc
tiếp tục công việc và cũng là “nghiệp” của một công dân trước vận mệnh đất nước
suốt 9 năm trời. Nói lại điều này để chúng ta thấy rằng, tuy nhiều lần giữa
Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng tranh luận rất gay gắt về học thuật, về chữ
nghĩa, song cả hai nể trọng nhau về tài năng, chí khí, tri thức, nhân cách và
trọng trách với Tổ quốc.
Lời kết:
Sau cuộc kháng chiến thành công, về lại Hà
Nội, tiếp tục theo “nghiệp” dịch thuật và viết, ông tiếp tục khảng khái bằng những những bài văn
nghị luận sắc sảo, cùng với các trí thức trẻ cộng tác với tạp san Giai Phẩm, làm Chủ nhiệm báo Nhân Văn. Rồi nhân văn-giai phẩm dập tắt, Phan Khôi không khỏi bị công công kích,
mạt sát, chụp mũ là phần tử phản động. Những ngày cuối đời, bạn văn chương của
ông không ít người xa lánh, lại có kẻ mạ lỵ, phỉ báng ông đủ điều, trong đó có
một trí thức trẻ cùng quê, mới hôm nào tập kết ra Bắc thường đến thăm và học
hỏi ông chuyện học thuật!
Phan Khôi từ
giả cỏi đời ở tuổi 72, được xem như là lớp Nho học đi theo kháng chiến và thấy
được cuộc kháng chiến thành công, các trí thức cùng thời không được hưởng sự
may mắn ấy. Song thành quả lao động bằng ngòi bút chân chính của mình đã bị vùi
dập hơn ba mươi năm. Mãi đến thời kỳ đất nước đổi mới, ông mới được công luận
chú ý, rồi nhiều tác phẩm của ông mới được xuất bản. Tuy nhiên, đến nay vẫn
chưa có công trình xứng tầm bao quát sự nghiệp văn hóa cũng như di sản văn
chương mà ông đã viết.
Chắc rằng,
ông ra đi cũng thanh thảng vì đã làm tròn bổn phận của một công dân. Chỉ có
điều, con cái ông không tránh khỏi những hệ lụy một thời, và đến nay phần mộ
chí của ông cũng là điều mà chúng ta hiện diện ở đây cần phải tìm ra đáp số!
Phan Khôi là
một trong những gương mặt đẹp đẽ, sáng láng trong làng văn chương, báo chí, học
thuật nước nhà ở thế kỷ XX – thế kỷ vận nước nổi trôi!
Phan Thanh Minh K9
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét