Phan Khôi và Phan Ngọc
hai nhà
ngữ học theo quan điểm thức nhận
HOÀI QUẢNG
(Phan Thanh Minh K9)
(Phan Thanh Minh K9)
Phan Khôi Khôi
luôn đề cao “trách nhiệm làm cho tiếng
nước nhà tiến dần lên đến bậc hoàn mỹ”. Ví như thời trước năm 1945, nhiều học
giả biên soạn Văn phạm Việt Nam dùng mạo từ (thuật ngữ ngày nay gọi là quán từ)
để phân biệt giống đực/giống cái ,số
một/số nhiều. Phan Khôi đã phản bác lại điều ấy và ông đã mạnh dạn dùng chữ
“tiền danh tự”, tức là danh tự đứng trước danh tự. Chia sẻ điều này, trong tác
phẩm Việt ngữ nghiên cứu, Phan Khôi
đã viết rằng, chàng trí thức trẻ là Phan Ngọc hồi ở chiến khu đã đồng tình và mừng rở về phát hiện ở ông.
Phan Ngọc là thầy giáo
dạy một số chuyên đề về ngôn ngữ hồi tôi học năm cuối ở Đại học Tổng hợp Huế.
Cách giảng cũng như một số công trình khoa học về ngôn ngữ của thầy Ngọc có nhiều điểm tương
đồng với ý của ông Phan Khôi. Tiếc rằng, thế hệ chúng tôi và cả lớp đàn anh
biết đến Phan Khôi quá trể.
Phan Khôi (1887 – 1959) là con đầu của cụ Phó bảng
Phan Trân ở Điện Bàn, Quảng Nam; Phan
Ngọc, sinh năm 1925 là con út của cụ Phó bảng Phan Võ ở Yên Thành, Nghệ An (nói
điều này để thấy rằng, về tuổi tác, Phan Ngọc chỉ cùng trang lứa với những
người con đầu của Phan Khôi). Tuy xa về địa lý, hai cụ Phó bảng họ Phan đã biết
tiếng lẫn nhau về chuyện học hành khoa cử, về nhân cách, cùng từ quan về quê
sống thanh bạch. Phan Khôi từ nhỏ học chữ Hán với thầy Trần Quý Cáp, đỗ tú tài
Hán học, tham gia phong trào Duy Tân, dạy chữ Hán ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục
và bắt đầu học tiếng Pháp, tự học tiếng Pháp đến trình độ cao, ở tù tại Hội An
3 năm sau cuộc Mậu Thân dân biến (1908), ra tù bắt đầu sự nghiệp viết báo, dịch
thuật, nổi danh là cây bút cự phách. Phan Ngọc hồi nhỏ học chữ Hán với thân phụ
của mình, tuổi thiếu niên được cha cho học trường Thiên Hựu (trường của đạo
Công giáo) ở Huế, được các ông thầy trường giòng dạy kỹ về tiếng Latin, nhờ đó
mà sau này ông tự học thông thạo nhiều ngoại ngữ (nhiều nhà nghiên cứu và dịch
thuật công nhận ông biết và hiểu nhiều thứ tiếng, ở Việt Nam ông chỉ đứng sau
Trương Vĩnh Ký về hiểu biết tiếng nước ngoài). Sự nghiệp chính của Phan Khôi là
viết báo và dịch thuật, và ông để lại di sản về văn hóa Việt Nam
khá đồ sộ bằng những bài viết của mình, được tôn vinh là học giả; Phan Ngọc
được giới trí thức ngày nay xem là nhà văn hóa tài hoa, nhà bách khoa cuối cùng
của giới trí thức Việt Nam được đào tạo dưới thời
Pháp thuộc, ông học rộng, biết nhiều, cần mẫn và cống hiến cho đời nhiều tác
phẩm có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực: văn học, văn hóa, nghệ thuật, mỹ học,
ngôn ngữ, Đông Nam Á, dịch thuật, từ
điển..., được giải thưởng Nhà nước năm 2000. Riêng về dịch
thuật, Phan Khôi dịch nhiều tác phẩm kinh điển từ chữ Hán và tiếng Pháp: Kinh Thánh, Stalin bàn về ngôn ngữ, tản văn
và truyện của Lỗ Tấn... ; Phan Ngọc cũng cũng cống hiến cho bạn đọc nhều
tác phẩm lừng danh từ nhiều thứ tiếng (Hán, Anh, Pháp, Nga, Ý, Đức, Hy Lạp,...): kịch Sheakpaere, Sử Ký (Tư Mã Thiên), Chiến tranh và hòa bình (dịch chung), Chuyện làng Nho, Hàn Phi Tử, David
Copperfild, Oliver Twist, Hình thái học cuả nghệ thuật (M.X. Kagan), Mỹ học (Hegel)...
Chỉ
mới đỗ tú tài, một thời Nho học, một thời Tây học, nhưng các bậc trí thức có học vị cao cùng thời phải nể nang
thực tài của các ông. Phan Khôi đã từng tranh biện với các học giả lừng danh:
Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Lê Dư, Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng... và làm chủ bút
nhiều tờ báo, tạp chí danh tiếng. Phan Ngọc đã từng được Giáo sư Đặng Thai Mai
tín nhiệm giao giảng dạy các môn Lý luận văn học, Văn học Trung quốc, Ngôn ngữ học đại cương, Từ vựng học… ở các
trường Đại học Sư phạm và Tổng hợp Hà Nội ngay những ngày đầu, bên cạnh các
giáo sư hàng đầu: Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu,
Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc... và đã làm Tổ trưởng tổ ngôn ngữ
của Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tài năng lừng lẫy, nhưng cả hai ông phải một thời
sống cô độc. Phan Khôi tham gia kháng chiến chống Pháp với tư cách là văn hóa
lão thành, kháng chiến thành công, về lại Hà Nội,
tiếp tục theo “nghiệp” dịch thuật và viết, khảng khái bằng những những bài văn
nghị luận sắc sảo, cùng với các trí thức trẻ cộng tác với tập san Giai Phẩm, làm Chủ nhiệm báo Nhân Văn; rồi nhân văn-giai phẩm dập tắt, ông không khỏi bị công công kích, mạt
sát, chụp mũ là phần tử phản động, những ngày cuối đời, bạn văn chương của ông
không ít người xa lánh, lại có kẻ mạ lỵ, phỉ báng ông đủ điều, trong đó có một
trí thức trẻ cùng quê, mới hôm nào tập kết ra Bắc thường đến thăm và học hỏi
ông chuyện học thuật; Phan Khôi từ giả cỏi đời ở tuổi 72, được xem như là lớp
Nho học đi theo kháng chiến và thấy được cuộc kháng chiến thành công, các trí
thức cùng thời không được hưởng sự may mắn ấy; song thành quả lao động bằng
ngòi bút chân chính của mình đã bị vùi dập hơn ba mươi năm, mãi đến thời kỳ đất
nước đổi mới, ông mới được công luận chú ý, rồi nhiều tác phẩm của ông mới được
xuất bản.; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có
công trình xứng tầm bao quát sự nghiệp văn hóa cũng như di sản văn chương mà
ông đã viết. Phan Ngọc cũng tham gia kháng chiến, ban đầu
là bộ đội ở
sư đoàn 304, sau làm phiên dịch cho Bộ Giáo dục, cũng vì tham gia nhân văn-giai phẩm và có những lời phát
biểu xung quanh ý tưởng của Sausure khi dịch Giáo trình ngôn ngữ học đại cương mà bị quy chụp, buộc thôi dạy, chuyển sang biên dịch, rồi viết và dịch phải lấy
bút danh là Nhữ Thành để sách và bài viết của mình được xuất bản, kiếm tiền nuôi
vợ con; mãi đến năm 1980 mới được chuyển sang Ban Đông Nam Á (sau này là Viện)
theo lời mời của người bạn của mình là GS TS Phạm Đức Dương, cũng từ đây ông
mới được phép làm giảng viên thính giảng dạy sinh viên đại học và trên đại học
(người viết bài này đã may mắn được học ở hai thầy hồi năm 1981).
Cả quá trình
học, tự học, dịch thuật, nghiên cứu, viết..., cả hai ông Phan luôn đề cao quan điểm thức nhận cho công
việc nghiên của mình, và cả hai đều có vốn ngoại ngữ rất cao và yêu tiếng Việt thiết tha. Mới
đây, vào năm 2013, ở tuổi 87, Phan Ngọc bất ngờ cho ra đời công trình khoa học
về ngôn ngữ: “Hình thái học trong từ láy
tiếng Việt” đã minh chứng rằng, các vấn đề âm vị, hình vị cũng như vấn đề
hình thái học của từ láy Việt Nam đều được giải quyết. Điều mà gần 80 năm
trước, Phan Khôi đã tìm ra nguyên tắc về gốc chữ, chữ này được sinh ra bởi chữ
kia trong tiếng Việt mà ông gọi là “những
chữ cùng họ với nhau”. Ví dụ: + Chữ người là con người ta, sanh ra: 1. ngươi, con người ta thấy trong con mắt; 2. ngươi, đại danh từ dùng để kêu con người mà địa vị thấp kém hơn
mình; 3. ngài, đại danh từ dùng để
kêu con người mà địa vị cao hơn mình (Lại bởi chữ ngài ấy sanh ra chữ ngai, là
cái vị trí con người rất cao ngồi lên)./ Trong những chữ số cũng có mấy chữ
tương sanh, bởi sự tương sanh ấy mà nghĩa nó có đại đồng và tiểu dị. Như: + Một sanh ra mốt; mốt, dùng trong khi đứng đầu các hàng chục trở lên: hai mươi mốt, ba mươi mốt, chín mươi mốt;/ +
Hai sanh ra vài; vài là số hai mà không nhất định;/ + Năm sanh ra dăm; dăm là
số năm mà không nhất định;/ + Mười sanh
ra mươi; mươi là số mười mà không
nhất định;/ + Vạn sanh ra vàn; vàn là số vạn mà không nhất định;...
Cả hai ông đều hiểu rất rõ quy luật phù trầm và từ Hán Việt, để rồi chia sẻ với
bạn đọc về mẹo của cách dùng từ cho thật đúng.
Thời trước Phan Khôi đã phụ
trách mục Hán văn độc tu trên báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn và tuần báo Sông Hương ở Huế đã cách dạy chữ Hán
theo phương pháp riêng, có so sánh với một vài mẹo cuả tiếng Pháp, ví như: “Sự phân biệt ý tưởng trong chữ Pháp thì nhờ ở biến
dịch động từ; còn sự phân biệt ý tưởng trong chữ Hán thì nhờ ở vận dụng hư tự”. Trong
cuốn Từ điển Anh – Việt (NXB Thế giới, Hà Nội, 1994), ngoài việc giải
nghĩa khoản 100 ngàn mục từ, Phan Ngọc viết thêm ở phần phụ lục nêu ra những
mẹo dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, như mẹo: “danh từ hữu sinh mới làm được hành động, còn danh từ vô sinh không làm
được hành động mà phải chịu hành động”.
Trong quá trình nghiên cứu về tiếng Việt,
cả hai ông thấy nó là điều rất thú vị và kỳ diệu. Rồi cả hai đều vui và cất
tiếng reo vang khi thức nhận những điều mà mình khám phá và thích thú. Ví như
phan Khôi đã khám phá chuyện vì sao các cố đạo mấy trăm năm trước dùng mẫu
tự Latin đặt nên chữ quốc ngữ lại lấy “đê” (d)
làm “dê”, lại thêm cho d một gạch
ngang đọc là “đê” (trong khi mẫu tự Latin có sẵn chữ “z” mà trong chữ quốc ngữ
thì không thấy (?)). Sở dĩ có hiện tượng trên, theo ông, “d và đ gần nhau lắm, lấy ví
dụ, hai âm ấy cũng như anh em chị em ruột với nhau” (ví dụ: cây da/ cây đa, cái
dĩa/ cái đĩa, con dao/ con đao, trên dưới/ trên đưới, không dám/ không đám,
dặng hắng/ đằng hắng…). Tương quan đến hiện tượng này, ông còn dẫn chứng
bằng những ví dụ khác: bua
quan/ vua quan, be rượu/ ve rượu, cái bú/ cái vú, chết bằm/ chết vằm, ăn vận/
ăn bận… và cả trời/ giời/ lời/ blời trong “Đức Chúa Trời/ Lời/ Blời” đó sao (?).
Còn Phan Ngọc nêu mấy điểm khác lạ của chữ quốc ngữ như phụ âm dầu “c”
(trong ca, că, câ, co, cô, cơ, cu, cư) nhưng tại sao phải là “k” (ke,
kê, ki); sở dĩ có cách viết ấy, vì rằng: nếu
viết ca, co, cô, cơ, cu thì người Pháp có lối viết tương tự: cas (trường
hợp), cops (thân thể), coté (khía cạnh),
couteau (con dao), coeur (trái tim); với ca, că, cư, cưa của người Pháp cũng sẽ
đọc dễ dàng, vì tiếng Pháp không có các âm a,
â, ư, ưa; nhưng nếu viết là ce, cê,
ci thì người Pháp sẽ đọc ce là xe như trong cette (cái này), cê là xê như trong céder (nhường), sẽ đọc ci là
xi như trong cigare (điếu xì gà); trái lại , viết là ke, kê, ki thì người Pháp đọc đúng như người Việt, vì trong tiếng
Pháp cũng có kermesse (hội chợ), képi (mũ kê- pi), kilo (ki-lô)...; tương tự các trường hợp âm đầu g và gh,
ng và ngh cũng có lý riêng của nó.
Về
chuyện ngữ pháp cũng vậy, cả hai ông Phan đã dựa trên “lời ăn tiếng nói” của
người Việt, rồi so sánh với câu, cú với
tiếng Hán và các ngôn ngữ châu Âu mà đưa ra những đặc điểm của tiếng Việt. Ví
như, Phan Khôi đã nói đặc điểm theo thứ tự thời gian trong cấu trúc
câu (ví dụ theo tiếng Pháp thì nói “tôi trở về từ sự đi săn – Je revien de la
chasse”, nhưng tiếng ta thì nói “tôi đi săn về”; đó là đặc điểm theo yêu ghét
chủ quan (ví dụ chư cách dùng từ “được” và “bị”); đó là đặc điểm chủ từ tổng
hợp và v.v… Sau này, Phan Ngọc đã dạy cho sinh viên ngữ văn thế hệ chúng tôi về
chuyên đề “ngữ pháp ngữ nghĩa” cũng
theo phương pháp ấy và nêu thêm vài mẫu câu mà yếu tố rổng ở đầu, càng về sau
càng càng chặt, cuối cùng là chặt nhất, ví dụ câu: Tất cả những con người anh dũng ấy; rõ là: không có gì lớn bằng tất cả, và cũng không có từ nào cụ thể
hơn là ấy… Nói chung, về phạm trù ngữ pháp trong bài giảng “ngữ pháp ngữ nghĩa” của Phan Ngọc tưởng
chừng rất khó nghe, vì nó trái với quan điểm thông thường, ví như các câu thành
ngữ tiếng Việt khá hoàn chỉnh về cấu trúc, nhưng rất nhiều câu không hề đầy đủ
các thành phần “chủ ngữ - vị ngữ”…
Mà
đâu phải riêng chuyện ngôn ngữ, rồi ngữ ngôn, tất tần tật những chuyện xung
quanh đời sống bên ta, hai ông Phan luôn thức nhận khi tìm tòi và nhìn nhận vấn
đề liên quan. Cả cuộc đời làm khoa học và viết, cả hai ông đều “học nhi bất
yếm” (học mãi không chán). Và cả hai là tấm gương sáng ngời cho cách tự học,
học mãi, tìm cái mới... để thức nhận mọi vấn đề theo hiểu biết của mình./.
Hoài Quảng ( Phan Thanh Minh K9)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét