Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

QUẢNG NAM, QUÊ TÔI (*)




Tôi xa Quê những bốn mươi năm,
Tim vẫn đập cùng Quê suốt mười bốn ngàn sáu trăm ngày ấy.
Lòng vẫn cưu mang tất cả những gì đã nghe, đã thấy, …
Từ thuở lọt lòng cho đến lúc phải xa Quê.
Nhớ sông Thu Bồn trong những chuyến đi, về,
Dâu, bắp (1) xanh non suốt hai bờ sông thần thánh.
Nhớ đèo Le với những trái sim to, chín mọng.
Nhớ Hội An tiếng chuông vọng chùa Cầu.
Nhớ Quế Lộc, xã t ôi, có hai hồ nước nóng gần nhau,
Hơi nước bốc trắng phau cả một vùng thung lũng…
Nhớ tất cả những Người con kiên trung, anh dũng,
Những Con người “hay cãi” (2) của Quảng Nam ta:
Nhớ Phan Châu Trinh, nhớ Huỳnh Thúc Kháng, nhớ Tiểu La,
Nhớ Trần Quí Cáp, nhớ Trần Cao Vân, nhớ Thái Phiên, nhớ Hoàng Diệu,
Nhớ Ông Ích Khiêm, … nhớ những Người con trung hiếu
Chỉ với Nhân dân, với Tổ quốc mà thôi!
Phải trái phân minh, đen trắng rạch ròi!
Nhớ quả bòn bon ngọt thơm kì lạ,
Từng được mệnh danh là quả nam trân.
Nhớ câu ca, từ thuở mới chào đời, tiếng mẹ vang ngân:
“Ngó lên Hòn Kẻm đá dừng,
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu (3) ơi!
Thương cha nhớ mẹ thì về,
Nhược bằng (4) thương kiểng (5) nhớ quê thì đừng …” (6)
Và nhớ bia mộ ông bà rêu bám từng nét chữ,
Các em, các cháu có gìn giữ, sửa sang?
Tôi tự trách mình trong bấy nhiêu năm,
Không viếng mộ, chẳng trồng hoa trên mộ!
Và dù vào Sài Gòn hay ra Hà Nội,
Tôi vẫn không quên giọng nói Quảng Nam mình:
Mộc mạc, chân phương, ấm áp, thân tình, …
“Đi khắp thế gian, cũng đừng quên Quê mình anh hỉ!”
Lời nhắn nhủ đơn sơ mà nặng tình, nặng nghĩa,
Tình Quê hương, nghĩa với nơi cắt rốn chôn nhau.
Tôi vững lòng tin là con, cháu mai sau
Sẽ vẫn giữ cốt cách của cha ông thuở trước.
Cốt cách Quảng Nam ngàn năm bất diệt.
Và tôi nguyện trọn đời, sống như một người con của Quảng Nam thứ thiệt:
Trung thực, chân thành, “hay cãi”, thẳng ngay
Và nghĩa, tình trọn kiếp chẳng hề phai!



PHAN THÀNH KHƯƠNG




(*) Quảng Nam vốn gồm cả Đà Nẵng vì Đà Nẵng là đứa con đã trưởng thành của Quảng Nam vừa được cho ở riêng.
(1) Bắp = ngô.
(2) Dân gian có câu: “Quảng Nam hay cãi …” . Cãi ở đây có nghĩa là bàn cãi, tranh cãi, phản biện để tìm ra Chân lí, Lẽ phải, ghét thói độc đoán, chuyên quyền và tuyệt nhiên không phải là “cãi chày cãi cối”.
(3) Nhược bằng = nếu mà.
(4) Bậu = bạn.
(5) Kiểng = cảnh.
(6) Ca dao Quảng Nam.



 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét