Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

TRÍCH HỒI KÝ TRÊN ĐƯỜNG ĐI TÌM TÚ QUỲ & BÀI THƠ NGỰA TRẮNG (tt)


Trên đường đi khảo cứu và biên soạn Thơ ca Tú Quỳ, thầy Trương Duy Hy gặp nhiều trắc trở, bị tù 4 năm vì tham gia Hội nhà thơ cùng với các ông Hà Kỳ Ngộ, Võ Bá Huân..( 1981) tại thành phố Đà Nẵng, đặc biệt với bài Thơ NGỰA TRẮNG của Tường Linh người bạn của thầy Trương Duy Hy lúc bấy giờ được cho là phản động..., toàn bộ tài liệu khảo cứu về Thơ Ca Tú Quỳ bị tịch thu mà cán bộ điều tra nói "có chi mà anh tha thiết thế ! Tôi đọc rồi, thấy cũng tầm thường...Tôi cũng là cháu chắt bên ngoại ông Tú Quỳ đây..." Sau khi ra tù thầy Trương Duy Hy tiếp tục khảo cứu và xuất bản cuốn sách Tú Quỳ Danh sĩ Quảng Nam năm 1993 mà sau nầy thành phố đặt tên đường Tú Quỳ, bài thơ Ngựa Trắng sau nầy được in trong Thơ Tường Linh - Tuyển tập do NXB Văn Học, Quý 3 năm 2011 phát hành..
      Vừa rồi chúng tôi có trích một đoạn trong Hồi Ký Trên đường đi tìm Tú Quỳ của thầy Trương Duy Hy NXB Văn Học 2012, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu tiếp phần Tòa án  Nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng tuyên phạt thầy Trương Duy Hy 4 năm tù vì tội tàng trữ, in ấn, lưu hành sách báo có nội dung phản cách mạng...

...

Sự thật?! Đúng vậy, sự thật đó như sau:

Thời điểm tôi quan hệ với nhóm thơ cũng là thời điểm tôi làm việc khẩn trương để “kiếm cơm”! Cụ thể và rõ ràng là hồi đó tôi đưa má tôi về để phụng dưỡng. Cứ mỗi sáng, 5 giờ tôi đã thức dậy lo vệ sinh cho má tôi, vì má tôi quá yếu, tuổi đã 84. Đứa gái lớn - Trương Bách Diệu Huyền- thường muốn dành việc làm này, song tôi gọi hết con tôi lại và dạy rằng: “Ba còn sức làm việc báo hiếu này, cứ để ba làm. Sau này khi ba má 100 tuổi, các con hãy lo cho ba má, và con các con cũng lại sẽ lo cho các con khi các con về già, đau yếu…”. Khoảng 7 giờ tôi phải có mặt để làm việc tại cơ sở văn phòng phẩm Trường Sơn (39 Thanh Sơn, Đà Nẵng). Tôi phụ trách ca máy xén kiêm luôn việc mài dao xén giấy. Tôi rất ham việc. Vì vậy, có một số khách hàng đưa dao mài, trả cho cơ sở 60đ/1 dao (cơ sở cho tôi hưởng 10đ/dao) nhưng khách thường nhét vào túi áo hoặc túi quần tôi thưởng riêng 50đ hoặc 100đ. Lý do rất đơn giản: tại Đà Nẵng có 3 nơi mài dao. Nơi nào họ cũng hẹn khách hàng ít nhất 3 ngày đến 1 tuần mới trả. Riêng cơ sở văn phòng phẩm Trường Sơn, tôi vui vẻ sốt sắng nhận dao là mài ngay. Họ chỉ chờ 20 phút đến nửa giờ là nhận lại dao, kịp mang về giải quyết việc làm cho số nhân công ngồi chờ mà vẫn phải trả lương trong ngày. Tôi tích cực làm việc này dù đôi lúc anh thủ trưởng Trần Ngọc Quán không bằng lòng và anh bảo tôi tiền khách cho thêm đó phải nộp lại cho thủ quỹ vì có cơ sở Trường Sơn khách mới cho!

Thật ra tôi vì tự ái, không muốn ăn bám hoặc nhờ vả vợ con trong việc lo cho má tôi, tôi vui lòng nhận lấy sự vất vả cho riêng mình. Hồi đó tìm một việc làm đối với “diện” tôi rất khó.
Trong những ca có mài dao thì sau khi mãn ca, khoảng 2 giờ 30 chiều tôi đến tiệm mỳ quảng ở đầu đường Trần Quý Cáp - Đống Đa mua 2 tô (15đ/tô) về cho 2 mẹ ăn và có lúc trao cho mỗi mẹ vài chục đồng tiêu vặt, có lúc tôi mua đậu hũ hoặc bánh nậm… Xong tôi lại ngồi vào đánh máy cho nhóm thơ, có khi tôi đánh máy đến 1, 2 giờ sáng mới nghỉ. Việc làm hàng ngày của tôi, người trong xóm ai cũng biết. Anh Thân Trọng Cưu - cán bộ kỹ sư nông nghiệp cùng gia đình ở sát vách nhà tôi là nhân chứng biết rõ mọi sinh hoạt hàng ngày của tôi.
Bởi vậy tôi còn chút thì giờ nào để giao du với ai ngoài nhóm thơ? Mà đến với nhóm thơ, thì những bài thơ gọi là có “nội dung xấu” đố ai dám công bố! Tất cả những bài thơ tôi đánh máy đều đã được nhóm thông qua dưới sự chọn lọc của anh nhóm trưởng Trần Hưng Tiếu và cố vấn Võ Bá Huân.
Nhiều lần đi cung, anh Trần Thanh Thảo cật vấn tôi rất căng: … anh có biết bài này…? bài kia…? của ai?... Thật tình tôi mù tịt! Nhưng đối với anh, tôi phải biết! Biết rõ! Anh dựa vào tam đoạn luận một cách đơn giản: “Anh chơi với nhóm thơ, tất anh phải trao đổi thơ, trao đổi thơ, tất anh phải biết thơ người khác. Do đó anh bảo anh không biết là ngoan cố”.
Tôi  nhớ không nhầm, sáng 02.9.1985, tôi được đại úy Siêng cán bộ phụ trách kiên giam đưa tôi ra phòng cung để nghe và ký vào bản cáo trạng.
Tại đây, một nữ cán bộ trao tôi bản cáo trạng đánh máy, bảo tôi:
- Anh hãy đọc thật kỹ bản cáo trạng này rồi ký vào…nếu có điều gì anh cho không đúng thì viết ở bên dưới, trước khi ký… tuần sau anh sẽ ra tòa….
Cầm bản cáo trạng trên tay, tôi liếc thấy chữ đánh máy rất nhỏ và dày đặc cả 2 trang… tôi hồi hộp đọc… đọc rất chậm, rất kỹ, đọc đi đọc lại đến mấy lần… gần như thuộc lòng cả 4 chính điểm luận tội tôi.
Bỗng một trong số cán bộ đã hỏi cung tôi - cán bộ hỏi cung cuối cùng- ghé đến. Anh hỏi:
- Đọc gì vậy anh Hy?
- Thưa anh, tôi đọc bản cáo trạng.
Anh tiến lại gần, liếc qua bản cáo trạng.
Bỗng dưng tôi ứa nước mắt! Tôi vô tội! Đúng vậy, tôi tự xét và tôi biết tôi hơn bất cứ ai biết tôi - tôi vô tội thật- vậy mà khung án dành cho tôi từ 2 đến 12 năm!...


… Nghĩ đến mẹ già, nghĩ đến công trình góp nhặt các tư liệu lịch sử quan hệ đến văn học Quảng Nam, đến tác phẩm “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam” đến tủ sách… mà tôi đã tự tạo bằng tim óc, mồ hôi, xương máu… phút chốc tiêu tan không mong gì thu lại được, lòng tôi thêm quặn thắt.
Tôi không e ngại gian khổ, chẳng sợ đói no, vất vả mà những tháng năm tới đang đón chờ tôi ở nơi thâm sơn hẻo lánh nào đó. An Điềm? Tiên Lãnh? Tôi
cũng không căm phẫn, uất ức, thù oán vì oan tình tôi đã, đang và sẽ thọ lãnh.. trái lại:

- Tôi chỉ lo và nghĩ đến tác phẩn cùng tư liệu và sách vở mà tôi đã góp nhặt cả đời người, bị vất vào sọt rác hoặc làm mồi cho ngọn lửa vô tình của người thiếu trách nhiệm.

- Tôi chỉ lo và nghĩ đến mẹ, gia đình và bản thân tôi, không biết với thế lực này, tôi có đủ sức khắc phục nghịch cảnh để tồn tại, để có ngày về, để làm một cái gì đó góp phần bé nhỏ vào kho tàng văn học địa phương Quảng Nam!

Vị cán bộ khả ái này đã an ủi tôi:

- Anh có buồn cũng không ích gì. Muốn sớm về, con đường duy nhất mà anh phải thực hiện kể từ đây là an tâm cải tạo. Nói “an tâm” thì dễ, nhưng thực hiện “an tâm” thật là khó. Tôi rất hiểu điều đó. Vì thế anh phải thể hiện nghị lực vốn có của anh để vượt qua. Tôi tin tưởng, sự hiểu biết của anh sẽ là động lực giúp anh đạt thành công trong cải tạo và sớm được đoàn tụ với gia đình.

Anh nói khá nhiều.. và qua lời an ủi nơi anh - một cán bộ cách mạng gương mẫu - thể hiện trọn vẹn tình người, tình đồng loại… bao la như “Đông Hải” khiến tôi vừa khâm phục vừa biết ơn chân thành. Ơn ấy suốt đời tôi không quên, dù anh là cán bộ đã chấp cung tôi và dù mai đây tôi có thi hành án ở bất cứ nơi nào, chịu bất cứ gian khổ nào… lời an ủi của anh sẽ là động lực có đủ và thừa khả năng giúp tôi vượt qua mọi chuyện.

Trở lại kiên giam, cán bộ Siêng khóa phòng lui ra. Tôi nằm dài trên bục xi măng, đôi chân “an vị” trong chiếc còng mát lạnh, mắt đăm đăm nhìn trần và hồi tưởng những điểm buộc tội trong cáo trạng.

Mờ sáng 8.9.1985, cán bộ Phước đến dẫn tôi ra phòng trực ở đầu dãy kiên giam. Tại đây anh trao cho tôi một bộ đồ tù, rách cùi chỏ, nhăn nhó, có mùi hôi và ngắn cũn cỡn. Anh bảo tôi thay áo quần đang mặc để ra tòa; đồng thời anh trao cho tôi một nắm cơm với ít muối bảo giữ lấy ăn trưa…

Khoảng 9 giờ 30 xe đến. Công an áp giải tra còng số 8 vào đôi tay tôi. Tôi lên xe với 2 can phạm khác, họ ra tòa vì tội hình sự cướp đoạt tài sản công dân bằng thuốc mê. Đó là hai thanh niên có tên Minh và An. Cả 2 can phạm này đô con, không còng tay, ngồi rất thoải mái! Phải chăng tôi nặng tội hơn họ?!!!

Xe rời trại giam Hòa Sơn, ra quốc lộ 1, thẳng về Đà Nẵng, chạy dọc bờ sông Hàn rồi đỗ tại Tòa ở số 14 Bạch Đằng.
Hai thanh niên cùng đi được đưa ngay vào phòng xử, còn tôi thì vào phòng đợi, bên phải hành lang. Các cửa lớn nhỏ đều đóng kín. Lợi dụng  thời gian này, tôi nhờ cán bộ áp giải chuyển hộ mảnh giấy nhỏ với vài chữ báo tin cho gia đình tôi đến thăm và nghe Tòa xử. Nhà tôi ở cách Tòa khoảng 800 thước, trên đường Đống Đa.

Đến 11 giờ, Tòa nghị án tuyên phạt 2 thanh  niên kia người 12, người 10 năm tù ở, rồi tạm nghỉ, chiều tiếp tục xử tôi. Nhờ thế mà tôi gặp được 4 đứa con và 1 dâu mới Bích Vân của tôi lúc 12 giờ. Riêng vợ tôi và đứa con thứ 4  vắng mặt vì đi Sài Gòn, không biết ngày tôi ra tòa…

Đứng 3 giờ tòa tuyên bố xử công khai vụ án của tôi. Trước đó khoảng 5 phút, anh Hải (cán bộ hỏi cung đầu tiên) tiến đến cho tôi một điếu thuốc và bảo khẽ: Đứng trước tòa anh nhớ đừng cãi mà chỉ xin tòa xét hoàn cảnh sớm cho về đoàn tụ với gia đình thì có lợi cho anh hơn! Đồng bào đến xem rất đông. Có nhiều người phải đứng dọc theo hành lang vì chỗ ngồi trong phòng xử chật cả.

Tôi được gọi ra trước vành móng ngựa.

Nhìn quanh, tôi chẳng thấy ai là người đã chơi trong nhóm thơ. Vỏn vẹn chỉ có thành phần tòa án, tôi, gia đình tôi và đồng bào các giới!

Cuối phiên tòa, Chánh án bảo tôi:

- Trước phút nghị án, tòa cho phép anh nói những lời nói cuối cùng.

Như cởi tấc lòng, toi bình tĩnh lặp lại những điều tôi đã ôn trong trí cả tuần nay…

- Kính thưa quý tòa. Lời đầu tiên của tôi ở giây phút này là lòng biết ơn của tôi và gia đình tôi đối với quý tòa. Tôi những tưởng sẽ không bao giờ được nói trước một tòa án nhân dân như thế này!... không ngờ quý tòa dành cho tôi một may mắn ngoài trí tưởng tượng của tôi! Vì vậy, tôi xin chân thành kính mong quý tòa lắng nghe những lời tôi giải trình như là một sự kiện thích đáng góp phần vào việc nghị án mà quý tòa sắp thực hiện để buộc tội tôi.

Thưa quý tòa, những điều tôi trình bày vừa rồi để đáp ứng 4 trọng điểm quý tòa hỏi tôi, tôi xin khẳng định, đó không phải là lời bào chữa, vì nếu là bào chữa thì những lời bào chữa ấy không có giá trị pháp lý, bởi nó không do một đệ tam nhân - luật sư- đưa ra, mà lại do chính bị can là tôi phát biểu.
       Ngay ở phút đầu tiên trong phần thủ tục của phiên tòa công khai này, tòa đã cho phép tôi đưa luật sư biện hộ. Nhưng luật sư nào lúc này - nhất thời- nắm kịp và đủ chứng liệu để biện minh tôi vô tội!!! Nên quý tòa đã truyền cho tôi  được phép “tự bào chữa”! Việc quý tòa cho phép, tôi nghĩ, nó chỉ là hình thức của chính sách mà thôi, chứ tôi đâu phải là “đệ tam nhân” khách quan nên lời bào chữa của tôi trước quý tòa có giá trị gì đâu! Do vậy, tôi không nghĩ rằng lời trình bày của tôi là lời bào chữa, mà tôi đã trả lời quý tòa dựa trên các sự việc có thật, xảy ra đúng sự thật. Tôi chẳng hề gian dối, ngụy tạo, ngụy lý để chạy tội, vì mình thật sự vô tội. Vả lại, tôi có thể dối trá với một người chứ dễ gì che đậy tội lỗi trước nhân dân, một trường thành an ninh chặt chẽ nhất của chế độ cách mạng ta.
Bởi vậy, tôi thiết tha mong quý tòa xét xử công minh, cho tôi sớm trở về với gia đình để phụng dưỡng mẹ già và dìu dắt đàn con, đồng thời cũng xin quý tòa cho tôi nhận lại tác phẩm “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam” một tác phẩm hoàn toàn có tính chất văn học địa phương Quảng Nam - do tôi bỏ công sưu tầm suốt 18 năm trời với mồ hôi, xương máu và trí óc của chính tôi.

Một lần nữa, trước khi dứt lời, tôi xin quý tòa nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi.

Đến đây, chánh án rung chuông tuyên bố:

- Tòa tạm ngưng để nghị án!

Chánh án, công tố viên, hai bồi thẩm và thư ký rời ghế đi vào phòng bên phải…

Trong lúc chờ phán quyết cuối cùng của tòa, tôi miên man nghĩ đến những gì tôi vừa trả lời khi tòa buộc tội và những điều an ủi lớn lao của đồng bào đến xem dành cho tôi, thể hiện bằng sự im lặng tuyệt đối khi toi lập luận phản bác điều 3 và điều 4, nhất là qua ánh mắt cử chỉ của những người đứng dọc hành lang sau lưng công tố viên mà tôi nhìn thấy được.

Kết luận của chánh án sau mỗi lần tôi trả lời từng điểm là “...thôi, cho qua điểm ấy…” lởn vởn mãi trong đầu tôi. Phải chăng đó là điều tòa xác nhận tôi vô tội???!!! Vì nếu có tội thì làm gì gọi là “…cho qua”! Sự kiện này có phần nào khiến tôi an tâm rằng việc nghị án của tòa sẽ thấy tôi vô tội!..

15 phút trôi qua khá nhanh! Tòa tái nhóm. Sau khi an tọa, vị chánh án lại đứng lên yêu cầu mọi người cùng đứng nghiêm để nghe tòa tuyển xử.

Tại vành móng ngựa, tôi đứng thẳng người nghe ông tuyên đọc:
- Chiếu theo…. Chiếu theo….. xét ….xét   …. Nay tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng tuyên phạt bị can Trương Duy Hy về tội: Tàng trữ, in ấn, lưu hành sách báo có nội dung phản cách mạng với mức án: 4 năm tù ở. Tòa truyền trả lại một số tang vật không quan hệ vụ án. Bị can sẽ nhận tại Công an Quảng Nam Đà Nẵng (ông vừa nói vừa cúi nhín và xếp hồ sơ như vội vã phải đi ngay)… truyền cho cảnh sát giải bị can về trạ giam thi hành án.
Xong, ông quay người bước xuống bục, các thành viên cũng nối gót theo ông.

Tiếng xì xào khuấy động cả phòng và hành lang. Các con tôi vây lấy tôi khóc nức nở. Anh công an áp giải chậm rãi tiến đến trước mặt tôi, chìa còng số 8 khóa đôi tay tôi, đưa tôi ra xe trở về phòng kiên giam!...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét