Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Về bài thơ Ngậm Ngùi


Nhân đọc bài thơ Miên Ca của anh Huỳnh Văn Mười (K7), tôi lại liên tưởng đến bài thơ tình Ngậm Ngùi của Huy Cận được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc mà có lẽ thế thế hệ học trò trung học chúng tôi, dưới mái trường Đông Giang cũng như khắp miền Nam trước năm 1975 không ai là không biết đến.
 Bản nhạc được nhắc đến nó đặc biệt đến mức khi phổ, nhạc sĩ Phạm Duy không thêm, không bớt, không sửa một chữ nào của cả bài thơ theo thể lục bát.  Nó đặc biệt đến mức rất dễ thuộc lòng. Nó đặc biệt đến mức gắn liền với tên tuổi Lệ Thu trầm lắng và ấm áp, không lẫn vào đâu được khi nghe bài hát này… Đặc biệt nhất, không ít người, có cả tôi, nghĩ rằng bài thơ của Huy Cận là khúc ru cho người tình hay ít nhất cũng là vợ của mình, và không ít những lời bình “có cánh” về tình yêu nam nữ.
Trên báo Quảng Nam Cuối Tuần hồi năm 2006, Cù Huy Hà Vũ – con trai nhà thơ có loạt bài viết về chuyện tình bạn, tình thơ giữa Huy Cận và Xuân Diệu có nói rằng, bài thơ ấy không phải viết cho mẹ của mình là bà Ngô Thị Xuân Như – em gái Xuân Diệu hay cho mối tình nào đấy. Và sau đó, trong chương trình âm nhạc cuối tuần của Đài RFA cũng như chương trình văn học nghệ thuật của Đài RFI, anh Hà Vũ khẳng định lại, bài thơ Ngậm Ngùi được viết cho người em gái ruột của nhà thơ mất khi còn nhỏ, độ tuổi trăng rằm, khi nhà thơ đến thăm mộ.
“Sợi buồn con nhện giăng mau/ Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây”. Em ở đây là em gái ruột của nhà nhơ chứ không phải là vợ hay một “bóng hồng” thi vị nào cả.
Hiểu được gốc gác về bài thơ Ngậm ngùi là thêm điều thú vị về tình cảm gia đình của nhà thơ, hiểu thêm không gian nghệ thuật tình yêu bao giờ cũng đẹp. Vì thế, thời gian đã chứng minh, bài thơ cũng như bản nhạc Ngậm Ngùi trở nên bất hủ.


Phan Thanh Minh K9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét