Nhân ngày Giỗ Tổ Vua Hùng Mồng 10 tháng 3, chúng tôi xin giới thiệu bài VỀ ĐẤT TỔ của thầy Trần Huiền Ân :
“…Cõi Nam riêng một góc trời
Hùng Vương gây dựng đời đời nghiệp vua
Phong Châu là chốn kinh đô
Chín mươi lăm quận bản đồ mênh mông
Trứng rồng lại nở ra rồng
Ngàn thu con cháu vốn dòng Lạc Long
Cây kia ăn quả ai trồng
Suối kia uống nước hỏi dòng từ đâu?...”
Nhớ lại lịch sử dựng nước, chắc chắn mỗi người chúng ta đều tự hỏi như thế. Và ai ai cũng muốn ít nhất có một lần về thăm đất Tổ cội nguồn.
Từ Hà Nội theo quốc lộ 2 về hướng Tây Bắc, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng trung du Bắc Bộ. Buổi sáng hôm ấy thật êm đềm. Trời xanh không quá cao, tạo cái cảm giác gần gũi. Những ngọn đồi tròn, thấp, rải rác khắp nơi.
Đồng ruộng vì thế không còn trải rộng, trái lại có vẻ linh hoạt hơn. Bắp, khoai, sắn nước, rau cải… đều xanh mượt, nhưng mỗi loại một màu xanh riêng, tạo ra từng ô đậm nhạt khác nhau, trông mát mắt. Thỉnh thoảng còn thấy một hai cái lô cốt ẩn mình trong cỏ, dưới rêu, chứng tích của một thời khói lửa.
Đường qua huyện Mê Linh. Chỉ hai tiếng ấy cũng đủ gợi lên những trang sử oanh liệt của hai vị nữ anh hùng dân tộc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống nhà Đông Hán. Qua Hương Canh với ngôi đền trên 300 năm, qua thành phố Vĩnh Yên, đường chuyển sang hướng Tây để gặp sông Lô. Xe chạy dưới cầu rồi vòng lên. Mơ hồ trong gió như vang vọng bản trường ca đầy hào khí cùng thắm đượm trữ tình.
Thành phố Việt Trì là tỉnh lị của tỉnh Phú Thọ. Sông Lô gặp sông Hồng tạo ra điểm gặp của Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Tây (cũ). Đi mười cây số nữa là tới Đền Hùng, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu. Ai đã thuộc những câu thơ từ bài học thuộc lòng trong ký ức thiếu thời, khi nhìn núi Nghĩa Lĩnh không thể không nhẩm đọc:
“…Ba tòa chót vót đầu non
Ngàn thu sùng bái vẫn còn khói hương…”
Trước khi đến ba tòa tức là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, phải qua đền Cổng Trình gần chục núi. Bên trên cổng đề bốn chữ “Cao sơn cảnh hành” ở bốn trụ có hai câu đối. Từ chân núi đến đền Hạ thoai thoải 225 bậc cấp và tiếp tục lại là những bậc cấp. Mỗi bậc cấp xây cao bằng nhau (mỗi tấc rưỡi) vừa với bước chân người lớn tuổi. Cho nên không mấy ai ngần ngại khi nghe tiếng gọi của tiền nhân.
“…Đường mây sẵn bậc leo lên
Rõ ràng lăng miếu mẹ tiên cha rồng…”
Ở Đền Hạ có chùa Thiên Quang thiền tự, tương truyền tại nơi này mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm con, có cây đại 500 năm, cây vạn tuế 3 nhánh 700 năm. “Trăm năm trong cõi người ta…” một đời người đâu có nghĩa gì so với cổ thụ. Nhưng điều quan trọng là sự nghiệp một đời người còn có gì để lại cho các thế hệ mai sau khi thân xác đã về cùng cát bụi. Nói đến cổ thụ có khi không đồng nghĩa với đại thụ. Cây vạn tuế ở đền Trung không có được tầm vóc như cây đại ở Côn Sơn tương truyền do Trần Nguyên Đán trồng đã 600 năm, hoặc cây đại trước chùa Hoa Yên núi Yên Tử 700 năm, trông khắc khổ mà kiêu hùng. Những cây tùng 700 năm dọc đường Tùng Yên Tử thì cao vút, ngọn vẫy mây trời, dưới gốc rễ trồi lên cùng sỏi đá.
Cũng theo tương truyền, chỗ đền Trung là nơi tổ chức cuộc thi các món ăn và Hoàng tử Lang Liêu đã dâng vua món bánh chưng bánh dày. Ở sân đền có đặt chín tảng đá, tảng lớn nhất chính giữa, 8 tảng nhỏ hơn xếp vòng chung quanh, tượng trưng nơi ngày xưa Vua Hùng và các Lạc hầu Lạc tướng ngồi trên các tảng đá bàn việc nước, vua ngồi giữa, văn võ chung quanh. Từ 9 tảng đá thô sơ nơi sân đền Hùng đến 9 chiếc đỉnh chạm khắc công phu trước thế miếu Huế, đất nước biết bao thăng trầm để đến hôm nay…
…Bụi hồng mấy cuộc tang thương
Bia xanh còn đó, khoán vàng còn đây…
Đi tiếp 102 bậc nữa đến đền Thượng: “Kính thiên lĩnh điện”. Kiến trúc đền Thượng cũng như các đền Hạ, Trung. Ngôi đền dài, bên trên đồi rồng chầu, trước có bốn chữ “Nam Việt tích tổ”. Sau đền là sân rộng, bóng cây che mát. Cạnh đền Thượng có “Hùng Vương lăng” là mộ vua Hùng thứ 6. Sau khi Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân bay về trời, Vua Hùng thứ 6 cởi áo vắt lên cây kim giao rồi hóa tại đây. Nguyên xưa là mộ, đến thời đầu triều Nguyễn xây thành lăng như hiện nay, hai tầng mái uốn cong bốn góc.
Không quay lại lối cũ, cứ tiếp bước đi xuống là đền Giếng nằm ở chân núi, phía đông nam. Trong đền có giếng Ngọc, một lần nữa tương truyền rằng đó là nơi các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi xuống lòng giếng chải tóc, bịt khăn. Ngày nay, do du khách đến đây thường thả những tờ bạc xuống giếng để cầu phúc, cầu tài… người ta phải đặt một tấm gương trong suốt bên trên, e rằng sự giao hòa giữa Trời – Đất, Âm – Dương đã phần nào bị hạn chế.
Trước đền Giếng là một hồ sen. Bên ngoài hồ sen là vòm cổng đưa ta trở về cùng cõi đời thường sau khi đã gởi lòng theo dấu chân dĩ vãng. Ngoái lại, thấy bốn chữ “Trung sơn thiên bửu” đôi câu đối, hai trụ biểu nổi trên màu cây lá.
Hình như tại đây ai ai cũng bâng khuâng dừng bước, đưa tầm mắt nhìn tận xa xa. Cả cõi kinh đô Phong Châu bao la hùng vĩ “Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao Giang” gồm cả Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một phần Hà Tây là Sơn Tây. Một ngàn năm trước, bốn ngàn năm trước… đứng ở đây vẫn là ngọn núi ấy, dòng sông ấy, tổ tiên để lại cho con cháu. Bên trong trang lịch sử vinh quang của thời Hùng Vương còn có những trang tình sử. Và một cảnh rất đẹp, rất thơ là cảnh Mỵ Nương Ngọc Hoa hạ giá cùng Sơn Tinh:
…Quỳ lạy cha già bên kiệu bạc
Thương người thương cảnh xót lòng đau
Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác
Nàng kêu: Phụ vương ôi! Phong Châu!...
(Nguyễn Nhược Pháp)
“Khóc như xử nữ vu quy nhật”. Công chúa không khóc chỉ kêu lên hẳn là tiếng kêu nho nhỏ, nghe như tiếng chim rừng Nghĩa Lĩnh.Thầy Trần Huiền Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét