Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

TUY HÒA - MỘT DỊP GHÉ THĂM



Chúng tôi xin giới thiệu bài Tuy Hòa - Một Dịp Ghé Thăm của anh Nguyễn Đăng Khoa ( một thân hữu đi tìm tác giả bài thơ Chuyến Đi Dài)


Có dịp, đại gia đình chúng tôi tề tựu, sum vầy và... rất tình cờ, chúng tôi quyết định làm một chuyến ngao du sơn thủy Tuy Hòa, Phú Yên. Trong chuyến lữ hành ngắn ấy, chúng tôi tranh thủ tham quan nhiều nơi được xem là tiêu biểu của Tuy Hòa. Vượt qua 2 ngọn đèo Cổ Mã (Vạn Ninh) và đèo Cả (ranh giới 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, xưa là ranh giới giữa Đại ViệtChiêm Thành trong khoảng thời gian từ 1471 (thời vua Lê Thánh Tông) đến 1611 (chúa tiên Nguyễn Hoàng)  trong cuộc Nam tiến của Đại Việt)(1) từ Khánh Hòa ra, đoàn có dịp tận mắt ngắm nhìn nét đẹp kỳ vỹ của thiên nhiên, thưởng ngoạn cảnh đẹp ngay trên  đoạn đường đi. Lữ khách phóng tầm mắt qua khung cửa sổ xe nhỏ hẹp, ngắm nhìn đại dương bao la, xanh ngát ôm lấy chân đèo, thấp thoáng phía đằng xa là bãi cát trắng mịn màng phơi mình bên dòng nước xanh trong... Càng lên cao trên đỉnh đèo, khung cảnh càng rộng mở, bao quát hơn. Bỗng chợt thấy cảnh nước non, mây trời mới hữu tình và thơ mộng làm sao.

Cảnh đẹp kỳ thú của thiên nhiên bên chân đèo trôi nhanh khi đoàn dần tiếp cận hình ảnh tiêu biều đầu tiên của Tuy Hòa: núi Đá Bia sừng sững gắn liền với câu thơ nổi tiếng của người thầy, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Huiền Ân trong "Chuyến đi dài":

"Đá Bia còn nguyên nét triện người xưa..."

"Nét triện" ấy vẫn luôn mãi trường tồn theo năm tháng, gắn liền với lịch sử hơn 500 năm nay. "Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chămpa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này." (2)

Đá Bia, còn được biết với cái tên mỹ miều khác "Thạch Bi Sơn", mà trong năm 2008 vừa qua, thắng cảnh độc nhất vô nhị này được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia.

Vượt qua ngọn núi Đá Bia cao ngất (706m) với nhiều giai thoại, truyền thuyết đó, chúng tôi thẳng tiến về Tuy An, tham quan gành Đá Đĩa - một "danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất" của Phú Yên. Các lớp đá đen loang lổ, hình trụ xếp chồng lên nhau, có trụ xiên xiên vẹo vẹo... tạo nên nét đẹp rất riêng và thú vị của gành Đá Đĩa.

Ứng khẩu đọc ngay khi ngắm cảnh đẹp này, Dì Tư đã cho chúng tôi một trận cười không ngớt. Có lẽ những âm thanh của sóng vỗ đầu gành, tiếng giầy của lữ khách cuốc trên đá, tiếng lách cách liên miên của các "phó nháy" đua nhau ghi lại hình ảnh đẹp của thiên nhiên kỳ vỹ đó đã lưu hết trong bài thơ tứ tuyệt của chị với giọng điệu dí dỏm đã cho đoàn tham quan của chúng tôi một trận cười  giòn tan, đã đời mà giờ nhớ lại... vẫn còn thấy vui làm sao. Bài thơ ứng khẩu đọc ngay, mà sau đó nó được bình và gắn với cái tên mỹ miều "Âm vang trong thi từ của Dì Tư", được ghi lại như sau:

Đá đĩa một chiều ta ghé thăm
Xa xa tiếng sóng vỗ "rầm rầm"
Cuốc lên tiếng đá nghe "độp độp"
Phó nháy năng tay bấm "bằm bằm"...

Bài thơ chỉnh chu về luật và vần lắm nên anh/chị em trong đoàn mới thấy cái tài "ứng khẩu" hài hước độc đáo đó mà lấy làm vui vô cùng.

Rời gành Đá Đĩa, cùng huyện Tuy An, thuận đường chúng tôi ghé đến đèo Quán Cau quanh co để tận mắt chứng kiến cái độc đáo, ngắm nét "thản nhiên", yên bình của mặt nước đầm Ô Loan mà ca dao ngàn đời còn ghi:

"Lẻ loi như cụm Núi Sầm (3)
Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan"


Rời đèo Quán Cau, chúng tôi thẳng tiến về Tuy Hòa, ghé thăm Núi Nhạn (còn gọi là núi Bảo Tháp) nằm bên hữu ngạn sông Đà Rằng xanh biếc. Lên viếng tháp Chăm cổ trên đỉnh núi, phóng hết tầm mắt, ta có thể thấy bao quát một vùng non nước Phú Yên, nhìn về cửa biển của Tuy Hòa với ánh đèn xanh, vàng, đỏ... về đêm càng làm cho thành phố Tuy Hòa thêm lung linh, huyền ảo, lấp lánh, tráng lệ.

Mượn đôi lời thơ của nhà thơ Huỳnh Khinh (người Phú Yên) viết về Núi Nhạn trong cái nắng chiều của hoàng hôn bảng lảng:

Lên chơi núi Nhạn buổi tà dương
Phong cảnh nhìn xem đẹp lạ thường
Trước mặt mây hồng vờn biển bạc
Sau lưng gác tía gợn tia vàng

Thời gian ngắn ngủi nên chúng tôi đành chia tay Tuy Hòa vào sáng hôm sau mà cảnh đẹp non nước nơi nầy cứ... thấp thoáng xa dần... Tuy nhiên sau đó hình ảnh kỳ thú của gành Đá Đĩa đã được vội chép lại thành những câu thơ nhỏ ngay trong đêm (thể theo câu đầu của "Âm vang trong thi từ của Dì Tư") như một kỷ niệm vui với Tuy Hòa, Phú Yên... Dù rằng còn một niềm lưu luyến lớn khác khi tham quan thành phố này mà ấp ủ hoài vẫn chưa thực hiện được. Đành hẹn cùng cả đoàn, cả nhà vào dịp gần nhất vậy.


GÀNH ĐÁ ĐĨA

Đá đĩa một chiều ta ghé thăm
Du dương tiếng sóng gọi thì thầm
Bao la non nước hữu tình đó
Chở cả lời thơ lữ khách thăm


Đá Đĩa một chiều ta đến đây
Non xanh nước biếc sóng vơi đầy
Đá chồng lớp lớp tròn như đĩa
Tạo hóa ban chi cảnh trí này?!!!


Đá Đĩa một lần ta ghé qua
Một lần lưu kỷ niệm đậm đà
Đá Bia, Núi Nhạn, Ô Loan cảnh...
Nét đẹp Tuy Hòa, thấp thoáng xa...


Mỗi cảnh non sông, mỗi cảnh tình
"Một vùng non nước quỳnh-giao" xinh (4)
Càng yêu nét đẹp hồn quê Việt
Càng thấy bao la mỗi bình minh.
 
(Nguyễn Đăng Khoa - Phương Phương, Thanh Minh, Giáp Ngọ,
Một ngày rong chơi Tuy Hòa, Phú Yên cùng đại gia đình)




Ghi chú:
(1) Năm 1611 Chúa tiên Nguyễn Hoàng đã thực hiện cuộc Nam tiến đầu tiên sau khi trấn giữ Thuận Quảng, tiến chiếm đất từ đèo Cù Mông (bắc Phú Yên) đến đèo Cả (bắc Khánh Hòa) của vương quốc Chăm Pa lập thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Đòng Xuân và Tuy Hòa. Cho tới khi ông mất, giang sơn họ Nguyễn trải dài từ đèo Ngang, Hoành Sơn (nam Hà Tĩnh) qua đèo Hải Vân tới núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn).
Năm 1613, Nguyễn Hoàng lâm bệnh nặng, ông cho gọi Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam về và căn dặn: "Đất Thuận Quảng này phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và Bi Sơn, thật là đất của người anh hùng dụng võ. Vậy con phải biết thương yêu dân, luyện tập binh sĩ để xây dựng cơ nghiệp muôn đời." (nguồn sưu tầm)
(2)TheoBKTT mở (Wikipedia): Sự kiện lịch sử về núi Đá Bia quanh cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông (năm 1470), rất nhiều tác phẩm ghi lại sự kiện này và cho rằng năm 1471, vị vua trẻ tài ba này đã tiến quân đến đèo Cả và sai lính khắc bia đá để đánh dấu ranh giới giữa Đại ViệtChiêm Thành. Các tác phẩm này là:
·         Khâm định Việt sử thông giám cương mụccủa Sử quán triều Nguyễn
·         Phủ biên tạp lụccủa Lê Quý Đôn
Cũng như có nhiều tài liệu khác cũng đề cập đến vấn đề này như:
Tuy nhiên, giai thoại về "Vua Lê Thánh Tông có thật sự đến đất Phú Yên và khắc bia hay không" thì đến nay còn có nhiều quan điểm khác nhau. Việc này chúng ta nên tìm hiểu thêm. Bài viết chỉ đơn thuần dừng lại ở đây (có tham chiếu từ nguồn tài liệu trên) trong cái vội vàng, dâng trào cảm xúc của lữ khách khi tham quan thắng cảnh Tuy Hòa. Tuy nhiên, nếu thầy T.H.Ân giúp giải thích thêm cho chúng con chỗ này thì tốt quá ạ!
(3) Núi Sầmở đồng Phụng Tường, Huyện Tuy An, Phú Yên. Nguyên xưa là một cù lao chơ vơ ngoài biển do phù sa bồi lấp. Núi Sầm nay đứng lẻ loi giữa cánh đồng lúa Phụng Tường. Tránh nhầm với Núi Sầm ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.
(4) Theo "Bích Câu Kỳ Ngộ"

gành Đá Đĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét