Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

LỜI NÓI ĐẦU CỦA CUỐN SÁCH CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG


    
      Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1975, theo lời dặn của Giáo sư Bảo trợ luận án, từ thành phố Đà Nẵng tôi lấy xe đò rất sớm ra Huế để hoàn tất những thủ tục cần thiết cho việc ghi danh, nộp bản thảo luận án Cao học sử, mà ngày khảo hạch dự định tổ chức váo cuối niên học 1974 – 1975 tại Đại học Văn Khoa thuộc Viện Đại Học Huế.

        Tôi gõ cửa phòng làm việc của Giáo sư Dương Đình Khôi lúc 11 giờ sáng. Khi cả hai thầy trò chúng tôi đang duyệt lại hồ sơ ghi danh và trình nộp bản thảo, thì đột nhiên những cửa kiếng trên tầng lầu Viện Đại Học Huế bị rung động một cách khác thường. Có tiếng nổ từ xa vọng lại rồi đạn đại bác nổ nghe rất gần. Có người nói to bên ngoài hành lang” Mỹ Chánh, An Lỗ đang bị pháo kích”.

           Tôi thấy Giáo sư Dương Đinh Khôi vẫn bình tĩnh và nghiêm nghị sau bàn giấy, đọc từng trang đánh máy tập bản thảo dành riêng cho ông. Một lúc sau, với vẻ mặt đăm chiêu, ông ngước lên nhìn tôi, rồi thong thả thốt ra một lời ngắn ngủi: “Câu chuyện lịch sử”.

     Bất ngờ ông nhìn tôi và nói: “Anh có biết hôm nay là ngày gì không ?” Tôi ngập ngừng chưa biết nên trả lời thế nào cho phải. Hôm nay, với hiện tình trước mắt, mồng 9 tháng 3 năm 1945 trong qua trình lịch sử dân tộc Việt Nam?

       Sau một chút do dự, tôi buột miệng nói: “Thưa giáo sư, ngày hôm nay, đúng 30 năm về trước (1945 – 1975), quân đội Nhật Bản làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương, mở đầu một cuộc chiến tranh toàn diện, gây nên thảm họa có một không hai trong lịch sử là nạn đói năm Ất Dậu, giết chết trên một triệu đồng bào chúng ta ở miền Bắc và miền Trung. Chính biến này cũng đã tạo cơ hội cho nhiều thế lực khác xuất hiện, gây nên xung đột, chia rẽ và cuối cùng là một cuộc tranh phân chính trị tiếp diễn từ đó cho đến hôm nay.

         Và ngày hôm nay, như Giáo sư thấy, một lần nữa, chiến tranh đang đến với dân chúng Miền Nam Việt Nam”.
            Tôi dừng lại xem chừng phản ứng của Giáo sư, nhưng ông vẫn nghiêm nghị lắng nghe. Một lúc sau ông vụt đứng dậy. Qua một thoáng suy nghĩ và quyết định, ông nắm chặt tay tôi và nói: “Anh nên thu xếp về lại Đà Nẵng cho kịp ngày hôm nay. Tất cả các bản thảo anh nộp cho Đại Học Văn Khoa, viện Đại Học Huế tôi sẽ chuyển đến Văn Phòng Thư khố của Viện lưu giữ để khi hoàn cảnh cho phép, anh sẽ tái ghi danh khảo hạch. Cầu chúc anh gặp may mắn”.

         Tôi xiết chặt tay Giáo sư Bảo  trợ mà trong lòng hoang mang, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vừa bước xuống phố, nhìn về tả ngạn Sông Hương, tôi thấy một dòng người dày đặc chạy về Phu Văn Lâu, qua cầu Trường Tiền rồi đổ xô về phía An Cựu để tìm xe đi Đà Nẵng. Lẫn giữa đoàn người ra đi trong lo sợ, tôi rời xứ Huế giữa tiếng súng nổ nghe rất gần như ở Phò Trạch, như ở An Hòa sát nách cổ thành Phú Xuân.

          Sáng hôm sau (10 – 3 – 1975), cũng như ở Huế, thành phố Đà Nẵng bị tràn ngập từng đoàn người khắp nơi đổ về. Cảnh hoảng loạn bao trùm. Sinh hoạt bình thường mất hẳn. Tình trạng trước mắt thôi thúc mọi người hối hả đi tìm sinh lộ trong bế tắc và thất vọng.

Ngày 29 – 3 – 1975, thành phố Đà Nẵng mất, ngày 30 – 4 – 1975 thủ đô Sài Gòn cùng chung số phận. Tôi ở lại, giữa những người phải ở lại với quê hương. Chẳng bao lâu lệnh tập trung cải tạo được thực hiện nhanh chóng đối với mọi thành phần của chế độ cũ. Ngày 16 – 6 – 1975 tôi bị đưa vào Trung tâm tạm giam Chợ Cồn cùng với tập thể giáo chức vùng Quảng Nam – Đà Nẵng. người ta nói: “Chỉ 10 ngày thôi, sau đó các anh sẽ được về với gia đình và tiếp tục làm công việc như cũ”.

          Mười ngày qua đi, rồi những tháng năm dài kế tiếp. Cơn bão giải phóng đã xô dạt chúng tôi vào tận rừng núi Thượng Đức, An Điềm, Sườn Giữa, Bến Hiên … Bản thân tôi phải đếm đủ một nghìn chín trăm bốn mươi hai (1942) ngày đêm mới được ra khỏi trại cải tạo.

          Từ Thành phố Grand Prairie, tiêu bang Texas của đất nước Hoa Kỳ, tôi viết mấy dòng này. Trước mắt tôi là tập bản thảo luận án Cao học sử do các con của tôi lưu giữ và đem sang được trong chuyến đoàn tụ cuối tháng 4 năm 1991. Tôi bồi hồi lần giở từng trang...
           Chọn nhân vật Nguyễn Hoàng làm đề tài nghiên cứu, chúng tôi tự chọn một khó khăn, tài liệu viết về Nguyễn Hoàng không nhiều, lại rời rạc trong chính sử cũng như trong các sách báo viết về triều đại Hậu Lê. Hầu như Nguyễn Hoàng chưa có cơ hội trở thành một nhân vật lịch sử được nghiên cứu như Lý Thường Kiệt, Hồ Quý Ly, Phan Đình Phùng...Rõ ràng, Nguyễn Hoàng đã bị bỏ quên, không phải vì nơi Nguyễn Hoàng không có những điều đáng nghiên cứu và học hỏi. Trái lại nên công bằng đối với nhân vật cuối cùng của dòng họ Nguyễn đất Gia Miêu này.

        Mùa đông năm Mậu Ngọ, 1558, Nguyễn Hoàng đã can đảm lên đường vào Nam, trong lòng nung nấu một ý chí tiến thủ, ấp ủ một hoài bão và gói chặt một sứ mệnh ít ai quan tâm. Trước mắt là một dãy núi chắn ngang (Hoành Sơn nhất đái) lúc bấy giờ Nguyễn Hoàng chưa thể hình dung ra được một cảnh tượng an thân ngàn đời (Vạn đại dung thân). Thế nhưng Nguyễn Hoàng đã ra đi. Tuổi tam thập nhi lập nơi Nguyễn Hoàng đã trở thành một động lực có biểu hiện cụ thể và quyết liệt. Giả sử mùa đông năm Mậu Ngọ, 1558 người thanh niên họ Nguyễn 34 tuổi, ngồi bó gối chồn chân. Dòng dõi họ Nguyễn còn ai khác để nối chí Nguyễn Kim, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Đức Trung, và xa hơn là thừa tướng Thái tể Định Công Quốc Nguyễn Bặc? Rồi dòng dõi họ Nguyễn  có sự nghiệp gì ở phía Nam dãy Hoành Sơn sau năm 1558, nếu không có Nguyễn Hoàng? Quả thật họ Nguyễn đất Gia Miêu ngoại trang không có hai người mang tước Đoan Quốc công vào năm 1593.

       Sưu tìm và nghiên cứu từng sự kiện liên quan đến Nguyễn Hoàng, mới thấy rõ ông là một người suốt đời đã đem hết trí lực để chiến thắng mọi hoàn cảnh. Đến trấn nhậm vùng đất Thuận – Quảng với chức vụ khiêm tốn là một viên quan Trấn Thủ, nhưng Nguyễn Hoàng đã biết nhìn xa, trông rộng để xây dựng một giang sơn cho dòng họ của mình, đồng thời mở rộng biên cương cho tổ quốc mà ông đang phục vụ và yêu mến. Tiếp tục công cuộc Nam Tiến đối với Nguyễn Hoàng là phải củng cố và tổ chức quản trị phần lãnh thổ do công lao của di dân mở rộng về phía Nam. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho chúng ta thấy cần thiết phải biết rõ hơn về sự nghiệp của một người trong vai trò lãnh đạo, đã tiên phong đặt những bước khai phá về chính trị, hành chánh, kinh tế, văn hóa, tôn giáo cũng như an ninh lãnh thổ, xứng đáng được nhân dân yêu mến và kính trọng khi tôn xưng Nguyễn Hoàng là vị Chúa Tiên.
     Trong ý tưởng tìm hiểu về một nhân vật lịch sử, tập bản thảo mang tên “Chúa Tiên Nguyễn Hoàng” nay hân hạnh ra mắt độc giả như một tác phẩm nghiên cứu lịch sử đầu thế kỷ XVI sang đầu thế kỷ XVII mà Nguyễn Hoàng là một nhân vật chủ động của một giai đoạn lịch sử nhất định của đất nước.

     Nhân đây chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn với giáo sư bảo trợ Dương Đình Khôi, ghi ơn linh mục giáo sư Nguyễn Phương, viết lời giới thiệu, cảm ơn quý vị giáo sư giảng dạy và bằng hữu cũng như quý vị ân nhân đã góp phần chỉ dẫn, giúp đỡ cách này cách khác cho lần hiệu đính sau cùng để hoàn thành công việc nghiên cứu tưởng như không thể thực hiện được như thành quả hôm nay.

     Một số khiếm khuyết nhất định không thể tránh khỏi, dám mong các bậc cao minh lượng thứ và chỉ giáo thêm. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ (* GS Nguyễn Phương, mất 1993; Gs Dương Đình Khôi, mất năm 2011)



Thành phố Grand Prairie, Texas, USA

Ngày giỗ Mạ, Tết Đoan Ngọ 2009

Hoàng Đình Hiếu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét