Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Nhớ ngày 17 tháng 2 năm 1979


 
Số tôi may mắn hơn mấy thằng bạn cùng đỗ đại học hồi năm 1978. Có đứa đã làm thủ tục nhập học rồi nhưng sau đó phải trở lại quê nhà, có đứa vừa nhận giấy báo nhập học vừa có giấy báo nhập ngũ, làm lính đánh nhau với quân Khơme đỏ đánh phá ở biên giới Tây Nam, rồi sang tận Cămpuchia chiến đấu suốt ba, bốn năm liền.

Giữa tháng 9 năm ấy, tôi ra Huế nhập học. Mấy ngày đầu tiên, chúng tôi cùng tham gia lao động dọn dẹp sân trường và nghe nói chuyện thời sự. Thời đó, quan hệ ngoại giao giữa Nhà nước ta và Trung Quốc đã sức mẻ rất lớn, quân đội của họ đã tràn qua biên giới nước ta quấy phá, hành hung, kể cả hiếp đáp phụ nữ. Ban đầu, công an vũ trang (nay gọi là bộ đội biên phòng) chỉ làm nhiệm vụ xua đuổi chứ không bằng súng đạn để bảo vệ an lành nơi biên cương. Nhưng càng ngày, lính Trung Quốc càng gây hấn, bộ đội Việt Nam đánh trả bằng tay không. Một trong những gương điển hình được thanh niên Việt Nam ngưỡng mộ là anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh cũng cùng trạc tuổi với chúng tôi đã đánh gục hàng chục tên lính xâm lược, nhưng cuối cùng anh cũng hy sinh. Sau đó ít lâu, chừng hai tháng, chúng tôi được học môn Văn học Trung Quốc cổ đại do thầy Bùi Huy Luận ở Đại học Tổng hợp Hà Nội vào dạy. Trước đó, thầy là chuyên gia làm việc ở Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc. Lãnh sự quán bị nhà cầm quyền Trung Quốc đóng cửa, thầy cùng với nhiều người phải về nước, rồi trở lại vị trí dạy học. Qua những bài giảng, thầy luôn nhắc nhở văn học Trung Quốc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, ảnh hưởng rất lớn đến văn học nước ta, nhưng chính sách bá quyền nước lớn cũng hình thành hàng ngàn năm và lúc nào họ cũng muốn bành trướng đến nước ta và các nước láng giềng. Những kiến thức cơ bản về Kinh Thi, Sở từ, rồi thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… cần phải biết, nhưng những bài ngàn năm nước ta bị họ cai trị không thể không nói đến.

Một buổi chiều se lạnh. Huế buồn lắm. Cả ký túc xá ở số 27 Nguyễn Huệ cũng buồn theo, và ngay trong đêm nay khóa học chúng tôi lên tàu ra Nam Thạch Hãn, Quảng Trị tham gia lao động về công trình thủy lợi ở nơi này. Nhưng rồi nỗi buồn nhớ nhà của thằng con trai mới lớn cũng tan theo, rồi hừng hực căm giận khi nghe cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản tin bọn xâm lược bành trướng Bắc Kinh đã nã pháo, xua quân đánh chiếm các tỉnh biên giới ở nước ta, đó là buổi chiều ngày 17 tháng 2 năm 1979, rồi chúng bắn giết và cả cướp bóc, hiếp đáp những người dân vô tội. Cả nước bắt đầu vào cuộc chiến đấu mới. Thực tình mà nói, đám thanh niên ở miền Nam như chúng tôi không phải đứa nào cũng theo lý tưởng cộng sản, yêu chế độ mới sau ba năm đất nước được thống nhất, thế nhưng, trước kẻ thù xâm lược phương Bắc, hầu hết chúng tôi đều sẵn sàng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sẵn sàng lên đường ra mặt trận. Hầu hết chúng tôi đều viết đơn tình nguyện được nhập ngũ, một số viết bằng máu, kể cả các bạn nữ. Sau đó vài ngày, bài hát Chiến đấu vì độc lập tự do của Phạm Tuyên nhanh chóng được phổ biến. Không cần tập tành, đọc nốt nhạc, chỉ nghe qua radio mà chúng tôi đều thuộc lòng lời bài hát: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới/Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương./Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương/ Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng/ Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa...đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!/Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương!/ Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng/Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường/Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc Lập - Tự Do!.” Cùng với các bài hát hào hùng Bạch Đằng Giang, Hội nghị Diên Hồng, Chi Lăng, Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước, Gò Đống Đa của Văn Cao, Bóng cờ lau của Hoàng Quý … như tiếp thêm lửa cho toàn dân tộc Việt. Không hiểu vì sao sau này, bài hát của Phạm Tuyên không được lớp trẻ biết đến(?). Cũng cần nói thêm, thời gian nửa tháng ở Nam Thạch Hãn, chúng tôi cùng với sinh viên các trường khác ở Huế lao động rất hăng say cũng là nhờ mấy cái loa truyền thanh tại công trường loan tin thắng trận của bộ đội ta cùng với những bản nhạc hào hùng ấy.

Sau khi lao động về, chúng tôi được tập trung học quân sự và cùng với các thầy đào công sự, trồng cây xương rồng khu vực ký túc xá. Và cũng từ đây, vào các buổi tối chúng tôi ít rong chơi ngoài đường như hồi chưa có chiến tranh. Không ai bảo ai, hầu như lớp nào cũng ý thức về kỷ luật. Hồi ấy, trường tôi học có nhiều địa điểm, ăn và ở tại 27 Nguyễn Huệ, học thì tại địa điểm gần cầu Tràng Tiền (trường Khoa học và Văn khoa trước năm 1975), cách nhau gần 2km. Mỗi lần đi học như thế, chúng tôi phải phải sắp hàng cùng đi, vào lớp đứng dậy nghiêm trang chào thầy giáo, lớp trưởng báo cáo về sĩ số có mặt. Có lần thầy Bùi Duy Tân dạy môn Văn học cổ Việt Nam phát cười kiểu máy mọc của đám học sinh đại học năm thứ nhất. Có điều, thầy Tân giảng rất kỷ về những áng hùng văn thơ Lý - Trần – Lê. Đặc biệt hơn, thầy nói rất rõ về văn bản bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, và chứng minh rằng không chắc là của Lý Thường Kiệt, nhưng nó là áng văn độc đáo của dân tộc, của chung các hoàng đế triều Lý khẳng định về chủ quyền cương vực nước Nam trước các hoàng đế Bắc triều. Năm thứ hai, chúng tôi tiếp tục được thầy Nguyễn Huệ Chi ở Viện văn học dạy về chuyên đề thơ văn Nguyễn Trãi. Những bài học quý giá ấy để chúng ta biết tự tôn tinh thần dân tộc. Vốn tôi rất mê và học khá các môn học về ngôn ngữ mà cơ duyên định mệnh phải làm khóa luận về đề tài “Phê phán tư tưởng bá quyền nước lớn trong một số tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa”, chủ yếu là các tác phẩm thời Minh - Thanh (nói thiệt, sinh viên đạt kết quả học tập khá 4 năm mới được làm luận văn, tôi thuộc dạng trung bình nên chỉ làm khóa luận và thi tốt nghiệp môn Văn học Việt Nam suốt 10 thế kỷ, may sao bài thi đạt điểm cao nhất lớp).

Chiến tranh biên giới phía Bắc rồi cũng kết thúc, quân xâm lược bành trướng Trung Hoa rồi cũng phải phải rút quân về. Nhà cầm quyền Trung Quốc không thể dạy dân tộc Việt Nam một bài học như học tuyên bố. Có chăng, đã để lại hậu quả tan thương cho cả hai phía. Trong thời gian ấy, chúng tôi được xem phim tài liệu “Phản bội” do đạo diễn tài ba Trần Văn Thủy dàn dựng. Qua phim được xem mới biết rằng, lính Trung Quốc (qua phỏng vấn với các tù binh) rất mơ hồ về chủ nghĩa Marx, chỉ “vâng mệnh” tư tưởng Mao, rồi chính những người mang danh cộng sản đi đánh với người theo cộng sản (?). Cần nói thêm rằng, đạo diễn Trần Văn Thủy cho sản xuất nhiều bộ phim tài liệu đạt giải cao tại các Liên hoan phim quốc tế và quốc gia như : Những người dân quê tôi, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Mạn đàm về người Man di hiện đại… và hai bộ phim một thời được xem là có “vấn đề” là Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế. Nhưng rồi nhờ thời kỳ đổi mới mà hai bộ phim này mới được công chiếu. Còn bộ phim tài liệu quý giá “Phản bội” nói về chiến tranh biên giới Việt Trung không được chiếu sau đó. Hồi năm 1998, ông có vào dạy cách dựng phim tài liệu cho phóng viên trẻ ở Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam (nơi tôi làm việc trước đây), tôi có hỏi về bộ phim này, nhưng ông nói không đem theo. Tiếc thật! Bọn trẻ bây giờ không được chứng kiến cảnh chiến tranh đầy tội ác của quân xâm lược Trung Hoa…
Ba mươi lăm qua rồi, ghi lại mấy lời như nhớ về thời trai trè, thời còn đi học.

Phan Thanh Minh k9
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét