Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Nhận diện về từ Hán - Việt




Phan Thanh Minh

Rất thú vị khi đọc bài viết Nghĩa của một vài yếu tố hợp thành từ ngữ Hán – Việt trên LĐCT số 7, năm 2014 của Nguyễn Đức Dương. Qua bài viết, tác giả đã cung cấp cho bạn đọc rõ nội dung các hợp phần tạo nên từ ghép của các từ: hạnh kiểm, nghĩa cử, ngọa triều, ngu trong từ ngu dân, nguyên trong từ nguyên nhung, phản trong từ phản trắc. Người viết bài này mong được chia sẻ về nội dung một vài từ ngữ Hán – Việt.

1. Trước hết xin được nói lại chữ nguyên trong từ nguyên nhung.
Theo NĐD, “lắm người ưa giảng chữ nguyên trong từ nguyên nhung là đầu, bắt đầu, lớn [….] . Giảng như thế không sai lắm, nhưng chưa thật chuẩn xác, vì ngoài cái nghĩa là “đầu”, chữ “nguyên” còn có nghĩa là “người đứng đầu…”
Phân tích về nghĩa gốc, chữ nguyên có nghĩa là “đầu tiên”. Vì thế ta sẽ hiểu: nguyên đán là buổi sáng đầu tiên trong năm , nguyên nhật là mồng một tháng giêng (âm lịch)… Từ nghĩa gốc ấy sẽ có các yếu tố hợp thành: nguyên thủy, nguyên bản, nguyên văn, nguyên tố.... Cũng từ cái nghĩa gốc là “đầu tiên” ấy, nguyên được phát triển thành từ “quan trọng nhất” như nguyên lão (là chữ do người Việt mình dịch từ chữ có nguồn gốc từ tiếng Latin, chỉ các cụ già được quý trọng nhất nước ở Hy lạp, La Mã ); nguyên hậu là hoàng hậu (là bà hậu cao nhất); nguyên nhung là tổng chỉ huy quân đội, giống như “nguyên soái” (nhung có nghĩa là chiến tranh, như trong bình nhung).
2. Có nhiều từ được viết ra bằng chữ khối vuông, đọc theo cách phát âm Hán - Việt, nhiều người lầm tưởng đấy là những chữ có gốc gác từ Trung Hoa.
2.1. Giang và hà viết theo chữ khối vuông đều có nghĩa là “sông”. Thế nhưng ngay ở Trung Quốc, giang chỉ tên sông từ Nam Trường Giang tới Mã Lai, còn hà chủ yếu ở phía Bắc sông Trường Giang. Nhà ngữ học Hoàng Thị Châu đã phục nguyên dạng cổ của từ “sông” trong tiếng Việt là “khlong” với một số tên sông hiện có ở Việt Nam, ví như Sông Hồng trong sử cũ của Trung Quốc và của Việt Nam đều chép là sông Phú Lương. Điều mà chúng ta dễ nhận thấy rằng, tên sông chủ yếu ở Việt Nam là “giang”, như Đà Giang, Lô Giang, Lam Giang, Hương Giang, Hàn Giang…,; trường hợp Hồng Hà là đặt sau này và hiếm thấy. Ngôn ngữ học đã phục hồi lại ngữ âm của chữ “giang” vốn xuất xứ từ vùng Nam Á, cụ thể hơn là vùng Đông Nam Á và được Latin hóa bằng các chữ viết như: khoóng (Lào – Thái), kông, sông (Việt), krong, kroung (vùng Tây Nguyên)…
2.2. Chữ lãng mạn cũng được nhiều người giảng giải theo nghĩa chiết tự tiếng Hán: “sóng tràn bờ, chỉ sự phóng túng, tự do, vượt lên mọi ràng buộc…". Rồi không ít người khi giảng về Thơ Đường cho rằng, thơ Đỗ Phủ mang khuynh hướng hiện thực, thơ Lý Bạch thiên về lãng mạn (?).
Thực ra, chủ nghĩa lãng mạn là trào lưu văn học và cũng là phương pháp sáng tác, mang nội dung lịch sử xã hội cụ thể, được hình thành ở Tây Âu sau cách mạng tư sản Pháp 1789. Ở Trung Quốc không hề có trào lưu hay khuynh hướng lãng mạn. Đây không còn là chuyện giả thuyết mà là chuyện xác thực khoa học. Lãng mạn chính là do chữ romantique của tiếng Pháp được phiên âm mà có, chứ không phải là chữ của người Trung Hoa (littérature romantique: văn học lãng mạn; homme romantique: con người lãng mạn; romantisme: chủ nghĩa lãng mạn).
2.3. Tương tự, theo GS Phan Ngọc, các thuật ngữ khoa học như văn minh, triết học, kinh tế, tư tưởng… phần lớn do người Nhật tạo ra trên cơ sở chữ tượng hình, sau đó người Trung Hoa tiếp nhận, bởi vì người Nhật đã tiếp thu khoa học Châu Âu trước.
2.4. Cuốn sách Danh Từ Khoa Học được xuất bản hơn 70 năm về trước (1942), học giả Hoàng Xuân Hãn đã dựa các quy tắc và chọn các phương sách để dịch các thuật ngữ khoa học để người Việt dễ tiếp nhận. Ví dụ: quang phổ: lumineux, thể năng: énergie potentielle…; hay như các từ. Nombre positifnombre négatif, người Trung Hoa theo chữ gọi là chính số và phụ số, dùng như vậy là không đúng, nên ông đổi là số âm và số dương.
Ở mục số 2. này, chúng tôi muốn nói rằng, không phải những từ nào nghe qua có vẻ “sang, bác học…” thì gán cho nó là từ Hán – Việt!

3. Ngày nay, hầu hết người Việt hiểu nghĩa các từ ngữ Hán – Việt bằng chữ quốc ngữ (chỉ một số ít theo học ngành Hán Nôm, ngữ văn) chứ không phải bằng thứ chữ tượng hình như các cụ ngày trước học chữ Nho. Do vậy việc nhận diện nó, theo GS Phan Ngọc gọi là “mẹo giải nghĩa từ Hán - Việt).

4. Đã một thời, Chính phủ Trung Quốc đã bỏ vô vàn công sức, tiền của để Latin hóa tiếng Hán, nhưng không thành vì số lượng chữ viết đồng âm của chữ Hán quá lớn. Nên họ phải tìm cách giữ lại cách viết tượng hình, chỉ đơn giản hóa chữ viết bằng cách đơn giản bớt số nét, điều mà người Việt đã thành công việc Latin hóa tiếng Việt trên cơ sở cách ghi âm của các cố đạo công giáo phương Tây. Nói như vậy để ta thấy rõ, những người học Trung văn ngày nay và kể cả người Trung Quốc học tiếng Trung hiện đại cũng “đại khái” hiểu tiếng Hán cổ không khác gì mấy so với số đông người Việt. Có chăng, mỗi người cần phải tra cứu, hiểu “mẹo dịch” để hiểu rõ gốc gác, nội dung của những từ được sử dụng.
5. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh xuất bản năm 1932, Hãn Mãn Tử (tức Phan Bội Châu) hiệu đính cho ta 5.000 chữ, 40 vạn từ được xem như là công trình chuẩn cho việc tra cứu từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo thời gian, số chữ được xem là từ Hán - Việt, nhất là các thuật ngữ khoa học, chính trị, kinh tế … mới ra đời sau này không được thấy trong công trình ấy. Mong sao các nhà khoa học, các nhà từ điển học nước ngày nay nhà công bố bổ sung những từ ngữ Hán – Việt hiện diện sau năm 1932 để chúng ta dễ bề tra cứu và hiểu cho đúng nghĩa!



Phan Thanh Minh K9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét