Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

ĐẶC SAN 50 NĂM - BUỒN VUI BA THÁNG HÈ

 

Trong đời học sinh, mỗi năm đến hè, lòng man mác buồn, trao nhau những giòng lưu bút lâm ly, cũng có thể rộn rả một niềm vui dành cho chương trình rong chơi thỏa thích, cũng có thể bù đầu lo ôn thi nếu chẳng may cuối năm thiếu điểm, còn có thể là một mớ băn khoăn khi phải chuyển trường vì một lý do riêng, rời bỏ môi trường thân quen để tiếp nhận hoàn cảnh mới hoàn toàn xa lạ!

Nếu là học sinh đang năm cuối cấp thì ba tháng hè mặc nhiên được xem như là “mùa thi”, hồi hộp âu lo, chuẩn bị lều chỏng khăn gói đi thi mới thấy thấm thía “quả thi” không phải là ớt thế mà cay! Rồi nào là hên xui, may rủi, một là tân khoa hai là trượt vỏ chuối! Chuyện tương lai hiện ra chần dần trước mặt…

Nếu may ra thôi không còn là học sinh nữa, trút bỏ được cái lốt thí sinh mà lại chọn làm cái nghề đi dạy học thì ba tháng hè vẫn còn là một đề tài lận đận đeo bám theo cuộc đời người giáo sư còn trẻ. Bây giờ không còn là thí sinh mà trở thành người quan trọng trong mấy tháng hè, thấy mình có trong tay một chút “quyền sanh sát thí sinh”! Đây là lúc phải thấm thía “không cay như ớt mà là đắng, đắng như bồ hòn”! Cái vị đắng làm căng thẳng tinh thần khi phải đấu tranh tư tưởng phân biệt rạch ròi đâu là giới hạn của tình cảm, đâu là đường ngay ngã thẳng của lý trí sáng soi trách nhiệm trong vai trò người có quyền sanh sát thí sinh. Đó là chuyện vui buồn ba tháng hè của một người thầy giáo mỗi năm trong mùa thi.
Mỗi cuối năm học, phần đông những giáo sư nào có hưởng lương ba tháng hè thường được Bộ Giáo dục điều động đi phụ trách công tác giám thị (coi thi), giám khảo (chấm thi), trong các kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp, Tú tài phần 1, Tú tài phần 2. Hồi ấy thí sinh các khóa này phải trải qua đợt thi viết trước, nếu đủ điểm rồi thì tiếp tục vào thi đợt vấn đáp kế theo sau. Nếu hỏng vấn đáp thì còn có thể được phép thi lại lần hai trong cùng năm đó.

Nhận được Sứ-vụ-lệnh do bộ giáo dục gửi về trường, giáo sư mang đến cơ quan chính quyền địa phương để làm Lộ-trình-thư hưởng phụ cấp mỗi ngày công tác hai bữa ăn và một đêm ngủ; lấy Lệnh-trưng-vận cho phương tiện di chuyển: trưng vận hỏa xa hoặc trưng vận hàng không. Cũng có thể bỏ thêm ít tiền túi bù vào trưng vận hoả xa để lấy vé hàng không đi cho sướng. Phụ cấp công tác và phương tiện di chuyển được tính cao thấp tùy theo ngạch trật của giáo sư công tác. Ngoài ra còn được hưởng phụ cấp chấm bài thi tính trên tổng số bài thi đã chấm, giá biểu mỗi bài chấm được tính riêng từng loại chấm lần thứ nhất hoặc chấm lại lần thứ hai. Tất cả những phụ cấp này sẽ được truy lảnh tại trường sau đó vài tháng. Tí tiền còm này cũng đáng kể nhưng nằm ngoài ngân sách gia đình nên việc tiêu dùng món tiền này cũng dễ dàng thoải mái. Đi chấm thi tuy có mệt nhưng vui lại có tiền …

Sứ vụ lệnh cầm trong tay, đến trình diện Hội đồng thi rồi lo thu xếp nơi ăn chốn ở trong suốt thời gian công tác. Nếu tại địa phương đặt Hội đồng thi, mình có nhà bà con thì có thể về tá túc với bà con, nếu không thì bản thân nhà trường nơi đặt Hội đồng thi lo thu xếp phòng ốc cho mình tạm trú. Cuối cùng có thể Tòa Hành chánh tỉnh hoặc Toà Thị chính thành phố đón tiếp mình về nhà vảng lai. Chuyện ăn uống mình kéo nhau ra phố.

Đi công tác coi thi thì có thể chỉ mất một tuần hoặc hơn đôi chút, còn chấm thi thì lâu hơn, có khi cả tháng trời. Mỗi năm vài lần đi như thế này là hết trơn mấy tháng hè. Đi công tác này còn là cơ hội được đi chơi, thăm thú nhiều nơi như một chuyến du lịch bỏ túi. Đi riết rồi đôi khi cũng có ai đó lại thấy cần xoay sở tìm mọi cách né tránh hợp pháp để được ở nhà kinh doanh khóa dạy hè!

Vậy thì đâu là chuyện BUỒN VUI MẤY THÁNG HÈ nếu chưa đề cập đến cái vai trò phải đóng trong lúc mình có mặt tại phòng thi với tư cách người coi thi cũng như người chấm thi. Đấy chính là hoàn cảnh không mấy khi ai tránh khỏi, không vướn vào những nhờ cậy, gửi gắm của bà con, bạn bè quen biết có thân nhân đang là thí sinh ở đâu đó, phòng nào, tên họ là chi thuộc hội đồng mình đang có mặt!

Lần đầu tiên tôi được điều động đi chấm thi tại Sài gòn. Hội đồng thi đặt tại trường Gia Long. Nhà trường bố trí cho chúng tôi tá túc tại các phòng nội trú tầng lầu 3 trong khi các học sinh nội trú đã về quê nghỉ hè. Phòng ốc khá đủ tiện nghi theo cấu trúc xưa thời Pháp thuộc.

Có mặt tại trường sớm một ngày để trình diện Chánh chủ khảo, sau đó tham dự buổi họp nhận sự phân chia công tác. Vì là lần đầu đi chấm thi, hơn nữa nơi chấm thi lại quá xa so với quê mình đang ở, chung quanh toàn xa lạ nên không hề bị vướng víu, níu kéo nhờ cậy gì hết. Làm việc nhẹ nhàng thoải mái. Xong công tác, các giáo sư đến từ xa được hưởng ba ngày phép trước khi rời Hội đồng để có thì giờ dạo phố, đi mua sắm quà cáp cho vợ con. Lên máy bay trở về, lòng vui nhẹ nhỏm mong những lần sau quen dần với công tác và thích thú nhiều hơn.

Lần kế tiếp tôi được chỉ định đi chấm thi ở Huế, trung tâm Đồng Khánh. Rất tiện vì ở Huế tôi có chỗ bà con để ở nhờ. Tôi chỉ cần mang theo chiếc xe gắn máy làm phương tiện đi lại hội đồng, ngoài ra còn chạy loanh quanh thăm hỏi bà con, bạn bè, viếng lại chốn xưa cảnh cũ.

Ngày thi bắt đầu, tôi vừa bước vào phòng thi, nghe tiếng xì xào ở hai bàn cuối bên tay phải, tôi nhìn kỷ thấy một nam sinh mặt rất quen, nhớ ra đó là học sinh cũ của tôi. Trong giờ thi môn Vạn vật, thí sinh này cúi xuống bàn, giở sách ghi chép. Thật khó cho tôi khi nghĩ đến tình thầy trò cũ. Tôi biết nếu dung dưỡng trường hợp này thì cả lớp sẽ xem đó như là một biểu hiện dễ dãi của tôi, phòng thi sẽ mất đi tính công bằng và kỷ luật. Tôi giả bộ như không thấy, bước ra hành lang vươn vai hít thở, nhác thấy bóng dáng giám thị hành lang từ xa đang đi tới. Tôi phải quyết định rất nhanh không để cho thí sinh này bị bắt quả tang và chắc chắn sẽ bị đuổi ngay khỏi ra phòng thi. Tôi trở vào và đến thẳng bàn anh ta, tịch thu ngay cuốn sách mang để dưới đất gần nơi bục giảng nhằm tránh cho giám thị hành lang trông thấy. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng nhưng khi nhìn thấy anh ta ngồi cúi đầu cắn bút, tôi bứt rứt khó chịu và thầm nghĩ: anh có oán tôi cũng đành chịu, tôi chỉ có thể giúp anh ngang mức đó thôi. Lần khác anh hãy quên ông thầy nầy đi, lo học bài cho kỷ.

Đến lượt thi vấn đáp, tôi phụ trách môn Quốc Văn. Chánh chủ khảo trao cho tôi một danh sách gồm khoảng 20 thí sinh. Trong danh sách này tôi thấy có một nam sinh và ba nữ sinh là học trò cũ của tôi. Suốt cả buổi sáng vấn đáp, tôi không thấy một học trò cũ nào vào thi. Tôi biết lúc đi dạy, tôi là người cho điểm rất hà tiện, cốt để học sinh cảm thấy mình hãy còn kém cần cố gắng thêm, do đó những học sinh này còn đang do dự chưa dám vào vấn đáp. Mãi đến chiều, tôi mới thấy những học sinh này gặp nhau nói chuyện trước cửa phòng, có lẻ họ đang bàn với nhau ai vào trước. Người nam sinh vào trước. Trên bàn đã có sẵn 4 đề thi trong phong bì, mỗi đề thi mang tên một thi sĩ. Tôi bảo anh chọn một và bóc lấy đề thi và đọc thuộc lòng bất cứ một bài thơ nào của thi sĩ đó, xong rồi trả lời một vài câu hỏi của tôi đặt ra liên quan bài thơ anh đọc. Cuối cùng, bốn lần chọn đề anh không thuộc được một bài thơ nào hết. Tôi thầm nghĩ tại sao anh ta có thể vượt qua được kỳ thi viết, có lẻ anh đã chọn bình luận câu ca dao. Trước khi cho anh ấy rời phòng thi tôi có có hỏi một câu:
- Anh đi thi, ngoài sự cố gắng học hành chăm chỉ, có chút thông minh, anh có tin rằng còn có sự may rủi không?
- Dạ có.
Câu hỏi này đặt ra ngụ ý cho anh ấy biết rằng khi vào thi nhất là vào thi vấn đáp mà gặp được thầy cũ là đã gặp may mắn lắm rồi: Thầy cũ không nở nào đánh rớt học trò! Anh không thuộc bài nào, tôi cho anh điểm trung bình 10/20 thay vì điểm không, Với điểm cho này anh ta vẫn có thể đỗ vấn đáp nếu những môn khác anh vượt trung bình, tôi chỉ có giúp anh đến mức đó thôi!

Còn lại 3 nữ sinh, có lẻ người vào trước là người giỏi nhất trong đám, cô trả lời trôi chảy, tôi hỏi thêm hai câu trước khi cho điểm 16/20. Hai nữ sinh vào sau, thuộc thơ, trả lời được ba câu, bí một câu, tôi ghi điểm 14/20. Tôi thấy cả ba người còn nấn ná nói chuyện với nhau trước cửa phòng thi, một cô kéo vạt áo lau nước mắt. Thật cũng dễ nao lòng nhưng tôi cũng không được phép làm gì hơn và tiếp tục mang bảng điểm đi nạp cho chánh chủ khảo, lòng thư thái.

Trở lại Sài gòn lần thứ hai, trong khi phụ trách vấn đáp, tôi được một người bạn giới thiệu với một giáo sư người Sài gòn, anh này cần xin điểm cho một nữ sinh trường Lê Văn Duyệt, người yêu sắp cưới của anh ta. Chuyện xin điểm, gửi gắm anh em bà con của giáo sư, không nhiều nhưng mình cũng không thể từ chối vì lẻ gặp mặt nhau hằng năm trong mùa thi, biết đâu cũng có lúc mình cần đến người ta. Tôi chỉ kỵ nhất là việc gửi gắm nhờ cậy xảy ra trong các kỳ thi tuyển học sinh vào lớp 6. Số lượng tuyển sinh có giới hạn. Nếu giúp nâng đở cho một người vào thì tất nhiên một người khác sẽ bị loại ra nhường chỗ lại. Ngoại trừ sau khi quyết định xong sỉ số mỗi lớp, có thể cho thêm một hai học sinh vào lớp sáu, sỉ số lớp đó tăng lên một chút nhưng không phải loại bỏ ai cả.

Những lần khác, công tác ở Qui Nhơn, Nha Trang, tôi không gặp trở ngại nào, chấm thi, hỏi vấn đáp xong là thu xếp ra về.

Từ khoảng năm 1960 trở về sau, khóa thi trung học đệ nhất cấp được bãi bỏ, học sinh lớp Đệ Tứ (lớp 9 sau này) cuối năm đủ điểm thì thi vào Đệ Tam (lớp 10 sau này) chỉ còn lại các kỳ thi Tú tài phần 1, phần 2.

Đi chấm thi nhiều chỗ, ở đâu cũng tương đối dễ chịu, tôi thường thấy mọi sự đều trôi chảy ngoại trừ Huế. Có lẻ Huế là nơi tôi có ngày càng nhiều người quen, bạn học cũ, học trò cũ từ các trường ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Hội An.
Không tránh cũng chẳng mong, lần này tôi nhận công tác tại Huế, trung tâm Nguyễn Tri Phương, được giao làm thư ký trung tâm, nhiệm vụ khá nặng nề. Nhận danh sách thí sinh, lo tổ chức phòng thi. Tôi đến trường quan sát, chọn phòng thi, loại trừ các phòng quá gần đường xe chạy nhằm tránh bớt tiếng ồn. Đi vào từng phòng, dùng phấn nhúng nước ghi số báo danh lên bàn, xác định chỗ ngồi cho mỗi thí sinh. Dành một ngày cho thí sinh đi xem số báo danh, tìm phòng thi và tìm chỗ ngồi. Ngày hôm sau bắt đầu thi, tôi nhận đề thi đem đi phân phát cho mỗi phòng. Sau mỗi môn thi tôi phải nhận tất cả bài thi từ các phòng thi mang đến nạp, tập trung về phòng hội đồng. Cứ như thế cho đến môn thi cuối cùng. Xong đâu đó, các phòng thi bây giờ được sắp xếp lại cho các giám khảo chấm bài thi.

Bài thi, trước khi được giao đến tận tay cho các giám khảo chấm, phải trải qua các giai đoạn cần thiết. Chánh chủ khảo và Tổng Thư ký Hội đồng là người được điều động từ Sài gòn ra. Chánh chủ khảo và Tổng Thư ký đích thân chọn người đánh số phách lên từng bài thi (mỗi tờ giấy thi, ¼ trên đầu dành ghi lý lịch thí sinh, ¾ còn lại dành cho thí sinh làm bài, phần ¼ này gọi là đầu phách). Số phách nôm na như là mật mả của mỗi bài thi được ghi cả trên đầu phách và trên phần làm bài. Đánh số phách xong, các bài thi được chia thành từng xấp chừng 20 bài, chuyển qua giai đoạn cắt phách (đầu phách bị xắn rời bài làm), phách cũng được giữ nguyên từng xấp tương ứng xấp bài thi. Sau giai đoạn này, các bài thi, ngoại trừ số mật mã của bài thi, không còn dấu vết gì của thí sinh. Các đầu phách được lưu giữ nguyên thành từng xấp, riêng biệt từng môn, từng phòng thi cho đến giai đoạn hồi phách sau cùng.
Bài thi bây giờ mới được phân phối đến tay các giám khảo chấm. Tôi nhận bài thi và mang đến các phòng giao cho giáo sư chấm. Bài chấm xong, tôi nhận lại và kiếm soát xem có còn sót bài nào chưa chấm, trả lui cho giáo sư chấm tiếp. Bài chấm xong, tôi mang về giao cho Tổng Thư ký tập trung bỏ vào tủ cất và mỗi cuối ngày làm việc tủ được khóa và niêm phong. Giấy niêm phong mang đủ hai chữ ký của Chánh chủ khảo và Tổng thư ký.

Trung tâm Nguyễn tri Phương tôi đang công tác cũng là nơi đứa em tôi đang là thí sinh. Ngoài việc chăm lo học bài em tôi cũng đặt ít nhiều hy vọng ở sự quan tâm của anh mình đó là chuyện thường tình. Theo kinh nghiệm các lần chấm thi, tôi có dặn em tôi phải nhớ kỷ chữ cuối cùng của trang đầu bài thi là chữ gì. Vì lẽ các bài thi khi đến tay giám khảo chẳng còn một dấu vết gì để nhận biết đích xác bài của ai ngoài số mật mả. Trong nhiệm vụ Thư ký, các bài thi đều có qua tay tôi, may ra có cơ hội giúp được em mình tí đỉnh nếu được. Gần nửa ngày để ý tìm tòi nhưng không hề gặp cái tín hiệu bài của em. Trong khi đó có hai giáo sư đã tìm ra được bài thi của em mình, số thứ tự phòng thi của hai em đó cách nhau 7 phòng, tôi đã nắm được số mật mả của hai phòng đó, bằng kinh nghiệm trong chuyên môn tổ chức phòng thi, tôi có thể biết được mật mả phòng thi của em tôi. Ngặt một nổi tôi không có quyền bước vào phòng chấm bài khi không có lý do hơn nữa biết sao được khi bài của em tôi được phân đi phòng chấm khác.

Đến chiều, tin lộ mật mả phòng thi đến tai chánh chủ khảo và tổng thư ký. Hội đồng khảo thí dự định báo cáo sự việc về bộ giáo dục. Riêng tôi, nghĩ rằng chẳng có bằng cớ gì chứng minh mình là người có lỗi. Chiều lại, đang bực mình, có một giáo sư không phận sự tìm gặp tôi hỏi xin số mật mả bài thi của em vợ, tôi trả lời không biết và bảo rằng đó chẳng qua tất cả chỉ là tin đồn! tôi bị chê là ích kỷ!

Chuyện như vậy chưa xong, sau đó tôi được biết bài thi của cả phòng em tôi thi bị buộc phải đem ra giao cho các giáo sư khác chấm lại. Kết quả điểm số cuối cùng các bài thi của cả phòng này không tăng mà sụt. Tất cả bài thi của em tôi bị nghi ngờ có điểm số cao cũng đều bị đem ra chấm lại hạ điểm. Kỳ Tú Tài 1 năm đó em tôi bị hỏng và đến kỳ sau mới đỗ.

Xong phần công tác đợt thi viết, tiếp đó tôi được bố trí phụ trách vấn đáp môn Quốc Văn. Trong số các nam nữ thí sinh vào vấn đáp, có một nữ sinh Đồng Khánh rất đẹp. Cô vào vấn đáp khá sớm khác với những nữ sinh trường Nguyễn Hoàng gặp thầy cũ mà chần chờ mãi tới chiều mới dám vào. Cô vào gặp tôi, cười rất tươi, nét mặt đầy tự tin. Dứt khoát tôi không dành cho ai biệt lệ. Như mọi người khác, cô lần lượt bóc từng đề thi trong 4 đề thi để sẳn trên bàn. Cuối cùng cô không trả lời được đề nào. Tôi không buồn băn khoăn cô không là học trò cũ, cho cô ra về kèm theo lời nhắn cố gắng ôn bài đợi kỳ thi sau. Tôi ghi điểm 00/20 mặc dầu tôi vẫn biết trong các môn thi, bất cứ một môn nào bị điểm 00/20, thí sinh này bị loại.

Đến chiều, lúc 5:00, tôi đem bảng điểm lên lầu nạp cho thư ký vào sổ. Một giáo sư rất thân xuất hiện, đã chặn tôi lại ngay dưới chân cầu thang: “Cho “moi” xin điểm cho một nữ thí sinh, em của một giáo sư hiện đang đi chấm thi ở tỉnh khác, có gửi gắm lại cho “moi”. Đây, đúng là đây rồi, sửa điểm đi, trước mắt “moi” trước khi lên lầu. Tôi không biết đường nào từ chối, đành sửa điểm 00/20 thành 14/20.

Thế rồi lòng vòng buồn vui ba tháng hè mỗi năm tôi lại gặp anh ta hè năm sau. Tay bắt mặt mừng, anh ta kéo tôi đến gần nói nhỏ “ Cô ấy hỏi thầy đó đã có vợ chưa”
- Đã có hai con.
- Hèn gì!
Tôi chợt nhớ lúc còn đi dạy ở Trần Quý Cáp Hội an, trong một buổi họp giáo sư, ngồi cạnh Bà Huỳnh Tân, tôi cắt cớ hỏi bà : Bà đi chấm thi ở Quảng ngải có gì vui không. Bà thích thú trả lời: Trong một lần phụ trách vấn đáp môn Pháp văn, tôi có gặp một nữ thí sinh tên Ánh Nguyệt trả lời chỉ đáng điểm trung bình, tôi cho 18/20 vì cô ta quá đẹp! Mọi người đều cuời. (Bà Huỳnh Tân, hiệu trưởng trường Hoài Đức Hà Nội một thời nỗi tiếng về nhan sắc) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét