.
.
Năm Mậu Thân 1968, gia đình tôi từ Duy Xuyên chạy về Đà Nẵng, sống trong khu cư xá Công Chức, trước cổng chính của trường Đông Giang. Từ đó mỗi buổi chiều, sân trường Đông Giang trở thành sân chơi lí tưởng của bọn nhỏ chúng tôi, nơi đây ghi dấu ấn sâu đậm một thời thơ ấu, cứ như thế tôi đã từng ngày lớn lên…
Mùa hè năm 1971, nhà tôi dọn về An Cư Tư, niên học mới năm đó, tôi chính thức trở thành học sinh Đông Giang. Ngày tôi đi thi đệ thất, thầy Dũng dạy lớp 5C của tôi đã dặn tôi và Lê Thiện Tuyến phải mang vị thứ nhất nhì về cho trường, chúng tôi đã hứa với thầy. Kết quả kì thi năm ấy, vị thứ nhất nhì đã thuộc về trường tiểu học An Hải thật, song người đứng nhất là Trọng lớp 5B và Tuyến lớp tôi đứng nhì, còn tôi chỉ vừa đủ điểm đậu. Về sau nhiều lần quay trở về trường An Hải, tôi đã không dám gặp lại thầy giáo cũ.
Vào Đông Giang tôi học khá môn văn, các môn khác chỉ hơn trung bình một chút, nhưng cũng có hai lần được làm chemise môn sử địa của thầy Trương Văn Phó và môn lý hoá của thầy Trần Đạt. Tôi nhớ rất nhiều những bạn bè trong suốt bốn năm cùng chung lớp: Hảo, Ánh, Bạch, Dung, Nhung, Sơn, Minh, Kiệm, Thọ, Quýt, Khánh, Đích, Bình…. Còn biết bao cái tên nữa làm sao kể hết. Ngày ấy, học sinh chúng tôi tự tay trồng bạc hà và dương liễu trong sân trường để lấy bóng mát, chia tổ ra thi đua chăm sóc, để xem cây của tổ nào mau lớn hơn.
Tôi nhớ cái lần tham gia trong đội diễn hành của trường, chiều nào cũng phải đi tập. Ngày biểu diễn ngang qua khán đài, nghe đọc thành tích của trường mình với ba năm liên tiếp giải nhất, trong lòng thấy tự hào vô cùng. Có lần tôi cùng Phạm Thị Thông và Trần Thị Lài, được chọn đi cùng với các anh chị lớp trên, tham gia buổi giao lưu văn nghệ và choàng vòng hoa cho một đơn vị đóng ở Phú Lộc. Chúng tôi đi bằng xe GMC, đến nơi áo quần bám đầy bụi đỏ, dù mệt nhưng rất vui, nghe các giọng ca trong ban văn nghệ của trường mình như: Lưu Thị Ngọc, Phan Hồ Duyên… hát còn hay hơn mấy cô ca sĩ tâm lý chiến…. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua với một chút rung động đầu đời…
Mùa xuân năm 1975, trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến (29/3) tôi trở thành nạn nhân chiến tranh, cũng từ đó vĩnh viễn rời xa mái trường Đông Giang, trong lòng đầy ngậm ngùi nuối tiếc. Cùng năm đó, tôi mất luôn cô bạn học thân thiết chung nhóm, bạn tôi – Phạm Thị Thông sau tháng 4 năm 1975 đã về lại Duy Xuyên, rồi mãi mãi nằm lại mảnh đất quê nhà, cũng vì dẫm phải mìn còn sót lại sau chiến tranh…
Trong suốt thời gian một năm tôi nằm ở bệnh viện C, có thầy Hà Mạnh Thu và vợ là cô Trần Trung Mộc, bị bỏng xăng cùng nằm tại đây. Cô Mộc bị nặng hơn nên nằm riêng một phòng nhỏ, còn thầy lại ở chung phòng với bệnh nhân nữ chúng tôi, mỗi lần y tá phát thuốc, nếu không đọc cả họ và tên, thì thế nào cũng bị nhầm lẫn. Bạn bè đồng nghiệp của thầy đến thăm rất đông, trong đó có khá nhiều thầy cô dạy ở Đông Giang. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp lại các thầy học cũ: thầy Nguyễn Ba, thầy Phụng, thầy Kim Lân, thầy Phát… (số ấy bây giờ chẳng biết ai còn ai mất, chẳng có một chút tin tức nào trong suốt ba mươi hai năm đằng đẵng)
Mười tám tuổi tôi rời Đà Nẵng theo gia đình vào Nam, mang theo nỗi nhớ trường xưa, nhớ thầy cô cùng bạn bè da diết, ngày ra đi không bạn bè đưa tiễn… Chỉ có mỗi anh hàng xóm đến tiễn đưa…
Em gái tôi (cũng là cựu học sinh Đông Giang khoá 12) vào cấp ba Long Khánh, đầu năm học mới cô giáo cho đề văn: “Hãy miêu tả ngôi trường cũ và phát biểu cảm nghĩ về ngôi trường mới…” Em tôi đi qua thời cấp hai với bốn ngôi trường khác nhau, nên cảm xúc có phần tản mác, con bé đã nhờ tôi viết hộ phần đầu bài văn, thế là bao nhiêu nỗi nhớ trường xưa tôi dồn tất cả vào trang giấy, bài viết này được cô giáo của em tôi đọc lên trước lớp. Không biết là đã có bao nhiêu lần rồi, tôi nằm mơ thấy mình trở lại thời cắp sách, gặp lại những khuôn mặt thân quen cũ, nửa chừng tỉnh giấc trong lòng thấy buồn vô cùng. Đầu thập niên tám mươi, nơi quê người tôi gặp lại Ngô Văn Phương bạn cùng lớp cũ, Phương đến thăm tôi mấy lần rồi sau đó cũng biệt tăm luôn.
Mùa hè năm 2008, tôi trở về cố hương sau ba mươi hai năm biền biệt, Ngọc Dung – cô bạn còn lại trong nhóm ba đứa ngày xưa đã không thể nhận ra tôi. Buổi trưa về ngang qua trường cũ, hai chữ ĐG còn lại trên cánh cổng gợi nhớ quá một thời, cứ thế những hình ảnh lần lượt xâu chuỗi lại, tay đã chạm vào cung đàn cũ, âm thanh vỡ òa và kỷ niệm ùa về nguyên vẹn. Nhà văn Mai Thảo từng nói: “Trời xanh quá cũng làm người muốn khóc, tình đẹp quá cũng làm người muốn chết…”. Tôi đã quay về đây, một mình giữa sân trường vắng lặng, hoa phượng rụng đầy mặt đất và trên kia bầu trời thì xanh quá…. Chợt thấy tâm trạng mình cũng giống như mấy mấy câu thơ mà VT viết cho Đông Giang:
Những lúc về ta rơi nước mắt
Qua trời phố núi cổng trường xưa
Mười năm đời ta lăn khổ nhọc
Còn gõ buồn tênh khúc nhặt thưa…
Tôi đã đi qua một quãng thời gian dài dằng dặc, khi ngoảnh lại con đường xưa giờ xa hun hút. Tôi nhớ thời còn tuổi dại bao lần đứng giữa sân trường này, mơ ngày được khoác áo dài làm cô nữ sinh trung học. Nhớ những lần tan trường về, con đường địa phương rợp mát bóng cây, nơi ấy bươm bướm và hoa dại một thời lưu luyến bước chân tôi ... Một chút hoài niệm về thầy cô, bạn bè, trường lớp cũ. Cho tôi được một lần thắp sáng kỷ niệm xưa, tìm lại những dư âm của một thời đã mất…
Quá nửa đời quay trở lại trường xưa
Bạn bè cũ, thầy cô giờ đâu vắng?
Trưa tháng sáu giữa sân trường đầy nắng
Phượng rơi đầy, thổn thức một tiếng ve…
Ta nhớ lắm những ngày còn rất trẻ
Nón che nghiêng, áo trắng với tóc dài
Chút tình nhỏ mong manh thời trẻ dại
Đã như sương tan vội dưới mặt trời…
Bạn bè ơi ! Ta thèm về quá đỗi
Sáng khai trường lất phất những hạt mưa
Nhớ xuân nào bên ánh lửa trại xưa
Nghe da diết tiếng đàn ai nhắn gởi.
Đã xa quá cả một thời nông nổi
Dấu chân quen bụi đỏ cuốn mù khơi
Ta mười bảy, rời trường xưa đi vội
Lòng nặng sầu chẳng biết kể cùng ai.
Mỗi lần nghe tiếng trống điểm sớm mai
Lại nhớ quá có một thời đã mất
Về trường xưa – quá nửa đời lận đận
Khắc khoải tìm hình bóng đã mù xa…
PHAN MẠNH THU (6/2008)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét