Thắm thoát tròn bốn năm ngày mất của thầy Bùi Văn Phát, nhớ những ngày
thầy bị bệnh, đến khi thầy mất, thầy cô đồng nghiệp, bạn hữu cùng các
anh chị cựu học sinh ĐG – HHT đã đến thăm chia sẻ cũng như đưa tiễn thầy
về cõi vĩnh hằng.
Hôm nay thầy cô, bạn bè, cựu học sinh lại về bên
vong ảnh Thầy để thắp nén nhang tưởng nhớ, nhân dịp nầy chúng tôi xin
đăng lại bài KHÓC BA của Bùi Thị Đông Giang đứa con gái hết mực thương
yêu của Thầy, nói như em Bùi Thị Đông Giang ( cựu học sinh ĐG - HHT ): "
Ngôi trường thân yêu hình như cũng là một phần máu thịt và tâm huyết
của Ba tôi nên khi tôi ra đời Ba tôi đã lấy tên trường đặt tên cho tôi
như một minh chứng của đời mình "
KHÓC BA
(bài của con gái Bùi thị Đông Giang thay điếu văn trước lúc tiễn đưa thầy Bùi Văn Phát)
Kính thưa gia tộc, thưa bà con, họ hàng, các thân bằng quyến thuộc, các thầy cô đồng nghiêp và bạn bè của Ba.
Đứng
trước sự ra đi vô cùng đau đớn của Ba tôi, trong sự xót thương vô hạn
và vĩnh viễn từ nay mãi mãi không còn thấy được Ba, tôi xin có đôi dòng
nghĩ về Ba tôi từ tình thương cha con ruột thịt để thay lời bài điếu văn
cho Ba, trước lúc tiễn đưa Ba về nơi yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.
Ba
tôi tên thật là Bùi Văn Phát sinh ngày 4/4/1945, sinh ra trong một gia
đình nông dân ở làng Vĩnh Trinh-Xã Duy Hoà- Huyện Duy Xuyên - Tỉnh Quảng
Nam là con thứ 14 trong gia đình có 18 người con của Ông Bà Nội tôi (Là Ông, bà Cửu Diện).
Thuở nhỏ Ba tôi là người con hiếu thảo, biết kính trên nhường dưới và
luôn được Thầy Mẹ (tức Ông Bà Nội tôi) thương yêu tin tưởng nhất trong
số những người con (vì Ba tôi là người luôn hiểu nhanh những lời dạy
bảo và luôn học tập theo nếp sống của Thầy Mẹ mình là thương yêu hiếu
thảo với Cha mẹ, quý mến bà con dòng Tộc, anh chị em trong nhà phải
thương mến và đùm bọc, với vợ con phải luôn luôn gương mẫu và là niềm
tin vững chắc của gia đình).
Từ nhỏ sau khi tốt nghiệp cấp
I, ở quê nhà Ba tôi không có trường cấp II, nên Ông bà nội đã đưa Ba tôi
cùng các anh chị em ra thành phố học, các Anh chị của ba được học tại
Thành phố Đà Nẵng, còn Ba tôi được đưa về Thị xã Hội An. Lúc này Ba tôi
mới 11 tuổi nhưng phải một mình tự lo liệu lấy từ cái ăn đến cái học
hành không phải cần ai hướng dẫn nhưng Ba tôi vẫn đều đặn là học sinh
giỏi từng năm, mãi đến năm đệ ngũ (tức lớp 8 bây giờ) Ba tôi không học
lớp 8 mà thi băng và đậu vào học lớp đệ tứ (là lớp 9 bây giờ). Sau đó,
Ba tôi vào Tam Kỳ học lớp đệ tam (là lớp 10 bây giờ) sau khi học xong
lớp đệ tam Ba tôi thi đỗ Tú tài 1 (tức lớp 11 bây giờ) sau đó ba tôi
quay về Hội An học lớp Đệ nhất (là lớp 12) tại trường Trần Quý Cáp và
tốt nghiệp năm đó.
Năm 1964 Ba tôi thi đỗ học Đại học tại Trường Đại
Học Khoa Học Huế, đối với Ba tôi việc học quả là rất dễ dàng từ đó lại
làm tăng thêm niềm tin cho Thầy mẹ (Ông bà Nội).
Năm 1966, Ba tôi
tốt nghiệp Đại học và được phân về giảng dậy tại trường Trung học Đại
Lộc. Năm 1970, Ba tôi lập gia đình với Mẹ tôi và sinh hạ được 04 người
con (nay còn 03), 2 trai và 01 gái, đến nay các con của Ba đã yên bề gia
thất và có được 02 cháu nội, 02 cháu ngoại. Tất cả các con dâu, rễ đều
có công ăn việc làm đảm bảo được đời sống với gia đình là như thế, đối
với bà con họ hàng Ba tôi là người rất quan tâm từ bà con gần đến bà con
xa, bất cứ việc gì, khi nghe tin là Ba tôi đến thăm viếng chia sẽ niềm
vui, nỗi buồn, nhất là vào các dịp lễ tết, ngày cúng tế, trong Tộc họ Ba
tôi thường đứng ra lo lắng từ giấy mời họp mặt, thông tin việc hiếu hỉ
đến tất cả bà con và tổ chức luôn rất chu đáo, việc gì ra việc nấy, ít
khi bị nghe những lời trách móc từ phía bà con. Đặc biệt Ba tôi có trí
nhớ rất tuyệt vời, người thân bà con dù gần hay ở xa Ba tôi đều biết và
nhớ rất đúng. Bên cạnh đó, sự ân cần chu đáo khiến trong bà con, bạn bè
ai cũng thương yêu quý mến. Từ khi phát bệnh đến khi ra đi về bên kia
thế giới chỉ có 04 tháng, nhưng bà con bạn bè của Ba đến thăm hỏi sức
khoẻ, động viên rất đông và chỉ bảo cách điều trị và cuối cùng là viếng
thăm, ai cũng cùng một ý nghĩ Ba tôi mất đi như một cuốn từ điển “không
từ” và từ đây mọi việc không biết hỏi cùng ai. Một cháu gái của Ba tôi ở
xa điện về thăm hỏi chia buồn trong nước mắt khi nghe tin Ba tôi mất “từ
nay cháu về thăm quê nhà ai sẽ là người hướng dẫn cháu để đi thăm mồ
mã, thăm ông bà, bà con họ hàng và đi đâu với Chú cháu vô cùng tin
tưởng, Cô ơi - cháu khóc đây”.
Đối với gia đình Ba tôi luôn luôn
gương mẫu, một người Cha đầy tình thương và trách nhiệm đối với con cái
và là niềm tin vững chắc của gia đình tôi. Ba ơi! chỉ còn 30 phút nữa
thôi mà sao con nghe uất nghẹn trong lòng, còn đâu nữa người chồng của
người mẹ hiền, người cha bằng xương bằng thịt của các con, người ông của
các cháu. Ba của con giờ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Con không khóc mà sao
nước mắt cứ tuôn trào, quên sao được những cái nắm tay, ánh mắt nhìn
con dặn dò lúc lâm nguy, những lúc Ba ngồi hát ru Chị Em con ngủ, những
câu hát lời ru của Ba như thấm vào da, vào thịt, vào lòng của Chị em tôi
để rồi bây giờ tôi lại hát những lời ru, dạy của Ba cho các con của con
nghe. Ba ơi!! Vẫn biết rằng đã sinh ra trên cõi đời này là phải có sinh
ly tử biệt nhưng sao con lại thấy quá đau lòng. Nhớ như in Ba ngồi bày
con tập viết cái chữ to tròn Ba nói: “xấu quá con ơi”. Dạy con làm toán
Ba không bày cặn kẽ, chỉ nói thoáng ý thôi là con hiểu ý ba liền, đi học
về ba đón con đầu ngõ, hỏi đề thi thế nào đọc lại cho Ba nghe…Con lúng
túng đọc sau quên trước, Ba trách rằng con chưa hiểu kỹ đề, Người ta bảo
rằng: “Ba là hay thương con gái” con biết vậy nên nhiều khi cũng “nhũng
nhiểu” Ba. Ba ước mong sau này con sẽ là Cô Giáo nối gót Ba Me bằng
nghề Giáo sau này, nhưng sao con dại khờ không hiểu để Ba buồn mà con
chẳng biết Ba ơi! Con đã lớn và yên bề gia thất nhưng trong mắt Ba con
vẫn cứ nhỏ hoài, con vui hay buồn, Ba đều đọc được ý trong con. Thương
Ba quá Ba ơi! mà con chẳng biết phải làm sao bây giờ, nguy kịch lắm rồi
nắm tay con mà sao Ba không nói “Ở với Ba một ngày nữa rồi về”để bây giờ
con mãi mãi mất Ba, không thấy Ba nói, cười, hay giận con lần cuối. Nếu
còn có kiếp sau thì Ba ơi! Thì Ba ơi!! (con khóc đây…) con muốn mình
mãi mãi là người con rứt ruột của Ba đã sinh ra để con được đền đáp công
ơn sinh thành dưỡng dục của Ba mà kiếp này con chưa làm tròn cho phải
đạo làm con. Tôi nghe Ba tôi nói năm 1970 Ba tôi xin về giảng dạy tại
Trường trung học Đông Giang để được gần gia đình và thuận lợi cho việc
dạy dỗ con cái sau này. Ngôi trường thân yêu hình như cũng là một phần
máu thịt và tâm huyết của Ba tôi nên khi tôi ra đời Ba tôi đã lấy tên
trường đặt tên cho tôi như một minh chứng của đời mình và chính nơi đây
Ba tôi thật sự sống trong sự đùm bọc yêu thương của các thầy cô đồng
nghiệp, với tình cảm thầy trò mà “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Đến lúc
lâm nguy nằm xuống Bạn bè và học trò từ thưở Ba tôi mới bắt đầu giảng
dạy từ các nơi: Đại Lộc, Duy xuyên, Hội An, Điện bàn… về thăm và tiễn
biệt gợi lại cho chúng tôi về hình ảnh người cha của mình tôi càng thấy
quý và trân trọng cái truyền thống kỹ cương của gia đình, mẫu mực của
Ông Bà tôi đã vuông đúc tạo ra Ba tôi một con người uy nghiêm mà giàu
lòng tình cảm và tôi lại như hiểu thêm một cách sâu sắc về người Cha của
mình. Lúc Ba tôi bệnh nặng các Cô, Chú và bà con, bạn bè của Ba như là
một hậu phương vững chắc cùng gia đình chúng tôi chăm sóc Ba đến hơi thở
cuối cùng, điều đó đã cho chúng tôi, những người con trong gia đình
thấy được quá trình sống giảng dạy và mối quan hệ của Ba tôi là thế,
điều đó minh chứng cho những gì Ba tôi có ngày hôm nay.
Cuối cùng,
không biết nói gì hơn, thay mặt cho gia đình tôi xin cảm ơn Tộc Bùi Vĩnh
trinh, bà con lối xóm, thân bằng quyến thuộc, cựu giáo chức trường Đông
Giang, cựu Học sinh các trường Đại Lộc, Đông Giang, Lê Độ đã đến thăm
hỏi động viên hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần và cuối cùng là tiễn đưa ba
tôi về nơi yên nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Sơn Gà – Gò Cà – Tp. Đà
nẵng. Xin nhận nơi đây lòng cảm ơn vô hạn.
Con gái Bùi Thị Đông Giang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét