Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

ĐẶC SAN 50 NĂM - CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ


 

CÂY TAM THIÊN

Niên khóa 1976-1977 , chúng tôi học lớp 11D trường PTTH Hoàng Hoa Thám ( Đông Giang cũ ), theo chủ trương của nhà trường, mỗi lớp phải có một vườn thuốc Nam khoảng 50m2 ( cạnh hông trường ) ! Cô chủ nhiệm Trần Thị Việt Anh ra chỉ tiêu mỗi học sinh phải tìm bằng được một cây đưa về vườn trồng, thú thiệt có nhiều cây lạ, có phải là cây thuốc hay không thì chỉ có…dược sỹ mới biết chứ cô trò thì…mù tịt ! do đó tên gọi cũng..hú họa (ghi trên tấm biển) cắm bên cạnh, do người mang cây về đặt cho…Riêng tôi, do …bí quá không tìm được cây thuốc nào, đành bứng đại dây “rau muống biển” (mọc phổ biến ở ven biển) mang đến trồng và ghi là “cây Tam Thiên” cho ra vẻ … Đông y ! Rất may, cô chủ nhiệm cũng chẳng biết cây rau muống biển nên cũng đươc…chấp nhận ! Từ đó, mỗi lần lớp lao động chăm sóc vườn thuốc Nam, có vài đứa biết, tưởng “rau muốn biển” có tên là “Tam Thiên” nên hỏi, tôi hài hước trả lời…TAM là BA, mà THIÊN là TRỜI ! Cây Tam Thiên là cây “Ba Trời”* đó ! tụi nó…té ngữa.

* Ba Trời : từ đùa nghịch , chỉ sự không thực !

TÁC PHẨM ĐỂ ĐỜI


Năm chúng tôi học 12, niên khóa 1978-1979 Đông Giang- Hoàng Hoa Thám, nhóm bạn ngồi cùng bàn mà có lẽ đứa nào cũng…nghịch ! điểm mặt thì đứa nào cũng “luyện chưởng” của Kim Dung miệt mài từ những năm trước 1975 nên rành chuyện “kiếm hiệp” ! một hôm tự nhiên tôi nảy ra “ý tưởng” dại dột là nhóm “chuyền tay nhau” viết nên một truyện kiếm hiệp ngay trong giờ học tại lớp, mỗi đứa một câu xoay vần, với điều kiện là phải…”viết ngược” ! và tôi viết câu đầu tiên, không ngờ sau câu đó, cả bọn hưởng ứng trên cả…nhiệt tình, thế là không lâu sau đó hình thành nên một tuyệt tác khoảng…50 trang giấy học trò (một quyển vở mỏng 50 trang thời đó). Rất tiếc, bây giờ tác phẩm đã thất truyền, gần đây chúng tôi cố gắng truy tìm nhưng chịu, không biết nó thất lạc khi nào. Riêng tôi, tôi còn nhớ đoạn đầu tiên như sau: “Hoàng hôn vừa ló dạng, mặt trời đứng ở đỉnh đầu, một chàng kỵ sĩ trẻ râu dài ngang bụng, lưng mang một thanh trường kiếm cụt, cưởi trên lưng con bạch mã đen đang từ từ phi nước đại…” chỉ nhớ chừng đó thôi, vì câu đầu tôi viết, có lẽ bây giờ bạn Nguyễn Văn Cúc là người nhớ nhiều nhất, có thể đọc vanh vách nhiều đoạn của tác phẩm để đời đã…mất này.

THƯỜNG ĐOÀN K.9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét