Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

ĐẶC SAN 50 NĂM - BẠN TÔI CÁNH CHIM ĐÃ MÕI

Được, bạn tôi tên đầy đủ Nguyễn Văn Được, người làng Mỹ Khê. Hắn là thằng bạn chí cốt của tôi từ ngày hai đứa cùng vào đệ thất trường trung học Đông Giang năm 1965. Hắn học giỏi, thông minh, tính người thẳng thắn, với bạn bè hắn là mẫu người năng nổ, nhiệt tình nhưng cũng đầy cá tính: nghiêm khắc, kỷ luật, nói làm là một.
Ngày còn ngồi ghế nhà trường hắn đã dành cho nhóm chúng tôi những tình cảm bạn bè thân thương, gắn bó, sẵn sàng hy sinh, chịu thương, chịu khó để bạn bè cùng được chia sẻ niềm vui. Rồi đến khi tôi - hắn và một số bạn bè cùng cởi bỏ chiếc áo trắng học trò, mỗi đứa chọn cho mình một quãng đời riêng lẻ. Hắn và tôi như hai quân cờ trên một bàn cờ thế sự, nhưng dù ở đâu hắn và tôi chẳng hề vắng tin nhau dù chỉ một tuần. Từ Rạch Dừa hắn vẫn thư về Đồng Đế, từ Quế Sơn hắn vẫn luôn thăm hỏi Sài Gòn, nhờ vậy hắn và tôi tuy xa nhau mà rất thật gần nhau.

Và dòng sông còn chảy, hắn và tôi như hai tảng lục bình, khi nắng lên gió nhẹ hai đứa lại gặp nhau, lúc mưa to bão lớn hai tảng lục bình trôi dạt hai nơi, nhưng cuối cùng vẫn " châu về hợp phố". Ngày hai đứa chấp nhận dừng chân nơi quê mẹ thì trường xưa cũng kỷ niệm tròn 35 năm. Tôi - hắn mừng vui bàn chuyện hội ngộ bạn bè, và cũng chính hắn là thằng bạn tiên phong làm "anh liên lạc". Bằng nhiệt tình sẵn có, bằng cả tấm lòng dành cho tất cả bạn bè, hắn đã dùng cái phương tiện "câu cơm" của hắn, rong rủi khắp các nẻo đường, dò hỏi thông tin từng đứa bạn, để mời gọi về thăm lại trường xưa, có đứa ở tận An Khê ngã ba Huế như Đỗ Thị Tuyết, có đứa ở tận Bắc Mỹ An như Trần Tấn Bình, có đứa có thông tin mà không địa chỉ, nhưng hắn vẫn không nản chí, đi tìm và tìm cho đến lúc gặp được bạn xưa mới thấy thỏa lòng. Những công sức của hắn đã cho được kết quả vô cùng hạnh phúc. Ngày 18.11.1998, lần đầu tiên sau 30 năm rời mái trường yêu, mười lăm cô cậu học trò khóa 3 Đông Giang được gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, buồn vui lẫn lộn, có đứa không kìm được xúc động đã ôm nhau bật khóc.
Sau khi đến thăm và tặng quà lưu niệm cho trường, cả nhóm bạn K3 Đông Giang ( có một vài bạn có cả vợ hoặc chồng tham dự ) cùng nhau về quán Nguyên Phương, anh em, bè bạn tha hồ hàn huyên tâm sự qua ly bia mừng hội ngộ. Và cũng chính ngày ấy một Ban liên lạc cựu học sinh K3 – ĐG (tạm thời) được ra đời gồm có Dũng, Được, Cầu, và Tân. Từ khi có BLL năm nào cũng có một ngày họp mặt truyền thống và có những cuộc họp bất thường ít nhất một vài lần, khi có bạn bè ở xa về hoặc có chuyện vui như con cái thi cử đỗ đạt, dựng vợ gả chồng v.v…Nhưng mỗi lần như vậy, bạn tôi hắn là đứa góp công lớn nhất trong mọi thành công, hắn không chịu gọi nhau qua điện thoại mà đến từng nhà gặp từng người, cá tính kỷ luật của hắn làm cho bạn bè phải quý phải thương, và dĩ nhiên phải thực hiện.
Đặc biệt hơn hắn là đứa bạn có trí nhớ tuyệt vời, bền bỉ và chi tiết nhất, nhờ vậy mà danh sách 91 học sinh K3 ĐG, riêng hắn đã cung cấp và cung cấp rất chính xác từng chi tiết gần 70 bạn, thậm chí có bạn chỉ đến với lớp vài ba tháng rồi theo cha mẹ chuyển đi nơi khác, nhưng hắn vẫn nhớ và nhớ như in. Với việc tang hiếu, ốm đau trong tứ thân phụ mẫu của bạn bè, hắn luôn là đứa đứng ra gánh vác giúp cho BLL và cả bạn bè trong lớp, trong việc thăm viếng, tiễn đưa một cách vô tư, nhiệt tình và coi như đó là trách nhiệm.
Nói đến hắn, bạn tôi Nguyễn Văn Được, một con chim có đôi cánh vẫy vùng đã để lại trong lòng bạn bè K3 Đông Giang sự yêu thương quý mến vô cùng.

Nhưng các bạn ơi! Một buổi sáng từ chiếc điện thoại trên bàn khách tôi không thể nào tin vào được chính tai mình, tôi không thể tin đó là sự thật, khi vợ hắn báo hung tin : "anh Cầu ơi, anh Được đang cấp cứu, đang cấp cứu... ảnh cấm khẩu rồi, em sợ, em sợ...". Tôi chỉ kịp nói một câu trấn an theo quán tính "em bình tĩnh đi, bình tĩnh ...". Vợ hắn cúp máy. Chúng tôi vội vàng đến ngay bệnh viện, Được nằm đó nhìn chúng tôi nhưng với cặp mắt vô thần, không nghe, không biết, không cựa quậy. Và từ đó hắn, tôi và cả bạn bè không còn được một lần nào chuyện trò với nhau nữa, dù trước đó hắn là đứa bạn được anh em gắn cho biệt hiệu rất thân thương "siêng nói hơn ăn". Tội nghiệp cho Dưỡng - vợ hắn - cũng từ đó đến nay phải cam chịu cái cảnh "Thân cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non".
Bây chừ hắn vẫn là Nguyễn Văn Được, nhưng không còn trọn vẹn như ngày nào, bởi hắn không đi được bằng đôi chân nhanh nhẹn, mà phải đi bằng cây gậy "bốn chân" nặng nề chậm rãi lê từng bước một, không còn nói cười quên cả uống ăn, mà chỉ biết ngồi trầm ngâm suy nghĩ khi có bạn bè ghé thăm, và cũng không còn bắt tay cười tiễn, mà chỉ biết ôm nhau và khóc, khóc thật to như để trút hết nỗi lòng. Bạn tôi, hắn không còn đôn đả đi tìm thăm từng đứa bạn như ngày còn cười nói, mà bây chừ hắn mãi ngồi nhìn ra cửa để chờ mong có ai nhớ đến thăm, có lẽ bây giờ hắn chỉ còn một ước mong dẫu rằng: Mọi vật trên đời đều thay đổi cả Cố giữ tình người, hóa đá cũng còn.
Vì hôm nay BẠN TÔI, CÁNH CHIM ĐÃ MỎI

NGUYỄN VĂN CẦU K3 ĐG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét