Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Đà Nẵng – Cõi Bén Tình Thơ

Cảm nhận văn chương của thầy Hoàng Dục trích trong tập PHẢI LÒNG CON CHỮ

Đã có những thời rất dài, thơ Việt Nam hiện ra trước mắt bạn đọc với bộ mặt nghiêm trang, nhưng vào khoảng những năm 70 của thế kỉ XX, ở miền Nam, đã xuất hiện những khuôn mặt thơ rất phóng túng từ cách lập ý đến sử dụng ngôn từ. Thơ đã có một điệu nói mang sắc thái trữ tình riêng, có một lối diễn đạt rất hiện thế pha một chút bụi bặm rất đời thường. Đấy là thơ của thế hệ những nhà thơ như: Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Lộc, Nguyễn Nho Sa Mạc,… họ đã đem vào thơ chất liệu đời thường, nói bằng giọng điệu của giao tiếp hằng ngày, nhưng đã được thi hoá một cách tự nhiên và độc đáo. Họ đã đem chân dung thơ của mình, một chân dung chưa qua photoshop, mà hoà với khuôn mặt tự nhiên của mọi con người giữa cuộc đời tạo nên sự hiện sinh của thơ. Một trong những nhà thơ tạo nên chất đời giản dị cho thơ, đó là Luân Hoán, một Luân Hoán như “…con chào mào mọi bữa - Vẫn đứng một mình đổ giọng véo von” (Làm lành).

Luân Hoán bắt đầu sáng tác năm 1960, xuất bản tập thơ đầu tay “Về trời” năm 1964. Trước năm 1975, ông đã xuất bản năm tập thơ và in chung nhiều tác phẩm với nhiều bạn thơ khác. Sau 1985, định cư ở Canada, ông tiếp tục ra mắt bạn đọc nhiều tập thơ nữa. Thơ ông viết về nhiều đề tài khác nhau, trong đó có đề tài quê hương, Hoà Vang quê gốc, Hội An nơi sinh thành (1941) và Đà Nẵng, mảnh đất đã nuôi dưỡng ông từ 1953, khi còn thơ bé cho đến lúc trưởng thành. Vì thế, Đà Nẵng đã trở thành nguồn cảm hứng thi ca, là một không gian nghệ thuật, một Cõi bén tình thơ của ông. Có lẽ thơ viết về Đà Nẵng của ông rất phong phú, nhưng đáng tiếc là tôi có ít tư liệu quá, không thể tiếp cận được nhiều tập thơ của ông! Cho nên, ở phạm vi bài này, tôi chỉ lạm bàn đến không gian thơ Đà Nẵng - Cõi bến tình thơ của Luân Hoán - qua ba bài: Đà Nẵng (Rượu hồng đã rót, 1974), Ngũ Hành Sơn (Cám ơn đất đá trổ thơ,1991) và Cõi bén tình thơ (Cỏ hoa gối đầu, 1997).

Qua ba bài thơ, hồn thơ của Luân Hoán như bay nhảy trong không gian thơ của thành phố quê hương. Tình thơ của ông tha thiết với từng con đường, ngã tư, những phố, những phường, những xóm, những danh lam thắng cảnh của Đà Nẵng. Đọc những bài thơ viết về Đà Nẵng của ông, người đọc cảm giác như đó là một địa lí thơ. Đà Nẵng là một mảnh đất dồi dào chất phù sa trữ tình, rất giàu cảm xúc thơ, đã trở thành chất liệu thi ca không bao giờ vơi cạn của hồn thơ Luân Hoán. Có thể nói rằng, Đà Nẵng gieo hạt thơ vào mảnh đất tâm hồn màu mỡ của Luân Hoán và đến lượt mình, hồn thơ ấy đã nở ra những bông hoa thơ làm nồng nàn thêm chất thơ Đà Nẵng. Trong Đà Nẵng, nhà thơ tâm tình.

nhưng thôi nhé, những cành cây, chiếc lá
ta đã nằm trong mỗi một các em
hơi thở ta đã mang đủ họ tên
của Ðà Nẵng đi trong đời vời vợi


Những gì nhỏ bé hay lớn lao, những gì là bình thường hay cao cả của Đã Nẵng đều có tên riêng, sống trong hơi thở, điều hòa nhịp thở của nhà thơ để ông “đi trong đời vời vợi”, đi bằng trái tim ấm nóng tình quê, đi bằng niềm tin cuộc đời mà quê hương đã hun đúc. Những con đường, những gốc rễ , những địa danh rất lạ, “những cành cây, chiếc lá” đã thoát xác nhập hồn tạo nên những vần thơ của Luân Hoán. Thế nên:

cổ họng khô uống cầm chừng nước lã
ôi quê hương ta xin vẽ lên thơ
chút đỉnh ba hoa, tài nghệ phất phơ
phơi ra hết nỗi tình ta ngờ nghệch
vụng dại đó mong đời tha thứ hết


Như thế là biện chứng. Nhà thơ hút hương mật của quê hương mà nuôi cây thơ, nên đến lượt thơ phải quay về dâng hoa trái làm thơm ngọt quê hương. Đó không chỉ là biện chứng trong mối quan hệ giữa thơ với đời mà còn là nét đẹp văn hóa Việt – nét đẹp tình nghĩa. Thơ Luân Hoán đã tiếp nối và phát huy hằng số văn hóa của dân tộc ấy.

ôi Ðà Nẵng nhờ ngươi ta hiện diện
ta nhờ ngươi có những người tình
được nói về ngươi, như nói với chính mình
ta sung sướng trôi cùng thơ bát ngát
dù khổ nhục suốt đời ta vẫn hát
bài ngợi ca nhan sắc của quê hương

Thực ra, không riêng gì Luân Hoán làm thơ để ca ngợi nhan sắc Đà Nẵng, rất nhiều nhà thơ, những người con của mảnh đất bán sơn địa này, đã viết những vần thơ ca tụng vẻ đẹp nhan sắc của quê hương họ. Mỗi nhà thơ khám phá nhan sắc Đà Nẵng bằng những con mắt thơ khác nhau. Trần Khắc Tám đứng ở góc nhìn Đà Nẵng mùa thu của những năm tháng hòa bình mà cảm nghe phố thị nên thơ đến lạ

Đà Nẵng vào thu sao chưa mưa ngâu
Chỉ thấy lá vàng rơi trên vai người dạo phố
(…)
Phía trước mùa thu là đại dương
Những con sóng vô tư cánh buồm trôi yên ả
Là đường nhà em thơm hương lá
Là Đà Nẵng ban mai sau giấc ngủ nồng nàn

Tôn Thất Phú Sĩ, nhìn Đà Nẵng từ bên ngoài Tổ quốc nên thao thiết nhớ dòng sông Hàn thuở học trò. Con sông đã trở thành biểu tượng của thành phố “đầu biển cuối sông” (Hồ Anh Tuấn) mà Phú Sĩ đã bao lần vùng vẫy, lội bơi đã ăn sâu vào kí ức không thể xóa nhòa

Ai đã từng làm học trò Đà Nẵng
Mơ một lần tắm lại nước sông xưa
Mơ một lần ôm hôn dòng sông cũ
Sông Hàn ơi thương biết mấy cho vừa
(Sông Hàn Đà Nẵng)


Một bạn đồng môn Phan Châu Trinh với tôi, Vân An Nguyễn Hữu Tùng cũng ngoái nhìn quê hương từ trời Tây bằng con mắt nuối mộng xuân thì.

Rồi chiều nay tóc dài ngang Lê Lợi
Nhớ con đường buổi tan học xa đưa
Ngã Năm ơi bao giờ người lại tới
Thạch Thảo buồn cho giọt nước đang rơi
(Đà Nẵng, Hàn phố ơi!)


Với Văn Đình Ưng, nhà thơ hân hoan bay lên cùng Đà Nẵng vào đêm lễ hội pháo hoa:

Đà Nẵng lung linh đêm pháo hoa
Pháo đỏ, pháo xanh, pháo sáng lòa
Mỗi khi màn pháo tưng bừng diễn
Thành phố - Sông Hàn bay bay lên...
(Đà Nẵng yêu thương)


Luân Hoán lại khác. Nhà thơ đã có khám phá riêng về nhan sắc Đà Nẵng. Là con người tình nghĩa nên thơ ông lóng lánh vẻ đẹp tình nghĩa với quê hương. Sống cùng năm tháng, nhà thơ khẳng định dù đời khổ nhục vẫn song hành cùng thơ đúng như nhà thơ tự họa: “Ốm nhom như con cò ma - Phất phơ giữa cõi thi ca tối ngày”. Và thơ sẽ là khúc hát của một đời thơ, hát lên những lời “thơ bát ngát” “ca ngợi nhan sắc quê hương”. Luân Hoán đã vẽ ra một nhan sắc Đà Nẵng riêng. Theo tôi, cái riêng của nhan sắc Đà Nẵng trong thơ Luân Hoán được khám phá và biểu hiện ở bình diện không gian, đó là: không gian đường phố, không gian phường xóm và không gian văn hóa - thiêng liêng.

Trả lời phỏng vấn của Song Vinh ở Nguyệt san Hồn quê về sở thích của mình, Luân Hoán nói: thích thời gian đi đường, chiêm ngưỡng các vẻ đẹp của người, cảnh, chim, cá,… Sở thích ấy là một đặc điểm của cá tính sáng tạo, hình thành nét độc đáo về phong cách của nhà thơ. Nhà thơ thích “thời gian đi đường” nên những đường phố Đà Nẵng đã chạy vào thơ ông với hồn cốt riêng của chúng, tạo nên những không gian đường phố đặc trưng. Không gian đường phố – Đà Nẵng thơ – được tái hiện từ hiện thực của những năm đất nước chiến tranh nên vừa rất bình yên vừa không yên bình. Đường phố trong cảm xúc của Luân Hoán vừa là “con đường tình ta đi” vừa là con đường có những lúc vang lên “tiếng thất thanh trên công lộ ban ngày”. Ai đã từng sống ở Đà Nẵng, chắc cũng đã một lần đi trên con đường Quang Trung ngày xưa, con đường trùm bóng mát, con đường dịu dàng rất đỗi. Và chắc cũng sẽ đồng tình với nhà thơ.

trên con đường xanh bóng lá Quang Trung
cây giăng tay nối nhịp võng vô cùng
đưa ta giữa bồng bềnh yêu với nhớ
uống chút mật môi ta cho bớt sợ
cái tình yêu mỗi lúc một bao la
cái con đường mỗi lúc một tinh ma
cứ quyến rũ những người yêu nhau...đi dạo
(Đà Nẵng)


Người viết bài này, thời trung học cũng đã từng thả bộ dọc con đường “xanh bóng lá” này để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các nàng Trung học Bồ Đề. Đi dưới những tán lá râm mát, nhìn những biệt thự im lìm, ngắm những tà áo trắng thướt tha, tôi nghe lòng tấu lên một khúc nhạc tình xao xuyến và bâng khuâng. Tôi nghe lòng rung động nhưng không thể diễn tả được lòng mình, may mà Luân Hoán đã nói hộ bằng những hình ảnh liên tưởng, nhân hóa hết sức sống động và gợi cảm. Những hàng cây hai bên đường Quang Trung hóa thân thành những chiếc võng ru tình khiến những người yêu nhau mãi sống trong tâm trạng “yêu và nhớ” bồng bềnh. Những hàng cây nhịp võng ấy “mỗi lúc một tinh ma” quyến rũ những cặp tình nhân tay trong tay đi theo điệu tình yêu nhằm tăng thêm vẻ đẹp lãng mạn của con đường. Đọc câu thơ “cái con đường mỗi lúc một tinh ma”, tôi như cảm giác nếm được vị ngon của ngôn từ giản dị, quê mùa. Chữ “tinh ma” mang màu sắc khẩu ngữ nhưng khi đi vào thơ đã tạo hồn cho hình ảnh con đường. Con đường có tính cách của một kẻ khôn ranh, tinh quái, ma mãnh nhưng lương thiện; nói giảo hoạt thì không đúng nhưng nói có ma lực bí hiểm của một “từ trường tình yêu” có lẽ đúng hơn chăng, khiến câu thơ rất có duyên, hình ảnh con đường Quang Trung Đà Nẵng có vẻ đẹp riêng không lẫn vào đâu được. Đường Quang Trung không còn là mặt phẳng mà đã thành sự sống đa chiều trong thơ Luân Hoán. Tôi nghĩ, không yêu Đà Nẵng không thể nhìn ra cái “tinh ma” đáng yêu của “con đường xanh bóng lá Quang Trung” được. Thú vị hơn, những con đường của thành phố bên sông Hàn trong thơ Luân Hoán không hề náo nhiệt. Trong con mắt của thi sĩ đa tình, yêu cái đẹp, yêu con người và sự sống, những con phố Đồng Khánh, Độc Lập (bây giờ là Hùng Vương, Trần Phú) luôn mời gọi những bóng hồng lại qua. Những con đường ấy đồng lõa, đúng hơn rất tâm lí đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân vật trữ tình.

chiều chiều luồn chợ Vườn Hoa
trôi theo Đồng Khánh bám tà áo bay
mắt hồng liệng cái ngoắt tay
dắt qua Độc Lập dựa cây đèn đường
chập chùng xuân ảnh vải hương
ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì
giả vờ châm thuốc nhâm nhi
nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình

(Đà Nẵng)


Đúng là những con đường đến chợ là những con đường phù sa nhan sắc phái đẹp. Người xưa đã từng: “Trai khôn tìm vợ chợ đông – Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân”, thì người nay cũng tìm đến những con đường đến chợ Vườn Hoa, chợ Hàn để ngắm “chập chùng xuân ảnh vải hương”. Có điều chàng thi sĩ Luân Hoán không tìm vợ mà chỉ để thỏa mãn tình yêu cái đẹp, cái đẹp của con người quê hương, cái đẹp thành phố quê nhà. Cho nên, nhân vật trữ tình trong thơ không vội vã, không ồn ào, không sỗ sàng mà chỉ bằng ánh mắt nhẹ nhàng và kín đáo “luồn chợ Vườn Hoa, “trôi theo Đồng Khánh”, “dắt qua Độc Lập”, “nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình” mà “ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì”. Cái hay của ngôn từ thi ca trong đoạn thơ này là ở chỗ, nhà thơ điều khiển những động từ: luồn, trôi, liệng, ngoắt, dắt, dựa, ngó, nuốt thầm,… những từ ngữ mang màu sắc dân dã, rất tinh tế khiến chúng vẽ ra được cái xôn xao của những con đường, biểu hiện trọn vẹn những làn sóng tâm tình của nhân vật trữ tình trong thơ.

“Đà Nẵng” là bài thơ viết vào những năm đầu của thập kỉ 70 của thế kỉ XX. Ở thời điểm này, không khí thành thị miền Nam đã có sự đổi khác, bên cạnh cái bình thường vẫn có cái không bình thường của chiến tranh. Đà Nẵng bấy giờ cũng thế. Hút nhụy từ hiện thực nên thơ Luân Hoán đã tràn đầy màu sắc thực khi tái hiện “Hàn phố” thông qua những con đường. Trong thơ ông, không gian đường phố có sự mở rộng, khái quát. Bên cạnh những con đường nên thơ, nên mộng, còn có những con đường dành cho những số phận gập ghềnh mà chiến tranh đã xô giạt họ tụ tập về đây. Nhà thơ không nêu lên cụ thể con đường nào nhưng qua cấu trúc song hành của thơ, qua điệp từ “thương”, người đọc như cảm giác nhà thơ đang xuôi ngược trên những con đường quê hương, mắt nhìn, lòng rưng rưng thương cảm những mảnh đời nhàu nhã đang vất vả với con đường mưu sinh:

... ôi Ðà Nẵng thân yêu
ta thương ngươi, ta thương biết bao nhiêu
thương từng bến xe đò, từng quán cóc
thương tất cả các trường trung tiểu học
thương tiếng rao hàng trôi nổi một giờ khuya
thương bác phu xe mồ hôi đổ đầm đìa
thương em bé đánh giày ghiền thuốc lá
thương xe rác mỗi ngày một già cả
thương đời người càng lúc càng điêu linh
có kể với em mới biết lòng mình
thương Ðà Nẵng, yêu Quảng Nam đến thế
(Đà Nẵng)


Đọc Đà Nẵng của Luân Hoán bỗng nhớ đến Đà Nẵng mùa thu của Trần Khắc Tám. Những đường phố Đà Nẵng trong thơ, nếu Luân Hoán nghiêng về hiện thực trước 1975, thì Trần Khắc Tám lại nghiêng về cảm hứng lãng mạn về thành phố thủ phủ của miền Trung và Tây Nguyên sau năm 1990.

Những ngả đường loang loáng màu áo bay
Người như nước mát lành và ồn ã
Người như lá vỗ xanh trời cuối hạ
Người như hoa hương lẫn với màu

Những dòng người chảy dọc đường Hùng Vương
Chuyến xe muộn màng người đông như nêm cối
Nghe nhịp sống của phố phường nóng hổi
Tiếng còi tàu rộn rã phía bờ sông

(Đà Nẵng mùa thu)


Điều này cũng dễ hiểu thôi. Hai nhà thơ ở thời kì khác nhau, mỗi người chọn một góc nhìn khác nhau về quê hương, cho nên bức tranh đường phố trong thơ họ cũng không giống nhau. Khó nói bức tranh thơ nào đẹp hơn, nhưng để yêu thì tôi yêu những con đường thơ của Luân Hoán hơn vì chất thực, vì vẻ đẹp giản dị, rất mộc, hơi bùi bụi một chút của nó.

Yêu Đà Nẵng nên Luân Hoán yêu luôn những phường xóm. Đúng hơn tình yêu Đà Nẵng của nhà thơ bắt nguồn từ tình yêu những vùng đất làm nên sự đa dạng của địa lí Đà Nẵng. Vì vậy, đọc thơ ông, tôi thấy những tên phường, tên xóm cứ tự nhiên hiện ra với dáng vẻ riêng, có yếu tố địa lí riêng và do đó tạo nên nét riêng về không gian nghệ thuật - không gian phường xóm - trong thơ ông.
Ở bài thơ Đà Nẵng, phường xóm đã có mặt nhưng chưa có hình sắc riêng, chưa hiện ra cụ thể với đặc trưng địa lí, cảnh quang riêng mà chỉ là một góc của không gian:

nửa dốc Cầu Vồng, hay một khoảng bờ sông
cửa chính Chợ Hàn, hay Xóm Nại Hiên đông
hay dãy phố trên đường Trần Hưng Đạo
hay tất cả đất trời đầy huyên náo
cái hơi người Ðà Nẵng thở hôm nay


Những mảnh đất quê hương ấy, trong ứng xử tình yêu, nhà thơ phóng khoáng làm tặng vật cho người tình, kể cả trái tim của mình

ta tặng em với cả trái tim này
em không nhận ? Ta tặng ai cho hết?

(Đà Nẵng)


Nhưng với Cõi bén tình thơ, không gian phường xóm đã có hình nét rõ ràng cụ thể hơn. Bài thơ được viết theo thể lục bát chia thành nhiều khổ, mỗi khổ bốn dòng bộc lộ cảm xúc về một mảnh đất cấu thành hình hài thành phố Đà Nẵng. Dù chia khổ nhưng các khổ thơ vẫn nối mạch với nhau nhờ hình thức hiệp vần bắc cầu giữa dòng cuối khổ trước với dòng đầu khổ sau, nhờ cách tạo điệp khúc “người tôi yêu, ở…”, nên các không gian thơ không đứt rời mà gắn kết, trải thành phố ra bát ngát hơn. Hình thức nghệ thuật ấy kết hợp với giọng kể trữ tình nhẹ nhàng mà cũng rất bâng quơ khiến cảm xúc tâm tình của nhà thơ dồn dập, tha thiết hơn. Cấu trúc bài thơ đi từ một không gian cụ thể “người yêu tôi, ở Lầu Đèn” đến không gian khái quát “người tôi yêu, ở tứ tung”; từ sự khẳng định “người yêu tôi” ở Lầu Đèn, Thanh Khê, Cầu Vồng, Tam Tòa, Thanh Bồ, Thuận Thành, Phước Ninh, Thạch Gián, Khuê Trung, Thanh Hà, Hải Châu, An Hải, Xuân Hà,… đến sự phủ định: “người tôi yêu, ở mọi nơi - nhưng chưa có được một người yêu tôi”

Cái hay của bài thơ là ở chỗ, mỗi không gian phường xóm là một chốn ở người yêu. Lần theo tâm tình của nhà thơ qua từng không gian ấy ta có cảm giác nhà thơ rất đa tình, rất đào hoa

người tôi yêu, ở Lầu Đèn
cây cao lá rậm ánh trăng khó vào
trèo rào, tôi lén dán thơ
mạch tình dẫn những đường sao đi về

người tôi yêu, ở Thanh Khê
quanh năm cát đóng quân che hải triều
buộc thơ, tôi thả thay diều
sáng khoe khoang gió xẩm chiều về không

người tôi yêu, ở Cầu Vồng
hương luồn hẻm cỏ những vòng thanh xuân
nhiều khi gió lạc dấu lưng
treo thơ tôi ngóng ở từng ngã ba


Nhưng đặt từng khổ thơ trong chỉnh thể bài thơ ta mới thấy mình bị đánh lừa một cách đáng yêu. Mỗi vùng đất trong mỗi khổ thơ là một người tình của nhà thơ. Mỗi người tình đều có chung một nét đẹp e ấp, đều kín đáo, đều khó tiếp cận để trao lời tình yêu. Nhưng mỗi người có một diện mạo, có nét đẹp kín đáo theo môt cách riêng.
Người con gái ở Lầu Đèn lẩn khuất ảo mờ sau “cây cao lá rậm” đến nổi ánh trăng cũng không thể lọt vào khiến ta nghĩ đến Kiều: “Êm đềm trướng rũ màn che – Tường đông ong bướm đi về mặc ai” hay cũng như tâm lí cô gái trong thơ Hàn Mặc Tử sợ: “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối - Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”. Người yêu ở Thanh Khê thì “phòng thủ” hải triều ong bướm bằng những quân cát biển mịn màng đóng quanh năm. Người con gái ở Nại Hiên lại bắt những cây “vông đồng đóng chốt hữu biên canh chừng” những kẻ đa tình liều lĩnh. Người đẹp Thuận Thành thì nấp náu trong “mấy đường sắt rỉ cỏ xanh mòn dần” không chịu cho đời ngắm nghía dung nhan,… Tất nhiên, cũng có những người tình phô phang những nét đẹp của mình ra để đời chiêm ngưỡng nhưng cũng rất ý tứ như.

người tôi yêu, ở Tam Tòa
con đường, bụi, tóc đuôi gà bay chung
mắt thơ khuyến khích, nhắc chừng
mê, xin tự tiện, nhưng.... đừng ghé vô

người tôi yêu, ở Thanh Bồ
tiếng cười đọng góc nhà thờ nuôi mây
ngày ngày tôi đợi gió bay
thở ra một ngụm thơ đầy mái hiên


Như thế, mỗi không gian phường xóm là một đường nét, một gam màu làm nên vẻ đẹp nhan sắc Đà Nẵng. Với mỗi một vùng đất, cảnh quang quê hương nhà thơ ứng xử tinh tế, thông minh và cũng rất lãng mạn như một người tình chung thủy. Với người Lầu Đèn thì trao lời bằng trèo rào “dán thơ”, với cô gái Thanh Khê lại gởi tình bằng cách “buộc thơ tôi thả theo diều”, với người đẹp Nại Hiên thì: “giả đò giày vướng lai quần - thò tay tôi lượm thơ từng búp xanh”,… Dù có ứng xử khác nhau: dán thơ, buộc thơ, treo thơ, mắt thơ, ngụm thơ, lượm thơ,… thì vẫn có nét chung. Quê hương Đà Nẵng đã trở thành cảm xúc thơ ca, thành không gian tình yêu và nỗi nhớ của nhà thơ. Đà Nẵng, nói như nhà thơ: “nở tôi, tôi nở những con thơ tình” và đã thành: “đọng thành vết sẹo trong ngần nhớ nhung” trong tâm hồn ông.

Đà Nẵng trong con mắt người đa tình với quê hương Luân Hoán cũng được cảm nhận qua không gian văn hóa-linh thiêng. Ở bình diện này, thơ Luân Hoán trước 1975 có bóng nét trầm tư nhuốm màu yếm thế nên không gian cũng có những nhân dáng rũ rượi, có màu sắc ốm đau:

sân vận động Chi Lăng giờ mỏi mệt
đình Hòa Bình, sào huyệt của dế giun
Thư Viện ốm đau, Thư Viện buồn buồn
đói sách vở sinh ra người rũ rượi

(Đà Nẵng)


Nhưng đấy cũng chỉ là màu trầm ít ỏi trên bức tranh không gian văn hóa Đà Nẵng ở trong thơ ông. Nếu đến với những không gian như Cổ viện Chàm, Ngũ Hành sơn, nhưng danh lam thắng cảnh của Đà Nẵng ta sẽ thấy sắc bổng, một đoản khúc dạt dào cảm xúc tích cực. Chẳng hạn, đọc những câu thơ viết về Cổ viện Chàm trong bài Đà Nẵng, ta cảm nhận trong mỗi một tượng nơi đây đều toát ra vẻ đẹp điêu khắc đậm màu sắc văn hóa Chăm, nhưng cũng ẩn giấu một triết lí sâu xa về nhân sinh “những tượng đá buồn - những khuôn mặt màu lam - đã thao thức mấy trăm đời u uất”. Ý thơ này gợi nhớ suy tư của Huy Cận trước những bức tượng La Hán chùa Tây Phương ở Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội): “Mặt cúi mặt nghiêng mặt ngoảnh sau - Quay theo tám hướng hỉ tời sâu - Một câu hỏi lớn. Không lời đáp - Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.
em đã đến với cụm mây trên tóc
bay lang thang vào viếng Cổ Viện Chàm
những tượng đá buồn,
những khuôn mặt màu lam
đã thao thức mấy trăm đời u uất

hình với bóng của một thời tủi nhục
linh hồn ai đứng đợi những ai đây
đố lòng em đuổi được nỗi chua cay
cứ đột kích âm thầm vào đôi mắt

cứ khéo léo đôi bàn tay xếp đặt
vào lòng người cõi ray rức hoang mang
cõi hoang vu, ôi cõi Cổ Viện Chàm
cõi độc đáo, đời thêm mê Ðà Nẵng

(Đà Nẵng)


Từ đó, những ai được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể tượng ở đấy khi ra về sẽ không bao giờ quên nét đẹp của Cổ viện Chàm, không quên từng cá thể tượng gợi linh hồn lịch sử xa xưa của dân tộc Chăm. Bởi từng dáng nét tượng phô bày những nét nghệ thuật độc đáo, có sức lan tỏa, thẩm thấu đến mê hoặc hồn người như nhà thơ diễn tả qua hình ảnh: “đột kích âm thầm vào đôi mắt hay “cứ khéo léo đôi bàn tay xếp đặt - vào lòng người cõi ray rức hoang mang” Và cũng từ đó, những ai được chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc của nghệ nhân Chăm sẽ mãi tấm tắc: Thật là một “cõi độc đáo, đời thêm mê Đà Nẵng”.
Với bài thơ Ngũ Hành Sơn, không gian văn hóa – linh thiêng của mảnh đất Touran được miêu tả từ khái quát đến cụ thể. Ngòi bút thơ kí họa toàn cảnh:

Thủy, Kim, Mộc, Thổ, Hỏa sơn ơi
hít thở bao nhiêu thế kỷ rồi
những gì trong đá vôi gìa ấy
sinh dưỡng cỏ cây thanh tú vui


đến đặc tả từng ngôi chùa, từng hang động làm nên vẻ đẹp kì thú của Ngũ Hành sơn. Trước hết, nhà thơ đã để hồn bay theo hồn “bay theo chuông mỏ Tam Thai Tự” mà cảm giác “lạc vào tranh lụa của người xưa” để rồi thốt lên:

bồng lai tiên cảnh trong huyền thoại
hẳn cũng cau mày ấm ức thua


Khổ thơ đặc sắc nhờ hình ảnh liên tưởng, so sánh mới nhưng gần gũi, cách lập ý bất ngờ: mộng ghen với thực nên diễn tả được vẻ đẹp của chốn thiền môn cổ kính. Tiếp đến là những hành ảnh liệt kê:

này đây vòi vọi Vân Thông động
em muốn lên trời một chuyến không?
ngửa mặt mây vờn ngang sống mũi
trời xanh nằm gọn ở trong lòng

này đây huyền ảo Thiên Linh động
mái đời mưa nhẽo vệt rêu xanh
đứng bên bờ miệng Hang Âm Phủ
rùng mình tưởng hụt phận mong manh


Không gian trải mở theo không gian qua điệp từ chỉ trỏ có ý nghĩa khẳng định “này đây”. Ở khổ đầu giọng điệu thơ mời gọi người con gái nào đó cùng lên Vân Thông động vòi vọi cao để có được cái thú giỡn mây, hoặc được mây đùa vui: “ngửa mặt mây vờn ngang sống mũi”. Khổ tiếp tả không gian Thiên Linh động huyền ảo, Hang Âm Phủ bí hiểm thẳm sâu. Đọc khổ thơ người đọc hẳn cũng thấy gai người sởn ốc theo tâm lí của tác giả: “rùng mình tưởng hụt phận mong manh”. Đúng như thế. Câu thơ toát ra sự rờn rợn, gợi sự cheo leo của phận người. Cảnh trong mắt nhà thơ đã thành tâm linh, thành tư tưởng triết học nhân sinh. Đối với Luân Hoán, Ngũ Hành sơn không còn là núi, không chỉ là huyền tích ra đời từ huyền thoại mà đã hóa thành đời, thành sự sống, thành tín ngưỡng văn hóa của bao người vãn cảnh


ta đi ngắm kỹ từng gân đá
từng lá bồ đề từng rễ cây
mỗi hạt bụi đời như có máu
giai nhân hào kiệt từng đến đây


Trong khi vẽ ra không gian văn hóa – linh thiêng Ngũ Hành sơn, nhà thơ không khỏi ngậm ngùi thân phận. Bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi qua những dấu dao khắc của bao người đến đây, người ngoạn cảnh “có gặp lòng ta đọng chỗ nào?”. Nhưng bài thơ cơ bản vẫn là cảm xúc về không gian văn hóa độc đáo của quê hương. Và từ đó, nhà thơ biết ơn tiền nhân đã dùng bàn tay tài hoa của mình để nghệ thuật hóa, văn hóa hóa, công trình nghê thuật mà trời đất ban tặng cho xứ sở mình.


tay ai lót đá làm thang bước
càng bước lên cao càng bâng khuâng
chân run ngỡ dẫm đau tay cũ
ngờ ngợ như vừa gặp cố nhân


Luân Hoán là một nhà thơ đa tình với quê hương nhưng tình nghĩa là vậy chăng? Và phải chăng khi đọc Vọng Hải đài của Phạm Hầu:

Trống trải trên đài du khách qua
Mây ngày vơ vẩn, gió đêm là
Muôn đời e hãy còn vươn vấn
Một sắc không bờ trên biển xa.


ta mới thấy, trong tâm hồn Luân Hoán có một Ngũ Hành sơn riêng, một không gian văn hóa Đà Nẵng riêng mà chỉ hồn thơ ấy mới khám phá và biểu hiện được?
Trên đây là không gian Đà Nẵng trong ba bài thơ tiêu biểu của Luân Hoán: Đà Nẵng, Cõi bén tình thơ và Ngũ Hành Sơn. Không gian thơ này chỉ được nhìn qua lăng kính tâm hồn tôi nên có thể chưa nói được một cách toàn diện cái đẹp của thơ Luân Hóan viết về quê hương, chưa thể hiện được hết vẻ đẹp của thành phố Đà Nẵng. Nhưng tôi nghĩ qua bài viết này, tôi muốn bày tỏ tình cảm của tôi đối với thơ nói chung, thơ Luân Hoán nói riêng; đặc biệt là bộc lộ tình yêu Đà Nẵng của tôi qua không gian địa lí, cảnh quang Đà Nẵng, cho dù bây giờ có những cảnh quang chỉ còn là kí ức của một số thế hệ người Đà Nẵng yêu quê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét