Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

ĐẶC SAN 50 NĂM - ƯỚC MƠ VÀ MÀU XANH CỦA BIỂN

Kể từ ngày hôm đó ! ! !
Kể từ ngày hôm đó, áo trắng và áo xanh của chàng thủy thủ đã gửi lại cho sông hồ và biển cả, để trở thành một người dân chài lưới tại làng Tân thái, quận ba Đà nẵng.
“Mộng trăng sao xin gửi lại cho người
Chào biển cả tôi trở về chài lưới”

Bài thơ “Quê hương”của tác giả Tế Hanh đã gợi lại cho tôi nhiều rung cảm.
Làng tôi vốn làm nghề chài lưới.
Nước bao vây,cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong,gió nhẹ,sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
…………

Qua bao nhiêu năm lăn lộn với biển, chưa bao giờ có một ước mơ, ngày bắt đầu chẳng có một đồng xu dính túi, chạy ngược chạy xuôi vay mượn mới sắm được một thúng chai nan, rồi đến ghe ba nệp, rồi đến ghe nhỏ 16 mét mộc và cuối cùng là ghe 23 mét.
Nói “biển giả” là đúng bởi lẻ chẳng có gì là thật cả, lúc có lúc không mùa đông lại gác chèo vô bụi là đói rồi. Gia đình tôi và cả gia tộc tôi sống nhờ vào biển và mọi người từ làng trên xã dưới cũng vậy. Biển thân thương như người bạn đời với tôi, nhưng đôi lúc cũng là kẻ thù của nó. Chú tôi đã chết vì biển, tôi và cháu tôi cũng suýt chết trong cơn bão, thúng chìm ở độ sâu 20 sải nước giờ nghĩ lại không biết tại sao mình có khả năng để lội vào bờ trong lúc đó. Ở nhà đã lập bàn thờ và nước ngập cầu, cây hột gà trước nhà đã gãy đổ che lấp lối đi. Cha tôi khóc sướt mướt ôm tôi vào lòng và thỏ thẻ “cha không ngờ con sống được”

Vợ tôi và các con tôi vây quanh, mọi người ân cần thăm hỏi và chúc mừng cơn hoạn nạn thập tử nhất sanh qua khỏi. Năm tháng trôi nhanh, càng ngày vấn đề vượt biển trở thành tội “phản quốc” vì bỏ nước ra đi. Phập phồng lo sợ…Nhưng rồi cái gì đến chắc phải đến.Vào khoảng mồng năm tháng chạp âm lịch năm 1982, ba anh em chúng tôi gồm Tư, Bình, Chỉ bàn thảo tại nhà tôi và quyết định ra đi. Ba gia đình ăn chay một ngày và cầu nguyện chuyến đi được an toàn.
Tối hôm đó cha tôi giúp tôi đi biển và tôi dặn cha tôi là chỉ đánh kiếm đủ cá cho bạn đi nghề ăn thôi, không nên đánh nhiều vì sợ ngày mai sẽ gây nhiều trở ngại. Tôi đi thắp nhang van vái cùng khắp. Những ngôi mộ không người săn sóc gần biển như cha tôi đã kể rằng ngôi mộ gần nhà ông quán Mới (ông Chúc) là ngôi mộ linh thiêng. Ông ta là bác sĩ ở tận miền trong đã chết nước trôi vào đây mà cha tôi đã lo chôn cất chăm nom. Đã có lần ông ta hiện về và chữa cho anh Bốn tôi thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo.
Sáng hôm sau xuống biển nhìn thấy ghe chú Bảy tôi chở đầy cá. Ôi thôi! sóng lớn quá làm sao đưa ghe vào bờ để lấy cá ra. Lấy thúng chai chuyển đi từng đợt rồi cuối cùng cũng hết cá.
Trưa đến đưa các cháu xuống tắm biển và lần lượt bốc chúng lên ghe. Trước khi rời bến tôi đã lạy tạ cha tôi và xuống nhà chú Bảy tôi thấy ông ấy ngủ say, tôi chỉ dặn Sang một vài điều là ghe tôi đi trước xuống Non nước để lấy khoai sắn về chuẩn bị cho mùa đông .
Ghe rời bến và các người vợ thì còn ở nhà chờ đến tối ghe trở vô đón sau. Chạy đến Cù lao Chàm thì trời sắp về chiều .Điểm hẹn ghe chú Bảy tôi là Bãi Đa nhưng khi chạy về thì gặp phải làn nước xuống, ghe tôi bị giảm tốc, điểm hẹn chú Bảy tôi không chờ được nên đã chạy vào bờ. Phải chi lúc sáng tôi đánh thức chú Bảy nói cho ông biết rõ kế hoạch thì tốt quá rồi .
Ghe tôi chạy từ từ vào Hòn Sụp gặp anh Tư Nhi chở Hiền, Thông ra, mang theo một ít nhiên liệu và cho biết là bị lộ rồi, tôi hoảng sợ và chạy về phía Bù để gặp vợ và hai con tôi nhưng bị hỏng kế hoạch, tôi chỉ rước được vợ của anh Tư và Bình .
Đợi đến 5 giờ sáng mà chẳng thấy tin tức gì tôi quyết định cho quay máy và chạy để vất lại màn mành xuống biển hy vọng chú Bảy vớt lại được cho chúng bạn dùng.

Sau 10 tiếng đồng hồ, quê hương đã bỏ lại sau lưng và đỉnh núi Sơn chà từ từ mất dạng cho đến khi sát nước.
Đại dương màu xanh đậm đổi thành màu tím, những đàn cá heo đua theo hai bên be ghe làm chúng tôi hỏang sợ và lạy cho nó rời khỏi. Thật hiệu nghiệm chẳng còn con nào theo cả. Cầm tay lái điều khiển chiếc ghe nhưng nước mắt tôi đã rơi xuống lúc nào không biết. Sinh mạng 30 người lớn bé nằm trong tay ba anh em chúng tôi. Anh Tư là giám hộ nên hàng hải thiên văn anh rất rõ. Anh chỉ tôi nếu sao nào rõ mọc lên từ chân trời đúng độ hướng đi thì lấy sao đó mà chạy cho đến khi sao đó lên cao thì tiếp tục lấy sao khác.
Thế là ghe chúng tôi thoát nạn từ súng bắn rượt đuổi theo từ Bãi Nờm, từ những tàu thuộc hợp tác xã nhà nước, đến lúc ghe bị tắt máy thì mới hay đã bị dính lưới chuồng ở trục chân vịt. Chúng tôi phải lặn xuống cắt lưới và chạy tiếp.
Ghe chạy vào thềm lục địa của đảo Hải nam, chúng tôi phát hiện những chiếc ghe lớn phần lái cao hơn phần mủi ghe, hoảng sợ nên phải mở độ thay đổi hướng đi 90 độ thế nhưng chúng tôi bị sai lệch, thấy quá xa núi nên quay trở lại. Gặp lại những chiếc ghe này, họ hỏi đồng hồ và vàng, gia tài của tôi mang theo chỉ có một bức tượng Quán thế Âm Bồ tát và một chỉ vàng mà vợ tôi đã trao cho tôi hộ thân trong lúc gặp bất trắc. Khi biết ra họ là người trung quốc vì ngôn ngữ họ không có giống mình. Họ cầm cái khâu một chỉ, dẫn chúng tôi đi thật xa cho đến khi gặp trạm cảnh sát thì họ giao chỉ vàng cho ông chỉ huy, ông này cầm chỉ vàng thả nhẹ xuống thềm xi măng để nghe âm thanh. Biết là vàng thật nên sau đó họ dẫn đến hợp tác xã để đổi lấy luong thực,nhiên liệu và củi để nấu ăn.
Xuống ghe tiếp tục cuộc hành trình, trạm dừng thứ hai là gặp ngay căn cứ hải quân trung quốc, họ cho chúng tôi thật nhiều thức ăn và chỉ đường chúng tôi chạy về phía Ma cao và Hồng kong và họ ra dấu cho biết là sắp có bão lớn 8 tiếng đồng hồ nữa. Chúng tôi quyết định tiếp tục đi trải qua hai cơn bão. Có những lúc nước vào nửa ghe, mọi người đều bị ướt lạnh. Thoát được hai cơn bão thì gặp phải cuồng lưu, Chạy hai tiếng đồng hồ mà ghe chẳng chịu rời vị trí. Ba anh em chúng tôi chắp tay cầu nguyện đức Quán thế Âm phù hộ và sau đó ghe thoát khỏi nhưng lại đụng phải san hô chạm vào mê ghe đứng tại chỗ. Tôi hoảng sợ vội thắp đèn soi nhưng thật may ghe chưa hề hấn gì, lấy chèo chống ghe ra và neo ghe chờ sáng. Vừng thái dương hiện ra, nhìn thấy những hòn đảo, lớn nhỏ xa gần và bải san hô màu trắng dài hơn hải lý cách bờ.
Từ đó không dám chạy ban đêm, nhớ lời cha tôi đã dạy “khôn khéo không bằng léo gành” nên chạy từ từ, không bao lâu thấy bóng dáng Hồng Kông.
Neo ghe gần bờ đá thế mà dây chẳng đủ, nước có độ sâu khủng khiếp, phải chạy gần sát mé đá mới neo ghe được. Neo xong, ba anh em cùng chắp tay lạy tạ Tam Bảo đã hộ trì cho chúng tôi đến được bờ bến an toàn dù chưa biết rồi sẽ ra sao…
Khoảng một tiếng đồng hồ sau thì giang cảnh Hồng Kông hú còi, cập vào ghe làm thủ tục. Vì mưa to gió lớn, họ lùa chúng tôi vào trại để làm giấy tờ. Ai cũng run lập cập. Tôi dắt ba đứa con Trang 8 tuổi, Thiện 6 tuổi, Thịnh 3 tuổi. Thời gian ở đảo này Thịnh con tôi đau ốm liên miên, đầu phải cạo hết tóc.
Ở tại Hồng kông khoảng 3 tháng thì họ xét giấy tờ và chấp thuận cho đi Phi luật Tân. Đến ở Phi luật Tân 4 tháng thì được đi định cư ở Mỷ (San Diego, California) ngày 4 tháng 3 năm 1983.
Kể sao cho hết những gian truân, khổ nảo trong cuộc hành trình tìm tự do và mưu cầu cuộc sống. Gà trống nuôi con mười một năm trời.
“Gà trống nuôi con cuộc đời đầy thảm nảo
Nước mắt lưng tròng thui thủi một mình ta.”

Sau 11 năm xa cách, vợ tôi và các con tôi đã được chấp thuận theo diện ODP và đến Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Nước mắt và nỗi mừng tràn ngập tại phi trường San Diego. Vợ chồng anh Tư từ San Jose xuống, gia đình và bạn bè quá đông kể không hết được. Sau 30 năm sống tại xứ người, hôm nay ba cặp vợ chồng chúng tôi mới có dịp hội ngộ lần đầu tiên trên BIỂN, chiếc tàu mang tên CARNIVAL SPIRIT chở gần 3,000 người rời bến cảng San Diego vào đầu mùa xuân, khí hậu thật dễ chịu.

Tàu rời bến 4 giờ chiều ngày 11 tháng 3 năm 2012 và chạy về hướng nam đến tận phần cuối của Mexico. Nói đến cách phục vụ và ăn uống ở đây thì không thể nào chê được. Tàu rộng thênh thang 10 tầng đủ món ăn chơi.
Vào đêm thứ ba thì chúng tôi hội ngộ tại bàn tiệc để mở chai rượu đỏ chúc mừng. Chúc mừng hội ngộ trùng dương của ba cặp vợ chồng và đặc biệt là Ba Chàng Thủy thủ trẻ gặp nhau trên biển. Chúc mừng 44 năm kể từ ngày gia nhập Quân chủng Hải quân Việt nam. Nâng ly chúc mừng sức khỏe có dược ngày hôm nay mặc dù tóc ai cũng đổi màu và răng cũng đã giả từ chỉ còn vỏn vẹn vài ba cái phải tra hàm răng giả trông cho đẹp. Không biết rồi đây ai sẽ đi trước ai?
Tàu dừng lại CABO SAN LUCAS sau 32 tiếng đồng hồ trên biển, mọi người lên thăm địa danh tại đây, quá hấp dẫn và thơ mộng. Trên đường trở về lại San Diego, vào một đêm tối, tôi lên tầng lầu số 9 nhìn xuống biển,ánh trăng vàng soi lửng lờ tạo đủ màu sắc cho biển, kỷ niệm hiện về trong tôi làm sao nhớ hết được.
Sau khi gia nhập Hải quân Việt nam đến năm 1972 thì tôi được thuyên chuyển xuống Hộ tống hạm HQ 402.Tôi có dịp đến Hoàng sa để thay đổi một trung đội nghĩa quân mới và chở về trung đội cũ đã phục vụ tại đây 6 tháng.
Tóc tai ai cũng dài đến lưng, và họ mang về thật nhiều hải sản kể cả trứng chim hải âu. Hoàng sa đảo rộng và rất nhiều đảo nhỏ chung quanh không cao cho lắm. Có hải đăng thiết trí ở đây nghe nói từ thời vua Minh Mạng. Đến năm 1974 thì trận chiến Hoàng sa bùng nổ. Các chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh để gìn giữ đảo nhưng cuối cùng đã lọt vào tay ngoại xâm Trung quốc. Hải quân Đại tá Ngụy văn Thà, hạm trưởng HQ10 đã hy sinh cùng thủy thủ đoàn, trung đội nghĩa quân trên đảo phần lớn đã tử trận,số còn lại bị bắt làm tù binh.Xin chắp tay cầu nguyện cho hương linh các anh chiến sĩ được siêu sanh về miền cực lạc.

“Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn ra biển
Mẹ Âu cơ hẳn không thể yên lòng ,
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa,
Trong lòng người có ngọn sóng nào không?

Biển là đề tài muôn thuở được ca tụng thành thơ, thành nhạc, thành truyện nhưng biển cũng đã vô tình chôn vùi không biết bao nhiêu mạng sống. Biển cũng đưa chúng ta đến bờ an vui và biển đã làm tan vở hạnh phúc nhiều người.
Những đề tài nhạc mà các nhạc sĩ sáng tác như Hoa biển, Sao rơi trên biển, Tâm sự loài chim biển, Vùng biển trời và màu áo em,…Biển vẫn đợi chờ, và hay hơn nữa là “Đêm chôn dầu vượt biển” do ca sĩ Phượng Mai trình bày. Những giòng nước mắt rớt xuống đôi gò má của Phượng Mai đã làm tôi không sao ngăn được giòng lệ nhớ lại những ngày vượt biển năm xưa.
Xin gửi trọn tình yêu thương đến biển để hồi tưởng lại biển Tân thái của quê tôi vẫn còn thơ mộng và hồn nhiên mãi mãi. Ngày ngày sáng thức dậy lội bộ xuống biển nhìn ra Cù lao Chàm sừng sửng với gió mưa bão táp, nhìn về hướng bắc thấy đỉnh núi Sơn chà mây trắng bao che, nhìn về hướng nam thấy Ngũ hành sơn năm cụm hùng vĩ,uy nghi cùng năm tháng, sau lưng thì giòng sông Hàn nước vẫn lờ trôi ra biển cả.
“Bên ni Hàn ngó qua bên kia Hà thân nước xanh như tàu lá,
Bên kia Hà thân ngó về bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang
Từ ngày Tây lại Cửa Hàn,
Đào sông Câu Nhí bòn vàng Bông miêu
Dặn lòng ai đó đừng xiêu,
Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau.”

Ngồi trên boong tàu Carnival thấy sóng biển dạt dào, “giấc mơ và màu xanh của biển”của chàng thủy thủ năm xưa đã trở thành sự thật nhưng “giấc mơ hồi hương” của tôi cũng như của bao nhiêu người Việt ly hương thì bao giờ mới có?

Xin gửi tâm tư tình cảm dạt dào và lòng thương kính đến những ai đã vì lãnh hải đã hy sinh cuộc đời mình.
Tàu cập bến, hải cảng San Diego hiền hòa,thành phố đã cho gia đình tôi nhiều cơ hội để có được ngày hôm nay.
Xin tạ ơn Hợp Chúng quốc Hoa kỳ, Xin tạ ơn đời, tạ ơn người đã ban bố cho những người thiếu may mắn có dịp may để hòa đồng vào nếp sống mới trên mảnh đất tự do.

Huỳnh văn Chỉ
San Diego 3/31/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét