Cô tôi có chồng là một Ông Nghè, sáng lập viên trường Quảng điện
(Institution de Quảng điện) tại Vĩnh điện, ngôi trường đầu đời tôi được
khai tâm học vỡ lòng. Trường sở là ngôi nhà thuê của Bà Quản Hoành, nhà
ngói, nền xi măng cửa kính.
Phía sau là vườn có trồng nhiều cây nhãn, trái chín bị dơi ăn làm rụng đầy trên mặt đất, tôi thường lượm trái nhãn bóc vỏ lấy hột làm hòn bi trong khi thấy các bạn tôi chơi bi bằng xi măng hoặc bằng đất sét.
Giữa sân phía trước có một cây ngọc lan thật lớn, hoa nở tỏa hương thơm ngát một vùng Một bờ tường thâm thấp xây thành vòng tròn bao quanh gốc cây, vừa tầm cho tôi thường ngồi chơi ở đây. Tôi thích nhặt các hoa rơi bỏ đầy túi áo. Khi nào có ai hái cho một nhánh có mấy nụ hoa tươi vừa chớm nở, cánh hoa còn trắng muốt chụm vào nhau thơm nức, tôi mang về khoe và cô tôi cầm lấy hoa giắt lên đầu tóc bối xòe cánh phượng của cô.
Cô tôi mở tiệm buôn bán lớn, có đại bài gạo, có đại bài rượu SICA và còn là tiệm thuốc bắc. Cô tôi mời Ông Cửu Trần là thầy thuốc bắc từ Đại lộc về ăn ở trong nhà để thăm mạch kê toa bốc thuốc cho bệnh nhân. Có các anh Quảng, anh Nhu lo việc cân thuốc cho khách hàng, tán thuốc, xắt phơi thuốc, sao chế thuốc và làm sổ sách, viết giấy thông hành bán rượu. (rượu mua rồi đem ra khỏi tiệm mà không có permis de circulation, nếu gặp tây nhà đoan (douane) xét hỏi sẽ bị bắt).
Phía sau là vườn có trồng nhiều cây nhãn, trái chín bị dơi ăn làm rụng đầy trên mặt đất, tôi thường lượm trái nhãn bóc vỏ lấy hột làm hòn bi trong khi thấy các bạn tôi chơi bi bằng xi măng hoặc bằng đất sét.
Giữa sân phía trước có một cây ngọc lan thật lớn, hoa nở tỏa hương thơm ngát một vùng Một bờ tường thâm thấp xây thành vòng tròn bao quanh gốc cây, vừa tầm cho tôi thường ngồi chơi ở đây. Tôi thích nhặt các hoa rơi bỏ đầy túi áo. Khi nào có ai hái cho một nhánh có mấy nụ hoa tươi vừa chớm nở, cánh hoa còn trắng muốt chụm vào nhau thơm nức, tôi mang về khoe và cô tôi cầm lấy hoa giắt lên đầu tóc bối xòe cánh phượng của cô.
Cô tôi mở tiệm buôn bán lớn, có đại bài gạo, có đại bài rượu SICA và còn là tiệm thuốc bắc. Cô tôi mời Ông Cửu Trần là thầy thuốc bắc từ Đại lộc về ăn ở trong nhà để thăm mạch kê toa bốc thuốc cho bệnh nhân. Có các anh Quảng, anh Nhu lo việc cân thuốc cho khách hàng, tán thuốc, xắt phơi thuốc, sao chế thuốc và làm sổ sách, viết giấy thông hành bán rượu. (rượu mua rồi đem ra khỏi tiệm mà không có permis de circulation, nếu gặp tây nhà đoan (douane) xét hỏi sẽ bị bắt).
Cô tôi không có con, đem tôi về nuôi cho ăn học. Tôi học vở lòng và lớp đồng ấu tại trường Quảng điện. Cô tôi bảo sang năm con đủ tuổi để vào trường tỉnh. Đây là lúc mà anh Quảng anh Nhu luôn tập cho tôi đọc mềm môi, viết nhuần nhuyển những từ thật khó đánh vần, khó nhớ. Tránh cho tôi khỏi ngủ gục, anh Quảng thỉnh thoảng thưởng cho tôi dăm ba trái đại táo ngọt lịm hoặc mấy lát cam thảo vàng hườm để ngậm.
Tôi phải trải qua một kỳ thi nhập học, anh Quảng là người sung sướng nhất trước mặt cô tôi báo tin tôi đã đậu vào trường tỉnh. Cô tôi thích thú bảo rằng từ nay con là học trò nhà nước.
Trường tỉnh tọa lạc phía bên tay mặt ngả rẽ xuống Hội an từ quốc lộ số 1. Nhà cô tôi ở ngay đầu cầu Vĩnh điện. Từ nhà đến trường chỉ chưa đầy nửa cây số. Lâu lâu cao hứng dượng tôi cho ông bốn Hoặc lấy xe kéo của ông chở tôi đi học trong khi đó tôi vẫn thấy cháu bà Cả Hoan (chủ nhà máy nước, sở dẫn thủy nhập điền) luôn đi học bằng loại xe này.
Vào học trường tỉnh, tôi biết các thầy Đốc Kép, thầy trợ Hoán, thầy trợ Sốc, thầy trợ Hanh. Tại đây tôi đã học qua các năm: lớp Dự bị rồi tới lớp Ba, sau lớp Ba phải thi đỗ bằng Yếu lược mới được lên lớp Nhì nhất niên, tiếp đến là lớp Nhì nhị niên và sau cùng là lớp Nhất (cours Supe’rieur).
Tôi học năm cuối 1944 với thầy giáo Định. Thời đó học trò không mấy khi biết gì về đời tư của thầy mình cả. Không biết bao nhiêu tuổi mà thầy rất nghiêm, đi đứng khoan thai, giọng nói của thầy nghe san sản mặc dù lớp học bao giờ cũng im phăng phắc. Sau khi giảng bài, thầy đặt câu hỏi, cả lớp nhao nhao giơ tay tranh nhau xin trả lời, thầy cầm cây thước kẻ đập lên bàn, tất cả lại ngồi im. Đôi khi trước những câu trả lời ngớ ngẩn của học trò, không thể nhịn cười được mới thấy thầy hé môi để lộ chiếc răng vàng. Ngày ngày thầy vẫn mặc áo lương đen ánh ánh trắng của chiếc áo cổ bâu bên trong, mang giày rọ heo, đội mũ cát casque). Đi đi lại lại trong lớp thầy thường chắp hai tay sau lưng, dáng dấp nhẹ nhàng, không bao giờ thấy thầy nóng giận ngay cả lúc thầy phạt học trò.
Học trò chúng tôi không đứa nào tỏ ý thương thầy hay ghét thầy mà chung chung tất cả đều chỉ biết sợ thầy một phép. Một đôi lần tôi cũng bị thầy phạt, cảm thấy bị đau nhưng không cảm nhận được cái sợ trừ khi mình chứng kiến bạn mình bị phạt!
Học trò bị phạt vì nghịch ngợm thì ít mà vì không thuộc bài thì nhiều. Hình phạt của thầy có nhiều cách. Thầy dùng thước kẻ gõ lên năm đầu ngón tay nhụm lại hoặc đập lên năm ngón khép lại của một bàn tay đặt úp sấp trên mặt bàn. Ban đầu để yên cho thầy đánh trúng, đau quá mặt mày nhăn nhó, miệng xuýt xoa thổi phù phù, từ lần thứ hai trở đi, bạn tôi cứ thậm thà thậm thụt, đặt tay xuống rồi giựt tay lui, vung vung rảy rảy, đưa tay này rồi lại đổi tay kia, thầy đập trật xuống bàn đánh đốp một cái, cả lớp cố nín không dám cười thế mà đâu đó dưới lớp cũng nghe có tiếng xì đột xuất. Thầy vẫn cố giữ nét nghiêm trang điềm tĩnh giơ cao cái thước chờ đập tiếp cho đủ mức hình phạt thầy đã công bố sau khi phân tích lỗi vi phạm của học trò.
Đôi lúc thầy sai khiêng một cái ghế dài đặt phía trước bảng đen, học trò bị phạt lên ghế nằm dài mặt úp sấp, thầy dùng cái thước tây (le me`tre) bằng tre, đồ của học trò làm thủ công (travail manuel), đập lên mông học trò. Món này thì học trò có thể chịu đựng được vài cái cái thước đập đầu tiên, nằm yên cho đến khi bắt đầu thấm đòn thấy đau thì cái mông cứ nẩy lên từng hồi, hai tay xoa mông lia lịa, đôi khi đúng nhằm nhịp đập thì bàn tay thay mông chịu trận lại càng đau hơn nửa. Cái thước dùng nhiều lần gãy dần theo vết khứa decimetre (tấc tây). Thước ngắn dần thầy vứt bỏ đi và thầy ra đề làm thủ công đợt khác.
Địa lý là môn học căng nhứt, thầy gọi lên bảng, người thứ nhất phác họa một hình lục giác theo kích thước thầy cho, gọi tiếp cho đến khi thầy thấy các cạnh lục giác được chỉnh sửa dần dần biến thành bờ biển, ranh giới quốc gia vừa ý rồi thì người kế tiếp đã biết đây là cái carte muette (bản đồ câm nước Pháp ), thầy bảo xác định vị trí Paris, điền tên các tỉnh và thành phố, người tiếp theo vẽ hệ thống sông ngòi, kế đến là hệ thống giao thông đường sắt v.v. Trò nào không nhớ mà vẽ bừa là thầy chận ngay lại và xách tai, nặng hơn là bị cụng trán. Học trò đứng cách bảng chừng ba mươi centimetre , hai tay bỏ ra đằng sau lưng, thầy xô cái đầu vô bảng thế là cái trán bị ăn đòn.
Thường thường học trò bị phạt vì mỗi cái tội không thuộc bài. Mà hỏi làm sao thuộc bài cho nổi. Bài học ít nhất như bài morale (đức dục), bài instruction civique (công dân giáo dục) là một trang giấy, dài như là histoire (sử), geographie (địa), chimie (hóa), physique (lý) phải hai trang, bằng tiếng pháp. Văn, sử, địa thì chương trình nặng về nước Pháp. Cố gắng lắm, tụng mãi rồi cũng phải thuộc nhưng hiểu bài thì không thể hiểu hết mà vì không hiểu hết nên bài thuộc đó rồi quên đó. Trả bài thì cứ nhắm mắt đọc một hơi, lở có vấp mất trớn, thầy nhắc từ từ thì còn có thể đọc tiếp được nhưng nếu thầy chận lại đặt câu hỏi thì thường hay bị bế tắc.
Bài học dài quá phải chia thành đôi ba lần, cuối bài lần thứ nhất ghi: còn nữa (a` suivre) đầu bài lần thứ hai ghi: tiếp theo (suite) cho đến bài cuối cùng: tiếp theo và hết (suite et fin). Phải công nhận cả thầy lẩn trò đều rất chịu khó. Thầy chịu khó viết bài lên bảng, trò chịu khó chép bài vào vở, tất cả các môn đều học chung trong cùng một cuốn tập, không mấy khi có ai sắm sách. Khi gọi học trò lên kiểm tra bài, thầy vừa nghe theo dỏi, vừa chỉnh sửa các lỗi của bài học chép trong vở. Cuốn tập nào mà góc vở bị cuốn, bài viết bị nhem nhuốc mực lại là cơ hội để học trò bị khẻ tay. Lỗi nhem nhuốc mực trên sách vở, cả áo quần và chân tay cũng chỉ vì hoàn cảnh chung một thời.
Học trò, kể cả thầy đâu có ai có bút máy, bút bic như bây giờ. Đi học, học trò mang theo lọ mực bằng chai, miệng lọ đậy bằng cái nút điền điển (lie`ge) có sợi dây buộc vòng cổ lọ để xách tòn-ten hoặc xâu qua bằng một chiếc thước kẻ. Đến lớp, lọ mực được để lên bàn học, ngay trước mặt, mở nút ra. Chép bài, mắt vừa nhìn lên bảng, tay cầm bút thò vào lọ chấm mực, các thao tác này lặp đi lặp lại suốt buổi học tránh sao khỏi đụng ngả lọ mực chưa nói có đôi khi chấm mực, giơ bút lên thì cả một cục mực rớt ngay trên vở do cặn bẩn của mực dính vào ngòi bút, thấy vậy đôi khi thầy cho mượn viên phấn để lăn thấm mực. Càng về sau, có tiến bộ hơn, loại lọ-mực-không-đổ bằng nhôm hoặc lọai godet bằng sành ra đời. Trên mỗi chiếc bàn học dành cho năm học trò có đục năm cái lỗ để bỏ lọt vào đó chiếc godet miệng loe thành vành, cạnh phía dưới hàng lỗ cho godet có một cái mương dài, đủ sâu cho học trò để bút không bị lăn. Trên bàn thầy cũng có một khúc gỗ khoét hai cái lỗ dành cho một godet mực xanh, một godet mực đỏ, một cái lỗ khác để thầy cắm hai cây bút.
Tấm bảng đen không phải là bằng ván ép, cũng không phải bằng xi măng tô lên mặt tường mà được ghép bằng bốn hoặc năm miếng ván dày chừng 1cm, rộng chừng 30cm đặt nghiêng nghiêng trên giá ba chân. Lâu ngày ván bị co, tạo thành các khe hở, các khe hở này cũng là nổi khổ cho học trò. Thầy viết bảng đôi khi không tránh được các khe hở hàng chữ viết bị cắt dọc khiến học trò khó đọc, cứ phải lên tiếng hỏi thầy. Hỏi hoài sợ thầy la, thấy sao chép vậy, bài bị lỗi!
Các khe hở luôn chứa đầy bụi phấn. Có những lúc học trò nghịch ngợm phỉnh nhau dòm qua khe, bổng phía sau nghe thổi một cái phù, bao nhiêu bụi phấn bay vào mắt vào mặt, cả đám vổ tay reo cười sung sướng.
Bài học vệ sinh (hygiene). Giảng bài bệnh ghẻ, thầy vẽ lên bảng hình cái ghẻ trông mà dể sợ. Bài học dạy cho học trò phải ăn ở sạch sẻ, phải năng tắm rửa. Giảng bài xong, thầy gọi học trò sắp hàng, cởi hết áo ra. Tay thầy cầm lọ mực, tay thầy chấm mực quẹt lên những chỗ da thịt nào mà thầy cho là cáu bẩn kể cả trên mặt trên cổ. Học trò cười, thầy cũng cười, cả lớp được thể cười như được xem khỉ làm xiếc của Sơn đông mãi võ ngoài bến xe để quảng cáo bán thuốc dán con rắn, thuốc nhức răng …
Hồi đó chúng tôi nghe nói nhờ có Cụ Phạm Quỳnh, Thượng thư Bộ Học của triều đình Huế can thiệp nên chính quyền bảo hộ Pháp (Protectorat francais) mới cho phép chương trình học được ghi thêm mỗi tuần một giờ Litterature annamite và một giờ caracteres chinois tất cả các môn còn lại toàn là bằng tiếng pháp.
Ngán như cơm nếp, học trò thích nhất là bài học Phòng thủ thụ động (Defense passive). Hồi đó đang là thời kỳ của Đệ nhị thế chiến, nơi đâu có sự hiện diện của quân đội Nhật hoàng là có máy bay Đồng minh bám theo bắn phá các doanh trại, các đoàn convoi, oanh tạc cầu cống và phi trường. Tại các cây cầu quan trọng, lính Nhật thường được xiềng chân vào dàn súng phòng không, quyết sống chết bảo vệ cầu.
Học trò được giảng dạy cách trú ẩn và biết tìm nơi trú ẩn tại bất cứ ở đâu mỗi khi gặp máy bay oanh kích. Hệ thống hầm trú ẩn được đào khắp chung quanh trường theo hình zigzag sâu gần lút đầu học trò rộng chừng tám tấc, cách khoảng có các bậc tam cấp bước xuống. Học lý thuyết thì ít mà thực hành thì nhiều. Mỗi lần nghe báo động bằng các hồi trống dồn dập từng ba tiếng một, tất cả thầy trò đều phải chạy nhanh ra khỏi lớp và lập tức tuông xuống hầm. Đây là lúc vui nhất không cần biết phòng thủ là cái gì. Chờ cho học trò xuống hầm hết rồi thầy xuống sau. Hầm sâu lút đầu mà thầy vẫn bắt học trò ngồi xuống hết, không ai được đứng. Thường là báo động giả để học trò thực tập. Cũng có lúc báo động thật, thấy máy bay quần thấp lướt nhanh qua đầu, nghe súng liên thanh nổ nhưng sau đó tin tức cho biết máy bay đã bắn phá ở bến đò Hoa trà, ở cầu Câu lâu cách xa trường mấy cây số. Tiếng gầm rú của máy bay bay thấp và tiếng súng máy ùng ục nổ giòn như bắp rang, như trút lúa vô bồ nghe quả thật là khủng khiếp nhưng học trò lại thấy vui hơn là biết sợ.
Hết báo động, thầy trò trở vào lớp, phải mất ít nhất năm phút sau mới yên lặng trở lại rồi được nghe thầy kể chuyện chiến tranh giữa phe Trục (Đức ,Ý, Nhật) và phe Đồng minh (Anh, Nga, Mỹ, Pháp, Tàu) thầy ca ngợi tướng Charles De Gaulle.Thấy thầy vui, bớt nghiêm hơn mọi ngày, học trò mừng, vui như đốt pháo Tết.
Mẹ tôi, khi thì buồng chuối tiêu, khi thì cặp gà giò, của nhà vườn, mang ra thăm cô. Sau khi hỏi thăm chuyện học hành của tôi, mẹ tôi an ủi tôi: mẹ có nghe cô nói lại là thầy giáo con thường hay phạt học trò, nhưng mẹ vẫn đồng ý với cô rằng thầy giáo có nghiêm khắc như vậy thì học trò mới nên con ạ. Thương mẹ, tôi không dám kể lể thêm nhiều sợ mẹ buồn.
Đôi khi có các sĩ quan Nhật đậu xe phía trước, ghé vào thăm cửa tiệm, không biết cô tôi nghĩ thế nào lại ngỏ ý nhờ thầy tôi giới thiệu tôi học tiếng Nhật với Ông Tú Khải. Học tiếng Nhật mới khám phá ra mấy điểm ngồ ngộ so với cái vô cùng tế nhị của văn phạm tiếng pháp. Vốn liếng học được cho là tạm đủ để có cơ hội lắp chữ nói chuyện với một vài sĩ quan Nhật thường có mặt trước cửa tiệm cô tôi. Họ tỏ ra nhớ gia đình và do đó họ thương trẻ nhỏ như tôi, họ thường mua quýt cho tôi và thỉnh thoảng mang đến cho tôi các tạp chí Đại Đông Á đầy hình ảnh màu sắc chiến tranh, tôi giở sách chủ yếu xem hình
Ngồi trong lớp mà cứ trông có trống báo động cho vui. Lớp học thì yên lặng, thầy thì nghiêm trang, không thuộc bài thì bị phạt, thế nhưng ngày nối tiếp ngày học trò vẫn ngoan như bầy cừu. Một hôm, không biết từ đâu tới, bổng xuất hiện một ông thầy chưa ai biết mặt, đường hoàng bước vào lớp. Ông này cũng mặc áo lương đen, quần trắng, nhưng đầu đội khăn đóng chân mang giày hạ trông còn nghiêm trang hơn cả thầy tôi nữa. Theo lệnh thầy tất cả lớp đứng dậy nghiêm túc chào người mới xuất hiện và nghe thầy giới thiệu đây là thầy Huấn đạo (Inspecteur Primaire). Thấy thầy nghiêm túc trước ông Huấn đạo, cả lớp càng sợ hơn. Nhìn ông như một pho tượng biết đi. Ông Huấn đạo xem qua sổ sách trên bàn thầy, lấy một vài cuốn tập của học trò, lật xem từng trang rồi ra hiệu cho thầy tôi tiếp tục giảng bài. Tôi để ý thấy thầy tôi cố giữ bình tỉnh và thao tác nhẹ nhàng hơn mọi khi. Ông Huấn đạo nhìn quanh, đến gần nói chuyện mấy câu với thầy tôi rồi bắt tay chào ra khỏi lớp đi qua phòng khác, cả lớp lại rào rào đứng dậy, nhẹ nhỏm người nhìn theo thầy Huấn đạo và khều nhau xì xào: “ Charles de Gaulle ” ngầm ám chỉ ông Huấn đạo cao lêu khêu!
Thầy quen, thầy lạ, ông nào cũng đạo mạo, cũng khăn áo chỉnh tề, mặt lạnh như tiền, học trò, đứa ngổ nghịch nhất cũng tránh nhìn thẳng mắt thầy. Riêng chỉ có thầy Huýnh, huấn luyện viên thể dục, hội viên trong tổ chức của phong trào Khỏe Để Phụng Sự (Association de la Jeunesse Sportive A.J.S.), thân hình rắn chắc nổi rõ trong bộ đồng phục quần short trắng, áo maillot trắng trước ngực nổi bật huy hiệu AJS màu đỏ tươi thì trông mạnh mẻ, tươi trẻ, vui khỏe và linh hoạt lạ thường. Học thể dục với thầy Huýnh không còn gì thích thú hơn. Thầy còn tập cho học trò hát chansons de jeunesse: Alouette, gentille alouette; Marche, marche, marche en avant. Ngoài ra thầy cũng thường xuyên ôn dượt lại các bài hát chính thức dành cho các buổi chào cờ trong trường.
La Marseillaise: bài quốc ca Pháp, Marechal Nous voila!: suy tôn Thống chế Petain và bài Đăng đàn cung: quốc ca Việt nam.
Các cây phượng trong sân trường bắt đầu nở hoa, báo hiệu mùa hè sắp đến. Hiểu hay không hiểu, thuộc hay không thuộc giờ đây vẫn là lúc cần phải hết sức cố gắng, thầy bắt đầu cho ôn tập bài vở chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Từng môn từng môn, thầy cho học trò biết phải ôn từ bài nào đến bài nào và cứ thế tiếp tục cho hết bài của chương trình.
Về nhà tôi còn bị kèm cặp kỷ hơn. Theo tường thuật kết quả của anh Quảng, cô tôi thường hay thưởng cho tôi chả lọn, bắp nếp nướng hoặc bánh tráng khoai thơm phức được bày bán đầy trên lề đường phía trước. Cô tôi còn cấm trong nhà không được ăn, không được nói đến trứng lộn và bí rợ, sợ mang điềm xui xẻo đến cho tôi.
Mỗi ngày thầy tôi cẩn thận nhắc đi nhắc lại học trò những gì cần thiết cho kỳ thi. Trước nhất phải thuộc bài, vào phòng thi cần bình tĩnh, đọc và hiểu đề thi kỷ lưởng rồi gọi học trò từng đứa một mang thẻ thí sinh lên cho thầy kiểm tra lại. Cầm cái thẻ của tôi, thầy bảo: ‘xem thẻ thầy đoán trò thi đậu’. Tôi mừng thầm, về thưa lại với cô, cô tôi cười và vò đầu khuyến khích ‘con gắng lên’ Vừa lúc đó Dì Phán Tá, bạn thân của cô tôi từ Huế vào thăm ở lại chơi mấy ngày, Dì buột miệng:‘ thằng Bang mi mà thi đậu tau làm thịt con chó này đãi mi ’ Dì chỉ ngay con chó vừa có mặt dưới chân. Thấy tôi buồn, cô tôi an ủi: Dì thấy con còn nhỏ mà đi thi nên Dì trêu chơi vậy thôi, con đừng buồn.
Cô tôi nhờ anh Quảng thuê xe kéo đưa tôi đi Faifoo, tỉnh lỵ của Quảng nam (Hội an), nghỉ một hôm để hôm sau thi. Mỗi buổi thi xong, tôi báo lại cho anh Quảng đang đứng chờ trước sân cả đề thi cả bài tôi làm, anh Quảng gật gù khen và trao cho tôi cây kem, lần đầu tiên tôi được ăn món này.
Mấy hôm sau cũng chính anh Quảng dẫn tôi đi xem kết quả: Tôi đã có tên trong danh sách đậu bằng Tiểu học Certificat d’Etudes Primaire Elementaire (CEPE). Tôi biết được anh Lê Ngọc Sơn con trai của bà cô thứ năm của tôi, anh Lê viết Toại con bà Cửu Hoành ở Bằng an bạn của cô tôi, anh Phước con ông thông nhà thương (infirmier) cũng thi đỗ khóa này.
Tạm thời tôi không còn bận rộn bài vở, cô tôi thưởng cho tôi một chuyến đi thăm chơi núi Ngũ hành có anh Quảng đi theo kèm bên cạnh. Thi đậu rồi được đi chơi mà trong lòng vẫn kém vui vì lẻ trong đầu tôi cứ lởn vởn mãi một mớ băn khoăn lộn xộn.
Suốt niên khóa cuối học với thầy trong tâm trạng sợ thầy, không dám kể lể với mẹ sợ mẹ buồn trong khi lời mẹ dặn vẫn còn văng vẳng bên tai: thầy có nghiêm khắc thì học trò mới nên con ạ.
Rõ ràng là chỉ cần thấy thầy mỉm cười một chút thôi là cả lớp vui, mà sao thầy không chịu cười, chẳng lẻ thầy không biết cười. Thay vì thầy vui thì tại sao thầy luôn luôn nghiêm nghị. Chẳng lẽ thầy không thích vui. Trong quan hệ thầy trò, gặp mặt nhau mỗi ngày trong phạm vi nhỏ hẹp của một lớp học lẻ nào thầy lại cố tình xua đuổi mối thiện cảm của học trò có thể dành cho thầy mà thầy phải chuốc lấy thái độ sợ sệt kiêng nể của chúng nó làm chi. Mỗi lần phạt học trò, thấy học trò xuýt xoa đau đớn, thầy không tha, chẳng lẻ thầy dửng dưng vô cảm đến thế sao.
« Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào» tôi thuộc lòng câu nói của cô tôi. Thầm nghĩ, thầy thường cho roi cho vọt như thế là thầy thương, thầy không cho ngọt cho ngào như thế là thầy không ghét!
Học trò không thuộc bài, biếng nhác, nghịch ngợm đó là lý do để thầy phạt, đúng rồi, nhưng còn mục đích thầy phạt là gì ... Thử hỏi quanh năm suốt tháng học trò cứ vui với phòng thủ thụ động, thích thú với thể dục với hát hò thì cuối năm có đủ hành trang cho cuộc thi cuối cấp hay không.
Trong lớp học thầy cứ cười học trò cứ vui, thầy cười một học trò cười mười, thầy vui một học trò sẽ vui mười, cuối năm vào phòng thi có thể mang vui và cười ra để hoàn tất bài thi được không. Như thế là học trò phải chịu khó tập trung cho việc học tập mới tiếp thu được kiến thức và mới có đủ trình độ thi thố tài năng cuối cấp.
Nói đến chịu khó tập trung cho việc học tập, thử hỏi bản thân mỗi người học trò có tự mình làm được cái yêu cầu đó không nếu thiếu đi sự hiện diện khuôn phép của người thầy. Nói như thế có nghĩa là người học trò còn ở cái tuổi thò lò mủi xanh chưa kịp ý thức được thế nào là tinh thần tự giác. Có lẻ biết vậy nên chẳng mấy khi thầy giải thích cái mục đích thầy phạt học trò. Đã không giải thích mà thầy cứ phải âm thầm chuốc lấy những điều bất như ý chỉ mỗi mình thầy biết.
Thầy biết tuổi thơ vẫn có thể nhận diện cuộc đời theo cách đơn giản nhất bằng vào những gì nghe được, thấy được ngay trước mắt nên thầy luôn luôn phải là mẫu mực , hết sức tế nhị cẩn trọng để giữ cho tâm hồn thơ ngây của học trò luôn trong sáng hồn nhiên cho đến khi chúng nó có đủ sức bước ra với sóng gió cuộc đời. Trong vai trò là người chăn dắt tuổi thơ, thầy vẫn luôn giữ cái vẻ nghiêm nghị với tất cả học trò, thầy giữ đúng lẽ công bằng trong đối xử, không tỏ ra thiên vị bất cứ em nào. Học trò, không em nào thương thầy mà cũng chẳng có em nào ghét thầy. Trong thâm tâm thầy cũng muốn nói cho học trò của mình biết rằng thầy thương các em lắm, đừng có sợ thầy, nhưng không, thầy không nói mà mãi khắc khổ quên mình, trước mắt chỉ biết rằng ngày mai đây lũ học trò này sẽ là những cánh hồng bay bổng tuyệt vời trong trời mây cao rộng chứ không bị giam hãm trong không gian một chiều.
Trong quảng đời học sinh, cho đến khi biết hãnh diện thắt vào cổ áo sơ mi của mình chiếc cà vạt màu xanh trước khi bước vào cổng trường, tôi vẫn còn chưa thể hiện đủ ý nghĩa của hai tiếng kỷ luật tự giác! huống hồ là ở cái tuổi học trò thò lò mủi xanh làm sao đòi cho được thong dong bên ngoài vòng tay nghiêm khắc mà bao dung của quý thầy cô thuở ấy.
Bảo rằng phương cách dạy học như thế là chỉ tạo một thế hệ trẻ thụ động! Cần thay vào bằng một nền giáo dục mới! Áp dụng giáo dục mới cho đến khi xảy ra tệ trạng học trò đánh thầy thì lại hối hả hô hào chấn hưng đạo đức học đường!
Nói cho cùng, người thầy luôn vẫn là mẫu người không mong vui về cao quý mà cũng chẳng hề buồn về đạm bạc, chỉ biết âm thầm lặng lẻ chu toàn sứ mệnh thiêng liêng của mình giống như bác thợ xây mẫn cán, cẩn thận dóng dây dọi , dăng thước thăng bằng cho từng đợt độ cao, kiên trì tém từng miếng vữa hồ, cẩn thận xếp từng viên gạch vào vị thế hợp lý trong tinh thần ngang ngay sổ thẳng ngõ hầu hoàn thành tác phẩm của mình: một bức tường vững chắc. Nhất tự vi sư bán tự vi sư, theo thầy tôi, được hiểu như là ý thức cao đẹp trong sáng và tự nhiên đến từ phía học trò mỗi khi các em nghĩ đến người một thời mình đã thọ giáo.
Ở cái tuổi tám mươi, nhớ về thầy cũ chỉ còn biết lục lọi trong ký ức tìm lại hình ảnh của thầy, lắng nghe từ xa xăm mờ mịt trong cỏi hư vô mong bắt gặp âm vang trong gió lời thầy giảng năm xưa một buổi học cuối tuần: «apre`s l’oubli de la terre, c’est l’oubli humain » khuất sâu dưới ba tấc đất rồi đến hồi quên lảng của lòng người.
Thầy Nguyễn Bang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét