Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

NHỮNG NGƯỜI CON GÁI ĐÔNG GIANG

Thật khó khăn khi viết về những người đã khuất. Cũng khó khăn khi viết về những người còn hiện hữu. Nhưng không thể không viết. Đó là mối nợ ân tình.
Một ngày tháng tư, anh trai tôi là học sinh Đông Giang khóa 7 về Đà Nẵng. Lại gặp nhau ở biển Sơn Trà, sau đó là càphê nhà cô bạn Phạm Thi Lệ Thủy. Có những gương mặt Đông Giang thân quen từ thuở nào: Ly Lan, Kim Thành, Đức Anh, Thanh Thăng, Thanh Phương, Viết Phải…Có cả cô giáo văn Đoàn thị Nhỏ. Thỉnh thoảng như vậy, có dịp lại gặp dù chỉ đôi ba tiếng hoặc nửa giờ ngồi bên nhau. Như những đứa trẻ lạc loài hễ gặp nhau là quây quần thành một nhóm. Chuyện cũ lại được khơi ra. Nhiều câu chuyện xưa thật là xưa mà cứ kể là lại mới rợi như ngày hôm qua. Những câu chuyện của quá khứ, dĩ vãng mịt mờ cứ làm cháy lên, bập bùng nỗi nhớ. Tôi điện thoại cho Huỳnh Thị Thùy, cô bạn này tôi chỉ quen qua blog, có thể cũng đã loáng thoáng gặp đôi ba lần hồi tôi mười mấy tuổi..Thùy cũng chỉ biết tôi qua giới thiệu của một người bạn. Nửa giờ sau, Thùy có mặt. Em không giống lắm với hình dung của tôi. Một chút ngỡ ngàng nhưng rồi Thùy cũng hòa nhập rất nhanh với câu chuyện của các anh chị Đông Giang khóa trước.
 Buổi chiều đi Bà Nà _Suối Mơ. Buổi tối Thùy chở tôi đi suốt một chiều dài đường biển Đà Nẵng. Biển đêm lộng gió. Bầu trời trên cao đen thẫm còn phía dưới ánh điện lấp lánh như muôn ngàn vì sao sa. Vẻ đẹp của biển bao giờ cũng làm tôi dịu lại. Tôi ngắm biển và nghe Thùy kể chuyện. Những câu chuyện của em, một phần bị gió thổi tạt đi nhưng vẫn có thể nghe được, hiểu được. Sự thực là tôi chưa kịp mở lòng ra với em, chỉ cảm thấy ngùi ngùi thương cảm. Còn em thì cứ hồn nhiên kể chuyện với tôi như với một người chị lâu ngày mới được gặp lại. Cái quyến luyến hồn nhiên ấy, sau này tôi mới nghĩ ra, âu cũng là từ một thứ nhân duyên. Kể từ đó, bắt đầu những ngày chúng tôi bên nhau và sẻ chia.

Chúng tôi hay đi về trên những con đường của vùng biển Mỹ Khê –Sơn Trà. Vùng biển thân quen ngày nào vẫn cứ hát ru, rì rào những câu chuyện cũ. Mỗi bước chân chúng tôi qua dẫm lên tro tàn quá khứ. Mỗi bước chân chúng tôi qua, đất đá cựa mình tưởng như con đường cũng còn nhớ những bàn chân xưa mà thức dậy trò chuyện. Thùy kể chuyện rất nhiều. Câu chuyện nọ dẫn đến câu chuyện kia, miên man như không dứt. Những câu chuyện của Thùy thường khiến tôi nghĩ về câu chuyện của những người con gái Đông Giang tôi từng quen biết. Trong những biến động, thăng trầm của đất nước, cuộc đời, những hồng nhan Đông Giang cũng không tránh được những số phần đa đoan, nghiệt ngã. Tôi nhớ đến Trần Thị Kim Hồng, người bạn gái học lớp 10B.

Hồi ấy, con gái mà học ban toán là oai lắm. Năm cô con gái học lớp 10B, cô nào cũng được quý, được cưng, huống hồ gì Hồng vừa học giỏi lại vừa xinh nữa. Cho đến bây giờ tôi vẫn có thể mường tượng hình ảnh của Hồng: dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt dễ thương, lời nói nhẹ nhàng, tôi thích đôi mắt Hồng: đen tròn và lóng lánh như có nụ cười. Bẵng một thời gian, mấy năm sau ngày rời trường, tôi gặp lại Hồng trên chuyến phà qua sông Hàn. Buổi chiều của những năm tháng ấy thường rất buồn. Hoàng hôn tím sẫm trên sông, những con sóng dài chạy ra xa, xa mãi. Phía đỉnh núi Sơn Trà không còn ánh điện sáng lấp lánh như một vòng vương miện. Trong đôi mắt đen tròn của Hồng, tôi không còn thấy lóng lánh niềm vui. Hồng kể tôi nghe câu chuyện thật buồn. Rồi bẵng đi mấy năm nữa, tôi nghe tin Hồng đã quyên sinh. Tim tôi đau nhói. Nỗi buồn nào, nỗi tuyệt vọng nào khiến bạn tìm đến cái chết giữa tuổi thanh xuân, bỏ lại đứa con thơ, bỏ lại những ân tình. Hồng sẽ không bao giờ biết được những người bạn Đông Giang mấy chục năm sau còn thương tiếc bạn như thế nào, cũng không bao giờ biết được rằng, có một người con trai Đông Giang, "sau mười bảy năm đi xa biền biệt, ngày đặt chân xuống phi trường Đà Nẵng cũng là ngày nghe tin bạn giã từ cõi tạm". Một đôi mắt đã vĩnh viễn khép lại để những mùa thu mây ngàn càng trở nên quá đỗi xa xăm.!

Tôi lại nhớ về Nguyễn Thị Ngọc. Ngọc có vẻ đẹp tươi tắn, dịu dàng: Ngọc hay gánh nước tưới rau, hái rau…làm việc nhiêù ngoài trời mà nước da vẫn trắng hồng, lại thêm mắt bồ câu đen láy, đôi môi đỏ và nụ cười ngây thơ. Ngôi nhà của Ngọc là nơi chúng tôi tụ tập những ngày nghỉ, những buổi trống tiết. Vườn rộng, những luống cà, luống cải, đậu phụng, khoai lang…mùa nào thức ấy xanh rờn tít tắp. Xa xa, con sông Hàn lấp lánh ánh bạc, êm đềm, lững lờ trôi trong những bình minh hay những hoàng hôn. Dưới bóng hàng dừa, một cái khe nhỏ nước trong đến nhìn thấy những con cá đang bơi, hai bờ lau lách, dương xỉ mọc um tùm, chuồn chuồn, bươm bướm vờn bay đủ màu, đủ vẻ. Chúng tôi hay đến nhà Ngọc để ăn khoai lang, ăn đậu phụng nấu bới, nhổ từ vườn nhà hoặc tìm các thứ lá cây, côn trùng cho các bài học sinh vật. Còn mấy anh con trai thì hay đến lắm nhưng không biết đến để làm gì, để “Nhìn bóng hàng cau nắng mới lên”, hay để ngắm “ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Lá trúc che ngang mặt chữ điền”?

Ba mươi mấy năm sau, một ngừơi bạn của tôi ở bên kia bờ đại dương còn làm thơ nhắc chuyện hàng cau nhà Ngọc và nỗi niềm của mấy anh con trai ngày ấy. Chuyện này thì Ngọc vĩnh viễn không thể biết vì bạn đã yên nghỉ mấy chục năm rồi, sau một cơn đau hậu sản dữ dội.


Tôi lại nhớ về Trần Thị Ngọc Kim. Mỗi sáng, mỗi chiều, nhìn thấy Ngọc Kim mặc áo dài trắng, ôm cặp sách đi ngang qua, không anh con trai nào không ngoái lại nhìn. Khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt một mí và miệng cười có cái răng khểnh. Vẻ đẹp ngoan hiền, thánh thiện như một maseur của Ngọc Kim khiến vô số chàng trai Đông Giang muốn đến thánh đường. Đã có người làm thơ về Kim:
“Này em nhỏ tên K.
Hồn nhiên em đẹp quá.
Làm lòng ta nghe lạ.
Mỗi bước nhỏ em qua”...

Đã có cả một cuộc chiến tranh vì Kim như ngày xưa từng có chiến tranh vì Mỵ Nương hay Cléopatre. Rốt cuộc người chiến thắng là anh học trò Đông Giang đã cả gan lấy trộm tiền của mẹ mua tặng Kim một sợi dây chuyền thánh giá bằng vàng. Câu chuyện đó xảy ra vào ngay đêm Giáng sinh năm 1974.
Giải phóng vài năm, Ngọc Kim bị đẩy lên công trường Phú Ninh làm lao động thủy lợi. Phú Ninh bấy giờ là một công trường khổng lồ với hàng vạn thanh niên nam nữ ngày đêm đào, cuốc, gánh gồng đất đá chặn núi ngăn sông. Thương con phải dãi nắng dầm mưa, sợ con phải sống cảnh xô bồ hỗn tạp, gia đình tính chuyện lấy chồng cho Ngọc Kim. Năm mười chín tuổi, Ngọc Kim lấy một người chồng trước đó chưa hề quen biết.

Có một người mà mấy anh con trai cũng hay nhắc là “ cô em Bắc Kỳ nho nhỏ” Lưu Thị Ngọc. Mười ba tuổi, Ngọc đã dậy thì phổng phao. Mười lăm tuổi, con mắt có đuôi đã biết cười lung la lung liếng, cái bím tóc thật dài ngúng nga ngúng nguẩy trên cái lưng ong mềm mượt khiến nhiều anh chết mệt. Ngọc hát hay nổi tiếng. Mấy chục năm sau ngồi kể chuyện, ai người Đông Giang cũng còn nhớ “Đường xưa lối cũ”, “Ai về sông Tương”… với tiếng hát của Ngọc vút cao, ngọt ngào, ấm áp trong những hội diễn văn nghệ của trường. Nhưng con chim họa mi ấy cũng không thể bay thoát ra khỏi vòng vây tao loạn của thế thời. Cơn lốc kinh tế mới sau 1975 cuốn Ngọc vào tận cánh rừng hoang Phương Lâm. Chim họa mi về rừng mà thôi hồn nhiên vui hót, ngày ngày đi trồng bắp trồng sắn, chặt củi…Bố của Ngọc đi học tập cải tạo, thỉnh thoảng Ngọc thay mẹ đi thăm nuôi. Mấy anh chàng chuẩn úy, thiếu úy mới ra trường cũng học tập cải tạo trong ấy tranh nhau làm rể bố. Một anh chàng không nói không rằng, chỉ ân cần chăm sóc điếu đóm nước nôi cho bố được bố ưng ý, vậy là bố gả liền. Người ấy bây giờ là anh chàng Kim Tiến, hội trưởng Hội Cựu học sinh Sao Mai, người hay qua lại với Đông Giang bây giờ.
Ngọc Kim hay Bích Ngọc đều có cái may không dễ có là ngẫu nhiên mà dừng được ở cái bến trong, dẫu có gian nan, vất vả thế nào rồi cũng có niềm vui vợ chồng yên ấm, hòa hợp, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Còn bao nhiêu người con gái Đông Giang khác không có được cái may như thế. Trong cơn trời đất gió bụi mịt mù, để giữ được thân, phải cam chịu lấy người chồng không yêu thương, không quen biết nên nỗi mấy chục năm qua rồi mà vẫn không thể nguôi khuây được một nỗi niềm u uẩn: Quỳnh hương héo tay người vô tâm….
Trở lại chuyện của Thùy. Ngày ấy tôi không biết nhiều về Thùy vì em học sau tôi hai lớp. Chỉ nghe kể lại rằng ngày ấy em cũng là con gái đẹp, nhất là đôi mắt. Đep mà buồn. Bây giờ nhiều lần nhìn vào đôi mắt em, tôi vẫn tự hỏi phải chăng từ ngày ấy, trong đôi mắt em buồn thăm thẳm, đã đau đáu , ám ảnh một nỗi niềm về thân phận con người? Nhà nghèo, mẹ mất sớm, em chỉ có niềm hạnh phúc là được người bố yêu thương hết mực, dẫu khó nghèo thế nào cũng cố gắng cho em đến trường để bằng chị bằng em. Ngày ngày , em đi bộ một đoạn đường dài qua những nổng cát nắng cháy chỉ có những bụi xương rồng sống nổi trên bờ biển Mân Thái _Sơn Trà để đến trường. Gian khổ mà vẫn vui, như những cây xương rồng vẫn nở hoa thật tươi trên vùng cát cháy.
Ba của Thùy là cán bộ hoạt động nằm vùng, sau năm 1975, công trạng của ông không được nhiều người chứng nhận. Ông vẫn phải tiếp tục cuộc đời vất vả của người dân nghèo trong những năm cả nước đói nghèo kiệt quệ. Rồi ông ngã bịnh. Cô con gái chưa kịp học hết phổ thông chấp nhận lấy chồng để có người lo lắng cho cha. Rồi cuộc hôn nhân tan vỡ. Đói nghèo, vất vả và cả nỗi nhục nhằn bị khinh rẻ khiến người mẹ trẻ tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết. Đêm, cơn gió lạnh từ bờ sông thổi tạt vào, bóng hình hai mẹ con liêu xiêu, ngả nghiêng trên cát. Người mẹ dắt đứa con đi như trong cơn mê. Chỉ khi bàn chân chạm vào mép nước, hốt nhiên một cái quẫy đạp tình cờ rất khẽ của cái bào thai đang tượng hình trong bụng khiến người mẹ tỉnh thức, giật mình dắt con lùi lại. Vội vã ra khỏi cơn mê. Vội vã trở về. Trước mắt là cả một cuộc đời gian lao tủi nhục nhưng người mẹ ấy đã tự dặn lòng mình phải kìm lòng, phải chịu đựng. Hai đứa con, đứa địu trên lưng, đứa bồng trên tay, em âm thầm vượt qua con dốc dài dựng đứng, quạnh quẽ của cuộc đời mình!

Những ngày tháng những thân phận hồng nhan Đông Giang quá đỗi bi thương, tội tình ấy, những anh con trai Đông Giang đi đâu? Sau này tôi mới biết, trừ một số ít vào các trường đại học, phần lớn trong họ cũng phải vật vã để kiếm sống, hơn thế nữa, chỉ để tồn tại : người thì đi xe thồ, đạp xích lô, buôn tiền cắc tiền xu… trên những nẻo đường Sài Gòn, Đà Nẵng nắng cháy mưa dầm. Người thì mướt mồ hôi vừa cất giấu hàng vừa chơi trò rượt đuổi với công an, thuế vụ trên những chuyến tàu chợ xuôi ngược Bắc _Nam. Người thì đói khát, lênh đênh trên những chiếc thuyền vượt biển. Người thì đi lính đánh nhau với Khờ -me Đỏ và chết mất xác trong những cánh rừng già. Nhiều năm như thế, trường đoạn đoạn trường mịt mù mù mịt khiến bản thân mình, gia đình mình, quê hương mình …họ còn không nhớ nổi, huống hồ gì là người con gái cùng lớp cùng trường ngày xưa mà một bức thư tình còn chưa dám gửi, một lời yêu chưa dám ngỏ…

Nhưng tôi biết trong số họ có người đã trở về. Áo rách vai, hình dạng bơ phờ bước đi trên những phố cũ hoang tàn. Trở về chốn cũ để từ biệt hẳn ngôi nhà một thời thơ ấu, để nói lời chia tay với người con gái mình thương. Rồi lại ra đi. Cả người con gái, cả biển cả, rừng dương…với bao dấu yêu, thân thuộc ngày nào cũng không thể níu anh ở lại. Những năm tháng ấy, tan tác- chia ly- đổ vỡ âu cũng là một thứ định mệnh không thể nào tránh khỏi !!!

Sự thật luôn cần thời gian để xuất hiện một cách đầy đủ nhất. Sự thật là thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, hứng chịu nhiều những đau khổ, mất mát của chiến tranh; sau chiến tranh vẫn không hết những nhục nhằn, lao khổ. Bạo lực vẫn tiếp diễn ở một hình thái khác. Nhưng như Trịnh Công Sơn thường nói: Bạo lực vốn không thể có một đời sống lâu dài. Và chúng tôi, dẫu thế nào vẫn muốn tin rằng những ngày ấy rồi sẽ lụi tàn, rằng cuộc đời rồi sẽ mỗi ngày một tốt đẹp thêm lên...

Ba mươi lăm năm, một chặng đường dài ngoái lại. Con đường đi qua xa ngái mịt mùng ẩn giấu trong nó bao nỗi niềm ngậm ngùi, khắc khoải không sao nói hết. Thân phận con người dường như ngày mỗi bé nhỏ, lạc loài hơn. Kim Hồng, Ngọc Kim, Bích Ngọc, Bích Hà, Ngọc Quỳnh, Hiền Thục hay Thùy …cũng chỉ là những chiếc lá mỏng manh trong hàng triệu chiếc lá của cây đời. Khi cơn giông bão đi qua, có chiếc lá rơi, nằm im trong đất lạnh rồi hóa thành cát bụi; có chiếc may mắn vin víu được vào cành, mỗi bình minh dẫu còn long lanh sương sớm cũng đã ẩn giấu trong dáng trong màu chút nét trầm phai.Thời gian ba mươi lăm năm dài hơn gấp đôi thời gian Thúy Kiều xa Kim Trọng. Liệu có ân tình nào còn giữ lại? Nhưng thời gian ba mươi lăm năm ấy cũng đủ để những người con gái Đông Giang ngày xưa “có đủ gian nan để thấy mình mạnh mẽ, có đủ nỗi buồn để có lòng nhân ái, có đủ tuyệt vọng để biết mình hạnh phúc…”! Tôi đã nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên môi Ngọc Kim khi Kim kể chuyện về những đứa cháu nội, cháu ngoại dễ thương của mình. Tôi đã nghe lại giọng hát _còn ngọt ngào mê đắm nồng nàn hơn_ của Bích Ngọc vang lên trong ánh lửa rừng Buôn Mê hay trong những hội hè, đám cưới con cháu Đông Giang. Tôi đã nhìn thấy Thùy nhảy múa hồn nhiên trong đêm hội hóa trang ở Cù Lao Chàm, khi quanh em muôn trùng sóng vỗ. Những con sóng bây giờ không tội tình như con sóng trên dòng sông xưa. Sóng bây giờ dịu êm, vỗ về những đứa con sau bao năm lạc loài trở về với suối nguồn Đông Giang yêu thương. Sóng bây giờ cũng sẽ đưa em vượt trùng dương để trùng phùng với những đứa con lâu ngày xa cách. Vài ngày nữa thôi là em đã rời xa xứ sở của mình, xa mảnh đất quê hương đầy nỗi thống khổ nhưng cũng thấm đẫm ân tình. Tôi tin em, người con gái Đông Giang đã qua bão giông sẽ có đủ nghị lực vững vàng bước tiếp. Chân cứng đá mềm, an bình và hạnh phúc nhé em!

Nhiều năm nữa trôi qua, những câu chuyện về những người con gái Đông Giang sẽ chỉ còn là những câu chuyện cũ.
Mỗi câu chuyện sẽ là một mảnh vỡ của quá khứ. Mỗi mảnh vỡ đều thấm đẫm bao trạng thái cảm xúc. Ghép những mảnh vỡ ấy lại, có thể nhìn thấy chân dung những người con gái Đông Giang một thời: Dù có thế nào, dẫu có khổ đau tuyệt vọng đến chừng nào, họ sẽ luôn muốn cất lên lời tụng ca cuộc sống: Tôi đã từng khổ đau thất vọng. Đã từng biết đến chết chóc. Nhưng tôi rất sung sướng rằng: Tôi đã ở trong cuộc đời mênh mông này.

Hà Lệ Hà K8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét