Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

ĐẶC SAN 50 NĂM - TRƯỜNG CŨ

Hồng Nguyên Quang

Năm 1998, sau khi về hưu, vợ chồng chúng tôi dẫn theo hai đứa con trai về thăm quê hương, chủ ý cho chúng nó biết Việt Nam, quê cha đất tổ như thế nào, đồng thời thăm mộ của ông nội ở Sài gòn và mộ bà nội ở Lệ Thủy, Quảng Bình .
Sài gòn thay đổi rất nhiều từ đường sá, nhà cửa cho đến dân cư, nhưng khi đến Huế thì khác hẳn, Huế vẫn như xưa. Huế đang độ vào hè cho nên rất nóng, mồ hôi ướt cả cổ áo. Vào thành nội xem xong các cung điện nhà vua, chúng tôi đi dạo dọc theo bờ thành nội, dưới những tàng cây bóng mát có rất nhiều những sạp hàng bán đồ kỷ niệm. Đang nhìn ngắm các món hàng, các con tôi bỗng giật mình vì tiếng ve rộ lên nghe quá lớn. Tôi tìm một con ve đang đậu trên cành và chỉ cho chúng nó xem:
- Chính con này kêu, không phải chỉ một con này mà có rất nhiều con trên các cành cây chung quanh cùng kêu lên một lượt nên mình nghe râm rang như một bản hợp tấu. Ba Mạ ngày xưa học ở đây, nghe điệu nhạc này thường xuyên mỗi khi hè đến, các con mới nghe lần đầu cho nên lấy làm lạ và thú vị.


Ra khỏi cửa thành Thượng Tứ, hai bên là hồ sen. Hoa sen nở đầy hồ. Các con tôi đứng trên cầu chụp hình, tôi nghĩ trước khi rời Huế cần phải mua một ít hạt sen Tịnh Tâm có tiếng là ngon, thơm. Dọc theo con đường Thượng Tứ, tôi chỉ cho các con tôi xem nhà của ông bà ngoại xưa kia, gần quán Lạc Thành.
Dòng sông Hương hiện ra trước mắt, bên trái phía xa là cầu Tràng Tiền. Chúng tôi cho xe chạy qua bên kia sông thăm lại trường cũ
. Nhìn qua bên kia đường, phía tay phải của tôi là trường Quốc Học, phía trái là trường Đồng Khánh. Trường Khải Định tôi học là một nửa của trường Đồng Khánh. Trường không có gì thay đổi, cửa đóng. Sau lưng tôi là công viên nhìn ra sông Hương, có một chút thay đổi có lẻ là có thêm cây cối và các ghế đá.
Tại đây, nơi tấm đá được kê lên cao đằng kia, tôi còn hình dung rõ ngày ấy Tạ Ký ngồi xổm dưới đất, đang ngâm bài thơ của nó vừa mới làm xong, trước mặt nó là môt quyển vở học trò, tay cầm bút chì đánh dấu những chữ nó không vừa ý. Một số anh em ngồi quanh trước mặt Tạ Ký, Dương diên Nghị và tôi đứng phía sau để nghe. Trước khi vào lớp, Tạ Ký nhắn lại với anh em“ khi nào sửa xong, tao sẽ ngâm lại cho tụi bay nghe”

Bây giờ đây, đứng trước cổng trường Đồng Khánh, tôi không có một chút cảm xúc nào, nhìn trường cũ như nhìn một phong cảnh lạ, có lẻ tôi cho rằng đây chỉ là cái xác của trường, còn linh hồn và sinh khí của trường đã tản mác đi các nơi xa xôi, thỉnh thoảng tụ lại để khơi dậy niềm thương nỗi nhớ trong lòng người đi.

Hai năm sau (2001) trở về lại, tôi cũng có tâm trạng như cũ khi đứng trước cổng trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng vì lẽ năm nào ở Hoa Kỳ tôi cũng được gặp các bạn đồng nghiệp cũng như các cựu học sinh Phan Châu Trinh trong các dịp đại hội trường, liên trường. Ngược lại khi đứng trước cổng trường Đông Giang nay đã đổi tên Hoàng Hoa Thám, nhìn thấy các nam nữ học sinh trong đồng phục sơ mi trắng, áo dài màu xanh da trời đang ngồi đây đó trên các ghế đá trong sân trường, dưới bóng mát của các cây bạc hà, tôi thật sự bồi hồi xúc động mặc dầu cơ sở nhà trường vẫn hai dãy lầu không có gì thay đổi lắm. Duy chỉ có những cây bạc hà mà trước đây các em học sinh đã dâm, trồng, chăm lo săn sóc lúc bấy giờ cây chỉ cao ngang đầu gối, nay đã lớn cao đến tận mái lầu, một chứng tích đóng góp thân thương của tập thể học sinh tôi nhìn thấy hôm nay khiến lòng xao xuyến.
Tôi đứng đợi thật lâu để xem có ai quen vì tôi biết hãy còn rất nhiều giáo sư và học sinh trước kia còn ở lại , nhưng rồi không gặp ai cả.

Ở Hoa Kỳ, thỉnh thoảng tôi mới gặp các bạn đồng nghiệp như Nguyễn Ích Xuân, Nguyễn Bang, Võ Thị Cúc Hương, Phan Ái Phương, Trần Bích Hà, Trần Thu Hà, Lê Thị Hồng Khanh, Nguyễn Minh Huệ. Hôm nay đây tôi nóng lòng muốn gặp các bạn của trường Đông Giang vì chúng tôi đã xa cách nhau 26 năm rồi .

Trở về khách sạn, tôi cầm điện thoại muốn gọi ngay đến trường nhưng tôi vẫn cứ do dự không biết ai sẽ bắt điện thoại, quen hay lạ vì đây là cơ hội để hứa hẹn mở đầu cho một cuộc vui mà cũng có thể là một đánh dấu cho ngã rẽ âm thầm đi vào quên lãng…. Chuông điện thoai reo, tôi hồi hộp, chỉ sau hồi chuông thứ nhất đã có người cầm máy lên, tôi mừng và tự giới thiệu, lập tức bên kia đầu giây đã có tiếng reo mừng rỡ, nghe giọng quen thuộc, tôi nhận ra ngay là cô Nguyễn Thị Sáu, người thư ký của trường .
Thời gian về của mấy cha con tôi, đâu đó đã có chương trình, tôi cứ nghĩ rằng đâu có dễ dàng gì trong một ngày, một buổi các bạn bè làm sao để có thể có cùng thuận tiện một lúc cho tôi được gặp nhưng thật không ngờ độ đâu một giờ sau chúng tôi đều có mặt tại nhà của Mai Cư, người học trò cũ kỳ cựu của Đông Giang và là đương kim Hiệu trưởng Đông Giang - Hoàng Hoa Thám. Tất cả đề nghị đưa tôi đi thăm lại trường cũ. Mai Cư chở tôi bằng xe gắn máy, tôi phải ôm chặt eo lưng của Mai Cư vì sợ bị rớt dọc đường. Chúng tôi vào phòng Hiệu đoàn, trong đó còn hiện diện nhiều hình ảnh sinh hoạt của trường trước bảy lăm, tôi rất cảm động và thầm cám ơn sự trân quý tồn tại này. Mai Cư đã tặng cho tôi một Tập san Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường.

Trường thành lập từ năm 1963, phát triển dần đến năm 1975 gồm 10 lớp Đệ Thất, 10 Đệ Lục, 10 Đệ Ngũ, 10 Đệ Tứ, 6 lớp Đệ Tam A, 6 Đệ Tam B, 1 Đệ Tam C, dự định mở thêm cho niên khóa 75-76 4 lớp đệ Nhị A, 4 Đệ Nhị B, 1 Đệ Nhị C.
Toàn bộ cơ sở nhà trường từ trước được xây dựng bằng ngân sách của Trung ương, Bộ Giáo dục và một phần thật đáng kể thuộc nổ lực đóng góp của Phụ huynh học sinh, còn chính quyền địa phương thì có phần hời hợt ít quan tâm qua mấy đời thị trưởng .

Buổi gặp gở không hẹn mà thành ngay tại nơi trường cũ ghi nhận sự tồn tại mối thiện cảm “tuy xa mà gần” trong lòng những ai đã một thời sinh hoạt chung dưới mái ấm Đông Giang .
Các giáo sư cũ: Bùi Kim Lân, Mai Cư, Hồ Ngọc Thanh, Đinh Văn Đạt, Lê Thị Em, Phạm Xuân Tú, Từ Lương Mỹ, Dương Thị Ngọc, Nguyễn Thị Lai, Lê Thị Ngọc Yến, Bùi Văn Phát, Nguyễn Xuân Hân, Phan Thị Hòa, Võ Chi, Lê Thân, Lê Văn Lương, Đoàn Trọng Cang, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Thị Sáu, Đặng Ngọc Phụng và ông cai trường Nguyễn Điểm đứng chụp hình chung với tôi trong sân trường.
Ông Điểm cho biết sau 75 không còn làm việc trong trường nữa, đi bán vế số dạo, chẳng may bị thương tật phải đi nạn. Ngoài ra có một số giáo sư khác không còn đi dạy, tìm công việc khác làm ăn.
Một bữa tiệc chia tay được tổ chức tại một quán ăn sát bờ sông Bạch Đằng Đà Nẵng, lúc đó tôi mới biết được các giáo sư có một quỷ tương tế riêng để giúp đỡ lẫn nhau, tôi rất mừng nhưng nhìn lại mình tự thấy xấu hổ vì chả đóng góp được gì cho anh chị em của trường sau năm 75 thế mà bây giờ tôi vẫn được hưởng những phút giây thân thương, ấm cúng như thế này. Thật vô cùng cảm mến, tôi xin cám ơn tất cả mọi người và cám ơn sự hiện hữu hai tiếng Đông Giang bên cạnh Hoàng Hoa Thám.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét