Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

ĐẶC SAN 50 NĂM - NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

Nguyễn Hồng Quang

Qua khúc rẽ, tôi đã thấy nó ngồi trên bục thềm của sở Bưu điện, tay đang cầm ổ bánh mì, chiếc xe đạp cũ kỹ màu xanh đậm dựa vào tường. Khi tôi đến gần, nó chẳng quay đầu nhìn tôi mà nhìn bầu trời trong xanh điểm một vài cụm mây trắng. Tôi lặng lẽ đem chiếc xe đạp của tôi dựa vào xe cuả nó, im lặng đứng nhìn vì tôi biết giờ phút này là lúc nó đang tận hưởng mùi vị ngon thơm của miếng bánh mì, nó đang lắng nghe âm thanh của vỏ bánh mì bị cắn vỡ, mắt lim dim quên tất cả những gì xảy ra chung quanh.
Ngự, tôi gọi tên nó đến lần thứ hai nó mới quay đầu lại nhìn tôi.
- Trên trời có gì thích thú mà tao thấy mầy cười?
- Tao cười vì tao thấy bầu trời trong xanh, hôm nay chắc nắng, áo quần tao giặt đêm qua sẽ mau khô, ngày mai có để mặc đi học. Tao cười vì tao đã đoán đúng, chỉ nghe tiếng xe đạp cót- két từ đằng xa là biết mầy sẽ đến, tao đã có bạn cùng ăn bánh mì cùng nói chuyện, bữa ăn sáng hôm nay tao cảm thấy càng ngon hơn.


- Biết tao đến mà mày vẫn làm bộ nhìn trời, nhìn đất?
- Ăn bánh mì mà nhìn mầy, có gì thích thú đâu. Nhìn chiếc xe rệp của mầy, nhìn mầy ăn mặc kiểu đó, chắc làm tao hết muốn ăn. Nói chơi thôi, đừng buồn, chạy qua bên đó mua ổ bánh mì mau lên kẻo hết, tau ăn chầm chậm chờ mầy.
Chúng tôi quen nhau từ năm Đệ Tam ở trường Khải định, càng thân hơn khi gặp nhau tại lò bánh mì Chaffanjon gần bưu điện, cùng ngồi ăn trên bục thềm bưu điện trong ngày chủ nhật, cùng một hoàn cảnh là đi dạy kèm tại tư gia để kiếm thêm tiền. Chúng tôi không hẹn mà gặp là cứ cuối tháng lãnh lương xong, chờ đến sáng chủ nhật mua bánh mì, một thứ cao lương mỹ vị của chúng tôi hằng tháng. Ngự tâm sự với tôi là quê nó ở Quảng trị, một tỉnh nhỏ ở phía bắc của thành phố Huế và nếu cuộc đời của nó chịu gắn liền với cha mẹ thì bây giờ nó đã là một điền chủ. Nó bảo tôi nhìn nó xem có giống là một học sinh hay là một anh nhà nông: mặt tau xương xẩu, tay nổi gân, da nám đen, tao không thể tin rằng tao cầm viết thay vì cầm cày.
Cái quyết định vào Huế tiếp tục học làm cho cha mẹ tao lo lắng, không biết bán hết ruộng đất có đủ cho tau ăn học đến nơi đến chốn hay không. Cha mẹ tao không thể cầm cự được lâu vì đời sống ở tỉnh lớn tốn kém quá nhiều. Do đó ngay khi bước chân đến Huế, tao cốt tìm cho ra một chân dạy kèm tại tư gia kiếm miếng cơm và một ít tiền tiêu. Chắc mầy cũng biết tụi mình cuối năm mà bị ở lại lớp, không những mất một năm học mà còn phải vật lộn với cuộc sống hao tiền tốn của thêm một năm nữa.
Tao buồn nhất là mỗi tháng điểm số và vị thứ của tao bị sụt chỉ vì môn Hán tự, khi nào trả bài tao thường lảnh điêm 1, hoặc 2, đôi khi cái trứng lộn. Ngự bỗng cười chua chát:
- Nếu đươc quả trứng thật thì tao cũng được một bữa cơm ngon miệng, nhưng quả trứng này làm tao đắng cả miệng, ăn cơm không thấy ngon.
Mầy nhìn tao như vậy, chắc là mầy cho tao nhác học chứ gì. Không hiểu sao mỗi lần nhìn mấy chữ Hán, làm tao hoa cả mắt, nào phẩy, nào đá, nào gạch, bộ nầy với bộ kia, nhức cả cái đầu. Tuần nào cũng Mạnh tử viết, Khổng tử viết, Lý Bạch, Đỗ Phủ mà chẳng giúp được gì cho môn Quốc văn của tao cả .
- Hôm nay tao thấy mầy buồn buồn, mầy lại lảnh số không môn Hán tự phải không?
- Mầy đoán đúng chỉ có một nửa, một con số không và môt ngày đuổi học.
Vào những lúc này, tao thấy nhớ nhà kinh khủng. Hai năm rồi tao chưa về nhà, tao muốn dùng xe đạp về nhà thăm, cũng mất từ hai đến ba tiếng đồng hồ, nhưng tao sợ xe hư không có tiền sửa.
- Tao không hiểu vì sao thầy xử phạt mày nặng như vậy.
- Ba lần bị bắt quả tang gian lận, một lần cảnh cáo nhưng vẫn phạm lỗi tiếp.
- Tao biết tao đáng bị phạt như vậy. Lần thứ nhất, tao cóp bài của thằng bạn ngồi bên cạnh. Có một chữ nhiều nét, mắt tao lại cận thị, tao đành kéo vở của nó lại gần xem cho rõ, bị thầy bắt quả tang. Hai thằng đều lảnh số không. Từ đó nó không cho tao cóp bài nữa.
Nhét chữ vào đầu không vô, tao phải tìm cách gian lận. Lật vở để dưới bàn, rồi cứ kéo vào kéo ra để chép, để vẽ. Thằng ngồi phía trước tao một bàn cũng làm như vậy mà bị bắt. Tao phải bỏ cách làm đó vì thầy đã biết rồi.
Lần thứ nhì, tao viết bài trên mặt bàn học. Mầy cũng biết bàn học của trường đâu có cái nào mới, mặt bàn màu nâu đậm, chữ viết trên bàn chằng chịt lấp kín hầu hết cả mặt bàn. Tao phải dùng viết ghi thật đậm mới thấy được. Xui cho tao hôm đó, ngoài trời mưa, mây kéo đen cả bầu trời, đèn trong lớp không đủ sáng, tao phải cúi thật sát bàn để nhìn chữ cho rõ đến nỗi thầy đứng sát bên hồi nào tao cũng không biết. Thế là bị bắt quả tang, lần này bị số không và cảnh cáo. Tao đâm ra hận giờ Hán tự.
Tôi nói đùa với nó để cho nó bớt buồn:
- Tao thấy tụi mình nên bỏ học đi học nghề làm bánh mì pháp, mai sau sẽ giàu to. Tụi nó làm bánh mì ngon thật, mày thấy không, bỏ một miếng bánh mì vào miệng, vỏ bánh mì giòn tan vở ra từng mảnh nhỏ, âm thanh rộn rã cọng thêm ruột bánh mì tan trên đầu lưỡi, chất mặn vừa phải bắt người ta ăn tiếp mới đả them.… Ngự cắt ngang lời nói của tôi.
- Tao biết mày muốn an ủi tao, nhưng tao khuyên mày nên bỏ cái ý nghĩ điên khùng của mầy đi. Tụi mình vào Huế để học chữ chứ không phải để học nghề làm bánh mì. Tao bị phạt nhưng chưa đến độ chán nản phải bỏ học. Buồn thì có buồn, tao sợ bị ở lại lớp chỉ vì một môn học phụ thì oan quá. Tao còn buồn vì thầy có chút thiên vị, tụi con gái ngồi ở bàn đầu cóp bài như điên mà không có ai bị phạt, mình là học trò đâu có dám nói gì.
- Bỏ đi Ngự, mầy buồn, mầy tức, mầy hay nói bậy. Thôi kể cho tao nghe tiếp câu chuyện của mầy, làm thế nào mà mầy bị bắt lần thứ ba.
-Kỳ này tao sửa soạn rất kỹ. Tao cắt giấy thành từng dung nhỏ, bề rộng bằng 1/3 đốt ngón tay, dán chắp vào với nhau, dài như một cái thước giây, chép vào đó từng chữ của bài học rồi cuộn lại. Đến giờ Hán tự, tao chỉ có việc bỏ cuộn giấy này vào lòng bàn tay nắm chặt lại. Chữ đầu tiên, tao kẹp vào hai ngón tay cái và trỏ, cứ thế tao kéo giấy ra một chút vừa đủ lòi một chữ , bắt đầu chép, chép xong chữ ấy rồi chỉ có việc xé khúc đó đi vứt nhẹ nhõm.
Nhìn lên các ghế trên, tao thấy tụi nó còn loay hoay viết, có đứa đang cắn bút suy nghĩ, tìm cách liếc qua bên cạnh. Tự nhiên cao hứng tao muốn giúp nó, tao cúi xuống ghế lượm mảnh giấy đã xé, bỏ vào bàn tay và thổi thật mạnh cho mảnh giấy bay lên bàn của nó. Đúng lúc đó ông thầy đi xuống đến gần bàn nó, thấy mảnh giấy chao qua chao lại rồi từ từ rơi xuống đất. Thầy cúi xuống lượm lên, nhìn thấy có chữ của bài học kiểm soát hôm nay, thầy kêu tao lên bàn thầy, đem theo tờ giấy làm bài của tao, so sánh nét chữ đúng là của tao. Tao đành thú thật vì nếu để thầy xuống bàn kiểm soát cũng không thoát vả lại những mảnh giấy nhỏ đang còn nằm ngổn ngang đầy dưới bàn, dưới ghế. Đây là lần thứ ba bị bắt quả tang, tao lảnh con số không và bị đuổi học một ngày .
Ngự lim dim nhìn lên trời , gật gật cái đầu nói tiếp:
- Tao nghe mấy thầy nói sau kỳ thi Đệ nhất Lục cá nguyệt, có một số môn học đổi thầy dạy, trong đó có môn Hán tự. Nếu đúng như vậy, lần nầy có kinh nghiệm tao phải cẩn thận hơn.
- Những mảnh giấy nhỏ ở dưới bàn, dưới ghế làm sao qua mắt được thầy, không lần nầy cũng lần khác thế nào rồi mầy cũng bị bắt quả tang gian lận thôi.
- Không thể. Cứ mỗi lần xé bỏ một chữ, tao chỉ có việc bỏ vào miệng nhai và nuốt, thế là hết.
Mai sau nếu có vào Sài gòn học, tao sẽ không bao giờ bước chân đến Chợ lớn, nhìn thấy những chữ Hán trên bảng quảng cáo, trên các cửa tiệm, tao đã thấy chóng mặt. Ghét chữ Hán, tao ghét luôn mấy chú Ba Tàu Chợ lớn, nhưng “ghét của nào trời trao của ấy”, tao lại là bạn thân của thằng chệt như mày, phải không xếnh xáng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét