Biết bao nhiêu lối mòn ngang dọc. Biết bao nhiêu lứa học trò đã đi qua. Biết bao nhiêu dặm dài làm nghề chèo đò. Và qua bao nhiêu năm tháng, vẫn cứ cần mẫn với mái chèo trong lòng đời mông mênh... Vai xiêu, lưng mỏi, tóc luống sương chiều. Ôi, cái nghiệp dĩ của tôi. Làm sao tôi nhớ hết bao nhiêu học trò đã từng đi qua cửa ngỏ? Cho nên, chắc các em cũng không nỡ giận tôi, khi thỉnh thoảng, thấy tôi ngơ ngơ ngác ngác trước một vài đứa học trò cao lớn tần ngần cười ti toe trước mặt tôi, tự xưng là học trò cũ của tôi. Rồi cười cười như muốn thách đố với cái trí nhớ chết tiệt của tôi …Còn tôi, miệng cứ ậm à ậm ực hoãn binh, chờ trong trí nhớ của mình tái hiện lại hình ảnh quen thuộc nào đó. Nhưng thiệt tình!... Vậy đó, dù tôi nhớ ra hay không nhớ ra, thì bọn chúng cứ “Đến hẹn lại lên”, cứ ào đến với tôi trong những ngày chớm lạnh của tháng mười một. Tôi cho đó là điều hạnh phúc nhất của tôi, trong suốt một đời làm cô giáo.
Nhưng không hiểu sao, mỗi lần vào thời điểm này, trong tôi lại nghe mình chùng xuống thật sâu. Kí ức mơ hồ xa xưa chợt len bước trở về. Một cảm giác xốn xang khi tôi chợt nghĩ: Tôi mới chỉ ở cương vị của người thầy, người cô. Còn cương vị làm học trò thì sao đây? Nhiều năm lắm rồi, tôi muốn làm một cái gì đó để nói lên nỗi lòng của mình, muốn làm được những điều như biết bao nhiêu học sinh cũ đã làm với tôi. Nhưng rồi, tôi lại thất hứa với chính mình, Dù là chỉ là hứa với mình để không thấy mình lỗi đạo với những người thầy, người cô kính yêu của mình trong cả khoảng đời đi học. Tôi đã làm cô giáo, tôi hiểu rõ điều đó hơn ai hết về cái mà người đời thường gọi là: Đạo làm người. Chính những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đã được thầy cô ươm mầm ngay từ khi mới bước chân đến trường. Đã hơn bốn mươi năm rồi, tôi vẫn còn nhớ bài học Đức Dục đầu tiên tôi được học với thầy Tùng, khi tôi mới vào học lớp Tư ở Trường Tiểu học cộng đồng An Hải – Bài học là câu chuyện kể về Những hạt đậu. Một người muốn tu dưỡng tính tình bằng cách sắm hai chiếc lọ. Mỗi lần làm một điều tốt bỏ vào lọ một hạt đậu đỏ. Còn như làm những việc làm xấu thì bỏ vào lọ kia một hạt đậu đen. Chính những hạt đậu tương phản trong bài học Đức Dục thời thơ ấu ngày nào, đã theo tôi cho mãi đến bây giờ. Tôi đã mang theo suốt quãng đời làm cô giáo để gieo trồng trong tâm hồn học trò của tôi những điều tốt đẹp.. Nhưng với tôi, thì vẫn còn thiếu một hạt đậu đỏ trong lọ. Có lẽ đó là điều mà tôi mang nặng bấy lâu nay. Và cũng như học trò của tôi, tôi muốn được quay về với kí ức tuổi thơ. Tôi muốn được cởi bỏ lớp áo làm thầy, làm cô. Tôi muốn quay về làm học trò, được nhớ về thầy cô trong nỗi nhớ thật gần. Dù hôm nay, đã xa lắm rồi….
Nhớ lắm, thời mới đi học. Và có lẽ nhớ nhiều hơn nữa xa khi đã ở vào cái tuổi “Tri thiên mệnh”. Thầy cô vẫn là hình ảnh thật đẹp đẽ và cao cả trong tim tôi. Thời Tiểu học, thầy cô quả là thần tượng số một. Thầy Tùng với cái dáng gầy gầy khắc khổ dạy lớp Tư được mấy tháng rồi chuyển sang cô Thông. Học lớp Ba với cô Cường một thời gian ngắn rồi chuyển sang học với cô Cúc. Cô Lâm Xuân Phong dạy lớp Nhì (sau này vào học Trường Đông Giang mới biết cô là em gái của thầy Hiệu Trưởng Lâm Sĩ Hồng). Đến lớp Nhất học với thầy Nguyễn Đăng Phò. Thầy Phò rất thương học trò nhưng cũng rất nghiêm khắc. Sợ thầy, và nhất là sợ thi rớt Đệ Thất nên đứa nào cũng học thuộc bài ro ro trước khi đên lớp. Nhờ vậy, mà bây giờ tôi còn nhớ rất nhiều bài học thuộc lòng trong quyển Quốc Văn Toàn Thư và quyển Quốc Văn toàn tập lớp Nhất. Những bài học như : Chuyến đi dài, có những câu nằm lòng, không sao quên được:
“Thời niên thiếu vốn giàu mơ lắm ước
Tôi đã nuôi trong trí chuyến đi dài
Biết bao giờ cho thỏa được lòng trai
Chân bé quá không mang hài vạn dặm…”
Hay trong bài Giờ Quốc sử có những câu thơ rất giàu hình ảnh “Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc ruộng đồng quê
Chúng tôi ngồi im lặng lắng tai nghe,
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ Quốc sử…”
Lúc ấy, tụi tôi thích nhất là bài: Sài Gòn, nên cứ ê a đọc suốt ngày:
“Sài Gòn có bến Chương Dương
Có Đài Chiến sĩ, có đường Tự Do
Có Chợ Muối, có Cầu Kho
Bến xe lục tỉnh, con đò Thủ Thiêm
Có ô tô buýt khắp miền
Vườn chơi có Thảo Cầm Viên Tao Đàn…”
Thời Tiểu học ngây ngô với biết bao kỉ niệm. Nhưng nhớ nhiều nhất là cô Phong. Đến bây giờ tôi vẫn còn hình dung rất rõ về cô. Cô có dáng người tròn trịa, da trắng hồng, với mái tóc cắt ngắn ôm sát gáy. Giọng nói của cô thật ấm áp. Nhớ cuối năm lớp Nhì, lớp có tổ chức liên hoan chia tay. Cả lớp xung phong lên hát hò thật vui vẻ. Có bạn hát “Ba tháng tạ từ”, có bạn thì hát “Hè về”. Cô biết tôi rất thích hát nên gọi tôi lên hát một bài. Rất nhanh nhẹn, tôi xung phong đứng lên và xin hát ngay. Đó là bài “Một người đi.” Cô có vẻ hơi ngạc nhiên một chút. Thấy tôi ngơ ngác, cô cười rồi xoa đầu tôi và bảo: “Không có gì đâu, em cứ hát đi !” Tôi hát một cách say sưa, không một chút e dè “ Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm. Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim..” Trời đất, sau này tôi mới biết. Đó là bài hát của người lớn (con nít mới mười tuổi làm sao phân biệt được lớn – nhỏ). Vì sợ tôi cụt hứng, nên cô đã khuyến khích tôi cứ hát…Chính vì cô đã là tấm chắn cho tôi tự tin ngay từ lúc còn thơ ấu, nên đã hơn bốn mươi năm rồi, tôi vẫn mãi nhớ về cô. Nhân cách của cô Phong, cũng như bài Đức Dục đầu tiên của Thầy Tùng chính là những bài học Vỡ Lòng cho tôi về cách làm người.
Giã từ thời Tiểu học, bạn bè thời thơ dại cũng dần dần tản mát. Một số bạn thì gặp lại và học cùng lớp trên Trung học ( Ngô Thị Thuận, Khánh Bình, Phan Thị Lê…). Còn một số bạn thân thiết khác từ đó đến nay không một lần gặp lại (như: một Minh Hòa – dân Bắc 54 ở Sơn Trà - dễ thương láu lỉnh, một Lan Anh hiền lành như nai tơ – trước đây ở khu Gia Binh trước Trường An Hải, một Tuyết Nhung vui vẻ tốt bụng…). Tất cả đã xa xôi từ đó và cũng chẳng biết phiêu bạt về đâu ? Không có dịp quay lại trường cũ , nên cũng không có dịp gặp lại thầy cô xưa. Ơi những người Thầy, người Cô đáng kính ngày nào. Sau những biến động của cuộc sống, không biết bây giờ ở nơi nào. Chắc gì Thầy cô còn nhớ đến tôi ? (như tôi đã từng quên bén đi học trò cũ của mình). Trong quãng thời gian hơn bốn mươi năm qua, tôi đã chưa được một lần nghiêng mình, vòng tay, cúi đầu chào Thầy Cô như những học sinh cũ của tôi đã làm với tôi. Ân hận lắm thầy cô ơi!
Sau khi thi đậu Đệ Thất, niên khóa 1971 – 1972 tôi được vào học Trường Đông Giang. Ngôi trường nằm chênh vênh trên vùng đất trống. Với cát, với nắng, với gió, với tiếng sóng biển quanh năm rì rầm. Lúc bấy giờ không còn gọi là lớp Đệ Thất hay Đệ lục..nữa mà chuyển thành hệ thống giáo dục mới với tên gọi lớp Sáu, lớp Bảy… Năm ấy, Trường Đông Giang mở 10 lớp Sáu. Tôi được học lớp 6F . Bỡ ngỡ nhiều, vì cái gì cũng mới lạ. Không giống như ở Tiểu học, tôi được học với nhiều thầy cô. Ở Trường mới, thầy cô nào cũng xa lạ , nghiêm nghị …Ngày đầu tiên xếp lớp, tôi quen ngay với Kiển, cô bạn gái nhỏ nhắn với mái tóc dài, mang chiếc khăn tang khi đến trường. (được biết ba của Kiển tử trận trong chiến tranh). Sự đồng cảm đã kết nối nhanh tình bạn thân thiết của chúng tôi. Tôi còn nhớ, trong những ngày đầu mới quen nhau, tôi và Kiển rủ nhau ra nhà bác cai trường (Bác Điểm) ăn hàng. Đi ngang qua phòng Tổng Giám Thị (phòng của thầy Nguyễn Bang làm việc). Hình như thầy đang phân xử hai nam sinh phạm lỗi thì phải? Tôi và Kiển tò mò ghé mắt vào. Thầy Bang mặc binh phục, dáng người oai nghiêm nhưng ánh mắt thì rất hiền từ và đôn hậu vô cùng. Tôi nghe thầy hỏi một người: Em có muốn người khác làm vấy mực áo em không ? – Lúc này, tôi mới để ý một trong hai người mặc chiếc áo trắng bị những vết mực xanh vấy bẩn. Tôi nghe người ấy đáp lí nhí trong miệng: Thưa thầy! không ạ …Giọng của thầy Bang thật ôn hòa và đầm ấm: Nếu em không muốn người khác làm vấy bẩn áo mình, thì em đừng làm bẩn áo người khác nhé! Người học trò chớp mắt cúi đầu …- Có lẽ, bài học đầu tiên tôi học được ở ngôi trường Đông Giang, từ thầy Tống Giám Thị - quan điểm: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.” Bài học này theo tôi suốt cả quãng đời dài và cho mãi đến hôm nay. Chắc rằng thầy chẳng bao giờ biết tôi. Nhưng với tôi, thầy mãi mãi là người thầy vĩ đại nhất trong phương cách giáo dục đạo đức cho học sinh.
Sau này, dần dần, tôi đã quen với cách tự học độc lập, không còn dựa dẫm vào thầy cô như ở thời Tiểu học. Lớp Sáu được thầy Đặng Ngọc Phụng dạy Việt Văn và cũng là giáo sư hướng dẫn của lớp (hồi đó thầy cô dạy Trung Học gọi là Giáo Sư). Nhà thầy ở Sơn Trà. Thỉnh thoảng, chúng tôi rủ nhau leo lên xe lam xuống nhà thầy hái ổi, bẻ mía, phá phách đủ thứ. Thầy rất vui tính và thương học trò nên chắng bao giờ mắng lũ học trò nghịch ngợm này cả. Sau này, khi thầy qua đời, tôi công tác ở xa. Bạn bè chẳng liên lạc được. Lại thêm nặng lòng, khi chưa được thắp cho thầy một nén hương.
Năm lớp bảy, Thầy Quyền dạy sử địa làm giáo sư hướng dẫn. Thầy là giáo sư còn trẻ nên rất nhiệt tình với học sinh. Tôi nhớ, năm đó Trường Đông Giang tổ chức thi Văn nghệ. Mấy đứa nữ lớp tôi tập bài múa Dựng một mùa hoa. Trang phục có rồi, nhưng hoa cầm tay chưa có. Giờ thi đã bắt đầu rồi. Mấy tiết mục của các lớp đàn anh, đàn chị biểu diễn thật sôi nổi: Tốp ca Thương quá Việt Nam của lớp Tám, Múa Chiều lên Bản Thượng của lớp chín, Phan Hồ Duyên với Xin Trả tôi về, Lưu Thị Ngọc với Đường xưa lối cũ, chị Bích Hà với Gọi tên bốn mùa v.v…Tụi tôi gần rớt nước mắt. Thấy vậy, thầy Quyền liền nói: Thôi, để thầy đi mua hoa cho, tụi bay ở đó chờ nghe! Nói xong, thầy dông xe chạy tuốt qua chợ Vườn Hoa. Chưa đầy nửa giờ, thầy mạng về cho tụi tôi mấy chục hoa huệ trắng. Hú vía, vừa đúng lúc tiết mục của lớp tôi lên biểu diễn…Sau này, trên đường đi dạy, thỉnh thoảng tôi có gặp lại thầy, được biết thầy đã về dạy ở Trường Lê Độ, rồi chuyển về Trường Phan Bội Châu. Hiện giờ nghe nói thầy đã xuất cảnh. Thầy ơi, khi họp lớp cũ, tụi em vẫn nhắc đến thầy mãi…Sang đến năm lớp Tám, nhiều thầy cô đã để lại cho tôi biết bao nhiêu ấn tượng tốt đẹp và lòng kính yêu: thầy Nguyễn Ba dạy toán, cô Hoàng Sy Vinh dạy Quốc Văn, thầy Hồ Ngọc Thanh dạy Anh Văn, thầy Tú dạy Lý – Hóa. Tôi học giỏi môn Anh Văn và Việt Văn nên được thầy Thanh, cô Vinh, cô Lê Thị Kim Huê rất thương.
Niên khóa 1974 – 1975, tôi đang học lớp 9F. Lúc này chiến cuộc xảy ra cận kề hơn và căng thẳng. Mùa xuân sắp đến rồi, nhưng ngoài khuôn viên của trường học dường như đang ẩn chứa bao điều lo lắng. Mặc dù vậy, các thầy cô trong trường vẫn sôi nổi trong các hoạt động chuẩn bị đón xuân về. Năm ấy, lớp tôi được cô Nguyễn Thị Hồng – một giáo sư Việt Văn trẻ mới ra trường phụ trách hướng dẫn. Cô chính là nguồn động lực rất lớn giúp tôi biết định hướng được cuộc sống sau này của mình. Tôi là con bé rất thích đàn ca, sáo thổi . Vậy mà Trưởng ban Văn nghệ lại giao cho Nguyễn Văn Toàn lớp tôi. Còn tôi, thì cô Hồng bắt nhận làm Trưởng ban báo chí của lớp. Nhà trường triệu tập Trưởng ban Báo Chí của các lớp họp lại, để phổ biến kế hoạch ra Tập Đặc San của Trường mừng Xuân Ất Mão - 1975. Chủ tọa cuộc họp bây giờ là cô Đoàn Thị Nhỏ - Trưởng Ban Báo chí toàn trường. Chính vì cái công việc bất đắc dĩ này, tôi được gặp cô Nhỏ. Cô dạy Văn lớp mấy anh chị đệ nhị cấp chứ không dạy lớp tôi, nhưng tôi kính yêu và nhớ đến cô rất nhiều . Cô có vóc dáng vừa tầm. Mái tóc đen và mềm mại dài xuống quá lưng. Mỗi lần nhìn thấy cô thướt tha trên hành lang, tụi học sinh nữ của chúng tôi nhìn theo xuýt xoa mãi. Sau này, nhỏ Thuận lớp tôi cũng có mái tóc dài hệt cô Nhỏ. Tụi tôi gọi đùa Thuận “cô Nhỏ của lớp mình”.
Để có bài viết nộp cho Ban Báo Chí nhà trường, tôi liền nghĩ ra cách làm một bài phóng sự đặc biệt dành cho các Thầy cô giáo trong trường. Tôi gặp một số thầy cô và xin các thầy cô cho biết “Cảm tưởng của mình về mùa xuân” sắp đến. Mỗi người một ý tưởng, mỗi người một suy nghĩ. Những ý tưởng thật cảm xúc và sâu sắc vô cùng. Ngày ấy, tôi rất hãnh diện vì có những thầy cô không trực tiếp dạy mình, nhưng được các thầy cô nhiệt tình ủng hộ cho bài phóng sự của tôi. Một số thầy cô trả lời trực tiếp, còn một số thầy cô khá bận rộn nên ghi cảm nghĩ của mình trên trang giấy và gởi cho tôi như: Thầy Hồ Ngọc Thanh, thầy Trịnh Xuân Lộc (thầy Lộc là giáo viên mới về trường trong niên khóa 1974 – 1975) dạy Sử – Địa lớp tôi, cô Lê Thị Kim Huê, cô Nguyễn Thị Hồng, cô Đoàn Thị Nhỏ, cô Bích Hà, thầy Quang…
Những bài viết của các thầy cô gởi cho tôi ngày ấy, tôi rất trân trọng và giữ gìn như báu vật của mình trong suốt cả khoảng đời làm học trò và ngay cả khi tôi đã ra đời làm cô giáo. Nhưng rồi thời gian qua đi, cộng theo những biến động khắc nghiệt của cuộc sống. Tôi đành chịu lỗi thầm với tất cả thầy cô, khi không lưu giữ được trọn vẹn những kỉ vật ngày xưa ấy. Sau mấy mươi năm dài, tôi chỉ còn giữ lại được bút tích của cô Đoàn Thị Nhỏ mà thôi. Có lẽ cô đã không còn nhớ “Cô phóng viên nhỏ ” ngày nào. Nhưng với tôi , hình ảnh của cô vẫn còn in đậm cho tới bây giờ
Sau năm 1975, Trường Đông Giang đổi tên thành Trường Hoàng Hoa Thám. Tôi còn học thêm mấy năm nữa. Trường xưa còn đó, nhưng một số bạn bè thân thiết và thầy cô kính yêu ngày nào đã ra đi và không trở lại nữa. Những năm tháng sau này, khi có dịp đi ngang qua trường xưa, nhìn thấy hàng bạc hà đong đưa trong gió, nhìn những giọt nắng chiều chạy đuổi nhau trên những mảng tường vôi màu vàng mơ dĩ vãng, lòng tôi có một chút cảm giác hụt hẫng, chơi vơi… Nhớ kỉ niệm một thời, nhớ bạn bè xưa cũ, nhớ thầy cô biết mấy, thầy cô ơi!
Tuổi học trò đã qua đi lâu rồi, Tôi chưa một lần có cơ hội để bày tỏ nỗi lòng của mình đối với những người đã gieo hạt mầm mơ ước trong tâm hồn tôi. Và như một định số, đã hơn ba mươi năm tôi lại là người đứng trên bục giảng. Tôi đã trải nghiệm được những buồn vui trong cuộc sống. Tôi đã hiểu thế nào là người đưa đò. Tôi đã hiểu thế nào là sự đứng lại. Tôi đã hiểu thế nào là lối hẹp của những người chỉ biết cho hơn là biết nhận. Tôi đã hiểu được lòng thầy cô qua cửa ngỏ của lòng tôi.
“Có một lối hẹp giữa hai dãy bàn mà thầy đi suốt một đời không hết” Và hôm nay, viết được cho thầy cô giáo là niềm hạnh phúc nhất của đời tôi. Đây cũng chính là sự bày tỏ, lòng tri ân sâu sắt nhất của tôi suốt mấy mươi năm đối với những người thầy, người cô mà tôi hằng kính yêu!
Nguyễn Linh Phượng K9
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét